Chủ động tốt công tác hậu cần và phương án ứng phó với dịch COVID-19

Thứ Tư, 04/03/2020, 16:39
“Đó là 2 vấn đề quan trọng đang được lực lượng CAND chú trọng triển khai nhằm ứng phó linh hoạt, kịp thời, phù hợp những diễn biến mới phức tạp của dịch COVID-19 trên thế giới trong tình hình hiện nay” - Thiếu tướng Nguyễn Khắc Thủy, Cục trưởng Cục Y tế, Phó trưởng Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng chống dịch bệnh Bộ Công an nhấn mạnh khi trao đổi về công tác phòng chống dịch COVID -19 của lực lượng CAND hiện nay.


Chủ động tốt công tác hậu cần phục vụ phòng chống dịch

Theo Thiếu tướng Nguyễn Khắc Thủy, một trong những mặt công tác quan trọng nhằm đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả đó là chủ động chuẩn bị tốt về hậu cần y tế, trong đó bao gồm cả về nguồn nhân lực và vật lực phục vụ phòng chống dịch COVID-19 trong toàn lực lượng.

Dẫn chứng một số kết quả thực tiễn bước đầu về công tác hậu cần phục vụ phòng chống dịch Bộ Công an đã triển khai thời gian qua, Thiếu tướng Nguyễn Khắc Thủy cho biết: Cục Y tế - đơn vị thường trực BCĐ phòng chống dịch bệnh Bộ Công an đã phối hợp các đơn vị chức năng khẩn trường xây dựng dự trù kinh phí mua sắm các trang thiết bị y tế, trang thiết bị bảo hộ cho  CBCS phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và cấp hỗ trợ cho Công an các đơn vị, địa phương.

Thiếu tướng Nguyễn Khắc Thủy, Cục trưởng Cục Y tế trao đổi về công tác phòng chống dịch COVID-19 của lực lượng CAND.

Cục Y tế đã ký Hợp đồng với các Công ty sản xuất cung cấp các mặt hàng khẩu trang phòng dịch, trang phục chống dịch, găng tay y tế, dung dịch sát khuẩn nhanh, dung dịch sát khuẩn tay khô, hóa chất phun phòng dịch Cloramin B, máy phun hóa chất phòng dịch, máy khử khuẩn không khí. Đề xuất mua ô tô cứu thương để trang cấp cho một số cơ sở y tế trong CAND.

Hiện nay, Bộ đã ưu tiên trang cấp trước 3 xe cứu thương cho 3 Bệnh viện hạng I của lực lượng CAND gồm: Bệnh viện 19/8; Bệnh viện 199 và Bệnh viện 30/4. Từ ngày 16/1/2020 tới nay, Bộ Công an đã cấp hỗ trợ thuốc, hóa chất, phương tiện phòng hộ cá nhân (khẩu trang, găng tay cao su, ủng, trang phục chống dịch, kính bảo hộ) cho gần 200 lượt Công an các đơn vị, địa phương.

Hiện tại, Cục Y tế đang phối hợp với Cục Trang bị và Kho vận Bộ Công an chuyển các mặt hàng y tế phục vụ chống dịch, hóa chất cho 75 Công an các đơn vị, địa phương gồm Công an 32 tỉnh, thành, 33 trại giam, 2 bệnh viện hạng I, và 8 trường CAND từ Đà Nẵng trở vào và Kho An Khánh (TP Hồ Chí Minh) với tổng giá hàng hóa  là 6.933.960.000 đồng.

Trong đó bao gồm 292.000 khẩu trang y tế, 39.500 đôi găng tay, 4.350 bộ trang phục phòng chống dịch, 1.170 lít nước rửa tay, 4.000 lít hóa chất phun phòng dịch.

Đoàn công tác Bộ Công an kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với dịch COVID-19 tại Sân bay Quốc tế Nội Bài.
Đoàn công tác Bộ Công an kiểm tra công tác phối hợp giữa lực lượng XNC và Trung tâm y tế Quốc tế tại sân bay Nội Bài trong kiểm dịch khách nhập cảnh.

Bên cạnh đó, các cơ sở y tế trong lực lượng Công an đã chuẩn bị sẵn sàng về cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị phòng hộ cho cán bộ y tế, nhân lực sẵn sàng đáp ứng cho công tác điều trị và phòng, chống dịch; chuẩn bị khu điều trị cách ly, giường bệnh; sẵn sàng tổ chức tốt việc thu dụng, cách ly, điều trị bệnh nhân. Các bệnh viện thực hiện tiếp nhận bệnh nhân theo phân tuyến điều trị.

Thực hiện nghiêm ngặt việc tổ chức cách ly đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A, kiểm soát nhiễm khuẩn tốt, phòng chống lây nhiễm chéo trong cơ sở điều trị. Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cho cán bộ y tế trực tiếp tham gia khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân, không để hiện tượng lây nhiễm sang cán bộ y tế.

Đặc biệt, 3 bệnh viện hạng I gồm: Bệnh viện 19/8, Bệnh viện 199 và Bệnh viện 30/4 đã thành lập các Đội cơ động thường trực (đội phản ứng nhanh) phòng, chống dịch, trong đó 1 lãnh đạo Bệnh viện trực tiếp phụ trách chỉ đạo chung. Đồng thời tổ chức tập huấn cho toàn thể đội ngũ cán bộ, y bác sĩ và nhân viên y tế về kỹ năng xử lý khi có dịch xảy ra.

Bên cạnh đó, BCĐ phòng chống dịch bệnh Bộ Công an đã thiết lập đường dây nóng của Bộ (qua Cục Y tế và Văn phòng Bộ) để thông tin diễn biến và chỉ đạo kịp thời công tác phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do COVID-19, đồng thời tư vấn và giải đáp cho CBCS về tình hình dịch và các biện pháp phòng, chống dịch.

