Lập các tổ công tác đặc biệt kiên quyết xử lý vi phạm
- Đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa – Vận hội và thách thức
- Tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp Lễ, Tết
- Tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt
Ngay từ thời điểm này, hàng loạt phương án đảm bảo tuyệt đối an toàn giao thông (ATGT) phục vụ nhân dân, các sự kiện lớn của Thủ đô và đất nước sắp diễn ra như bầu cử Quốc hội khóa XIV, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp… đã được lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) triển khai. Ngày 8-4, phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT Hà Nội về vấn đề này.
Đại tá cho biết: Trong quý I, TNGT trên địa bàn thành phố giảm sâu cả 3 tiêu chí, chỉ xảy ra 348 vụ TNGT làm 141 người chết, 297 người bị thương (so với cùng kỳ năm 2015: giảm 81 vụ = 18,8%, giảm 12 người chết = 7,8 %, giảm 54 người bị thương). Cũng trong thời gian này, lực lượng CSGT đã xử lý 102.481 trường hợp vi phạm giao thông. Tạm giữ 3.661 phương tiện (gồm 343 ôtô, 3.147 môtô, 120 xe ba bánh, 51 phương tiện khác) và 39.270 bộ giấy tờ, tước giấy phép lái xe 6.223 trường hợp.
Những kết quả này đã được lãnh đạo cơ quan chức năng ghi nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, tôi cũng thừa nhận trật tự an toàn giao thông còn nhiều diễn biến phức tạp. Vì vậy, trong thời gian tới Phòng CSGT sẽ chủ động nắm tình hình, đảm bảo trật tự giao thông thông suốt, an toàn cho các hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế và nhân dân Thủ đô, điển hình là kỳ họp lần thứ 11 Quốc hội khóa XIII; Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021…
Đại tá Đào Vịnh Thắng. |
Bên cạnh đó, chúng tôi tham mưu cho Giám đốc CATP tổ chức họp với Công an các huyện trên tuyến, trục phía Nam và phía Tây Hà Nội, từ đó đưa ra các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh làm giảm TNGT. Phối hợp với Sở GTVT khảo sát, nghiên cứu tổ chức giao thông khoa học, hợp lý trên địa bàn thành phố.
Tiếp tục triển khai 100% lực lượng phối hợp với Công an các quận, huyện, thị xã tập trung điều hành, hướng dẫn giao thông tại 361 nút giao thông và 25 chốt trọng điểm có nữ Cảnh sát chỉ huy điều khiển giao thông; tăng cường tuần tra lưu động kịp thời giải quyết ùn tắc giao thông tại 17 tuyến quốc lộ, trục chính ra vào thành phố.
Đặc biệt, lực lượng CSGT tăng cường công tác tuần tra kiểm soát lưu động tập trung xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến TNGT và ùn tắc giao thông; lập các tổ công tác đặc biệt, đẩy mạnh công tác xử lý vi phạm thông qua hệ thống camera giám sát. Nâng cao hiệu quả 15 tổ công tác 141 mở rộng địa bàn khép kín thời gian trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và đua xe trái phép…
PV: Dù đã nỗ lực nhưng phải thừa nhận rằng việc xử lý xe thương binh chưa triệt để. Vì sau mỗi đợt ra quân, tình trạng xe thương binh "lộng hành" lại tái diễn. Vậy sắp tới, lực lượng CSGT có biện pháp mạnh nào để xử lý nghiêm tình trạng này?
Đại tá Đào Vịnh Thắng: Từ đầu năm 2016 đến nay, lực lượng Cảnh sát giao thông Hà Nội đã xử lý trên 400 trường hợp xe ba bánh giả danh thương binh. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm chưa thể triệt để. Bởi lẽ, chúng tôi mới chỉ đang xử lý phần ngọn, tức là xử lý phương tiện tự đóng lưu thông trên đường không có đăng ký, không có giấy tờ và người điều khiển phương tiện không có bằng lái. Còn những nơi sản xuất ra, tức là xử lý vi phạm từ gốc thì chúng tôi không thể can thiệp.
Cũng chính vì chỉ có thể xử lý phương tiện lưu thông sai quy định trên đường, nên chúng tôi gặp không ít khó khăn. Cụ thể, khi xử lý xe thương binh không có biển kiểm soát, thì một số thương binh thật lại đứng ra xin, kể lể hoàn cảnh…
Khó khăn nữa, nếu chúng tôi xử lý hết đợt này, thì họ lại đóng những xe khác mang ra hoạt động, chở hàng. Cho nên, tôi đề nghị các cơ quan quản lý tăng cường kiểm tra xử lý tận gốc, tận nơi sản xuất. Các cấp chính quyền địa phương phải tuyên tuyền, nhắc nhở không để cho người dân lợi dụng, giả danh thương binh hoạt động trên đường. Có như vậy, mới góp phần lập lại trật tự an toàn giao thông.
PV: Hiện nay, trên một số tuyến đường nội đô vẫn diễn ra tình trạng xe khách dừng đỗ, đón trả khách sai quy định, xe dù, bến cóc gây bức xúc cho người tham gia giao thông. Biện pháp giải quyết triệt để những vi phạm trên là gì? Có hay không tình trạng “siết nơi này, buông lỏng nơi kia”?
Đại tá Đào Vịnh Thắng: Liên quan đến vi phạm xe khách, trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã xử lý gần 2.000 trường hợp vi phạm. Ở ngoài mọi người đều nói là xe dù, bến cóc hoạt động trên địa bàn Thủ đô.
Nhưng thực ra mà nói, đối với xe không có hợp đồng, hoặc có hợp đồng nhưng không chở khách đúng quy định, thì với lực lượng CSGT đều là những xe vi phạm quy định của thành phố, vi phạm pháp luật về trật tự ATGT. Cho nên chúng tôi cũng đã phối hợp với các lực lượng Công an quận, huyện tập trung giải quyết các vấn đề này.
Một vấn đề nữa, tôi nghĩ việc có đối tượng bảo kê hay không thì việc này thuộc thẩm quyền chức năng xử lý của Công an các quận huyện sẽ có bộ phận điều tra xác minh. Lực lượng CSGT chỉ có thể xử lý các xe vi phạm Luật Giao thông trên đường. Trong thời gian tới, chúng tôi cũng tiếp tục tăng cường xử phạt qua hệ thống camera. Đối với các xe khách vi phạm nhiều lần, chúng tôi tập hợp, đề xuất Sở GTVT cắt nốt, đình tài.
PV: Xin cảm ơn Đại tá!