Chuyện về Ban Công an xã anh hùng đầu tiên ở Tây Bắc
Cách đây hơn một năm, ông đã đột ngột mất vì bạo bệnh. Ông về với đại ngàn nhưng những gì ông làm cho vùng đất này thì chắc người dân Hà Nhì ở đây sẽ còn nhớ mãi…
Người ta vẫn bảo Pờ Sì Tài là một pho sử sống ở ngã ba biên giới. Ông là người có công lớn trong việc đưa Ban Công an xã Sín Thầu thành Anh hùng. Cách đây 3 năm, tôi vào Mường Nhé và đấy cũng là lần cuối cùng được gặp ông. Năm đó ông đã bước sang mùa hoa ban thứ 70, tuy tuổi cao nhưng trông ông vẫn còn tráng kiện, buổi sáng ông vẫn “cày chơi” cả 2.000 mét ruộng nước trên đỉnh Tả Kho Khừ.
Công an nhân dân vũ trang (Bộ đội biên phòng) bàn phương án tiễu phỉ với Công an xã Sín Thầu (8/1970). |
Ông sôi nổi, hào hứng khi hồi tưởng lại thời hào hùng cách đây hơn 40 năm, đó là giai đoạn quân, dân trong đó có Ban Công an xã Sín Thầu do ông phụ trách tham gia tiễu phỉ ở khu vực ngã ba biên giới. Những chiến công xuất sắc hồi đó đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận với việc Ban Công an xã Sín Thầu được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 25/8/1970, thời điểm mà cả dân tộc đang dốc sức người, sức của vì tiền tuyến lớn miền Nam.
Hồi đó ngã ba biên giới Mường Nhé xa xôi diệu vợi. 100% dân Sín Thầu là người Hà Nhì. Năm 1959, nhiều bản thuộc vùng Mường Tè (cũ) nổi phỉ gây bạo loạn. Bọn chúng tổ chức bắt và giết nhiều cán bộ, đảng viên. Khu vực Mường U bao gồm Xi Ca Hồ, Ma Ly Thơ, U Nưa... phía Bắc tỉnh Phong Sa Lỳ (Lào) giáp biên giới nước ta (thuộc các xã của huyện Mường Tè, Mường Nhé, Lai Châu (cũ) là sào huyệt và căn cứ phỉ. Cầm đầu đội quân phỉ này là Vàng Chung (còn có tên khác là Đinh Bố Chung, Điền Kiến Công, Hoàng Tiên Sinh...) là người Hán quê ở Mông Tự, Vân Nam, Trung Quốc, nguyên là thiếu tá Quốc dân đảng.
Đầu năm 1966, thực hiện âm mưu "Phản công lục địa" của Tưởng Giới Thạch, Vàng Chung được cử đến khu vực Mường U để cầm đầu hoạt động phỉ. Nhân dân ở đây chủ yếu là người Hà Nhì và Mông, từ lâu bị bọn phỉ đầu độc nặng về tư tưởng nên tình hình an ninh trật tự rất phức tạp.
Ông Pờ Sì Tài. |
Nhận thấy tính chất phức tạp của vùng này và yêu cầu "chia lửa" cho các chiến trường, được sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Quân khu Tây Bắc, đầu năm 1968, tỉnh Lai Châu quyết định mở Chiến dịch 800 phối hợp với lực lượng vũ trang nước bạn chiến đấu tiêu diệt phỉ tại khu vực biên giới. Ban Công an xã Sín Thầu được lệnh lên đường tham gia chiến dịch 800 cùng với các đơn vị vũ trang khác, như: Đại đội 812 bộ đội địa phương tỉnh, Trung đội 840, bộ đội địa phương Mường Tè.
Cùng tham gia chiến dịch 800 còn có lực lượng của Tướng Khăm Uẩn (tướng trung lập Lào, cai quản khu vực Nậm U). Ban Công an xã Sín Thầu tham gia chiến dịch 800 phiên chế thành một trung đội do Pờ Sì Tài là trung đội trưởng. Lực lượng ta chia thành nhiều mũi tổ chức tấn công liên tục trong nhiều tháng vào sào huyệt của phỉ; tiêu diệt và bắt sống gần 2.000 tên (tên cầm đầu Vàng Chung bị ta bắn trọng thương, sau đó bị chết), thu hàng trăm súng các loại và nhiều tấn khí tài đạn dược, xóa sổ toàn bộ căn cứ phỉ đặc vụ sát nách Điện Biên...
Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đợt tiễu phỉ hồi đó là ông đã trực tiếp chỉ huy và vô hiệu hóa một toán phỉ nguy hiểm do tên Hoàng Lý Cà cầm đầu. Ông và Hoàng Lý Cà biết nhau từ trước, sau này Cà theo phỉ trốn sang Lào rồi quay về chống phá cách mạng. Sau nhiều ngày theo dõi, ông phát hiện nhóm phỉ có khoảng 20 tên đã xâm nhập về địa bàn Sín Thầu. Ông Tài trực tiếp đi trinh sát, đóng giả người làm nương để theo dõi hành tung của nhóm này. Chiều hôm đó, ông đã vượt qua các chốt gác của địch, đột nhập vào lán nương – nơi tên Cà đang ngủ. Ông cất súng ngồi nói chuyện với hắn như bạn bè.
Một góc bản Tả Kho Khừ, xã Sín Thầu hôm nay. Ảnh: Trang Dũng. |
Sau khi được ông phân tích phải trái, chính nghĩa – phi nghĩa… Hoàng Lý Cà đã tỉnh ngộ và đã tiết lộ cho ông nhiều tin tức mật, đặc biệt là địa điểm đóng quân, bố phòng hỏa lực, trang bị vũ khí, điện đài của toán phỉ. Ông tiếp tục tung chiêu “rung cây dọa khỉ” khi “tiết lộ” cho hắn một tiểu đoàn bộ đội và dân quân đã bao vây, đề nghị hắn ra lệnh cho đồng bọn ra hàng để giữ tính mạng. Hoàng Lý Cà hoang mang lo sợ, vào rừng dẫn cả toán phỉ đem theo vũ khí, điện đài ra hàng.
Cuốn lịch sử Công an Điện Biên có đoạn ghi như sau: “Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 1970, tỉnh Lai Châu đã huy động 7 đại đội dân quân du kích đi phục vụ chiến đấu tại chiến trường Lào, với gần 700 người, bằng 48.000 ngày công”. Đội du kích huyện Mường Tè với nòng cốt là xã Sín Thầu và Chung Chải với 6.100 ngày công đã xây dựng 2 con đường dân sinh từ A Pa Chải đi Xi Ca Hồ và đường từ Mường Nhé đi Mường Hát Hin đảm bảo cơ động chiến đấu và dân sinh.
Cuối năm 1968 với chủ trương “hạ sơn” để sản xuất và tham gia giữ gìn an ninh, trật tự, tỉnh Lai Châu có chủ trương vận động nhân dân di cư từ bản Thào Lao San đến Tả Co Khừ lập bản mới. Việc này gặp nhiều khó khăn vì người dân không muốn rời nơi quê cha đất tổ. Kết hợp vận động, tuyên truyền, Trưởng Công an xã Pờ Sì Tài phụ trách một tổ công tác gồm 14 người xung phong đến nơi ở mới khai hoang.
Số đất khai hoang lên đến 5 mẫu và làm được một con mương dẫn nước dài gần một km đưa nước về ruộng lúa. Vụ thu hoạch đầu tiên, 14 con người ấy đã làm ra hơn 16 tấn thóc, chăn nuôi được hàng trăm con gia súc, gia cầm. Sau khi các gia đình tận mắt chứng kiến những đổi thay ở vùng đất mới đã tự nguyện “hạ sơn” về lập bản mới ở Tả Kho Khừ - trung tâm xã Sín Thầu ngày nay.
Gần nửa thế kỷ trước, theo tiếng gọi của Đảng, Chính phủ, nghe lời vận động của cán bộ Công an – Biên phòng với nòng cốt là Công an xã Sín Thầu, người dân Sín Thầu đã hạ sơn lập bản, học canh tác lúa nước để sản xuất, ổn định đời sống.
Ông Pờ Sì Tài là một trong những người “lĩnh ấn tiên phong”, khai sơn phá thạch, qua mấy chục năm qua đã góp phần dựng xây các bản làng người Thái, người Hà Nhì trù phú ở Sín Thầu, Sen Thượng và Chung Chải. Vùng ngã ba biên giới - nơi ba nước cùng nghe một tiếng gà đã không còn heo hút, xa xôi diệu vợi mà đã và đang thay da đổi thịt từng ngày, vóc dáng một đô thị phố núi nơi tận cùng cực Tây của Tổ quốc không chỉ là hình hài mà đã và đang trở thành hiện thực…