Giải mật chiến dịch ngoại cảm của CIA trong cuộc khủng hoảng con tin ở Iran

Thứ Bảy, 04/03/2017, 10:25
Theo hồ sơ vừa giải mật từ cơ sở dữ liệu khổng lồ của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), Tình báo Mỹ đã sử dụng một nhóm các nhà tâm linh vận dụng khả năng ngoại cảm (ESP - cảm nhận bằng giác quan thứ 6) để theo dõi từ xa 52 nhà ngoại giao Mỹ bị nhóm sinh viên cách mạng bắt làm con tin sau khi chiếm giữ Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Tehran của Iran năm 1979 dẫn đến cuộc khủng hoảng con tin nổi tiếng.

Chiến dịch mang mật danh Grill Flame là một phần trong dự án tình báo quy mô của Mỹ có sự tham gia của các nhà tâm linh diễn ra trong suốt 20 năm. 227 là con số chuyên gia ngoại cảm được cộng đồng tình báo Mỹ sử dụng trước khi chương trình tâm linh được chính quyền Mỹ khép lại năm 1995.

Hơn một nửa báo cáo sai hoàn toàn với thực tế

Ngày 4-11-1979, một nhóm sinh viên Đại học Tehran chiếm Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô nhằm phản đối việc Washington có hành vi che chở cho quốc vương Iran đào tẩu. Họ bắt 52 nhà ngoại giao làm con tin, trong số đó có cả sĩ quan CIA mang vỏ bọc nhà ngoại giao, để gây áp lực buộc Tổng thống Jimmy Carter giao trả quốc vương Iran cùng với số tài sản mà người này mang theo ra nước ngoài.

Những con tin bị nhóm sinh viên cực đoan Iran bắt giữ năm 1979.

Trong Chiến dịch Grill Flame, khoảng nửa chục nhà ngoại cảm ngồi trong căn phòng tối lờ mờ trong một căn nhà cũ kỹ ở Fort Meade bang Maryland, cố gắng vận dụng năng lực thấu thị để biết số con tin người Mỹ ở Iran bị giam giữ ở đâu, được canh gác như thế nào cũng như tình trạng sức khỏe của họ.

Sau khi nhóm con tin được thả vào tháng 1-1981, Lầu Năm Góc bắt đầu đối chiếu những trải nghiệm cá nhân của họ trong thời gian bị giam cầm với 202 báo cáo từ đội ngũ nhà ngoại cảm làm việc cho chiến dịch Grill Flame. Kết quả là "chỉ có 7 báo cáo" được chứng minh là đúng, hơn một nửa là "sai hoàn toàn" và số khác chỉ đúng một phần hay gần đúng - theo một đại tá Không quân phục vụ trong Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ (JSC).

Cựu chuyên gia về ESP James Randi lật tẩy chiến dịch Grill Flame: "Cộng đồng tình báo Mỹ hy vọng họ nhìn thấy hình ảnh gì đó. Tất cả chỉ là phí thời gian và tiền bạc mà chẳng giúp ích gì cho kế hoạch giải cứu con tin".

Theo cơ sở dữ liệu CIA, năng lực ngoại cảm được giới tình báo sử dụng để tìm kiếm từ các vụ máy bay mất tích cho đến theo dõi phát hiện ma túy. Được thành lập năm 1975, sau một loạt cuộc gặp gỡ giữa cộng đồng tình báo và thế giới cận tâm lý học, chương trình ngoại cảm ban đầu tập trung vào dự án nghiên cứu ESP hơn là thực hiện sứ mạng gián điệp.

Tình báo Mỹ chú trọng tuyển dụng những người có năng lực thấu thị, tức là khả năng nhìn thấy xuyên qua khoảng cách rộng lớn và những vật cản như bức tường dày của các tòa nhà hay căn hầm ngầm. Khi tình báo Mỹ thất bại trong nỗ lực tìm kiếm thông tin chính xác về những sự việc xảy ra bên trong Đại sứ quán Mỹ ở Tehran, quân đội Mỹ quay sang nhờ cậy các nhà ngoại cảm.

Căn nhà ở Fort Meade bang Maryland miền đông nước Mỹ, nơi nhóm nhà ngoại cảm gián điệp Đại sứ quán Mỹ từ xa trong cuộc khủng hoảng con tin ở Iran.

