Đường hầm bí mật gián điệp Đông Berlin

Thứ Sáu, 08/09/2017, 14:51
Vào đầu những năm 50 của thế kỷ XX, riêng ở thành phố Berlin của nước Đức, hai phía đông và tây đã tiến hành hàng loạt chiến dịch tình báo để thu thập thông tin mật của nhau.

Năm 1954, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) bắt đầu triển khai dự án gián điệp cực kỳ quy mô mang tên Chiến dịch Vàng (Operation Gold). Mục đích của chiến dịch này là CIA muốn mắc nối vào hệ thống mạng dây cáp truyền thông chuyển tải tín hiệu liên lạc từ Đông Berlin đến Liên Xô cũng như khối Đông Âu. "Đường hầm Berlin" được coi là một trong những chiến dịch tình báo quy mô và táo bạo nhất của Mỹ được triển khai thời Chiến tranh Lạnh.

Bài 1: Từ "Chiến dịch Bạc" đến "Chiến dịch Vàng"

Nguồn gốc "Chiến dịch Vàng" bắt đầu từ năm 1948 ở thành phố Vienna nước Áo. Cũng giống như Berlin của nước Đức, Vienna được xem là trung tâm gián điệp của thế giới trong suốt nhiều năm sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ 2 kết thúc và thành phố được phân chia thành 4 khu vực quân sự nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ, Anh, Pháp và Liên Xô.

Người Anh rất thèm muốn thu thập mọi hoạt động thông tin liên lạc của Liên Xô ở Vienna nên quyết định giao nhiệm vụ cho Peter Lunn, một trong những điệp viên hàng đầu của London. Lunn phát hiện cơ quan ngoại giao và quân đội Liên Xô sử dụng hệ thống đường dây điện thoại chạy ngang qua tòa nhà khách sạn Imperial Hotel nằm ở trung tâm thành phố Vienna để kết nối liên lạc với Moskva.

Hệ thống đường dây điện thoại này gồm 3 đường cáp, mỗi đường có đường kính 18cm gồm 172 sợi cáp nhỏ chạy dọc theo đường cao tốc Schonefelder Chaussee ngang qua khu vực đồn trú của quân đội Mỹ ở tây Berlin đến sân bay Schonefelder. Lunn lên báo cáo và đề nghị lãnh đạo Cơ quan tình báo MI-6 có kế hoạch nghe lén các cuộc hội thoại của Liên Xô qua hệ thống cáp này.

Allan Dulles - Giám đốc CIA.

Được sự chấp thuận, phân nhánh tình báo Anh ở vùng tạm chiếm lập chương trình gián điệp mọi hoạt động quân sự của Liên Xô với mật danh "Chiến dịch Bạc". Theo kế hoạch, người Anh mua một tòa nhà gần khách sạn Imperial để bí mật đào hầm ngầm nghe lén tín hiệu điện thoại. Nhằm che giấu sự dò xét của đối phương, tòa nhà này khoác vỏ bọc là công ty kinh doanh nhập khẩu Harris Tweed với một cửa hàng bán quần áo may sẵn.

Ngay sau đó, MI-6 bắt đầu bí mật đào một đường hầm ở độ sâu tới 10m xuyên qua đường cao tốc Schonefelder Chaussee sang phía bên kia để gắn thiết bị kỹ thuật vào hệ thống cáp điện thoại của phía Liên Xô. "Chiến dịch Bạc" kéo dài được 4 năm (từ năm 1948-1952) thì phải dừng lại vì khách hàng tìm đến cửa hàng ngày một đông, điều này có thể khiến các hoạt động bị lộ nên MI-6 đã quyết định tạm dừng chiến dịch này.

