Lực lượng Công an giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ

Thứ Hai, 03/09/2018, 09:38
Trong những ngày vừa qua, do mưa lớn kéo dài, cộng với việc các nhà máy thủy điện xả lũ khiến mực nước ở các sông trên địa bàn tỉnh dâng cao, gây sạt lở và ngập lụt nghiêm trọng ở các huyện dọc các tuyến sông Mã, sông Bưởi, sông Cầu Chày…

Do ảnh hưởng của mưa lũ, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã xảy ra 45 điểm ngập lụt, 29 điểm sạt lở trên 5 tuyến quốc lộ và 8 tuyến tỉnh lộ qua địa bàn các huyện Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát làm ách tắc giao thông. Nhiều tuyến bị sạt lở và ngập sâu trong nước khiến các phương tiện không thể lưu thông được. 

Đến 9h ngày 1-9, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã có 5 người chết và mất tích do sạt lở đất và bị lũ cuốn trôi. Mưa lũ đã làm hàng trăm ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn, hơn 5.000 nhà bị ngập sâu trong nước, gần 10.000 hộ dân đã buộc phải sơ tán đến nơi an toàn, khoảng 100 công sở, trường học đã bị nhấn chìm trong nước lũ.

Để giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ, trong suốt những ngày qua, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hoá đã huy động hơn 1.000 lượt CBCS Công an các huyện miền núi; lực lượng CSGT đường bộ, đường thủy, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát PCCC cùng nhiều ca nô, xuồng máy và các phương tiện, thiết bị, vật tư xuống các địa bàn bị ngập lụt, chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và lực lượng Công an cơ sở triển khai các phương án đảm bảo ANTT; tham gia hỗ trợ dân sơ tán, di rời tài sản đến nơi an toàn, phối hợp với các lực lượng tại chỗ tổ chức tìm kiếm, cứu nạn và giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ.

Cán bộ chiến sỹ Công an huyện Kỳ Sơn, Nghệ An giúp dân sửa chữa nhà cửa sau lũ.

Giám đốc Công an tỉnh đã thành lập các đoàn công tác do các đồng chí Phó Giám đốc làm trưởng đoàn trực tiếp đến các địa phương trọng điểm về lũ lụt để kiểm tra, chỉ đạo và đôn đốc lực lượng công an các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh triển khai các phương án đảm bảo ANTT, trật tự ATGT, hỗ trợ di dời người và tài sản đến nơi an toàn. Tính đến sáng ngày 1-9, lực lượng công an đã phối hợp sơ tán và di dời khoảng 5.000 hộ dân sinh sống ở khu vực nguy hiểm, ven sông suối, vùng trũng thấp, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất đến nơi an toàn

Riêng tại huyện Cẩm Thuỷ, do mưa to kéo dài và lượng nước từ đầu nguồn sông Mã đổ về đã khiến cho 13 xã, thị trấn trên địa bàn huyện bị ngập lụt, giao thông bị chia cắt, trong đó có nhiều tuyến bị cô lập hoàn toàn. 

Để giúp nhân dân hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do mưa lũ gây ra, trong các ngày từ 30-8 đến mùng 1-9, Công an huyện Cẩm Thủy và lực lượng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh đã huy động hàng trăm lượt cán bộ, chiến sỹ sử dụng ca nô, xuồng máy trực tiếp xuống địa bàn các xã bị ngập lụt phối hợp cùng chính quyền địa phương và các lực lượng tại chỗ giúp nhân dân sơ tán, di dời tài sản. 

Đến rạng sáng ngày 1-9, lực lượng Công an đã cứu hộ và sơ tán hơn 3.400 hộ dân bị nước lũ cô lập ở các xã Cẩm Lương, Cẩm Thành, Cẩm Thạch, Cẩm Bình, Cẩm Sơn đến nơi an toàn. Tại huyện Hậu Lộc, đến sáng 1-9, nước lũ từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập lụt tại 2 xã Phong Lộc và Quang Lộc khiến hàng trăm hộ dân phải sơ tán. 

Ngay trong sáng nay, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC và CHCN phối hợp với Công an huyện Hậu Lộc tăng cường thêm CBCS và ca nô khẩn trương triển khai các phương án di rời và sơ tán dân, nhất là những người già, trẻ em và phụ nữ trong vùng bị ngập lụt đến nơi an toàn.

* Những ngày vừa qua, do mưa lớn kết hợp với lũ từ thượng nguồn nước bạn Lào đổ về lớn và nhanh nên Thủy điện bản Vẽ (xã Yên Na, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) phải xả lũ ở mức kỷ lục. Các hồ thủy điện trên sông Cả đã đầy nước do ảnh hưởng của bão số 4 nên phải xả bằng lưu lượng đến hồ theo quy trình để đảm bảo an toàn công trình, gây ra một đợt lũ lớn, đặc biệt là các huyện ở thượng nguồn sông Cả như Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn...

Tại địa bàn huyện Tương Dương có hơn 150 hộ dân bị ngập, 5 nhà dân bị cuốn trôi ở bản Vẽ, xã Yên Na. Khu vực thị trấn Hòa Bình có 15 hộ dân bị ngập; hệ thống chiếu sáng của khu vực bờ kè sông Lam cuốn trôi theo lũ, trong khi Trường mầm non và UBND xã Thạch Giám chìm sâu trong nước. 

