Đời đời ghi nhớ công ơn liệt sĩ, thương binh, người có công với cách mạng

Thứ Hai, 24/07/2017, 08:15
Công tác thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng của lực lượng CAND thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, có ý nghĩa to lớn cùng với toàn xã hội chung tay xoa dịu nỗi đau, hy sinh, mất mát và tri ân những công lao, cống hiến của các thế hệ cha anh...


Khắc ghi, đền đáp công ơn liệt sĩ, thương binh, người có công với cách mạng, lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn liệt sĩ” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2001, tr. 3). “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí chịu ốm đau, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2001, tr. 175).   

Cùng với các lực lượng cách mạng và toàn thể nhân dân, Công an nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu trong suốt chiều dài lịch sử gần 72 năm qua luôn sẵn sàng chiến đấu, anh dũng hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trải qua các giai đoạn cách mạng theo suốt chiều dài lịch sử của đất nước cho đến hôm nay, trong số hàng triệu liệt sĩ, thương binh - những người con ưu tú của dân tộc đã anh dũng hy sinh thân mình, hy sinh một phần xương máu, sức lực vì nhân dân, vì Đảng, vì Tổ quốc, có hơn 14.700 liệt sĩ Công an nhân dân, trong đó có hơn 3.600 đồng chí hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, 9.700 chiến sỹ hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ; hơn 4.200 thương binh, 2.300 bệnh binh, trên 670 người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và hàng nghìn liệt sĩ đến nay vẫn chưa xác định được thông tin, chưa tìm thấy hài cốt.

Không chỉ trong bom đạn của chiến tranh, trong chiến đấu với giặc ngoại xâm, mà kể từ khi đất nước thống nhất, bước sang giai đoạn cách mạng mới, máu của các chiến sĩ Công an nhân dân vẫn đổ, đã có hàng nghìn liệt sĩ, thương binh Công an nhân dân hy sinh, bị thương tích trong cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm, vì bình yên cuộc sống, vì hạnh phúc của nhân dân. Vì những lẽ đó, mỗi cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân hôm nay luôn thấu hiểu, chia sẻ, biết ơn sâu sắc những cống hiến, hy sinh, mất mát của các liệt sĩ, thương binh cho khát vọng độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội của dân tộc.

Chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng là tình cảm thiêng liêng, cao quý và trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, kết tinh của truyền thống và đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” từ ngàn đời nay của nhân dân ta, là cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước.

Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an tặng quà các thương binh tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Duy Tiên (Hà Nam) nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2017).

Trong những năm qua, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo, chỉ huy công an các đơn vị, địa phương và toàn thể cán bộ, chiến sĩ đã luôn quan tâm, chú trọng công tác đền ơn, đáp nghĩa, ưu đãi người có công với cách mạng.

Cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, các bộ, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, bằng những nghĩa cử, hành động, việc làm thiết thực, lực lượng Công an đã không ngừng phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng, coi đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công an các đơn vị, địa phương và mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an.

Để hun đúc và làm giàu thêm truyền thống đạo lý tốt đẹp ấy, công an các đơn vị, địa phương luôn chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng cho thế hệ trẻ, cán bộ, chiến sỹ về truyền thống cách mạng, lòng yêu nước và những tình cảm tốt đẹp, tri ân những hy sinh, cống hiến của lớp lớp thế hệ cha anh.

Xây dựng, tổ chức nhiều chuyên trang, chuyên mục, phim tài liệu, phóng sự truyền hình và bài viết trên các báo, đài phục vụ tuyên truyền, phổ biến tới đông đảo quần chúng nhân dân về công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng; tôn vinh những tấm gương dũng cảm chiến đấu, hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, gương cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, vì cuộc sống bình yên của nhân dân.

Đồng thời, thiết thực tuyên truyền thông qua việc tổ chức các hội nghị sơ kết, tổng kết, biểu dương thương binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng và tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đền ơn đáp nghĩa; thăm hỏi, gặp mặt, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng; dâng hương tại các nghĩa trang liệt sĩ, các khu di tích Nha Công an Trung ương, Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam, An ninh khu V, IX… vào những dịp lễ, Tết, đặc biệt là Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7).

Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, quản lý, chăm sóc phần mộ liệt sĩ, nghĩa trang, đài tưởng niệm, bia ghi tên liệt sĩ Công an nhân dân được quan tâm thường xuyên. Đến nay, vượt qua nhiều khó khăn, Bộ Công an đã quy tập được hơn 600 hài cốt liệt sĩ ở nhiều chiến trường khác nhau ở trong nước và trên đất nước bạn.

Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chế độ chi trả trợ cấp thương tật một lần đối với các trường hợp cán bộ, chiến sỹ Công an bị thương trong khi làm nhiệm vụ và chế độ, chính sách đối với Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Quá trình rà soát, Công an các đơn vị, địa phương đã thẩm định và xác nhận 41 trường hợp hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945 đến ngày khởi nghĩa Tháng Tám (năm 1945); lập hồ sơ đề nghị các cấp thẩm quyền cấp bằng “Tổ quốc ghi công” đối với 115 liệt sĩ Công an nhân dân; xác nhận thương binh đối với 809 trường hợp; thẩm định hồ sơ và xác nhận bệnh binh đối với 39 trường hợp; phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đối với 65 trường hợp…

Tổ chức có hiệu quả các chương trình, hoạt động gây quỹ từ thiện như: quỹ phòng, chống thiên tai; quỹ đền ơn đáp nghĩa, xóa đói, giảm nghèo; quỹ nghĩa tình đồng đội Công an nhân dân…

Công an các đơn vị, địa phương đã huy động sự ủng hộ, đóng góp to lớn của đông đảo cán bộ, chiến sỹ và nhà hảo tâm để cùng với nguồn ngân sách của Nhà nước, Bộ Công an góp phần thiết thực phục vụ hoạt động từ thiện, nhân đạo và các phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng như: phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng; nhận “đỡ đầu”, hỗ trợ các con thương binh, liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn; tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, nhà tình nghĩa; xây trường học tặng nhân dân vùng chiến khu, vùng căn cứ cách mạng, vùng sâu, vùng xa; thăm hỏi, động viên, hỗ trợ cán bộ, chiến sỹ, nhân dân các tỉnh bị thiệt hại do thiên tai gây ra...

Đến nay, Công an các đơn vị, địa phương đã nhận phụng dưỡng suốt đời 314 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; lập, tặng người có công với cách mạng hơn 1.800 sổ tiết kiệm với tổng số tiền hơn 1,3 tỷ đồng. 

Đáng chú ý từ năm 2007 đến nay, quỹ Nghĩa tình đồng đội Công an nhân dân đã hỗ trợ kinh phí xây dựng và sửa chữa nhà tình nghĩa cho 1.863 trường hợp với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng; thực hiện trợ cấp hằng tháng cho con liệt sĩ, con thương binh nặng đang đi học và con cán bộ công an bị di chứng do nhiễm chất độc hóa học với tổng kinh phí hàng tỷ đồng/năm.

Bên cạnh đó, Bộ Công an đã đầu tư xây dựng, mở rộng, nâng cấp nhiều khu di tích của lực lượng Công an nhân dân với quy mô, tầm vóc quốc gia mang ý nghĩa giáo dục chính trị, truyền thống sâu sắc cho cán bộ, chiến sĩ và cho nhân dân như: Khu di tích Nha Công an Trung ương (Tuyên Quang); Khu di tích An ninh Trung ương Cục miền Nam (Tây Ninh); Khu di tích An ninh khu V (Quảng Nam); Khu di tích Hòn đá Bạc (Cà Mau); nghĩa trang liệt sĩ,bia tưởng niệm các liệt sĩ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam (Tây Ninh); Khu di tích Ban An ninh khu IX (Kiên Giang)…

Ngoài ra, Bộ Công an còn hỗ trợ kinh phí sửa chữa, nâng cấp các công trình lịch sử, văn hóa, khu di tích, đài tưởng niệm và nhiều hoạt động tình nghĩa khác như: sửa chữa, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ Trà My (Quảng Nam); xây dựng Nhà văn hóa đa năng tặng quân và dân huyện đảo Trường Sa; xây dựng trường Trung học cơ sở tại huyện Sơn Dương (Tuyên Quang)…

Có thể thấy rằng, công tác thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng của lực lượng Công an nhân dân thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, có ý nghĩa to lớn cùng với toàn xã hội chung tay xoa dịu nỗi đau, hy sinh, mất mát và tri ân những công lao, cống hiến của các thế hệ cha anh cho nền độc lập, tự do, hòa bình, phát triển của đất nước.

Do đó, thời gian tới, để phát huy những kết quả đã đạt được, Công an các đơn vị, địa phương cần tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 22-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về Tiếp tục tăng cường công tác chăm sóc người có công với cách mạng, thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2017), các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng, gắn liền và phục vụ thực hiện thắng lợi chính sách hậu phương Công an nhân dân.

Nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị và cán bộ, chiến sỹ trong thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Phát động rộng rãi và tổ chức có hiệu quả, thiết thực phong trào “đền ơn đáp nghĩa” trong Công an nhân dân.

Biểu dương, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến có thành tích xuất sắc trong các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, công tác xã hội, từ thiện; động viên, khích lệ các tập thể, cá nhân và các nhà hảo tâm tích cực đóng góp, tham gia xây dựng các quỹ từ thiện, nhân đạo góp phần từng bước xã hội hóa công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng, làm cho các hoạt động này ngày càng trở nên thường xuyên, ý nghĩa, thiết thực hơn, trở thành nét đẹp văn hóa ăn sâu, bám rễ trong nhận thức, tư tưởng, hành động của mỗi cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân và toàn xã hội.

Phối hợp hiệu quả với các cơ quan chức năng tiến hành rà soát, tháo gỡ, giải quyết dứt điểm hồ sơ đề nghị xác nhận người có công với cách mạng trong Công an nhân dân còn tồn đọng, vướng mắc; xác minh thông tin liên quan đến người tham gia cách mạng bị mất tin, mất tích, lý lịch nhân thân trong quá trình xác lập hồ sơ đề nghị công nhận người có công với cách mạng…

Quan tâm phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các lực lượng chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, với các địa phương trao đổi thông tin, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Chú trọng rà soát, đề xuất, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng bảo đảm người có công phải được thụ hưởng các chế độ ưu đãi về vật chất, tinh thần của Nhà nước và xã hội.

Thượng tướng, GS-TS Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an
.
.