Công an các tỉnh ĐBSCL tích cực phối hợp chống dịch tả lợn châu Phi
- Chủ động chống dịch tả lợn châu Phi
- Tăng cường biện pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi ở đồng bằng sông Cửu Long
- Bình Phước “căng mình” chống dịch tả lợn châu Phi
- Thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
Đến nay, đã có 11/13 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) xảy ra dịch tả lợn châu Phi. Hai tỉnh còn lại đang bị uy hiếp là Bến Tre và Long An. Những ngày qua, từ các huyện biên giới An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang cho đến tỉnh tận cùng cực Nam như Bạc Liêu - Cà Mau, lực lượng Công an đang cùng với cả hệ thống chính trị, ngành Chăn nuôi - Thú y… dồn sức chống dịch trên đường bộ lẫn đường thuỷ.
Chiều 5-6, Thượng tá Văn Vũ Quốc Khương, Phó trưởng Công an Tân Hồng, huyện biên giới của tỉnh Đồng Tháp cho biết dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 7/9 xã. Mấy ngày qua, lực lượng Công an cùng với Hải quan, Biên phòng và các chốt kiểm dịch tích cực kiểm tra, ngăn chặn các hành vi vi phạm hoặc tiềm ẩn nguy cơ lây lan mầm bệnh qua tuyến biên giới.
“Trong nội địa, anh em tham gia cùng với lực lượng của ngành Thú y thực hiện tốt công tác chống dịch, tiêu huỷ số lợn nhiễm bệnh và hỗ trợ, hướng dẫn vệ sinh chuồng trại, phun thuốc tiêu độc khử trùng”, Thượng tá Văn Vũ Quốc Khương nói. Tại Tân Hồng, dịch tả được phát hiện trên lợn rừng lai do các hộ dân nuôi, sau đó lan ra lợn nhà. Đến thời điểm này, Đồng Tháp có 30 hộ chăn nuôi ở 18 xã của 8 huyện có lợn mắc bệnh với, số lượng tổng đàn là hơn 1.330 con.
Chốt kiểm soát dịch tả lợn châu Phi tại Cây Trâm (kiểm soát trên tuyến sông Cà Mau – Bạc Liêu, thuộc xã Tắc Vân, TP Cà Mau). |
Tỉnh Trà Vinh là địa phương thứ 11 của Tây Nam Bộ phát hiện dịch tả lợn châu Phi vào ngày 3-6, tại hộ nuôi của bà Lê Hồng Dân (ấp Giồng Mới, xã Huyền Hội, huyện Càng Long). Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Đồng Văn Lâm trực tiếp kiểm tra, yêu cầu các địa phương và ngành chức năng thực hiện tốt công tác tiêu độc, khử trùng và theo dõi tình hình diễn biến bệnh dịch, không để lây lan trên diện rộng.
“Các đơn vị cũng lưu ý thực hiện tốt công tác quản lý đàn, tránh tình trạng vận chuyển, mua bán lợn qua lại trên địa bàn. Khẩn trương đặt các trạm kiểm soát dịch bệnh trên trục đường liên ấp và phun xịt thuốc theo đúng hướng dẫn của ngành Thú y…”, ông Đồng Văn Lâm chỉ đạo.
Đại tá Nguyễn Hữu Trí, Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang chia sẻ với PV Báo CAND rằng, trước khi tỉnh chưa phát hiện dịch, lực lượng Công an đã chủ động phối hợp tổ chức kiểm soát, ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào địa bàn.
Đoàn liên ngành kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực chăn nuôi thú y, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ lậu. Ngoài việc cùng tham gia xử lý, phát hiện ngăn chặn và xử lý dịch tả với các địa phương, qua công tác nghiệp vụ phát hiện ghe thuyền, có dấu hiệu nghi vấn hoặc vận chuyển gia súc sẽ thông báo nhanh cho ngành Thú y kiểm tra, xử lý.
Tiền Giang có 5 trạm kiểm dịch do tỉnh quản lý tại là Trạm cao tốc Trung Lương – TP Hồ Chí Minh, Trạm Tân Hương (huyện Châu Thành), Trạm phà Mỹ Lợi (thị xã Gò Công), Trạm Phú Cường (huyện Cai Lậy) và Trạm tại xã Hoà Hưng (huyện Cái Bè) nằm trên quốc lộ 1, ngay khu vực cầu Mỹ Thuận.
Lực ượng CSGT, Quản lý thị trường và Chi cục Chăn nuôi và Thú y trực tiếp kiểm tra chặt chẽ các phương tiện vận chuyển gia súc. Ngoài 5 trạm trên, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng yêu cầu huyện Tân Phước thành lập chốt kiểm dịch tuyến đường tỉnh 867 và huyện Cái Bè thành lập chốt trên quốc lộ 30. Lực lượng Công an tăng cường kiểm soát việc vận chuyển lợn ra, vào địa bàn các huyện phía Tây bằng đường thủy từ các tuyến kênh 28, Cái Cối, sông Tiền...
