Những vấn đề lý luận và thực tiễn về bảo đảm an ninh vùng Đông Nam Bộ
Ngày 20/12, tại TP Hồ Chí Minh, thừa ủy quyền của Trung tướng Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận Bộ Công an, Trường Đại học ANND đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp Hội đồng với chủ đề: “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về bảo đảm an ninh vùng Đông Nam Bộ”.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Đại tá, PGS,TS. Nguyễn Trần Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học ANND, cho biết: Vùng Đông Nam Bộ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước.
Thời gian qua, các bộ, ban, ngành, địa phương, sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân, bám sát và triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị có liên quan đến vùng Đông Nam Bộ, nhất là Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Lực lượng CAND đã phát huy vai trò nòng cốt, triển khai đồng bộ lực lượng, biện pháp giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm TTATXH vùng Đông Nam Bộ.
Trong đó, lực lượng CAND đã chủ động nắm chắc tình hình, đấu tranh làm thất bại nhiều kế hoạch đưa người, phương tiện, vũ khí, ý đồ thành lập lực lượng vũ trang, tiến hành khủng bố, phá hoại trong nội địa; vô hiệu hóa nhiều âm mưu, hoạt động tuyên truyền, kích động mâu thuẫn dân tộc, lôi kéo chống chính quyền; tham mưu giải quyết hàng nghìn vụ tranh chấp, khiếu kiện; phát hiện, điều tra, xử lý gần 3.700 vụ phạm tội kinh tế, chức vụ, môi trường, trên 22.000 vụ phạm tội hình sự, trên 36.000 vụ phạm tội về ma túy; xử lý hàng triệu trường hợp vi phạm TTATGT.
Đồng thời, lực lượng CAND triển khai nhiều giải pháp xây dựng, củng cố nền ANND, thế trận ANND, phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, bố trí Công an xã chính quy, góp phần củng cố thế trận lòng dân vững chắc. Hợp tác quốc tế về ANTT được thúc đẩy ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực; làm tốt chức năng tham mưu chiến lược cho Đảng, Nhà nước về bảo vệ an ninh biên giới, xử lý các vấn đề bảo đảm an ninh tuyến biên giới phù hợp với đường lối đối ngoại và đáp ứng lợi ích quốc gia, dân tộc…góp phần bảo đảm an ninh, an toàn, phục vụ đắc lực các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá các nội dung: Những vấn đề lý luận về bảo đảm an ninh vùng; tình hình, đặc điểm có liên quan đến bảo đảm an ninh vùng Đông Nam Bộ; những yếu tố tác động đến bảo đảm an ninh vùng Đông Nam Bộ; phương hướng bổ sung, phát triển lý luận về bảo đảm an ninh Vùng và giải pháp nâng cao hiệu quả bảo đảm an ninh vùng Đông Nam Bộ… Đến nay Ban Tổ chức hội thảo đã tiếp nhận, biên tập, xây dựng tài liệu Hội thảo với 70 tham luận tiếp cận nghiên cứu ở nhiều góc độ và có chất lượng cao.
Thiếu tướng, TS. Đoàn Minh Lý, Hiệu trưởng Trường Đại học ANND, chủ trì Hội thảo, nhấn mạnh: Bên cạnh đó, vùng Đông Nam Bộ cũng đứng trước những thách thức về vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống. Điển hình như, âm mưu, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, phản động; nguy cơ về mặt an ninh công nhân; tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, dịch bệnh; tình hình tội phạm, nhất là tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm kinh tế, buôn lậu, ma túy...Hội thảo nghiên cứu, quán triệt, vận dụng các quan điểm, tư duy mới của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an về bảo đảm ANQG nói chung, an ninh vùng chiến lược nói riêng...
Đồng thời, Hội thảo tạo diễn đàn để các cơ quan, ban, ngành, các nhà nghiên cứu, chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo các tỉnh, thành phố và lực lượng vũ trang thuộc khu vực Đông Nam Bộ trao đổi thảo luận, chia sẻ kết quả nghiên cứu, cũng như đề xuất các khuyến nghị xây dựng chính sách, giải pháp chiến lược để phát triển bền vững vùng Đông Nam Bộ, bảo đảm an ninh vùng một cách toàn diện.