An ninh bảo vệ thượng đỉnh Mỹ-Triều đã được thực hiện tối ưu
Đảm bảo tuyệt đối an toàn cho thượng đỉnh
Tôi không phải người trong cuộc và trực tiếp tham gia vào công tác an ninh cho hội nghị này nên tôi không có đủ thông tin để đánh giá kết quả một cách toàn diện. Tuy nhiên, qua theo dõi sát sao hội nghị và qua những thông tin nắm được thì có thể thấy công tác đảm bảo an ninh đã được triển khai rất tốt.
Bộ Công an đã đánh giá đúng tình huống đe dọa an ninh và đánh giá đúng mục tiêu con người cần bảo vệ, từ đó đưa ra kịch bản bảo vệ tối ưu để đảm bảo an ninh cuộc gặp.
Kết quả là đảm bảo được yêu cầu mục tiêu đề ra là tuyệt đối an toàn cho các nguyên thủ, quan khách, an toàn cho hội nghị và các hoạt động xung quanh hội nghị. Những kết quả tốt đẹp này đều đã đã được Thủ tướng cũng như các cơ quan nhà nước tổng kết, ghi nhận và biểu dương.
Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an. Ảnh Ngọc Thắng. |
6 yếu tố tạo thành công
Để đạt được những kết quả trên, theo tôi có những yếu tố chính sau: Thứ nhất, việc bố trí và phối hợp lực lượng ở các mục tiêu, các tuyến được thực hiện tốt. Mục tiêu rất đa dạng và trải rộng bao gồm nhiều khách sạn, nơi ở cũng như nhiều tuyến di chuyển kéo dài qua nhiều địa bàn.
Tuy vậy, lực lượng an ninh đã phối hợp chặt chẽ giữa bên trong và bên ngoài, giữa an ninh và dân sự, giữa công khai và bí mật. Ngoài lực lượng an ninh chuyên trách còn có sự hỗ trợ vòng ngoài từ các lực lượng vũ trang như cảnh sát cơ động, đặc nhiệm và quân đội. Sự phối hợp và hỗ trợ liên hoàn này đã tạo ra nhiều lớp an ninh bảo vệ hội nghị.
Thứ hai, các biện pháp phòng ngừa trước khi hội nghị diễn ra đã được thực hiện chủ động. Việc truy quét tội phạm được tiến hành rất mạnh mẽ, việc phòng ngừa quản chế các đối tượng và quản lý địa bàn được làm đầy đủ, không chỉ ở thủ đô Hà Nội mà còn ở các tỉnh trong toàn quốc, đặc biệt là các tỉnh biên giới.
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un bắt tay trước khi hai nhà lãnh đạo có cuộc gặp riêng tại Khách sạn Metropole ở Hà Nội tối 27.2. |
Công an cũng tiến hành thu gom thuốc nổ, ngăn chặn, hạn chế vận chuyển thuốc nổ, đảm bảo phòng cháy chữa cháy. Những biện pháp phòng ngừa này dập tắt mọi sự cố có thể xảy ra ngay từ đầu, giúp hội nghị diễn ra an toàn.
Thứ ba, các biện pháp kiểm soát mang tính hành chính đã được tăng cường, đặc biệt là việc kiểm soát ở cửa khẩu hải quan và hành lang hàng không; quản lý các khu công cộng, các siêu thị và nơi tập trung đông người, các địa bàn dân cư, đặc biệt chú ý những những người có nguy cơ làm mất an ninh trật tự đã được làm rất tốt. Công an Hà Nội đã làm tốt việc vận động nhân dân tham gia vào công tác quản lý hàng quán, đóng các cửa sổ nhà cao tầng…
Thứ tư, tôi đánh giá cao vai trò của các biện pháp kỹ thuật. Các phương tiện khoa học kỹ thuật của công an có thể kiểm soát thông tin tội phạm, không những ở dưới mặt đất mà cả trên bầu trời, không những ở Hà Nội mà từ xa.
Biện pháp kỹ thuật đã được áp dụng tốt trong việc kiểm soát nhập cảnh, kiểm soát hành lý. Kỹ thuật còn phát huy tốt trong việc nhận diện con người từ khi khách nhập cảnh tới xuất cảnh, và góp phần tích cực vào bảo vệ các mục tiêu trọng điểm.
Thứ năm, từ kinh nghiệm của tôi, lòng dân ủng hộ là rất quan trọng trong lĩnh vực bảo vệ an ninh. Có thể nói, nhân dân ta đã rất tích cực ủng hộ hội nghị này. Nhân dân cũng nhận thức rõ vai trò và lợi ích của Việt Nam khi đăng cai tổ chức hội nghị nên hoàn toàn ủng hộ việc duy trì an ninh trong đó có nhiều biện pháp gây khó khăn cho dân như cấm đường.
Chúng ta đã thấy nhiều tuyến đường quan trọng bị cấm trong thời gian dài, nhiều toà nhà cao tầng bị phong tỏa, nhiều nhà hàng phải đóng cửa nhưng nhân dân vẫn vui vẻ chấp hành. Công tác an ninh được triển khai thuận lợi một phần không nhỏ nhờ sự đồng tình của người dân. Đây là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, đã thể hiện ở nhiều sự kiện quan trọng.
Xe bọc thép bảo vệ hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Ảnh Phúc Duy |
Cuối cùng, có thể tổng kết lại rằng sự phối hợp hiệp đồng giữa các lực lượng an ninh chuyên trách, lực lượng hỗ trợ và người dân đã góp phần vào thắng lợi chung của Việt Nam trong việc tổ chức hội nghị. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Nam và Giám đốc Công an Hà Nội cũng đã khẳng định điều này.
Ngoài ra, không thể không nói tới sự lãnh đạo chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, các đơn vị tác chiến cụ thể đã phát huy hết trách nhiệm của mình góp phần vào thành công của hội nghị, nhất là các lực lượng công an, quân đội, ngoại giao, thông tin truyền thông và UBND thành phố Hà Nội.
Hơn thế nữa, tôi nghĩ chắc chắn còn phải kể đến sự phối hợp giữa Bộ Công an Việt Nam và an ninh các nước nhất là cơ quan mật vụ Mỹ và Triều Tiên để hoàn thành tốt nhiệm vụ này.
Có thể nói, trong những năm qua, chúng ta đã có kinh nghiệm trong việc tổ chức các hội nghị quốc tế lớn, có những hội nghị có sự tham gia của hàng chục nguyên thủ cùng lúc. Lần này, chúng ta chỉ đón 2 nguyên thủ, nhưng đây là những nhân vật đặc biệt cần bảo vệ đặc biệt, nhưng công tác an ninh đã thành công như mong đợi.
Tuy nhiên, chúng ta cần tính toán và huy động lực lượng và phương tiện để đảm bảo hiệu quả tối ưu nhất. Chúng ta cần lượng định được nguy cơ đe dọa an ninh ở mức nào để huy động lực lượng cho phù hợp mà vẫn thực hiện được mục tiêu cao nhất của mình.
Việc phải dùng các biện pháp phân luồng giao thông và cấm đường là hết sức cần thiết, nhưng tôi cũng cho rằng cần nghiên cứu và tính toán kỹ lưỡng về tuyến đi và thời gian cụ thể, để đảm bảo an ninh cho khách nhưng cũng ít ảnh hưởng nhất tới hoạt động và cuộc sống của người dân như chúng ta đã làm trước đây.