75 năm xây dựng và trưởng thành của lực lượng y tế CAND
Với nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ, khám chữa bệnh cho CBCS, đảm bảo sức chiến đấu của lực lượng CAND, từ chỗ chưa có một tổ chức y tế độc lập với trang thiết bị thiếu thốn, trải qua chặng đường 75 năm xây dựng và trưởng thành, Y tế CAND đã trở thành lực lượng không thể tách rời của lực lượng CAND, đóng góp vào sự phát triển lớn mạnh và truyền thống vẻ vang của lực lượng CAND.
Ra đời từ thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ công tác, chiến đấu
Trong suốt quá trình 75 năm xây dựng và trưởng thành của lực lượng CAND, nhất là trong những ngày đầu thành lập, đất nước ta đang trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, lực lượng Y tế CAND chưa có mô hình riêng mà chủ yếu được bố trí trong Văn phòng Công an các cấp, nhằm đáp ứng những yêu cầu cấp bách khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho CBCS Công an tham gia kháng chiến. Do đó, việc xác định cụ thể ngày truyền thống lực lượng Y tế CAND rất khó khăn.
Qua nghiên cứu, sưu tầm, thu thập tư liệu, tài liệu, tổ chức Hội thảo; căn cứ vào cơ sở khoa học và thực tiễn, ngày 12/7/2011, Bộ trưởng Bộ Công an ký Quyết định số 2522/QĐ-BCA-X11 xác định ngày 12/7/1947 là ngày truyền thống lực lượng Y tế CAND.
Ngày 12/7/1947, Bộ trưởng Bộ Nội vụ có Công văn số 1443/NVH gửi Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Ủy ban hành chính các Kỳ, Nha Công an, Nha Công chức và Kế toán Bộ Nội vụ hướng dẫn việc giải quyết vấn đề khám, chữa bệnh cho Công an viên và Cảnh vệ quân. Đây chính là một trong những văn bản đầu tiên của ngành Công an về y tế. Văn bản thể hiện sự quan tâm của Bộ Nội vụ đối với công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho cán bộ, chiến sĩ của lực lượng CAND.
Có thể thấy rằng, ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn phục vụ công tác chiến đấu của lực lượng CAND, lực lượng Y tế CAND chính thức được hình thành, ban đầu chỉ với một cán bộ y tế đó là đồng chí Lê Hậu Sửu.
Theo đó, ngay sau Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ nhất (16/5/1947) và công văn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Nha Công an Trung ương nhận thấy yêu cầu cấp thiết của việc cần phải có cán bộ chuyên môn y tế của Ngành để khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ CBCS tại chiến khu một cách kịp thời, vừa bảo đảm được yếu tố bí mật của kháng chiến nên quyết định cử đồng chí Lê Hậu Sửu đi học lớp y tá do Y tế Liên khu I tổ chức. Từ đây, CBCS Nha Công an Trung ương đóng ở Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang đã được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bằng bàn tay chuyên môn của cán bộ y tế trong Ngành.
Thời kỳ đầu mới được hình thành, công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho CBCS Công an gặp rất nhiều khó khăn, bởi không chỉ mỏng về đội ngũ cán bộ y tế mà trang thiết bị y tế còn vô cùng thiếu thốn, hết sức giản đơn, phần nhiều do tự chế. Thuốc men thông thường nhận theo chỉ tiêu của Bộ Y tế, một số thuốc kháng sinh đặc hiệu thì phải vào vùng địch hậu để mua, một số thuốc khác như cầm máu, hạ sốt thì đa phần tự chế biến bằng các loại lá cây… Tuy mới được hình thành chỉ với một lực lượng rất nhỏ và tổ chức còn manh nha, nhưng Y tế CAND đã có những đóng góp nhất định trong việc đảm bảo yêu cầu chiến đấu và xây dựng lực lượng của CAND.
Quá trình 75 năm xây dựng và phát triển, trải qua nhiều giai đoạn cách mạng của dân tộc, từ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), đến giai đoạn chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược, xây dựng, bảo vệ miền Bắc XHCN, đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (1954-1975); giai đoạn thực hiện nhiệm vụ chiến lược thời kỳ đầu xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc (1975-1986); giai đoạn đất nước bước vào thời kỳ mở cửa, đổi mới và từng bước hội nhập quốc tế (1986-2016) và đặc biệt là giai đoạn từ năm 2016 đến nay, cùng với sự phát triển ngày càng lớn mạnh của lực lượng CAND, lực lượng Y tế CAND đã có những bước phát triển.
Đến nay lực lượng Y tế CAND đã được củng cố, hoàn thiện, tổ chức thành mạng lưới rộng khắp từ Trung ương đến địa phương với 3 tuyến chuyên môn kỹ thuật gồm 212 đầu mối cơ sở khám chữa bệnh với 7.350 giường bệnh, 6.590 cán bộ y tế, đảm bảo quan điểm chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an với phương châm “ở đâu có cán bộ, chiến sĩ Công an, ở đó có cán bộ y tế Công an để thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe”.
Góp phần xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc
75 năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Đảng uỷ Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, công tác quản lý nhà nước đối với y tế trong toàn lực lượng được chú trọng, mạng lưới các cơ sở khám, chữa bệnh của Y tế CAND từng bước được nâng cấp, hiện đại hóa và thực sự có sự đổi mới toàn diện.
