Cần có chế tài kiểm soát hữu hiệu tại các cơ sở thu mua phế liệu

Thứ Bảy, 06/01/2018, 08:01
Vụ nổ vào rạng sáng 3-1 tại xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh khiến 2 cháu bé tử vong và nhiều người bị thương vừa qua đã một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về mối nguy hiểm cháy nổ thường trực tại các cơ sở kinh doanh phế liệu nằm trong những khu dân cư.

Thế nhưng, ngoài kiểm tra, tuyên truyền vận động, các cơ quan chức năng vẫn chưa có chế tài kiểm soát hữu hiệu với loại hình kinh doanh đặc thù này…

Xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa của Hà Nội từ lâu đã nổi tiếng với nghề tăm hương, nhưng cách đây 6, 7 năm, tại thôn Xà Cầu trên địa bàn xã lại được nhiều người biết đến như một thủ phủ của nghề thu gom, tái chế phế liệu lớn nhất, nhì Hà Nội. Ước tính mỗi ngày, lượng phế liệu được nhập về đây lên tới cả trăm tấn.

Sau khi được phân loại, chúng sẽ được đưa vào các xưởng để tái chế. Và cũng từ thủ phủ này, mỗi ngày cũng có vài chục tấn nguyên liệu nhựa, sắt sau tái chế được phân phối đi khắp nơi có nhu cầu…

Đã có 15 năm làm nghề thu gom tái chế sắt phế liệu, bản thân lại là bộ đội công binh, nên ông Nguyễn Bá Sơn, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa hiểu rõ những nguy cơ cháy nổ trong quá trình thu mua, tái chế phế liệu. Ông Sơn chia sẻ, ông luôn nhắc nhở các thành viên trong xưởng của gia đình cần cẩn thận chọn lọc các loại phế liệu trước khi đưa vào tái chế.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận chẳng ai có thể lường trước chuyện gì có thể xảy ra. Hầu hết những người kinh doanh phế liệu là tự phát, mưu sinh kiếm sống, không có kiến thức về bom mìn, chẳng may đó là những tàn dư của chiến tranh còn sót lại thì tai nạn chết người có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Đây cũng là lo lắng của chính quyền xã Quảng Phú Cầu khi hiện nay trên địa bàn có khoảng 80 hộ dân làm nghề tái chế, khoảng 200 hộ thu gom và kinh doanh; gần như 100% số hộ có lao động làm các việc liên quan đến phế liệu.

Vụ nổ tại Bắc Ninh là hồi chuông cảnh báo về mối nguy hiểm cháy nổ thường trực tại các cơ sở kinh doanh phế liệu.

Theo chia sẻ của ông Đỗ Văn Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu, chính quyền địa phương đã từng phát hiện trường hợp thu mua vỏ đạn.

Chia sẻ những trăn trở về vấn đề này, ông Đỗ Văn Thuận cho biết: “Thời gian qua, trên địa bàn xã không xảy ra các vụ cháy nổ nghiêm trọng, gây thương vong và thiệt hại lớn về tài sản. Tuy nhiên, sau nhiều tai nạn xảy ra tại các cơ sở thu mua phế liệu, cơ quan chức năng đã tăng cường quản lý, kiểm tra loại hình kinh doanh này. Nhưng các biện pháp chủ yếu hiện nay chỉ là tuyên truyền vận động, ký cam kết nhằm giúp cho các chủ cơ sở hiểu hơn việc thu mua phế liệu phải bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ…”.

 Để đảm bảo an toàn phòng cháy tại đây, nhất là dịp cuối năm, đơn vị Phòng Cảnh sát PCCC số 15 (Cảnh sát PCCC TP Hà Nội) đóng quân trên địa bàn thường xuyên cho cán bộ xuống cơ sở tuyên truyền, đưa ra những cảnh báo tới các hộ dân kinh doanh.

Theo Trung tá Nguyễn Văn Tiệp, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 15: “Các điểm tập kết, thu mua phế liệu, sắt vụn tập trung phần lớn trong các khu dân cư, không chỉ gây ô nhiễm về môi trường, mất mỹ quan, mà thật sự là những nguy cơ hiện hữu về an toàn cháy nổ. Song, luật lại không quy định đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện với các hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Vì vậy, ngoài các cam kết đã ký với chính quyền địa phương, quá trình hoạt động của các cơ sở này an toàn ở mức độ nào, hoàn toàn phụ thuộc vào kiến thức, ý thức tự giác của chính họ…”.

Từ hàng loạt tai nạn nguy hiểm do các cơ sở tập kết, kinh doanh phế liệu, sắt vụn gây ra thời gian qua, đã đến lúc không thể để sự an toàn của cộng đồng phụ thuộc vào ý thức của một nhóm nhỏ những người kinh doanh phế liệu. Đã đến lúc phải có các chế tài kiểm soát hữu hiệu, điều kiện kinh doanh bắt buộc đối với mặt hàng phế liệu để ko tiếp tục lặp lại những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra…

Thảo Vy
.
.