Phía sau các huyền thoại trong cuộc đổ bộ lịch sử Normandy

Thứ Ba, 14/06/2016, 10:15
Dịp kỷ niệm một sự kiện nào đó là thời khắc dừng lại và suy ngẫm. Kỷ niệm Ngày D (6 tháng 6 năm 1944) - ngày quân Đồng minh đổ bộ lên bờ biển Normandy miền Bắc nước Pháp chính thức mở cuộc tổng tấn công phát xít Đức trên trận tuyến phía tây cũng là dịp cho chúng ta soi rọi về quá khứ và tự vấn, đâu là sự thật trong những điều chúng ta từng biết về sự kiện này và có bao nhiêu điều đã được mặc định thành huyền thoại?

James Holland, người đưa ra những luận cứ trong bài viết dưới đây là nhà sử học, nhà văn, biên tập viên truyền thanh kỳ cựu, thành viên Hội Sử học Hoàng gia Anh, đồng thời ông đang hoàn thành kịch bản cho loạt phim tài liệu sử thi "Normandy 1944"

Lực lượng tác chiến chủ yếu là quân đội Mỹ?

Cho đến nay, chúng tôi tập hợp được tổng số quân Đồng minh tham gia trận chiến Normandy là 156.000 người, quy tụ lực lượng quân nhân hùng hậu đến từ 13 quốc gia. Trong số này, đông nhất là quân Mỹ, Anh; ngoài ra có những người lính đến từ Canada, Australia, Bỉ, Czec, Slovakia, Pháp, Hy Lạp, Hà Lan, New Zealand, Na Uy và Ba Lan.

Đối với nhiều người, Ngày D được ghi dấu bởi trận Omaha, mật danh của 1 trong 5 bờ biển mà lực lượng Đồng minh đổ bộ và không vận Mỹ đóng vai trò chính trong trận này. Thậm chí ở Đức, rất nhiều người vẫn coi Ngày D là ngày quân Mỹ phô trương lực lượng bởi trong những năm gần đây, loạt phim "Cuộc chiến tranh thế hệ", rồi phim "Cuộc đổ bộ của người Mỹ" và còn phải kể thêm vào những bộ phim điện ảnh đình đám như "Hội những người anh em" hay bộ phim đoạt giải Oscar "Giải cứu binh nhì Ryan" đã trình ra những chứng cứ thuyết phục.

Tướng Dwright D. Eisehower, chỉ huy tối cao của lực lượng đồng minh  nói chuyện với lính nhảy dù của quân đội Mỹ tại căn cứ không quân Greeham Common (Anh) ngày 5-6-1944.

Thật ra, người Mỹ tuy góp vai trò bằng lực lượng quân nhân và các vũ khí, khí tài quy mô nhất kể từ ngày nổ ra Đệ nhị Thế chiến nhưng Anh mới là người nắm giữ vai trò lãnh đạo. Quả vậy, tuy lãnh đạo tối cao của quân Đồng minh là tướng Mỹ Dwight D. Eisenhower nhưng phó chỉ huy tối cao là đại tướng không quân Arthur Tedder cùng 3 chỉ huy quân vụ đều là người Anh. Đại tướng không quân chỉ huy lực lượng không quân chiến thuật, Arthur "Mary" Coningham, cũng là người Anh.

Khi nói về cuộc đổ bộ Normandy, người ta thường gặp các cụm từ: Chiến dịch Overlord (Lãnh chúa), Chiến dịch Neptune (Hải vương) và Trận chiến Normandy. Ở đây có sự phân biệt khá rõ, trong đó cụm từ "Trận chiến Normandy" là để chỉ chung toàn bộ hoạt động tác chiến tại Normandy trong thời gian từ khi Ngày D bắt đầu đến cuối tháng 8-1944. Chiến dịch Overlord là mật danh cuộc tấn công của quân Đồng minh trên toàn khu vực Tây Bắc châu Âu, trong khi đó mật danh Neptune chỉ để chỉ giai đoạn tấn công trong khuôn khổ chiến dịch Overlord.