Ngày 21-11- 1979, đơn vị đặc nhiệm thuộc JSC chịu trách nhiệm giải cứu con tin ở Iran yêu cầu sự giúp đỡ từ nhóm nhà ngoại cảm của chương trình Grill Flame. Chỉ 2 ngày sau, sau khi nhìn những bức ảnh chụp 52 con tin đăng trên tạp chí Time, 2 chuyên gia tâm linh bắt đầu "lục soát" Đại sứ quán Mỹ bằng năng lực đặc biệt của họ. Khoảng 12 ca vận dụng công năng thấu thị được thực hiện trong vòng 2 tuần sau đó.

Những buổi "thấu thị" diễn ra bên trong một căn phòng cách âm, không cửa sổ trong một tòa nhà cũ ở Fort Meade, nằm cách Washington DC gần 50km về phía bắc - nơi đóng trụ sở nhiều cơ quan tình báo Mỹ. Joseph McMoneagle, một trong những nhà ngoại cảm làm việc cho Grill Flame, kể: "Mọi thứ bên trong căn phòng đều xám xịt và không có gì nổi bật".

Mỗi buổi "thấu thị" chỉ bao gồm 2 người - một nhà ngoại cảm và một sĩ quan tình báo (được gọi là người phỏng vấn). "Người phỏng vấn" cung cấp cho nhà ngoại cảm ảnh chụp của một con tin hay vị trí, một bản đồ hay bộ tọa độ địa lý. Vào những ngày đầu tiên, thông tin về mục tiêu thường được đặt trong phong bì dán kín để cho nhà ngoại cảm không có bằng chứng thị giác về những gì mà ông ta đang tìm kiếm.

Nhưng khi cuộc khủng hoảng con tin kéo dài thì nguyên tắc này hầu như không còn được tôn trọng. Phần lớn những buổi "thấu thị" diễn ra trong vòng 30 phút. Tất cả đều được ghi âm và đôi khi nhà ngoại cảm phác họa trên giấy những hình ảnh mà họ "nhìn thấy" được.

Diễn dịch sai những gì "nhìn thấy" là… chuyện bình thường!

Một nhà ngoại cảm được cho xem bức ảnh chụp một trong số những con tin - đó là Tom Ahern, trưởng trạm CIA mang vỏ bọc nhà ngoại giao trong Đại sứ quán Mỹ ở Tehran. Người phỏng vấn đặt vấn đề với nhà ngoại cảm: "Tôi muốn ông nhập tâm bức ảnh này và hình dung xem con tin này đang ở đâu… đang làm gì. Hãy mô tả vị trí con tin và môi trường xung quanh người này. Hãy thư giãn và tập trung".

Nhà ngoại cảm Joseph McMoneagle.

Sau đó, nhà ngoại cảm mô tả về nhiều người mặc "áo thụng dài màu trắng", dường như "có ai đó bất ngờ bắn súng vào một đám đông" và "có mùi đạn hơi cay". Cuối cùng, nhà ngoại cảm phác họa một vài bức mô tả sự hỗn loạn, xà lim và sơ đồ tầng lầu gì đó. Thế nhưng, những gì mà nhà ngoại cảm "thấu thị" đều sai hoàn toàn.

Thực tế, trong ngày Đại sứ quán Mỹ bị nhóm sinh viên cực đoan chiếm giữ, hoàn toàn không có bất cứ sự hỗn loạn nào xảy ra hay tiếng súng nào bên trong tòa nhà trong toàn bộ thời gian những con tin bị cầm tù tại đó.

William J. Daugherty, sĩ quan CIA bị bắt làm con tin ở Tehran, kể lại: "Tôi không hề nhìn thấy hay nghe thấy bất cứ sự việc gì giống như nhà ngoại cảm ấy mô tả trong suốt thời gian chúng tôi bị bắt làm con tin. Tôi cũng không hề ngửi thấy mùi đạn hơi cay dù chỉ một lần. Anh có thể tình cờ nghe thấy phát súng nổ bởi vì những người canh gác đều trẻ tuổi, không có kinh nghiệm sử dụng súng nên họ có thể quên cài chốt an toàn dẫn đến việc súng bị cướp cò khi rơi xuống đất. Nhưng như thế thì chỉ có một tiếng nổ duy nhất chớ không thể là loạt đạn kéo dài".

William J. Daugherty, sĩ quan CIA bị bắt làm con tin ở Tehran.