UBND huyện Tương Dương đã phối hợp với lực lượng Biên phòng, Công an và các lực lượng chức năng khác canh gác 24/24 tại các điểm ngập úng, không cho người và phương tiện qua lại. Đồng thời giám sát mực nước và yêu cầu các hộ dân ở vùng nguy cơ sạt lở di dời đến nơi an toàn. 

Tại huyện Con Cuông, một số nơi như xã Bồng Khê, Yên Khê đều ngập sâu. Người dân cho biết, nước dâng lên khá nhanh, tại một số vùng trũng trong xóm, nước ngập khoảng 3-4m. 

Đặc biệt, do việc xả lũ lớn cộng với nước từ thượng nguồn đổ về nhiều cũng khiến mố cầu Chôm Lôm (xã Lạng Khê, huyện Con Cuông) bị gãy đứt và đổ sập xuống sông vào khoảng 6h30 ngày 1-9. 

Đây là cây cầu bắc qua sông Lam, phục vụ đi lại cho khoảng 500 hộ dân, với trên 2.500 nhân khẩu của một số bản trong xã để ra quốc lộ 7, đến trung tâm xã và đến các xã khác trong huyện. UBND huyện Con Cuông, xã Lạng Khê đã huy động hàng trăm người, cùng phương tiện khắc phục sự cố để bảo vệ mố cầu, tuy nhiên việc bảo vệ an toàn mố cầu gặp khó khăn vì tính phức tạp của địa chất, trong khi nước lũ uy hiếp mạnh.

Công an huyện Cẩm Thuỷ giúp dân sơ tán đến nơi an toàn.

Hiện các phương án khắc phục đang được tiến hành. Huyện Kỳ Sơn cách thành phố Vinh 300km về phía Tây là địa phương nằm ở thượng nguồn hồ thủy điện Bản Vẽ, trong 2 ngày 31-8 và 1-9 lũ dâng đã làm hàng trăm hộ dân của các xã Mỹ Lý, Keng Đu bị ngập sâu. 

Nước dâng buộc người dân phải di dời khẩn cấp trong đêm, trong đó 40 nhà bị ngập nặng, 10 nhà phải tháo dỡ để di dời khẩn cấp. Trước tình hình này, huyện đã huy động nhân dân các xã lân cận, cùng các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng giúp dân chuyển đồ đạc đến nơi an toàn và bảo vệ người dân khỏi nguy hiểm đến tính mạng.

Công an huyện Kỳ Sơn cho biết, ngay khi nước bắt đầu rút, đơn vị đã huy động lực lượng, phương tiện phối hợp giúp dân khắc phục hậu quả, sửa chữa lại nhà cửa; thực hiện nước rút đến đâu dọn dẹp, vệ sinh môi trường đến đó. 

Bên cạnh đó bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại những khu vực bị sạt lở, ngầm, tràn, khu vực ngập sâu... để đảm bảo an toàn; không để người dân đi vớt củi, đánh bắt cá trên sông khi đang có lũ, bất cẩn để xảy ra tai nạn đáng tiếc. 

Đồng thời Công an huyện Kỳ Sơn cũng tiếp tục duy trì lực lượng ứng trực sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn, tổ chức cứu trợ khi có yêu cầu. Trước tình hình mưa lũ phức tạp, sáng 1-9, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã có công điện khẩn về công tác khắc phục hậu quả lũ lụt trên địa bàn một số huyện, thị xã.

Mưa lũ làm 17 người chết và mất tích

Theo báo cáo nhanh các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An, thiệt hại do mưa lũ tính đến sáng nay, có 11 người chết , trong đó Sơn La, Yên Bái, Lạng Sơn, Hòa Bình, mỗi tỉnh có 1 người chết, Thanh Hóa có 7 người. Hiện còn 6 mất tích chủ yếu ở Thanh Hóa và đã xác định danh tính của 2 người. 

Chính quyền địa phương đang tiếp tục xác minh 4 trường hợp còn lại. Mưa lũ làm 297 nhà bị sập đổ, thiệt hại trên 70%, 828 nhà phải di dời khẩn cấp. Về nông nghiệp có 3.978ha lúa, hoa màu, thiệt hại; hơn 192 con gia súc, 25.890 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.

Về thủy lợi, 620m kè và 6.174m kênh mương bị hư hỏng, thiệt hại. Các tuyến quốc lộ qua địa bàn các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Điện Biên, Thanh Hóa về cơ bản đã được thông xe. Tuy nhiên, các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, liên thôn, xã vẫn còn nhiều điểm bị ngập, ách tắc, chưa khắc phục được. 

Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương đã cử các đoàn xuống các khu vực bị ảnh hưởng để chỉ đạo các ban, ngành tổ chức di dời tài sản, giúp đỡ người dân khắc phục sự cố ổn định cuộc sống cho người dân. 

Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương, bộ, ban, ngành tiếp tục huy động lực lượng và phương tiện để khắc phục, thông tuyến các tuyến đường bị ách tắc, chia cắt do mưa lũ, sạt lở đất. 

Riêng các tỉnh Phú Thọ, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác hệ thống đê điều để kịp thời phát hiện sự cố, xử lý giờ đầu theo phương châm bốn tại chỗ, đảm bảo an toàn; tổ chức lực lượng kiểm tra, kịp thời sơ tán người dân tại các khu vực trũng thấp có nguy cơ ngập lụt. 

Các địa phương khu vực hạ du hồ Hòa Bình sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn dân cư, đê điều, công trình thủy lợi và các hoạt động trên sông khi hồ xả lũ.                                                        

PV

Lam Sơn - Quỳnh Vinh
.
.