Người hoạch định cho Chiến dịch Overlord là tướng Anh Bernard Montgomery, chỉ huy lực lượng bộ binh; lực lượng hải quân Hoàng gia Anh nắm giữ vai trò chính trong chiến dịch Neptune. Bên cạnh đó, 31% vũ khí - khí tài cung ứng cho quân Mỹ đến từ Anh và trong số 12.000 phi cơ tham chiến thì 2/3 là chiến đấu cơ của Anh. Đưa ra những con số này, James Holland không có ý hạ thấp vai trò của người Mỹ, nhưng như lời ông nói, lịch sử cần một góc nhìn toàn diện và "phim ảnh giải trí cũng cần dạy lịch sử cho đúng".

Quân đội Mỹ thiếu sự chuẩn bị còn quân Đức có kỹ năng tác chiến tốt hơn?

Khi Đệ nhị thế chiến bước vào giai đoạn cuối, quân đội Mỹ được xem là lực lượng được vũ trang tốt nhất. Tuy vậy 77 ngày diễn ra trận đổ bộ lớn nhất của quân Đồng minh không cho chúng ta thấy hết được quy mô của họ. Trận tuyến tây bắc nước Pháp đã cho thấy quân Mỹ linh hoạt như thế nào trong chiến thuật. Khi bắt đầu chiến dịch, người Mỹ mới nhận ra rằng họ phải chiến đấu nhằm xuyên thủng "hàng rào phòng vệ" Norman trên một khu vực chằng chịt những chiến hào và những bãi mìn mai phục chìm sâu dưới nước.

Trong trận đổ bộ Normandy, quân Đồng minh đã chôn vùi hai phần ba các sư đoàn thiết giáp của Đức quốc xã.

Nơi bờ biển phía tây của Pháp, quân Đức dựng lên hàng loạt chướng ngại vật, cả nổi trên mặt nước và ngầm dưới biển, trong đó có "Những chiếc cổng Bỉ" (những bức tường sắt cao gần 4m), những "Cứ điểm Czech" (các trụ tam giác bằng gỗ và thép cao gần 2 m được nhồi đầy mìn và đạn pháo - số vũ khí này bị nước che khuất khi thủy triều lên cao), những cọc chĩa ba được bao bằng dây thép gai; những cọc gỗ nhọn đầu kết đầy mìn.

Đằng sau những bãi biển là vô số các bức tường chống tăng, những hàng rào thép gai và hàng triệu quả mìn. Lô cốt, trụ súng máy, những công sự vững chắc với những trụ bê tông kiên cố để làm trụ súng máy có ở khắp nơi. Những công sự này được đặt tên là "Bức tường Atlantic".

Quân Mỹ nói riêng hầu như không được huấn luyện để chinh phục trận tuyến này, thay vào đó, họ có ý mong chờ quân Đức sẽ nhanh chóng rút đi sau cuộc đổ bộ ào ạt của quân Đồng minh. Đối với quân Đức, "Bức tường Atlantic" thật lý tưởng cho những đợt tập kích vào các đội súng cối và súng máy của đối phương, trong khi những cỗ xe tăng Sherman nặng 30 tấn của Mỹ khó lòng vượt qua những hàng rào phòng vệ này.

Một trung sĩ người Mỹ đề ra giải pháp rất thông minh: Bộ phận cắt rào thép sẽ gắn vào trước đầu mỗi cỗ xe tăng, ta hãy hình dung nó cứ như bộ bàn cào khổng lồ giúp xe tăng càn đến đâu là quét bay từng mảng rào thép đến đấy. Tướng Omar Bradley, Tư lệnh binh đoàn thiết giáp rất ấn tượng với đề xuất trên và chỉ trong vòng 2 tuần, 60% số xe tăng Sherman đã được gắn thiết bị phá rào như thế.