Thiếu tướng Nguyễn Khắc Thủy cũng thông tin, ngoài chủ động hậu cần phục vụ lực lượng CAND phòng chống dịch COVID-19, phát huy tinh thần “tương thân, tương ái”, hiện nay, Bộ Công an đang tìm nguồn mua trang thiết bị y tế nhằm hỗ trợ nước bạn Trung Quốc phòng chống dịch COVID-19.

Chủ động phương án ứng phó phù hợp với diễn biến mới của dịch

Trước những cảnh báo về tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp trên thế giới như hiện nay, yêu cầu đặt ra đối với lực lượng CAND lúc này là cần phải chủ động xây dựng các phương án, kịch bản ứng phó phù hợp, kịp thời với tình hình diễn biến mới của dịch.

Đoàn công tác Bộ Công an kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với dịch COVID-19 tại Bệnh viện 19/8.
Đoàn công tác Bộ Công an kiểm tra Khu cách ly xử lý dịch COVID-19 tại Bệnh viện 19/8.

Trong đó, quán triệt sâu sắc tinh thần “Chống dịch như chống giặc” của Thủ tướng Chính phủ, đề cao cảnh giác, không lơ là, chủ quan với dịch, thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng và chỉ đạo của BCĐ Trung ương về phòng chống dịch COVID-19, thời gian tới, lực lượng Công an sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa phòng chống dịch trong toàn lực lượng và phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng, các cấp, ngành, địa phương trong triển khai phòng chống dịch COVID-19.

Trong đó, Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh do COVID- 19 theo Kế hoạch Bộ Công an đã đề ra, phối hợp với các lực lượng chức năng không để dịch COVID-19 xâm nhập vào lực lượng Công an cũng như xâm nhập vào các địa bàn.

Kiểm soát chặt chẽ người qua lại đường mòn, lối mở tại các tỉnh biên giới; thực hiện nghiêm các giải pháp về quản lý, kiểm soát phòng, chống dịch trong hoạt động hàng không, du lịch, vận chuyển hàng hóa qua biên giới…

Đối với người nhập cảnh từ các vùng có dịch từ các nước vào Việt Nam, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và BCĐ Trung ương về phòng chống dịch COVID-19, Bộ Công an sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Ngoại giao, Y tế, Quốc phòng, GTVT và chính quyền các địa phương để tầm tra, kiểm soát, kịp thời nhằm ngăn chặn hiệu quả dịch xâm nhập.

Cụ thể, Bộ Ngoại giao thông báo cho các nước có liên quan về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có việc hạn chế nhập cảnh Việt Nam đối với người đến từ hoặc đi qua vùng có dịch, nếu nhập cảnh vào Việt Nam phải tuân thủ việc khai báo y tế, cách ly tập trung theo quy định.

Đồng thời, khuyến cáo công dân Việt Nam không đi đến những vùng có dịch ở các nước, trừ trường hợp cần thiết, nếu vẫn xuất cảnh thì khi nhập cảnh trở về Việt Nam phải thực hiện cách ly tập trung 14 ngày.

Đối với người nhập cảnh Việt Nam (cả công dân Việt Nam và công dân nước ngoài) đến từ hoặc đi qua vùng có dịch của các nước đều phải thực hiện việc cách ly tập trung theo quy định. Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) có trách nhiệm phối hợp với các Bộ Ngoại giao, Bộ GTVT và các hãng hàng không để giải quyết những vấn đề liên quan đến công tác đối ngoại, kịp thời tham mưu cho BCĐ phòng chống dịch bệnh Bộ Công an để báo cáo Chính phủ về những vấn đề liên quan công tác XNC, quản lý đối với người nước ngoài sang sinh sống, làm việc tại Việt Nam.

Đồng thời tham mưu để BCĐ phòng chống dịch bệnh Bộ Công an có văn bản chỉ đạo, yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương tập trung kiểm tra, rà soát người nước ngoài đang cư trú tại địa bàn, đặc biệt là những người đến từ các vùng có dịch để kịp thời nắm tình hình và tổ chức phòng chống dịch một cách hiệu quả. Khi phát hiện các trường hợp nghi nhiễm dịch, cần thực hiện ngay các biện pháp khoanh vùng, cách ly điều trị theo quy định nhằm ngăn chặn kịp thời nguy cơ bùng phát dịch xảy ra.

Bên cạnh đó, tiếp tục quan tâm đẩy mạnh công tác truyền thông về các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế cho CBCS, học viên, công nhân Công an để chủ động phòng tránh, tránh tâm lý chủ quan với dịch.

Phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ hay mắc bệnh, tăng cường giám sát theo dõi tình trạng sức khỏe của những người có tiếp xúc gần với người bệnh, tiếp xúc gần với những trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở về từ vùng dịch; hướng dẫn người tiếp xúc gần tự theo dõi sức khỏe và khai báo cho cơ quan y tế khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh…

Cục Y tế - đơn vị thường trực của BCĐ phòng chống dịch bệnh Bộ Công an tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Công an các đơn vị, địa phương; tại các trại tạm giam, trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng và hướng dẫn khối Học viện, trường CAND phòng chống dịch; đồng thời cập nhật tình hình để báo cáo thường xuyên để giúp BCĐ phòng chống dịch bệnh Bộ Công an nắm chắc tình hình diễn biến của dịch, kịp thời xây dựng phương hướng, giải pháp chỉ đạo ứng phó với dịch COVID-19 hiệu quả.

Tâm Phạm
.
.