Chiến công thầm lặng của chuyên gia giám định pháp y
- Cần giữ nguyên mô hình giám định pháp y trong Công an
- Tính pháp lý của những bản kết luận giám định pháp y đóng dấu… BV Việt Đức
- Chuyện giám định pháp y trong vụ tai nạn máy bay Yak40 - A449
- Giám định pháp y và chuyện truy tìm dấu vết biết nói
Sinh ra tại xã Tân Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, sau khi tốt nghiệp THPT, chàng thanh niên Nguyễn Đình Rèn thi và đỗ vào Khoa Ngoại sản, Đại học Y Hà Nội. Sau 6 năm học, Rèn ra trường với ước mong trở thành bác sĩ điều trị bệnh cứu người. Trong một lần tình cờ, anh được giới thiệu làm bác sỹ pháp y tại Công an tỉnh Hải Dương.
Sau đó, Rèn bước vào nghề khám nghiệm tử thi. Tháng 3-1996, chiến sỹ trẻ được giao nhiệm vụ việc đầu tiên trong nghề là khám nghiệm hiện trường, xác định nguyên nhân tử vong xác chết trôi đã bị phân hủy.
Do chưa có kinh nghiệm nên anh được đồng nghiệp tiền bối hướng dẫn về nghiệp vụ từ cách sờ nắn xương, tìm vết gãy... xác định nguyên nhân tử vong. Rồi anh làm cán bộ pháp y kiêm luôn phụ mổ (y công).
Để nâng cao tay nghề, anh tìm đọc các tài liệu chuyên khoa, học hỏi kinh nghiệm đồng chí, đồng đội đi trước.
Đến tháng 12-1999, Rèn chuyển về công tác tại Đội Khám nghiệm hiện trường, Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an TP Hải Phòng.
Gần 30 năm trong nghề, Trung tá Nguyễn Đình Rèn tiến hành khám nghiệm, xác định nguyên nhân tử vong, lai lịch hàng nghìn trường hợp. Mỗi lần khám nghiệm là một tình huống, một câu chuyện, hoàn cảnh khác nhau.
Trung tá Nguyễn Đình Rèn nghiên cứu hồ sơ, thông tin nạn nhân. |
Nghề pháp y đòi hỏi sự tâm huyết, giỏi chuyên môn, cẩn trọng, tỉ mỉ và không ngại khó khăn, vất vả thậm chí là nguy hiểm. Khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi không vụ nào giống vụ nào, có nhiều tình tiết ly kỳ.
Đối với các bác sĩ pháp y hình sự, tính chất công việc rất phức tạp, vất vả. Không kể ngày đêm, nắng mưa, vùng sâu vùng xa, thành phố hay thôn quê, nơi nào xảy ra án mạng, người chết có nghi vấn là bác sỹ pháp y có mặt. Nhiều khi mổ tử thi tại hiện trường, thậm chí tại nhà nạn nhân. Thậm chí khai quật tử thi chôn sâu hàng tháng để giải phẫu.
Trong một số trường hợp, khi bác sỹ pháp y đang "tác nghiệp", người nhà nạn nhân và những đối tượng quá khích thường gây sức ép, không cho động đến thi thể người quá cố.
Với công việc khám nghiệm tử thi, các bác sĩ pháp y phải tiếp xúc với rất nhiều độc hại khi tử thi phân hủy lâu ngày, bốc mùi hôi thối. Do đặc thù nghề nghiệp nên bác sỹ pháp y không có thời gian, địa điểm làm việc cố định. Nửa đêm, có vụ án, cần bác sỹ pháp y là họ lên đường.
Nghề pháp y phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh, có những trường hợp nạn nhân bị án mạng trong khi bị phơi nhiễm HIV mà giám định viên không biết nhưng vẫn phải tiến hành giải phẫu, tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh, lây nhiễm HIV.
Bác sĩ là nghề cao quý mà biết bao người mơ ước. Bác sĩ pháp y trong lực lượng Công an có tính chất rất vất vả, căng thẳng do áp lực công việc. Những bản kết luận giám định pháp y kịp thời phục vụ công tác điều tra phá án. Nhiều vụ việc xảy ra gây chết người, phải có lời giải chính xác, nhanh chóng là trọng án hay chết thường.
Trung tá Nguyễn Đình Rèn từng tiếp xúc rất nhiều tử thi không bình thường. Với tác phong làm việc tận tụy, tỉ mỉ, thận trọng, khách quan, toàn diện, chính xác, đồng chí không để sót lọt dấu vết, đưa ra các kết luận khoa học, phục vụ kịp thời công tác điều tra.
Điển hình, khoảng 2h ngày 7-1- 2011, tại khu vực chợ Đầm Triều, Quán Trữ, quận Kiến An, người dân phát hiện một tử thi không nguyên vẹn vùi lấp dưới đống mùn cưa. Công an phường Quán Trữ báo cáo Công an quận Kiến An. Trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Công an TP Hải Phòng chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương điều tra, truy tìm hung thủ.
Đội khám nghiệm Pháp y sinh vật, Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an TP Hải Phòng khám nghiệm tử thi, khám nghiệm hiện trường. Lúc này, Nguyễn Đình Rèn và cộng sự gặp khó khăn xác định danh tính nạn nhân do không có dấu vân tay.
Qua khám nghiệm hiện trường mở rộng, Đội khám nghiệm phát hiện hai cánh tay và đầu ở cách thi thể khoảng 200m giấu trong túi, vùi dưới lùm cây. Đồng chí Rèn thận trọng lấy mẫu máu và mẫu gien của các phần trên đối chiếu, xác định là của cùng một người.
Sau một giờ cần mẫn đồng chí Rèn thu được dấu vân tay của thi thể, xác định danh tính nạn nhân. Từ manh mối quan trọng này, cơ quan điều tra tìm được các mẫu máu, dấu vết về hành vi tội ác, truy bắt hung thủ gây án...
Trong 5 năm liên tiếp, Trung tá Rèn đều đạt danh hiệu Chiến sỹ Tiên tiến. Trong 4 năm (2002, 2004, 2007 và 2016), anh là Chiến sĩ Thi đua cơ sở. UBND thành phố và Giám đốc Công an TP Hải Phòng cũng đã tặng nhiều bằng khen, giấy khen cho anh. Trung tá Nguyễn Đình Rèn khiêm tốn chia sẻ, thành tích của cá nhân là do đơn vị và đồng đội hỗ trợ.