Nâng cao việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong xử lý chất thải rắn

Thứ Năm, 30/12/2021, 17:20

Chiều 30/12, tại TP Hồ Chí Minh, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an đã tổ chức Hội thảo đối thoại và tuyên truyền việc chấp hành pháp luật về môi trường trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH).

thao1.jpg -0
Đại tá Lê Thơm phát biểu tại Hội thảo.

Đại tá Lê Thơm, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có đại diện Cục An ninh nội địa, Công an TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học CSND, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang...   

Đại tá Lê Thơm, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, cho biết: Trong những năm qua, nền kinh tế đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật và ngày càng khẳng định vị thế trên trường quốc tế, đời sống người dân không ngừng được cải thiện. Cùng với đó việc tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa nhanh chóng với số lượng những ngành sản xuất kinh doanh đa dạng, các khu công nghiệp, dịch vụ ngày càng phát triển đã tạo ra dòng di cư từ nông thôn ra thành thị, tạo hàng triệu việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, sức ép về môi trường, làm tăng lượng chất thải rắn phát sinh, đặc biệt là CTRSH.

Theo thống kê, tổng lượng CTRSH phát sinh trên cả nước khoảng 67.000 tấn/ngày, trong đó khu vực thành thị 34.000 tấn/ngày, nông thôn 33.000 tấn/ngày. Các địa phương có phát sinh CTRSH lớn là TP Hồ Chí Minh với 9.400 tấn/ngày, TP Hà Nội 6.500 tấn/ngày...Trong khi đó, hệ thống công trình hạ tầng đô thị và nông thôn chưa phát triển đồng bộ. Trình độ và năng lực quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của quá trình đô thị hóa, làm nảy sinh nhiều áp lực đối với môi trường, đời sống của người dân, tiềm ẩn các nguy cơ đe dọa an ninh, TTATXH.

thao2.jpg -0
Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường đã chủ động tham mưu cho Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành để trình Chính phủ ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật, tội phạm về môi trường liên quan đến lĩnh vực xử lý CTRSH; tổ chức nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường. Kịp thời phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết các điểm nóng về môi trường, góp phần đảm bảo TTATXH.

Lực lượng Cảnh sát môi trường đã tham mưu cho Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực xử lý CTRSH; tổ chức hàng nghìn lượt kiểm tra và phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực  xử lý CTRSH, triển khai các dự án và quá trình xử lý CTRSH của nhiều đơn vị, địa phương còn nhiều bất cập, khó khăn dẫn đến tồn tại điểm nóng về ANTT tại các bãi rác, xuất hiện tình trạng chống người thi hành công vụ, khiếu kiện kéo dài.

Để góp phần làm rõ những nguyên nhân, tồn tại, tham mưu kiến nghị những giải pháp giải quyết hài hòa giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp hoạt động xử lý CTRSH và chủ động tuyên truyền, phổ biến pháp luật phục vụ phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, được sự đồng ý của Lãnh đạo Bộ Công an, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường tổ chức Hội thảo trên.

thao3.jpg -0
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá sâu về một số vấn đề như: Thực trạng tình hình chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường trong xử lý CTRSH thời gian qua; các vấn đề tiềm ẩn nguy cơ đe dọa ANTT tại các địa phương liên quan đến công tác xử lý CTRSH; những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi các văn bản quy phạm pháp luật về xử lý CTRSH; mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc quản lý CTRSH; các kiến nghị về xây dựng, sửa đổi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng nhu cầu thực tế của lĩnh vực xử lý CTRSH trong thời gian tới...

Kết luận Hội thảo, Đại tá Lê Thơm, nhấn mạnh: Cùng với sự gia tăng dân số, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, CTRSH đang gia tăng cả về khối lượng và chủng loại. Trước tình hình này, vấn đề lựa chọn công nghệ xử lý rác thải phù hợp là một nhiệm vụ quan trọng đối với các nhà khoa học, các cấp chính quyền. Làm thế nào để lựa chọn phương pháp xử lý phù hợp CTRSH cũng như điều kiện kinh tế nước ta đang là một vấn đề cần lưu ý, quan tâm, giải quyết. Từ nhận thức trên, cần có phương hướng trọng tâm, những hành động cụ thể trong thời gian tới, như: Hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế quản lý, tăng cường năng lực thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường trong xử lý CTRSH, với 6 nhiệm vụ giải pháp, tập trung rà soát, nghiên cứu và đề xuất xây dựng, sửa đổi các chính sách, quy định pháp luật, hướng dẫn kỹ thuật về môi trường trong xử lý rác sinh hoạt, kiểm soát nguồn thải, tái chế, tái sử dụng chất thải; chính sách thương mại phù hợp với các cam kết quốc tế, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường trong lĩnh vực xử lý CTRSH. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, xã hội đối với công tác bảo vệ môi trường và xử lý rác thải sinh hoạt. Phối hợp cùng các ngành, các cấp, đơn vị, doanh nghiệp và toàn dân xác định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ để có hành động cụ thể làm tốt công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực xử lý CTRSH...

Đức Mừng
.
.