"Chiến thuật đeo bám" của quân Đức trong những ngày diễn ra trận kịch chiến thường bị nhầm lẫn là "kỹ năng chiến thuật", và điều đó lý giải cho nguyên nhân vì sao quân Đức có thể cầm cự được lâu như thế. Tuy quá trình rèn luyện khá sơ sài nhưng họ vẫn là một đội quân cực kỳ nguy hiểm bởi tính hiếu sát và một khi xông trận là mang quyết tâm diệt thù mãnh liệt. Quân đội của Đệ tam đế chế không ngừng được truyền dạy tinh thần - nghĩa vụ chiến đấu song hành với hình phạt tử hình cho hành vi hèn nhát hoặc đào ngũ. Suốt thời kỳ Đệ nhất thế chiến, Đức chỉ xử bắn 48 người lính, còn trong Đệ nhị thế chiến, số người bị tử hình vọt lên 30.000!

"Con cáo sa mạc" biến thành con chồn dưới chân "Bức tường Atlantic"

Quân đội Đức suy đoán (cộng với những thông tin giả được các điệp viên hai mang cung cấp) rằng quân Đồng minh sẽ tiến sang Pháp từ chỗ hẹp nhất của eo biển Anh. Thậm chí, khi các binh sĩ Đồng minh đã tràn lên Normandy, họ vẫn tin rằng mũi tấn công "thực sự" là ở phía bắc.

Quân đội Mỹ gánh chịu thiệt hại lớn nhất về sinh mạng với hơn 29.000 lính Mỹ chết trận.

Bên kia eo biển Anh, các binh sĩ Đức chờ đợi. Chỉ huy quân đội Đức là Erwin Rommel, khi đó 51 tuổi, từng thống lĩnh quân đoàn Đức tại Bắc Phi, nơi ông ta được đặt biệt danh "Con cáo Sa mạc". Rommel tin rằng, "Cuộc chiến quyết định thắng lợi hay thất bại là ở các bãi biển. Chúng ta sẽ chỉ có một cơ hội để chặn kẻ thù và đó là khi chúng còn ở dưới nước", ông ta tuyên bố khi quan sát những bãi biển vắng vẻ.

Ngày 30-5, Rommel cay cú khi nhận tin bom của Đồng minh đã gây ra tổn thất cho hàng phòng thủ của mình ở Pháp. Sáng sớm hôm đó, lúc 6 giờ 20 phút, ông ta rời trụ sở ở Roche-Guyon bên bờ sông Seine để đi thị sát Bức tường Atlantic. Chuyến đi của Rommel liên tiếp bị gián đoạn bởi những tiếng báo động không kích. Cây cầu ở Mantes đã bị phá hỏng chỉ một giờ sau khi Rommel đi qua và đêm hôm đó muốn trở về lâu đài, ông ta đã phải vượt sông Seine bằng thuyền. Cuối ngày 30-5, tất cả các cây cầu nối Elbeuf với Paris bị phá huỷ.

Tuy nhiên, Rommel vẫn cho rằng mũi tiến công của quân Đồng minh sẽ hướng đến Pas-de-Calais, trên bờ eo biển Anh. "Họ sẽ chọn chỗ hẹp nhất của eo biển để vượt sang". Và khi lên bờ, họ sẽ lọt vào vị trí lý tưởng để quân Đức tấn công, đặc biệt là khu trung tâm của Ruhr. Cũng có nghĩa là quân Đồng minh sẽ tác chiến bên trong phạm vi hoạt động của các sân bay của họ ở Anh. Điều đó có vẻ rất hợp logic.

Quân Đồng minh đã tận dụng suy đoán sai lầm này của Đức để lên kế hoạch đánh lừa mang mật danh "Vệ sĩ". Quân Đức đã mắc lừa đến mức thậm chí sau khi quân Đồng minh đã đổ bộ lên Normandy, họ vẫn tin rằng "hướng tấn công thực sự" vẫn là nhằm về phía bắc.

Đóng vai trò quan trọng nhất cho kế hoạch này là các điệp viên, trong đó đáng kể nhất là Juan Pujol.

