Đấu tranh triệt xóa nhiều đường dây tín dụng đen

Thứ Năm, 17/05/2018, 08:56
Thời gian qua cùng với công tác tuyên truyền, Công an tỉnh Hải Dương đã tiến hành nhiều biện pháp nhằm răn đe, trấn áp tội phạm, song gần đây trên địa bàn xảy ra các vụ việc đối tượng đòi nợ, ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT.

Đã có vụ, chủ nợ đâm chết con nợ chỉ vì một khoản tiền vay vài triệu đồng... Thủ đoạn của các đối tượng phạm tội ngày càng tinh vi để đưa các con nợ vào tròng. Chúng không cần tài sản thế chấp, chỉ cần biết nhà con nợ là sẵn sàng cho vay tiền... Sau đó thì gây sức ép, buộc bố mẹ và người thân của họ phải trả nợ. 

Nước mắt người mẹ có con rơi vào bẫy tín dụng đen

Đang ngồi cạnh tôi, chị Nguyễn Thị Tuyết Lan (trú tại phường Hoàng Văn Thụ, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) bỗng giật mình thảng thốt, đôi mắt lo lắng nhìn xung quanh, sợ hãi... 

“Chẳng biết từ lúc nào, tôi lại nhạy cảm với tiếng động. Chỉ một tiếng động cơ xe máy ở gần cửa là giật mình thức giấc, lay chồng và con cùng trở dậy để dọn dẹp ở bên ngoài, tránh gây ảnh hưởng đến những người xung quanh”, chị nói như để phân trần với tôi về cảnh ngộ mà chị và gia đình đã và đang phải hứng chịu trong gần nửa năm qua”.   

Nuôi con khôn lớn, trưởng thành những tưởng được cậy nhờ, chẳng ngờ gia đình chị lại rơi vào cảnh ngộ bi đát như ngày hôm nay, trong dòng nước mắt cay đắng, chị bộc bạch với chúng tôi: “Bây giờ tôi chỉ biết trông chờ vào cơ quan pháp luật. Gia đình tôi đã khánh cùng, lực kiệt, phải bòn đến những đồng tiền cuối cùng để trả nợ cho con trai nhưng các đối tượng vẫn không buông tha. 

Mỗi ngày, chúng lại đưa đến nhà một tập giấy nhận nợ. Trong khi thu nhập của cả gia đình tôi chỉ trông chờ vào cửa hàng bán giày, nhưng giờ chúng nó quấy rối thế này thì việc làm ăn, buôn bán cũng bị ảnh hưởng rất nhiều".

Rồi chị Lan đưa cho chúng tôi tập giấy vay tiền mà trước đó chị và gia đình đã phải oằn lưng để trả nợ thay cho con trai. Nội dung các giấy vay kiêm nhận nợ khá đơn giản, có trường hợp được đánh máy; có trường hợp chỉ là giấy viết tay nguệch ngoạc... 

Mỗi giấy vay tiền số lượng không nhiều, khoảng từ 10 - 30 triệu đồng nhưng cộng cả tiền gốc và lãi cho đến thời điểm này chị đã phải trả tổng số 500 triệu đồng, đó là số tiền lớn cả cuộc đời ky cóp của hai vợ chồng chị.

“Chị đã trả hết các khoản tiền cho cậu con trai, vì sao hiện nay vẫn bị gây sức ép đòi nợ”, tôi gặng hỏi. Như chạm đúng vào nỗi đau, chị Nguyễn Thị Tuyết Lan dốc bầu tâm sự với tôi: Sau khi chia tay với người chồng đầu tiên, chị dành trọn tình cảm cho cậu con trai Lê Văn Khoa (33 tuổi). Một mình bươn chải kiếm sống và nuôi con với một người mẹ đơn thân thật không đơn giản gì nhưng chị đã cố gắng dành tất cả những điều tốt đẹp nhất cho Khoa. 

Thời gian sau này, chị đi thêm bước nữa, lấy người chồng thứ hai rồi sinh thêm cậu con trai thứ hai. “Khoa vào miền Nam lập nghiệp rồi lấy vợ sinh con. Những tưởng sau khi có gia đình đuề huề, Khoa sẽ tu chí làm ăn, chẳng ngờ...

Chị Lan ở xa con nên cũng không biết nguyên nhân vì sao dẫn đến việc Khoa và vợ chia tay. Khi cậu con trai vác valy quần áo trở lại Hải Dương chị mới biết chuyện. Trước Tết Nguyên đán 2018, Khoa đột ngột bỏ nhà đi. Sau khi cậu con trai bỏ nhà đi không lâu thì cứ vài ngày lại có một nhóm đến nhà đòi tiền. Chúng đưa ra tập giấy vay tiền kiêm nhận nợ có chữ ký của Khoa.

Trước số tiền lên tới cả nửa tỷ đồng, chị Lan vô cùng hoảng sợ, chị liên hệ với con trai nhưng không thành. Sau đó, chồng chị động viên rồi cả gia đình dồn góp, đã trả nợ được cho Khoa 500 triệu đồng, những tưởng sự việc đã dừng lại ở đó, chẳng ngờ: “Từ ngày 19-4 đến bây giờ, trừ hai ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5, hôm nào các đối tượng cũng cho người ném chất bẩn, sơn, trộn mắm tôm vào trước cửa hàng. Các đối tượng không chỉ đe dọa bằng điện thoại mà còn khủng bố về tinh thần, khiến cuộc sống của gia đình hoàn toàn xáo trộn”, chị Lan cho biết.

