Đại tướng Trần Đại Quang với Báo công an nhân dân

Thứ Tư, 31/10/2018, 08:35
Khi bài viết này đến với bạn đọc, Đại tướng Trần Đại Quang, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an, người Thủ trưởng, người Thầy, người Anh và là người Bạn lớn của Báo Công an nhân dân đã đi vào cõi vĩnh hằng hơn ba mươi ngày. Trong số báo kỉ niệm 72 năm Báo Công an nhân dân phát hành số đầu tiên, lục tìm trong trí nhớ, tôi ghi lại một vài kỉ niệm với Anh trên chặng đường làm báo của mình như một lời tri ân, tưởng nhớ tới Anh.


Cộng tác viên tích cực từ khi báo phát hành nội bộ

Đến tháng 9 năm 2018, tôi đã công tác tại Báo Công an nhân dân (CAND) tròn 37 năm. Tháng 9 năm 1981 cũng là thời điểm Nghị định 250/CP của Chính phủ về Tổ chức bộ máy của Bộ Công an ra đời. Theo đó, Báo CAND trực thuộc Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND (sau là Tổng cục Chính trị CAND). Báo có 5 phòng và cơ quan đại diện tại TP Hồ Chí Minh. Anh Văn Quyết, chị Kim Dung về Phòng Biên tập thời sự và Biên tập Xây dựng lực lượng.

Tôi cùng anh Phúc Bồng, chị Nguyệt Tuệ (nhà văn Thùy Linh) được phân công về Phòng Biên tập Nghiệp vụ - Khoa học kỹ thuật công an. Phòng có 6 phóng viên, sau được bổ sung anh Hà Tuấn từ Cục Quản lý xuất nhập cảnh.

Tôi được phân công giữ hai chuyên mục “Khoa học nghiệp vụ” và “Câu chuyện nghiệp vụ”. Ngoài ra, cùng Nguyệt Tuệ lo bài chuyên mục “Trinh sát kể chuyện” và bài cho chuyên mục “Tìm hiểu địch” với anh Hà Tuấn. Với hai chuyên mục chính, sau gần một năm làm ở Báo, chúng tôi đã có thể đảm nhận được. Tuy nhiên, bài cho chuyên mục “Tìm hiểu địch” thì hơi bí.

Mở những số báo cũ ra xem, tôi thấy có một số cộng tác viên hay viết cho chuyên mục này, trong đó có tác giả Trần Đại Quang, cán bộ phòng tham mưu một cục nghiệp vụ thuộc Tổng cục An ninh. Tôi tìm hiểu và rủ phóng viên Nguyệt Tuệ “mò” sang làm quen, đặt anh viết bài.

Cộng tác viên Trần Đại Quang dáng cao dong dỏng, da trắng, đẹp trai và qua trao đổi, biết anh khá giỏi tiếng Trung Quốc, có lẽ đó là điều kiện tốt để anh đọc được tài liệu nước ngoài và viết bài cho báo. Ngày ấy, gửi bài đăng báo có khi cả tháng sau báo mới in ra và nhuận bút thì chả đáng là bao nhưng hầu hết anh chị em cộng tác viên vẫn tích cực viết và gửi bài. Các anh chị coi đó như một niềm vui và quan trọng hơn là nhằm phổ biến kiến thức pháp luật, nghiệp vụ cho cán bộ chiến sĩ công an thông qua tờ báo CAND phát hành nội bộ.

Với anh Quang, sau khi có chúng tôi, phóng viên chuyên trách theo dõi chuyên mục, đôn đốc, anh rất tích cực viết bài cho báo, không chỉ chuyên mục “Tìm hiểu địch” mà cả “Tường thuật vụ án”.

Năm 1986, khi chuẩn bị cho việc phát hành công khai, Báo mở lớp bồi dưỡng cộng tác viên chuyên viết cho chuyên mục “Tường thuật vụ án” thời gian 15 ngày tại nhà khách của Bộ Công an ở phố Nguyễn Quyền. Nhiều cây viết gạo cội cho chuyên mục này như Thanh Tùng, Hồng Loan, Trường Thanh, Hoàng Phấn, Hà Đông Dương, Phan Thanh Nguyệt... và cả anh Trần Đại Quang được mời về dự lớp học. Tôi cùng một vài người được phân công theo dõi, phục vụ lớp. Kết thúc lớp, ban tổ chức yêu cầu mỗi cộng tác viên nộp bản thu hoạch cùng một bài “Tường thuật vụ án” theo thông báo trước.