Cơ quan Tình báo Mỹ CIA, không hiểu bằng cách nào, đã biết tường tận về vụ này và đề nghị MI-6 hợp tác. Nhận thấy không thể đơn độc triển khai kế hoạch, MI-6 nhận lời. Cần biết rằng, từ khi kết thúc chiến tranh, CIA đã xây dựng trung tâm tình báo tín hiệu mang tên Căn cứ Hoạt động Berlin (BOB) ở phần phía đông Berlin với 2 bộ phận chính là tình báo mật và phản gián X-2. Sử dụng đội quân gián điệp ngầm và mật thám hùng hậu, BOB có thể xâm nhập cơ quan tình báo đầu não của Liên Xô ở khu vực Karlshorst thuộc phần Đông Berlin.

William King Harvey.

Một trong những thành công đáng kể nhất của BOB là giám sát tiến trình nghiên cứu và chế tạo quả bom nguyên tử của Liên Xô từ cuối thập niên 1940. BOB nằm dưới sự chỉ huy trực tiếp của tướng Edwin Sibert- lãnh đạo Theater G2,  bộ phận tình báo đặc biệt ở châu Âu - và được đánh giá là trung tâm tình báo lớn nhất của Mỹ hoạt động rất hiệu quả ở lục địa này. Sau một thời gian nghiên cứu thấu đáo, các bộ não CIA quyết định tập trung nỗ lực vào hệ thống cáp ngầm truyền thông chôn bên dưới lòng thành phố Berlin do không thể giám sát chúng từ các trạm nghe lén trên mặt đất. Ngoài ra, sự mắc nối với mạng lưới cáp ngầm sẽ tránh được sự phát hiện của đối phương.

Giới chức cao cấp CIA đã liên lạc với một kỹ sư làm việc cho MI-6 có mật danh "G", đề nghị lên đề án xây dựng đường hầm bí mật. Kỹ sư "G" đưa ra giải pháp cần phải tiến hành đào và vận chuyển 3.100 tấn đất đá đến một tòa nhà gần đó. Vấn đề chính đặt ra là làm sao tạo được một hầm ngầm có hệ thống mái vòm bằng thép có thể chịu đựng được sức nặng của những cỗ xe tăng nặng đến 60 tấn của quân đội Liên Xô đi ầm ầm phía trên đường phố.

Nhờ vào những chuyến bay thám thính, các kiến trúc sư đã xác định được nơi đào hầm và thiết bị máy móc chuyên dụng để giảm thiểu tiếng ồn khi hoạt động. Sau đó, họ vận chuyển các thiết bị bằng tàu khách không có lính vũ trang đi theo chuyến tàu để tránh sự chú ý. Họ còn xây một nhà kho ở Atglienecke - khu vực của Mỹ ở phía Tây Đức. Theo đó, đường hầm sẽ được đào bắt đầu từ nhà kho này đến khu vực thuộc quyền kiểm soát của Liên Xô.

Năm 1953, công cuộc nghiên cứu chiến dịch xây dựng hệ thống đường hầm nghe lén Đông Berlin mang tên "Chiến dịch vàng" hoàn thành và bản kế hoạch cuối cùng được gửi đến Giám đốc CIA lúc đó là Allan Dulles để phê chuẩn.

Allan Dulles, trùm gián điệp của Cơ quan tình báo chiến lược Mỹ OSS trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2, nhận thức ngay "Chiến dịch Vàng" là một kế hoạch hoàn hảo và quyết định ưu tiên triển khai ngay lập tức. Tháng 2-1954, đường hầm bí mật được CIA khởi công xây dựng và để tránh sự chú ý của người Nga, công trình được khoác lớp áo là trạm radar và nhà kho của Không quân Mỹ.

Người được CIA chọn để điều hành "Chiến dịch Vàng" là William King Harvey, một điệp viên cừ khôi luôn kè kè khẩu súng bên mình. Đầu tiên, Harvey làm việc cho Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) nhưng sau một trận khẩu chiến quyết liệt với Giám đốc J. Edgar Hoover của FBI, King Harvey quyết định chuyển sang phục vụ cho CIA.

