Khi người uy tín phát huy vai trò, ANTT tại cơ sở được bảo đảm
Mâu thuẫn trong việc tranh chấp đất ở và đường đi giữa gia đình bà Vũ Thị Hòa và ông Nguyễn Văn Dũng, ở thôn Linh Tràng bắt đầu từ năm 2014. Mặc dù đại diện thôn cũng như chính quyền xã đã nhiều lần tổ chức giải quyết, hòa giải nhưng vụ việc trên vẫn rơi vào bế tắc.
Thậm chí, tranh chấp giữa 2 bên có những lúc lên tới đỉnh điểm, dẫn đến xô xát gây mất ANTT. Năm 2018, chính quyền cùng ông Tạ Văn Sênh - người uy tín của thôn Linh Tràng - tham gia giải quyết vụ việc trên. Sau những lần vận động, thuyết phục, phân tích thấu đáo của ông Sênh, 2 gia đình bình tĩnh ngồi lại trao đổi. Kết quả sau 3 cuộc hòa giải của chính quyền, mâu thuẫn đã được giải quyết dứt điểm.
Mặc dù mô hình “Tranh thủ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo đảm ANTT ở cơ sở” mới được triển khai nhưng đã góp phần không nhỏ vào công tác bảo đảm ANTT tại xã Tràng Lương.
Ngoài việc vận động nhân dân tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, những gười có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số còn tích cực tuyên truyền nhân dân xây dựng nông thôn mới, nông thôn kiểu mẫu, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, đặc biệt là ma túy, cờ bạc và mại dâm, giáo dục không để con cháu, người thân trong gia đình mắc các tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật….
Anh Dương Văn Hưởng (29 tuổi) từng bị TAND thị xã Đông Triều xử phạt 36 tháng tù giam vì tội cướp tài sản. Năm 2010, sau khi chấp hành xong hình phạt tù trở về địa phương, anh Hưởng gặp rất nhiều khó khăn khi hòa nhập cộng đồng. Chính quyền xã Tràng Lương đã phân công ông Diệp Văn Thái là người uy tín ở thôn Trại Thụ trực tiếp giáo dục, quản lý, giúp đỡ anh Hưởng vượt qua khó khăn, hòa nhập cuộc sống.
Ông Thái đã cùng gia đình và người thân gặp gỡ động viên giúp anh Hưởng vượt qua mặc cảm ban đầu để dần ổn định cuộc sống. Sau này, với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và gia đình, anh Hưởng mở hiệu cắt tóc, không lâu sau, hai vợ chồng anh tích lũy được một số vốn, anh Hưởng đã học lái xe và làm nghề lái xe taxi, cuộc sống dần ổn định.
Công an thị xã Đông Triều, Công an xã Tràng Lương và người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc tới nhà vận động người dân tham gia BVANTQ. |
Để mô hình trên đạt hiệu quả, Công an xã Tràng Lương đã tham mưu cho chính quyền địa phương xây dựng quy chế hoạt động cụ thể. Trong đó hướng tới việc giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của từng dòng tộc, dòng họ, gia đình… mọi người đều tham gia với tinh thần tự nguyện, đề cao trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng. Mọi hoạt động của mô hình đều nhằm mục tiêu xây dựng một cộng đồng dân cư đoàn kết, thống nhất để cùng tham gia giữ gìn ANTT, giữ gìn sự bình yên cho thôn xóm.
Theo ông Tạ Văn Mai, Chủ tịch UBND xã Tràng Lương, hiện trên địa bàn xã có 10 dân tộc thiểu số, trong đó có 4 dòng họ lớn là họ Tạ, họ Diệp, họ Vi và họ Triệu. Chính quyền tranh thủ uy tín của những người đứng đầu các dòng họ vào việc bảo đảm ANTT, làm tốt công tác hòa giải mâu thuẫn trong nhân dân. Xã Tràng Lương duy trì 17 tổ tự quản ở các thôn để tham gia đảm bảo ANTT trên địa bàn.
Thị xã Đông Triều được đánh giá là một trong những địa phương có nhiều mô hình phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ phát triển hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế. Thượng tá Đỗ Đình Thạch, Phó trưởng Công an thị xã Đông Triều đánh giá, mô hình “tranh thủ vai trò của người uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số bảo đảm ANTT tại cơ sở” đã góp phần quan trọng vào giữ gìn ANTT tại xã Tràng Lương.
Việc phát hiện, đấu tranh, tố giác tội phạm của nhân dân được nâng lên, sự phối hợp giữa các ban, ngành trong việc quản lý, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi cũng như người tái hòa nhập cộng đồng được quan tâm thường xuyên hơn. Các vụ phạm pháp hình sự đã giảm so với trước đây, việc vận động các đối tượng nghiện ma túy đi cai nghiện tự nguyện, cũng như cai nghiện bắt buộc đạt tỉ lệ cao.