Trao đổi với chúng tôi, Công an TP Hải Dương cho biết họ đã 3 lần nhận đơn của gia đình chị Lan, tố cáo việc bị các đối tượng đe dọa, đổ chất bẩn vào gia đình. Sau khi tiếp nhận thông tin, Đội Cảnh sát hình sự đã lấy lời khai của gia đình người bị hại; thu thập lời khai của nhân chứng và trích xuất thông tin qua camera lắp đặt tại gia đình. Song có một khó khăn là Khoa bỏ đi đâu không rõ, bản thân gia đình không xác định được anh ta đã vay tiền của những ai; số lượng là bao nhiêu... 

Trong khi đó, nhóm đối tượng hầu hết thực hiện hành vi vi phạm vào ban đêm; ban ngày chúng mặc áo mưa, đeo khẩu trang, đi xe máy không biển kiểm soát khiến công tác nhận dạng đối tượng gặp nhiều khó khăn.

Trung tá Lê Xuân Hoàn, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự cho biết: Thời gian gần đây, hình thức ném chất bẩn, thậm chí gây thương tích cho các nạn nhân trên địa bàn diễn biến hết sức phức tạp.

Trung tá Lê Xuân Hoàn đồng thời chia sẻ những khó khăn mà Công an TP Hải Dương gặp phải khi xử lý các vụ việc trên. Đó là những vướng mắc theo quy định của pháp luật hiện hành. Hiện nay, hành vi ném chất bẩn chỉ dừng lại ở việc xử phạt hành chính vài trăm nghìn đồng nên chưa đủ sức răn đe các đối tượng. 

Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ được quản lý nhưng chưa hiệu quả. Khi Công an TP Hải Dương siết chặt cầm đồ thì lại mọc ra tư vấn tài chính, cho vay bát họ... Một số các hoạt động này hiện nay chưa thuộc lĩnh vực nào quản lý.

Một nhóm đối tượng đòi nợ theo kiểu xã hội đen bị Công an TP Hải Dương xử lý.

Kiên quyết loại bỏ tội phạm tín dụng đen

Lý giải với chúng tôi về hiện tượng trên, Đại tá Cù Ngọc Nam, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hải Dương cho biết: Do vay tiền với lãi suất cao trong thời gian ngắn, nhiều trường hợp người vay không có khả năng trả nợ... 

Khi rơi vào tình cảnh ấy, người vay tiền nảy sinh hành vi phạm tội nhằm có tiền để thanh toán trả nợ (như cướp, trộm cắp tài sản, lừa đảo...) hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt số tiền đã vay.

Trong năm 2017, trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã xảy ra hàng chục vụ việc liên quan đến vấn đề đòi nợ, siết nợ thuê, cũng có nhiều trường hợp do sợ bị trả thù nên con nợ và gia đình không báo cho cơ quan chức năng. Ngoài các trường hợp bị chủ nợ uy hiếp như trên, cũng có trường hợp trước sức ép và cách hành xử thô bạo của các chủ nợ, các con nợ cũng đã phản kháng, có những hành động trả đũa như thuê các đối tượng xã hội đen đến để đe dọa, thách thức chủ nợ… 

Vào tháng 3-2018, Công an TP Hải Dương đã đấu tranh triệt phá thành công chuyên án; đấu tranh với các đối tượng hoạt động theo kiểu băng ổ nhóm, gắn với việc đòi nợ, siết nợ thuê. 

Các đối tượng có tuổi đời còn rất trẻ, từ các nơi khác nhau trên địa bàn, thậm chí ở ngoài tỉnh câu kết với nhau, khi có “yêu cầu” từ phía các chủ nợ, bọn chúng tập trung lại với nhau để thực hiện việc đòi nợ, siết nợ khi con nợ không thực hiện việc thanh toán lãi theo hợp đồng với chủ nợ.

Tính đến ngày 15-11-2017, trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 441 cơ sở cầm đồ, 47 công ty dịch vụ hỗ trợ tài chính, bao gồm có phép và không có phép hoặc hoạt động dưới hình thức khác (tăng 28% so với cùng kỳ năm 2016). 

Trong đó nổi lên tình trạng các đối tượng hình sự kinh doanh hoạt động ngân hàng, tín dụng có phép hoặc không có phép dưới nhiều hình thức như: mở hệ thống cơ sở cho vay, cầm đồ; công ty cho thuê tài chính; cơ sở tư vấn tài chính; phát, dán tờ rơi, pano quảng cáo cho việc vay, bốc bát họ thông qua số điện thoại xuất hiện ở nhiều nơi từ thành thị cho đến các khu vực nông thôn nhằm mục đích cho vay lãi nặng. 

Việc cho vay thủ tục rất đơn giản, nhanh gọn, có thể bằng tín chấp hoặc thế chấp các loại tài sản thuộc sở hữu của người vay vào hành vi vi phạm pháp luật (yêu cầu người vay đến địa điểm cho thuê xe ôtô tự lái do chúng dựng lên để thuê xe ôtô, sau đó đem đến đặt làm tài sản thế chấp vay tiền) để có cơ sở ép trả nợ...

Trước tình trạng trên, cuối tháng 3-2018, Công an tỉnh Hải Dương đã xây dựng kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm phát sinh từ hoạt động tín dụng đen và hoạt động bảo kê trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Tập trung nắm chắc tình hình, chủ động tiến hành các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, làm giảm và hạn chế thấp nhất các vụ việc, vụ án hình sự phát sinh từ hoạt động tín dụng đen, cho vay lãi nặng và hoạt động bảo kê, cưỡng đoạt tài sản.

Theo sự chỉ đạo của Đại tá Bùi Ngọc Phi, Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương, Công an tỉnh sẽ nâng cao trách nhiệm của các thủ trưởng đơn vị trong thực hiện công tác trọng tâm này. Nơi nào đối tượng hoạt động lộng hành mà Công an cơ sở không phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Công an tỉnh.

Xuân Mai
.
.