King Harvey được biết đến là người thường nốc nhiều rượu trước bữa ăn trưa nhưng lại luôn đề cao cảnh giác trước bất cứ ai không thích lối sống tuân thủ kỷ luật nghiêm ngặt của ông. Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của Harvey là lột mặt nạ điệp viên hai mang của Liên Xô Kim Philby - người làm việc cho bộ phận tình báo Anh ở Washington DC.

Năm 1952, Harvey được CIA bổ nhiệm vào vị trí trưởng trạm tình báo ở Berlin. Kể từ đó, King Harvey bắt đầu bí mật tuyển mộ một số điệp viên hai mang làm việc cho CHDC Đức, đặc biệt là những đối tượng phục vụ trong lĩnh vực thông tin liên lạc. Đội quân gián điệp mật của Harvey có nhiệm vụ theo dõi và thu thập thật nhiều thông tin nhạy cảm về cơ cấu tổ chức của chính quyền CHDC Đức.

Một trong những điệp viên hai mang quan trọng nhất của "Chiến dịch Vàng" mang bí danh là "Sniper" (người bắn tỉa) có sứ mạng cung cấp cho BOB thông tin về kế hoạch của phía Liên Xô nhằm phá hoại lợi ích của phương Tây tại Berlin. King Harvey chỉ tiết lộ một số chi tiết đặc biệt của "Chiến dịch Vàng" cho một vài người đáng tin cậy trong BOB.

Thậm chí, Harvey vẫn giữ bí mật về con đường hầm Đông Berlin đối với cả Robert Murphy, nhân vật vào năm 1954 trở thành chỉ huy thứ 2 của BOB. Đối với thị trưởng Tây Berlin, King Harvey còn thông báo là "quân đội Mỹ có kế hoạch đào đường hầm dưới lòng đất do lo ngại Liên Xô phá hoại hệ thống cống rãnh của quân Đồng minh xây dựng trong khu vực".

Tháng 2-1954, đại diện CIA từ Mỹ đã tới London để họp bàn với lãnh đạo MI-6 về việc phối hợp. Trong buổi họp đặc biệt này có sự hiện diện của George Blake- Phó trưởng ban Y của MI-6 với tư cách thư ký (về nhân vật đặc biệt này sẽ có bài đề cập chi tiết ở số sau). Lực lượng Công binh quân đội Mỹ (USACE) phụ trách công việc đào đường hầm ở khu vực phía đông Berlin nằm dưới sự chiếm đóng của người Nga.

Người Anh nhận trách nhiệm xây dựng phần hầm hướng lên phía trên mà về sau sẽ được sử dụng để kéo dây mắc nối đến mạng lưới dây cáp điện thoại của người Nga trên mặt đất. Trước khi khởi công xây dựng đường hầm quy mô dưới lòng thành phố Berlin, USACE đã thử nghiệm đào một bản sao chính xác đường hầm tại khu vực sa mạc New Mexico.

Tháng 8-1954, sau nhiều phiên họp, bàn bạc kỹ, MI-6 và CIA bắt tay triển khai kế hoạch tình báo có một không hai trong lịch sử. Rút kinh nghiệm từ cửa hàng Harris Tweed của MI-6 trước đây, CIA xây ngụy trang một kho hàng lớn, cho xe vận tải luôn lui tới với những thùng hàng lớn nhưng trống rỗng để ngụy trang việc vận chuyển đất cát.

Tiến độ đào hầm được tiến hành thật chậm. Tại Tây Berlin, bên cạnh đường biên giới, Không quân Mỹ đã nhanh chóng lắp đặt một đài radar mới, xung quanh đài nhiều tòa nhà khác đồng thời được xây lên và bao quanh bằng hàng rào với các vọng gác.