Mô tả về "những người mặc áo thụng dài màu trắng" cũng hoàn toàn sai đối với Daugherty. Sự thật là lúc đó không có thầy tu mà chỉ có các sinh viên mặc quần jean và áo dài tay theo kiểu phương Tây. Daugherty cũng nhận xét về năng lực "thấu thị" của các nhà ngoại cảm khác trong chiến dịch Grill Flame.

Ví dụ, một nhà ngoại cảm đề cập đến một lò sưởi hiện đại cùng với những thanh gươm bắt chéo và những cái khiên treo bên trên chúng trong dinh thự Đại sứ Mỹ nằm bên trong khu phức hợp đại sứ quán ở Tehran. Daugherty là người thường xuyên lui tới tòa Đại sứ Mỹ trước khi nơi này bị chiếm giữ, cho biết ông không hề nhìn thấy lò sưởi hay thanh gươm nào như nhà ngoại cảm mô tả cả.

Phán đoán của các nhà ngoại cảm về những nơi giam giữ khác - sau khi chiến dịch giải cứu con tin của đặc nhiệm Mỹ thất bại - cũng không hoàn toàn chính xác. Vấn đề là, sau khi cảm thấy việc giam giữ con tin bên trong Đại sứ quán Mỹ ở Tehran là không an toàn cho nên nhóm sinh viên cực đoan bắt đầu nhốt từng nhóm nhỏ ở một số địa điểm khác nhau. Ngày 2-5-1980, một nhà ngoại cảm tự tin tuyên bố con tin David Roeder, tùy viên Không quân ở Đại sứ quán Mỹ, bị giam trong một tòa nhà màu vàng "chắc chắn cùng với Ahern".

Tòa nhà được mô tả nằm cách đại sứ quán chỉ 6 hay 7 dãy nhà. Trên thực tế, Roeder bị giam trong một ngôi trường nghệ thuật bỏ hoang ở tận thành phố Qom cách Tehran hơn 100km. Còn trưởng trạm CIA Tom Ahern bị giam trong một nhà tù ở Tehran. Tương tự, con tin Bob Ode (nhân viên Đại sứ quán) không bị nhốt trong tòa nhà nhiều tầng giống như lâu đài theo như mô tả của một nhà ngoại cảm khác. Ode là một trong vài con tin không bao giờ được nhóm sinh viên di chuyển khỏi tòa nhà đại sứ quán trong suốt cuộc khủng hoảng con tin.

Những sai lầm nghiêm trọng như thế vẫn không hề gây lo ngại cho các nhà ngoại cảm hay số người ủng hộ họ. Họ lập luận rằng, không có phương pháp thu thập thông tin tình báo nào là hoàn hảo cả!

Edwin May, nhà vật lý chịu trách nhiệm giám sát cuộc nghiên cứu cận tâm lý cho cộng đồng tình báo Mỹ trong suốt 20 năm và làm việc cho Grill Flame.

Edwin May, nhà vật lý chịu trách nhiệm giám sát chương trình nghiên cứu cận tâm lý cho cộng đồng tình báo Mỹ trong suốt 20 năm và làm việc cho Grill Flame, nhận xét: "Các nhà ngoại cảm cũng giống như mọi nguồn tình báo con người. Mọi loại sai lầm đều có thể xảy ra". Ví dụ, những bức không ảnh đôi khi có thể nhầm lẫn một cần trục là tên lửa, hay bản giải mã có thể là một thông điệp lộn xộn, hay một điệp viên bình thường có thể hiểu sai lệch về một cuộc trò chuyện. Do đó theo lý lẽ của May, các nhà ngoại cảm không tránh được việc diễn giải sai về những gì mà họ "nhìn thấy".

Edwin May cho rằng những gì mà Grill Flame và phần còn lại của chương trình nghiên cứu năng lực "thấu thị" của nhà ngoại cảm - nhận được khoản tiền tài trợ lên đến 20 triệu USD - bị thiếu sót chính là công cụ sàng lọc đáng tin cậy để loại bỏ những sai lầm.

Cũng theo May, nhiều câu chuyện thành công của nhà ngoại cảm vẫn còn bị chôn kín trong đống hồ sơ mật khổng lồ của CIA. Do đó mà May, cũng như Joseph McMoneagle, vẫn tiếp tục được các tổ chức tư nhân tài trợ để nghiên cứu các hiện tượng cận tâm lý học. Mặc dù vậy, May cũng thừa nhận là một số quyết định liên quan đến an ninh quốc gia có thể đối mặt với nguy cơ khó lường nếu chỉ dựa vào thông tin tình báo do các nhà ngoại cảm thu thập.

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.
.