Hiện nay, Cục Y tế là đơn vị trực thuộc Bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước, mạng lưới khám, chữa bệnh gồm 19 bệnh viện, trong đó có 4 bệnh viện hạng I được đầu tư trang bị tương đối hiện đại và 15 bệnh viện hạng III (14 bệnh viện Công an tỉnh/thành phố, 1 bệnh viện Trại tạm giam). Còn lại là các bệnh xá Công an tỉnh/thành phố, Học viện, Trường, Bộ Tư lệnh, Phòng y tế các Cục; bệnh xá Trại giam, Trại tạm giam, Cơ sở giáo dục bắt buộc, Trường giáo dưỡng. Tổ chức bộ máy của lực lượng Y tế CAND ngày càng được củng cố, mở rộng và kiện toàn theo hướng chuyên sâu.
Các tuyến y tế trong CAND đã vận hành, khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất và các trang thiết bị hiện có. Thường xuyên cập nhật, ứng dụng và phát triển các tiến bộ khoa học, triển khai nhiều kỹ thuật mới, điều trị thành công nhiều bệnh lý nặng.
Trong công tác phòng bệnh và phòng, chống dịch, lực lượng Y tế CAND đã chủ động triển khai thực hiện hiệu quả, kịp thời khống chế và xử lý nhiều dịch bệnh nguy hiểm như: SARS, tiêu chảy cấp nguy hiểm, cúm A (H5N1,H1N1, H7N9), dịch bệnh do virus Ebola, dịch bệnh do virus Zika, dịch bệnh sốt xuất huyết... Phối kết hợp chặt chẽ với y tế quân, dân y địa bàn đóng quân trong công tác phòng, chống dịch.
Với tính chất đặc thù của Y tế CAND, đội ngũ cán bộ y tế tại các Trại giam, Trại tạm giam, Cơ sở giáo dục bắt buộc, Trường giáo dưỡng đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng phục vụ người bệnh, dù cho đối tượng chăm sóc rất đặc biệt, đó là các can phạm nhân mắc nhiều bệnh truyền nhiễm, hay các đối tượng tội phạm nguy hiểm, phức tạp.
Ngoài ra, công tác xã hội tình nguyện cũng luôn được lực lượng Y tế CAND quan tâm chú trọng; thường xuyên tổ chức, tham gia các chuyến công tác khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, các gia đình chính sách; chăm sóc, phụng dưỡng nhiều Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các cháu là con cán bộ Công an có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...
Bên cạnh đó, Y tế CAND đã tích cực hợp tác, thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Nhiều cán bộ y tế đã được cử làm chuyên gia xây dựng cơ sở y tế, huấn luyện cán bộ, tham gia chăm sóc sức khỏe cho cán bộ Công an các nước bạn Lào và Campuchia. Các cán bộ, y tế đã khám, chữa bệnh, điều trị cho hàng nghìn lượt bệnh nhân của các nước bạn, góp phần tạo hình ảnh đẹp về người chiến sĩ CAND Việt Nam, người bác sĩ CAND Việt Nam trong mắt của bạn bè quốc tế.
Đặc biệt, trong trận chiến với đại dịch COVID-19 từ đầu năm 2020 đến nay, Y tế CAND đã quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 với phương châm “Chiến sỹ Công an áo trắng - khẩn trương - tình thương - trách nhiệm - hết mình - chung sức đẩy lùi dịch COVID -19 - hy sinh quên mình vì đồng chí, đồng đội, đồng bào”.
Không chỉ chủ động triển khai hiệu quả các phương án ngăn ngừa dịch bệnh trong lực lượng, Y tế CAND còn phối hợp chặt chẽ với y tế địa phương kịp thời khoanh vùng, dập dịch, truy vết, cách ly, xét nghiệm, điều trị, tiêm vaccine, qua đó góp phần vào thành công trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của cả nước.
Đồng thời, không ngừng tìm tòi, phát huy nhiều sáng kiến hay, thiết thực phục vụ công tác phòng, chống dịch như sáng kiến “Áo chống sốc nhiệt dành cho y, bác sĩ”, “Buồng lấy mẫu xét nghiệm COVID-19”, hay nghiên cứu, sản xuất sản phẩm thuốc y học cổ truyền trong phòng và điều trị COVID-19... Những sáng kiến đó đã giúp đảm bảo sức khỏe, an toàn cho đội ngũ cán bộ y tế tham gia phòng, chống dịch; nâng cao sức đề kháng, phòng và hỗ trợ điều trị COVID-19 cho CBCS Công an, nhân dân và đối tượng trong các cơ sở giam giữ.
Những kết quả đã đạt được trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua của lực lượng y tế CAND là minh chứng cho bản lĩnh chính trị, phẩm chất cách mạng, ý chí quyết tâm, tinh thần chiến đấu bền bỉ và lòng trung thành tuyệt đối của lực lượng CAND nói chung và lực lượng Y tế CAND nói riêng với Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Với những thành tích xuất sắc trong quá trình 75 năm xây dựng và trưởng thành, lực lượng Y tế CAND đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý.
Cục Y tế nhiều năm liền được trao tặng Huân chương các loại như: Huân chương Chiến công hạng Nhất (1998), Huân chương Chiến công hạng Ba (1992), Huân chương Quân công hạng Ba (2012), Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất (2017), Huân chương Lao động hạng Ba (2021), Huân chương Quân công hạng Nhì năm 2022.
Bệnh viện 30/4 được trao tặng tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (2001), Huân chương Quân công hạng Ba (1990), và Huân chương Chiến công hạng Nhì (2021).
Bệnh viện 19/8 được trao tặng Huân chương Quân công hạng Nhất (2011), Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba (2016), Huân chương Lao động hạng Ba (2021).
Bệnh viện 199 được trao tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba (2014).