Mỹ bí mật theo dõi hoạt động vì người nhập cư

Thứ Năm, 28/03/2019, 07:17
Cuộc chiến chống người nhập cư của Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục trở thành đề tài dư luận quan tâm sau khi có thông tin tiết lộ về một cơ sở dữ liệu bí mật đã được Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan (ICE) lập ra để theo dõi các nhà báo và những người hoạt động vì quyền lợi người nhập cư tại Mỹ.

Phóng viên ảnh Ariana Drehsler đã bị chặn lại để kiểm tra giấy tờ ba lần trong một tuần khi bà qua lại biên giới Mỹ - Mexico để chụp ảnh đưa tin, phóng sự về đoàn người di cư tại tỉnh Tijuana hồi tháng 12-2018. Drehsler thấy phiền toái, vì tuyến đường này bà đã qua lại không biết bao nhiêu lần trước đây mà không có chuyện gì xảy ra cả.

Vậy mà bây giờ, hành trình sang Mexico rồi trở về bỗng trở nên phức tạp và phiền toái hơn. Drehsler đã không hề hay biết rằng tên, tuổi và nhiều thông tin khác về bà đã nằm trong một cơ sở dữ liệu bí mật của Chính phủ Mỹ. Cụ thể hơn, ICE chính là cơ quan trực tiếp xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu này.

Những hình ảnh người di cư tại biên giới Mexico - Mỹ do nữ nhà báo Ariana Drehsler chụp.

Theo báo chí Mỹ, cơ sở dữ liệu này là một phần trong một chiến dịch an ninh có tên gọi là đường dây an ninh. Nó tập hợp dữ liệu cá nhân của 59 nhà báo và những người vận động cổ vũ cho đoàn người di cư ở Nam Mỹ muốn đến nước Mỹ vào cuối năm 2018. Trong cơ sở dữ liệu này, những nhà báo, nhà hoạt động vì người nhập cư được lập danh sách nhóm, phân chia theo nghề nghiệp hoặc theo loại hoạt động của đối tượng.

Nữ nhà báo Drehsler được đưa vào nhóm “nhà báo/ truyền thông”. Bên cạnh đó còn có các nhóm khác như “kẻ xúi giục” và “nhà tổ chức” để lưu trữ dữ liệu về những người cổ vũ hoặc hoạt động vì lợi ích người nhập cư.

Trong cơ sở dữ liệu, mỗi đối tượng đều có hình ảnh lưu kèm theo thông tin, dữ liệu. Hình ảnh của nữ nhà báo Drehsler được đánh dấu chéo (X) màu xanh lục trên khuôn mặt, dấu hiệu ám chỉ “đối tượng cần chú ý theo dõi”.

Việc những nhà báo như Drehsler bị chặn xét là điều hiếm khi xảy ra ở Mỹ, bởi đó được xem là một động thái tấn công vào quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở một đất nước luôn cổ xúy cho hai chữ “tự do”.

Trước đây là thế, nhưng dưới thời Tổng thống Trump, mọi chuyện đều có thể khác đi. Gần đây, giới giám sát nhân quyền và các nghị sĩ ở Mỹ đã lên tiếng báo động về cơ sở dữ liệu này, cũng như hàng chục vụ bắt bớ những người hoạt động vì quyền lợi người nhập cư.

Họ xem đây là hành động đàn áp đối với giới truyền thông, báo chí và những nhà vận động chiến dịch nhân đạo, trong bối cảnh chính quyền Trump đang ráo riết tạo áp lực lên Quốc hội để thúc đẩy việc xây bức tường biên giới Mỹ-Mexico nhằm ngăn dòng người nhập cư qua biên giới.

“Tôi chưa từng thấy kiểu nhắm mục tiêu theo dõi có hệ thống đối với nhà báo và các nhà hoạt động như thế này bao giờ” – Esha Bhandari, luật sư thuộc tổ chức nhân quyền ACLU bày tỏ.

Bhandari nói thêm rằng có một mối liên hệ nào đó giữa cơ sở dữ liệu bí mật này với những vụ bắt bớ các nhà hoạt động và cổ vũ người nhập cư. Nó khơi gợi một hàm ý rằng những ý kiến tranh luận về các vấn đề liên quan đến người nhập hay người tị nạn đều có thể bị đàn áp, dập tắt. Trong thế giới chủ trương tự do ngôn luận, thì đây là điều khiến nhiều người cảm thấy bị sốc nhất.

Từ khi lên nắm quyền, chính quyền của Tổng thống Trump đã thực thi những hành động quyết liệt nhằm hạn chế người nhập cư hợp pháp lẫn bất hợp pháp. Trong đó, có những việc được tạo ra để làm cơ sở cho những vụ bắt bớ và trục xuất các nhà hoạt động vì người nhập cư.

Một trong những việc đầu tiên ông Trump làm ngay sau khi lên nắm quyền là ra lệnh hủy bỏ các quy định ưu tiên xử lý đối với những thành phần người nhập cư có tiền án tiền sự phạm tội nặng mà các cơ quan thực thi pháp luật phải tuân theo.

Đối với những người nhập cư không giấy tờ nhưng đã cư ngụ tại Mỹ hàng chục năm hoặc có mối quan hệ gia đình ở Mỹ thì khi xử lý cũng cần tham vấn công tố viên. Nhưng dưới thời ông Trump, quy định này cũng bị bãi bỏ.

Hôm 19-3, Tổng thống Donald Trump lại được tiếp thêm sức mạnh khi Tòa án tối cao ra phán quyết rằng các cơ quan chức năng liên bang có thể bắt giữ những người nhập cư nếu trong quá khứ từng bị kết án hình sự, không cần biết thời hạn tù bao lâu, còn án tích hay không. Phán quyết này đồng nghĩa với việc hơn 10 triệu người nhập cư đang sống ở Mỹ sẽ đối mặt với lệnh bắt và trục xuất bất cứ lúc nào, kể cả những nhà hoạt động.

Ravi Raghir, Giám đốc Liên minh Nơi trú ngụ mới (NSC) đã từng sống ở Mỹ 23 năm. Thế nhưng ông lại bị bắt giữ khi đến ICE để trình giấy tờ cư trú theo định kỳ vào tháng 1-2018. Chính quyền Mỹ đã đưa ông đến Florida để chuẩn bị làm thủ tục trục xuất ông trở về Trinidad, quê hương ông.

Tuy nhiên, việc bắt giữ ông Raghir đã chạm đến tình cảm của cộng đồng dân cư, gây ra một loạt biểu tình phản đối chính quyền, đòi thả Raghir. Sức ép của đám đông đã tác động khiến thẩm phán tòa án địa phương phải ra phán quyết trả tự do cho Raghir.

Hiện ông Raghir đang kiện cơ quan chức năng Mỹ vì vụ bắt giữ ông bị xem là bất hợp pháp, vi phạm Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do tôn giáo.

Tháng 10-2018, một liên minh các tổ chức của các nhà hoạt động Mỹ ở Washington cũng đâm đơn kiện ICE, và tháng 11-2018, nhóm vận động vì người nhập cư Migrant Justice (Cộng lý cho người nhập cư) cũng khởi kiện với các cáo buộc tương tự như ông Raghir.

An Tôn (tổng hợp)
.
.
.