Khi đó anh Quang là phó phòng tổng hợp của cục, công việc rất bận nên những buổi trao đổi hay đi thực tế anh xin không tham gia. Vậy mà cuối đợt tập huấn, anh nộp luôn hai bài “Tường thuật vụ án” và “Tìm hiểu địch” cho ban tổ chức lớp. Anh Trần Kính, Trưởng phòng Biên tập nghiệp vụ đã đọc và đánh giá hai bài của anh Quang rất tốt. Sau này là lãnh đạo cục rồi tổng cục, anh vẫn thường xuyên viết bài cho Báo CAND, nhất là những số báo tết hay số đặc biệt kỷ niệm ngày truyền thống CAND.

Đại tướng, Bộ trưởng Trần Đại Quang thăm và làm việc với Báo Công an nhân dân tháng 10 năm 2013.

Trao đổi về tác nghiệp báo chí

Khi anh Trần Đại Quang làm Thứ trưởng, rồi Bộ trưởng Bộ Công an với bộn bề công việc, nhưng anh luôn dành thời gian gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với anh em báo chí cả trong và ngoài công an. Với tôi, do có mối quan hệ gần gũi trong công việc từ trước nên anh thường dành cho tôi nhiều cuộc trao đổi trực tiếp hoặc qua điện thoại về báo chí, thậm chí là những tác nghiệp của phóng viên trong làm báo.

Tôi ngạc nhiên là anh nhớ tên khá nhiều phóng viên của Báo CAND và khả năng của mỗi người. Anh nhắc đến phóng viên này viết bài mảng chính luận tốt, mềm mại; phóng viên kia viết quốc tế sắc sảo; người này viết chân dung nhà văn và gương người tốt hấp dẫn; người kia làm phỏng vấn hay...

Anh nhắc đến một phóng viên, bây giờ là trưởng phòng và nói: “Hôm trước đi với anh, nó viết tin không chuẩn, anh gắt với nó nhưng mấy tin sau nó viết tốt”. Rồi giọng anh trầm xuống như muốn qua tôi nói với bạn phóng viên kia: “Nó làm được đấy, chúng nó còn trẻ, các em phải quan tâm đến anh em. Còn anh, lúc bực thì anh nói thế thôi, chứ anh có để ý gì đâu. Động viên cho anh em nó làm”.

Tôi biết anh đang nhắc đến bạn phóng viên của Báo tháp tùng anh trong chuyến thăm mấy nước Asean, do trục trặc trong việc gửi ảnh qua email nên trên Báo điện tử CAND đã chú thích sai ảnh lễ đón và ảnh hội đàm của đoàn. Ngay tối hôm kết thúc hội đàm, anh mở Báo mạng CAND xem và phát hiện sai sót đó.

Nhiều lần anh điện thoại cho tôi trao đổi về tin thời sự trên báo, trong đó có tin về chuyến công tác của Bộ trưởng ở các tỉnh Tây Bắc. Anh bảo Báo viết không sai nhưng đọc thấy khô cứng quá. Tin Bộ trưởng làm việc ở hai tỉnh thấy đưa trên báo điện tử rất giống nhau, chỉ khác tên tỉnh và nội dung phát biểu.

Rồi anh gợi ý: Hôm qua ở tỉnh này có thể mở đầu tin bằng ngày, giờ Bộ trưởng đến thăm, thành phần dự, nội dung Bộ trưởng phát biểu, thì hôm nay có thể đưa thẳng vào nội dung chỉ đạo của Bộ trưởng, còn thành phần, thời gian có thể đưa sau, chứ đưa như tin hôm trước, bạn đọc sẽ thấy nhàm, không muốn đọc và như vậy thông tin Bộ trưởng chỉ đạo kém hiệu quả...

Rồi, rất nhiều việc khác anh thường điện, trao đổi và nhắc chúng tôi để báo chuẩn hơn, hay hơn. Song, ngược lại, có thông tin đơn vị chức năng đã chuẩn bị, anh xem kỹ, đồng ý về nội dung để đăng báo nhưng khi tôi thấy cần chỉnh sửa đã mạnh dạn góp ý, anh vẫn cho sửa. Ví như vụ án oan với ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang.

Khi Viện Kiểm sát Tối cao quyết định xem xét lại bản án của ông Chấn theo hướng ông không có tội, lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo, cơ quan điều tra của Bộ đã chuẩn bị văn bản thông tin rộng rãi với tinh thần lãnh đạo Bộ sẽ chỉ đạo điều tra nhanh chóng, khách quan và xử lý nghiêm với cán bộ chiến sĩ công an có vi phạm và coi đó là bài học sâu sắc trong hoạt động của cơ quan điều tra.

Văn bản có đầu đề rất chung chung, không có thông tin. Theo phản xạ nghề nghiệp, tôi điện thoại đến đồng chí thủ trưởng đơn vị soạn thảo thông tin trên nhưng anh không đồng ý với ý kiến của tôi bởi “Bộ trưởng đã duyệt rồi”. Không đồng ý, tôi điện thoại cho anh Đức - thư ký Bộ trưởng. Đức gợi ý tôi nên làm sẵn mấy đầu đề, in ra rồi đem sang báo cáo trực tiếp Bộ trưởng. Tôi làm theo ý Đức và đặt ra 3 đầu đề của bản tin được soạn sẵn.