Pujol, khi đó 32 tuổi, là người xứ Catalan đến từ Barcelona. Trước tiên anh ta làm gián điệp cho Anh. Không được chấp nhận, anh ta liên lạc với Abwehr (Cơ quan tình báo Đức) tại Madrid và được chấp thuận. Với cái tên Arabel, Pujol đã giao cho Đức hàng loạt các báo cáo giả nhưng đầy thuyết phục. Sau đó vài tháng, Pujol trở lại làm việc cho người Anh. Lần này, với những thông tin moi từ phía kẻ thù, London đã nhận Pujol và năm 1942 bí mật đưa anh ta tới Anh. Tại đó, Pujol được đặt tên là Garbo.

Trong nhiều tháng liền, Pujol gửi tin tức cho Abwehr, tạo ra viễn cảnh là quân Đồng minh đang xây dựng lực lượng tại khu vực đông nam của Anh và sẵn sàng mở hướng tấn công về phía bắc của Normandy. Pujol đã được nhận vào làm việc tại Ban Chiến thuật Chính trị ở London, vị trí đó xem ra quá lý tưởng để thu thập những thông tin chính xác về các cuộc tấn công của Đồng minh. Chỉ huy của anh ta tại Madrid đã thông báo với Berlin tin đó vào ngày 30-5.

Hôm sau, vào lúc 8 giờ 35 phút, máy đánh tin bí mật của Pujol - được cất giấu tại một ngôi nhà trên đường Crespigny - đã gửi cho Madrid một bức điện thông báo: nhiều đơn vị không quân của sư đoàn 6 của Mỹ đã có mặt tại Suffolk. Tin này khiến chỉ huy quân đội Đức nghĩ rằng quân Đồng minh đang xây dựng lực lượng tại Anh và đến cuối cùng họ vẫn tưởng như vậy.

Con số thiệt hại

"Thiệt hại" ở đây là tính tới tất cả các loại hình thương vong: bị chết, bị thương, mất tích trong chiến đấu (không tìm thấy thi thể), bị bắt làm tù binh. Cho đến bây giời vẫn chưa có con số thiệt hại chính thức của Ngày D. Trong bối cảnh của một trận đánh lớn như vậy, việc thống kê các con số rất khó khăn. Ví dụ, một số người được coi là mất tích nhưng thực ra đã đổ bộ lên một địa điểm khác, sau đó lại tìm về được đơn vị. Đối với quân Đồng minh, trong hai tháng chuẩn bị cho Ngày D đã thiệt hại gần 12.000 quân và 2.000 máy bay. Còn tính riêng trong Ngày D thì số thiệt hại  khoảng 10.000 người, trong đó 2.500 người chết. Phía quân Đức, không có thống kê nào về thiệt hại trong Ngày D, nhưng con số ước tính là từ 4.000 đến 9.000 người.

Ngày nay, 27 nghĩa trang của vùng Normandy là nơi yên nghỉ của 110.000 binh sĩ thuộc cả hai phía, gồm 77.866 người Đức, 9.386 người Mỹ, 17.769 người Anh, 5.002 người Canada và 650 người Ba Lan. Trong trận chiến này, không chỉ có các chiến binh bị thương vong mà còn có cả những dân thường Pháp bị chết do bom của quân Đồng minh. Con số đó vào khoảng 15 - 20 nghìn người.

Tháng 7-1944, quân Đức Quốc xã bị đánh bật ra khỏi các căn cứ quân sự tại Normandy, cuộc đổ bộ quy mô đã đem lại một trong những trận thắng vẻ vang và anh dũng nhất trong Đệ nhị thế chiến, làm đà cho quân Đồng minh tiến chiếm giải phóng Paris và sau đó giải phóng châu Âu. Thắng lợi quyết định này đã làm nên một bước ngoặt lớn cho cả cuộc Đệ nhị thế chiến, góp phần dẫn tới sự sụp đổ của Đế quốc xã, chấm dứt chiến tranh.

Mạnh Quân (tổng hợp)
.
.
.