Để người dân tự nguyện giao nộp vũ khí, vật liệu nổ

Chủ Nhật, 31/05/2020, 09:36
Công an huyện miền núi Nam Trà My, ở tỉnh Quảng Nam thường xuyên cử các tổ công tác về cơ sở, đến từng nóc, từng nhà để tuyên truyền, vận động bà con giao nộp vũ khí, vật liệu nổ.

Trong khi, một bộ phận bà con dân tộc thiểu số chưa nhận thức được các quy định của pháp luật về việc tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; nhất là những nguy hiểm khó lường khi sử dụng súng để săn bắn, dẫn đến nhiều vụ án mạng, những cái chết thương tâm…

Công an huyện miền núi Nam Trà My, ở tỉnh Quảng Nam thường xuyên cử các tổ công tác về cơ sở, đến từng nóc, từng nhà để tuyên truyền, vận động bà con giao nộp vũ khí, vật liệu nổ.

Thiếu tá Nguyễn Thanh Tuấn, Đội trưởng Đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an huyện Nam Trà My cho biết, với thói quen săn bắn của người dân ở vùng núi cao, nhiều người vẫn còn lưu trữ các loại súng, nhiều nhất là súng tự chế. Loại súng này chế tạo đơn giản, các linh kiện được bày bán đầy rẫy trên mạng Internet nên họ dễ dàng mua và lắp ráp.

Cán bộ Công an kiểm đếm số vũ khí, vật liệu nổ người dân tự nguyện giao nộp.

Ngoài ra, còn có súng Kalip, một loại súng có tính sát thương rất cao. Súng này bà con phải đổi bằng trâu, bò mới có được nên để vận động họ giao nộp là một việc vô cùng khó khăn… Tuy nhiên, các tổ công tác đơn vị bám bản, bám nóc tuyên truyền. Cùng với sự giúp đỡ của các già làng, trưởng bản, người có uy tín, các cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Công an vận động nhiều lần theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”.

Nhờ bám cơ sở tích cực vận động, tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau nên đã nâng cao nhận thức của bà con về tác hại của vũ khí, vật liệu nổ, từ đó bà con tự nguyện giao nộp cho cơ quan chức năng. Từ đầu năm 2020 đến nay, Công an huyện Nam Trà My vận động nhân dân giao nộp, thu hồi 28 khẩu súng tự chế cùng nhiều vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ khác.

Bên cạnh đó, thông qua công tác nghiệp vụ, các CBCS Công an còn nắm rõ những trường hợp không chịu hợp tác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ để đấu tranh thuyết phục. Điển hình như, 2 trường hợp ở thôn 1, xã Trà Don, giữ súng Kalip để săn bắn, lực lượng Công an nhiều lần tuyên truyền, nhưng họ cố tình trốn tránh, không giao nộp. Với sự giúp đỡ của các già làng và sự nỗ lực vận động của lực lượng Công an, cuối cùng họ cũng chịu giao nộp súng.

“Tuy nhiên với đặc thù là địa bàn miền núi, hoàn cảnh gia đình nhiều khốn khó nên công tác xử lý gặp nhiều khó khăn. Nếu xử lý nặng, người dân phải vay mượn tiền để nộp, có thể dẫn đến nhiều hệ lụy. Vì vậy, với địa bàn vùng núi cao này, công tác tuyên truyền, vận động người dân giao nộp là chính”, Thiếu tá Nguyễn Thanh Tuấn cho biết thêm.

 Tại huyện miền núi Nam Giang, Đại úy Đinh Văn Chiến, cán bộ Công an huyện cho hay, đặc thù của địa bàn là người dân sống dựa vào núi rừng nhiều, sử dụng các loại súng tự chế bắn đạn cồn, đạn bi… để săn bắn. Các loại súng này tính sát thương không cao nhưng nếu dùng trong nhân dân rất nguy hiểm, vì đã từng xảy ra nhiều nạn nhân bị thương tích liên quan đến việc dùng súng tự chế.

Công an huyện Nam Giang đã triển khai nhiều biện pháp, phối hợp với các già làng, chức sắc, người có uy tín để tuyên truyền tác hại của việc dùng súng tự chế săn bắn, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho bà con để bà con tự giác giao nộp súng, hạn chế việc tự chế vũ khí.

Theo lãnh đạo Công an huyện Nam Giang, trước đây người dân ở các xã Đắc Pring, Đắc Pre, xã Zuôi sử dụng súng để săn bắn là chủ yếu. Sau khi vận động bà con giao nộp, nhưng họ lại tự chế vũ khí khác sử dụng. Do đó, đơn vị vẫn phải tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để bà con hiểu được tác hại của việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, không tự tạo, tự chế nữa…

Hà Vy
.
.