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, tình hình dịch tả lợn châu Phi đang rất phức tạp và đã xuất hiện các ổ dịch huyện Cái Bè và thị xã Cai Lậy. Các huyện, thị xã đang cường kiểm soát chặt chẽ hơn nữa trên đường bộ và đường thuỷ. Phòng CSGT kiểm soát và xử lý nghiêm trường hợp chở lợn trên sông nhưng không rõ nguồn gốc. Lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang trực tiếp kiểm tra công tác chống dịch tại Cái Bè, Chợ Gạo, Cai Lậy, thị xã Cai Lậy, Tân Phước, Gò Công Tây, Gò Công Đông, TP Mỹ Tho…
Các địa phương thực hiện nghiêm 3 tầng kiểm soát (cấp tỉnh, huyện, xã), kiểm tra chặt chẽ việc xuất - nhập lợn vào địa bàn, địa phương nào để người dân “bán chạy” lợn bệnh thì Chủ tịch UBND nơi đó phải chịu trách nhiệm. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh phải trực 24/24h và thường xuyên bám cơ sở. Trường hợp mua bán lợn trái phép, ngành chức năng phải xử lý thật nghiêm.
“Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc và bất kể ngày đêm đều phải kiểm tra, xử lý. Nghi ngờ trường hợp nào, ngành chuyên môn và địa phương phải tiến hành tiêu độc khử trùng, bao vây ổ dịch và kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện ra vào”, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang nhấn mạnh. Tỉnh Tiền Giang cũng hoãn lại nhiều cuộc họp, ưu tiên công tác phòng, chống dịch. Toàn tỉnh, có khoảng 35.000 hộ chăn nuôi lợn với hơn 560.000 con, trong đó, chăn nuôi hộ gia đình chiếm hơn 99%.
Tại cuộc họp UBND TP Cần Thơ vào sáng 5-6, ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các trạm kiểm dịch động vật của thành phố và các chốt kiểm dịch duy trì hoạt động 24/24, đảm bảo đủ lực lượng trực. Các ngành chức năng tăng cường kiểm tra việc mua bán, nhất là các điểm giết mổ, giải quyết dứt điểm điểm giết mổ lậu. Đến nay, dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 50 hộ chăn nuôi lợn thuộc 17 xã, phường của 5 quận, huyện của TP Cần Thơ, gồm: Cái Răng, Bình Thủy, Ninh Kiều, Phong Điền và Ô Môn.
Hiện có 1.528 con đã tiêu hủy, chiếm tỉ lệ khoảng 1,2%/tổng đàn nuôi. Số lợn còn lại là hơn 124.300 con cần phải tăng cường bảo vệ, tránh lây lan. “Diễn biến thời tiết hiện nay rất phù hợp cho dịch bệnh lây lan, thời gian tới có khả năng lây lan khó kiểm soát, gây hậu quả nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi, thiệt hại lớn về kinh tế. Người chăn nuôi không tái đàn trong thời điểm hiện nay và cho xuất chuồng ngay những đàn đủ tiêu chuẩn tránh thiệt hại”, ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ cho biết.
Trung tá Phan Chí Công, Phòng Cảnh sát môi trường Công an TP Cần Thơ cho biết, thời gian qua, đơn vị thường xuyên tăng cường công tác phối hợp cùng với CSGT, Quản lý thị trường và Chi cục Chăn nuôi và Thú y đảm bảo công tác kiểm tra xuyên suốt tại các trạm, chốt kiểm dịch.
Nhiệm vụ trọng tâm là đấu tranh, xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển lợn hoặc sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc hoặc bất hợp pháp theo kế hoạch của Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an), UBND TP Cần Thơ và Ban Giám đốc Công an TP Cần Thơ.
Tính từ đầu tháng 3 cho đến cuối tháng 5, tỉnh Bến Tre triển khai các chốt kiểm soát tạm thời dịch bệnh động vật trên cạn. Có 256 xe nhập tỉnh, 4.839 xe xuất tỉnh. Lực lượng chức năng đã xử lý 2 trường hợp vận chuyển không đăng ký kiểm dịch tại Chốt Cổ Chiên (huyện Mỏ Cày Nam) và Chốt Phú Phụng (huyện Chợ Lách). Bến Tre là một trong hai tỉnh còn lại (Long An) ở Tây Nam Bộ, chưa phát hiện dịch tả lợn châu Phi nhưng nguy cơ xảy ra dịch khá cao...
Trung tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an tỉnh Bến Tre cho biết tỉnh đã triển khai phương án phòng dịch là chính. Lực lượng Công an tham gia việc kiểm soát, siết chặt các phương tiện vận chuyển lợn đi qua địa bàn tỉnh.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo tạm ngưng không cho nhập lợn từ vùng dịch về nuôi, giết mổ. Trường hợp được nhập về tỉnh để giết mổ lợn quy định thì phải từ cơ sở nuôi an toàn dịch bệnh (có giấy chứng nhận) và được xét nghiệm âm tính với dịch tả lợn châu Phi. Các xe vận chuyển ngang qua vùng dịch khi đến Bến Tre phải được tiêu độc khử trùng và cách ly 7 ngày, sau khi cơ quan thú y kiểm tra an toàn mới được hòa vào trại, đàn lợn chăn nuôi trên địa bàn.
“Lực lượng Công an tham gia các chốt kiểm soát đường bộ, đường thủy. Với đường bộ đã có chốt kiểm soát xe vận chuyển đặt tại xã Phú Phụng (huyện Chợ Lách). Về đường thủy, Công an huyện Chợ Lách phối hợp cùng Trạm Thú y làm việc với 12 chủ đò, nếu phát hiện phương tiện vận chuyển lợn, người dân cần lập tức báo cho ngành Thú y đến kiểm tra. Phía chốt cầu Rạch Miễu, lực lượng cũng đã chốt chặn và giám sát chặt chẽ”, Trung tá Nguyễn Thanh Tùng nói.