Khi đưa đến trình bày, anh xem rất nhanh và lấy bút đánh dấu vào 2 cái tít. Anh nói: “Tít này chú làm tin trên báo in. Còn tít này làm cho báo điện tử”. Tôi rất vui vì đề xuất của mình được chấp nhận nhưng cũng không khỏi kính nể Bộ trưởng về kiến thức làm báo, kể cả chọn tít cho 2 loại hình báo chí. Tất nhiên, không quên cảm ơn Đức về việc gợi ý cho tôi quá chuẩn.

Những định hướng cho Báo Công an nhân dân

Là lãnh đạo Bộ Công an, rất nhiều lần anh nhắc lãnh đạo Báo CAND chúng tôi phải tăng cường bài viết đấu tranh với quan điểm sai trái, thù địch. Anh gợi ý cho những vấn đề cần tập trung đấu tranh là gì, cần đặt bài ở đâu và đặc biệt nhấn mạnh cách viết loại bài này. Theo anh, viết báo đã khó nhưng viết loại bài này càng khó hơn. Viết làm sao phải sâu sắc, thể hiện rõ lập trường quan điểm bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, đất nước, dân tộc nhưng phải mềm mại, uyển chuyển, thuyết phục. Phê phán, lên án thế lực thù địch phải có lý luận, có văn hóa, chứ không phải kiểu cãi vã nhau trên báo...

Bên cạnh đó, các thế lực thù địch và cả những phần tử xấu thường khai thác những thông tin tiêu cực, bất lợi về lực lượng CAND, nhằm chia rẽ công an với nhân dân, làm giảm uy tín và sức chiến đấu của công an. Các báo chí trong công an, mà trước hết Báo CAND phải nhanh chóng thông tin sớm, có định hướng trước những thông tin sai trái đó. Lãnh đạo Bộ Công an không hạn chế thông tin tiêu cực về cán bộ chiến sĩ công an nhưng phải thông tin có tính xây dựng, không làm ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của CAND.

Tháng 7-2013, khi nhận nhiệm vụ Tổng Biên tập Báo CAND, tôi lên báo cáo và mời anh đến thăm, động viên cán bộ, phóng viên của Báo nhân 67 năm Báo phát hành số đầu tiên. Tôi đề nghị anh tranh thủ đến thăm anh em dù rất ngắn cũng được. Anh đồng ý và thời gian sẽ báo sau. Tôi phấn khởi về thông báo cho lãnh đạo và cán bộ phóng viên. Song, vài hôm sau anh lại điện thoại cho tôi thông tin, từ khi lên Bộ trưởng, anh chưa đến làm việc với đơn vị nào của Tổng cục Xây dựng lực lượng, vì vậy việc đến thăm Báo phải chu đáo, không thể coi là “tranh thủ” được. Thế là sáng Thứ Bảy, ngày 16-10-2013 anh đã dành thời gian đến thăm, phát biểu động viên cán bộ, phóng viên Báo CAND.

Trong rất nhiều nội dung động viên, chỉ đạo với tập thể cán bộ, phóng viên của Báo, anh nói khá nhiều về việc phải đầu tư đúng mức cho Báo CAND điện tử. Anh chỉ đạo Báo CAND điện tử thông tin phải nhanh, chính xác, phải có giao diện đẹp, hấp dẫn để người đọc dễ tra cứu và tìm đọc; phải nâng cấp và trang bị máy móc, thiết bị hiện đại; phải có trang bằng tiếng Anh và các ngôn ngữ khác...

Theo chỉ đạo của anh, đầu năm 2014, Ban Biên tập đã đầu tư nâng cấp toàn diện Báo điện tử CAND cả về con người, máy móc, thiết bị và cơ sở vật chất. Hiện nay, ngoài phiên bản tiếng Việt, Báo đã có phiên bản tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.

Hôm nay, ngồi viết lại mấy kỉ niệm trong rất nhiều những lần tôi nhận được sự chỉ bảo, động viên, khen ngợi và có cả những phê bình của anh có thể trực tiếp, qua điện thoại hay nhắn gửi qua người khác. Song, dù là thế nào, tôi luôn dành cho anh sự kính trọng và trân quý. Đại tướng Trần Đại Quang, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an, người Thủ trưởng, người Thầy, người Anh và là người Bạn lớn của Báo CAND luôn hiển hiện cùng mỗi cán bộ, phóng viên của Báo. Xin được thành kính dâng lên anh một tuần hương thơm, nhân sắp đến “Thất thất lai tuần” anh đi xa.

Phạm Văn Miên
.
.