Đường hầm cũng được đào từ vị trí đó. Từ bên trong tầng hầm rộng lớn của đài radar, các máy khoan công suất lớn bắt đầu đào đường hầm ở độ sâu 7m dưới mặt con đường nhựa nối Tây Berlin với thủ đô CHDC Đức. Một số lượng lớn đất đá được moi ra từ đường hầm, ban đầu đổ tạm ra tầng hầm đài radar, sau đó được bí mật chở đi bằng những container lớn. Việc thi công được tiến hành thông tầm, suốt 24/24 giờ.

Sau khi khoét hầm, những tốp công binh đầu tiên bơm đầy vữa vào khoảng không giữa đất và những tấm thép dựng hầm để tránh gây tiếng ồn. Khi mùa đông đến, đội xây dựng nhận thấy nhiệt độ trong đường hầm ấm, mặt đất thì ẩm và lớp tuyết rơi phía trên vị trí đường hầm sẽ không đóng băng vì thế họ phải sử dụng những phương pháp "điều hòa nhiệt độ" khẩn cấp sao cho lớp đất trên đường hầm cũng đóng băng để tránh mọi sự nghi ngờ.

Những sợi dây cáp được kéo xuyên đường hầm từ một dàn máy ghi âm đặt trong nhà kho. Sau khi mất một năm đào hầm và kéo dây cáp, công đoạn khó khăn mới thực sự bắt đầu. Những người thợ phải đào hướng lên trên để kéo dây cáp chạm được đến đường dây liên lạc. Họ phải đặt những tấm chắn trong suốt để giữ đất bên trên cố định theo đường đi của dây cáp và đào từng ít đất một. Theo kỹ sư "G", đây là quá trình đòi hỏi kỹ năng và sự kiên nhẫn đặc biệt.

Tháng 2-1955, công trình đường hầm hình thành với một khối lượng công việc khổng lồ: người Mỹ đã đào một đường hầm dài 450m ở độ sâu 7m, với đoạn hầm 300 mét chạy sâu vào khu vực Đông Berlin. Tổng cộng hơn 3.000 tấn đất đá được đào và vận chuyển trong bí mật với kinh phí 25 triệu USD (một khoản tiền rất lớn lúc đó). Ngoài các phương tiện kỹ thuật chuyên dụng, CIA đã phải chuẩn bị tới 600 máy ghi âm, điều này khiến một số điệp viên của cả 2 bên lo lắng rằng kế hoạch có thể bị lộ vì máy ghi âm lúc đó đột ngột trở nên khan hiếm trên thị trường.

Một đoạn bên trong đường hầm.

Trước đó, chuyên gia thông tin Carl Nelson của CIA đã phát hiện ra rằng những máy mã hóa thông tin của CIA có một nhược điểm chết người là luôn truyền đi một tín hiệu nguyên bản, không được mã hóa đi cùng với tín hiệu đã được mã hóa. Do vậy, nếu dùng biện pháp kỹ thuật tách được 2 loại tín hiệu này thì người ta sẽ đọc được nội dung của "tín hiệu copy" này.

Bộ phận kỹ thuật của CIA đã giữ bí mật phát hiện này và thay đổi ngay lập tức các loại máy mã hóa thông tin của họ, đồng thời CIA cũng phát hiện rằng, hệ thống mã hóa của Liên Xô tại Đông Đức cũng có nhược điểm như của CIA trước kia.

Trong vụ hợp tác này với MI-6, CIA đã tách được 2 loại tín hiệu trên nhưng giữ lại loại tín hiệu không bị mã hóa có nội dung rõ ràng và chuyển MI-6 xử lý những dữ liệu tín hiệu bị mã hóa. Tháng 5-1955, đội ngũ thi công mắc nối được đường dây cáp đầu tiên. Những chuyên gia người Anh đã chuyển được giọng nói từ dây cáp sang băng rồi gửi sang London và Washington để phân tích.

Diên San- Quang Học (tổng hợp)
.
.
.