Bóng đá Đông Đức: Phía sau bức tường Berlin

Thứ Bảy, 15/11/2014, 10:30

Ngày 9/11 vừa qua, nước Đức kỉ niệm tròn 25 năm bức tường chia cắt nước Đức dài hơn 156km, trong đó có khoảng hơn 43km nằm tại Berlin sụp đổ, đánh dấu cột mốc lịch sử cho một nước Đức mới. Ngày đó, cùng với bức tường chia đôi Berlin được dỡ bỏ, bóng đá Đông Đức cũng theo đó mà biến mất. Thế nhưng, một nền bóng đá từng được ngưỡng mộ vẫn còn để lại những dấu tích.

1.Bóng đá Đông Đức ngày xưa, vào thời điểm hiện tại gần như có thể coi là lụn bại. Cả một nền bóng đá hùng mạnh ngày xưa đang dần chìm trong hố đen không lối thoát. Bundesliga những mùa giải gần đây không có đại diện nào của bóng đá Đông Đức cũ. CLB gần đây nhất thuộc về nửa phía Đông bức tường Berlin thi đấu ở Bundesliga là CLB Energie Cottbus cũng đã xuống hạng cách đây 5 năm. Cottbus cũng là CLB yêu thích của Thủ tướng Đức Angela Merkel, và bà cũng đang là thành viên danh dự của đội bóng này. Hiện nay, Cottbus đã tụt hạng và phải thi đấu ở giải hạng 3 của Đức. Thậm chí ở giải hạng hai, cũng chỉ có 1 CLB Đông Đức thi đấu (RB Leipzig).

Như vậy là suốt 5 năm qua, bóng đá phía Đông gần như không tồn tại ở hai hạng đấu chuyên nghiệp của Đức. Nó đánh dấu một sự thụt lùi ghê gớm, nhất là khi trong quá khứ họ đã từng tạo ra những cú sốc lớn. Có thể kể đến Magdeburg từng đánh gục AC Milan ở trận chung kết để đoạt cúp C2 châu Âu năm 1974, Carl Zeiss Jena vào chung kết cúp C2 năm 1981 sau khi vượt qua hàng loạt tên tuổi lớn như Benfica, Valencia, AS Roma.

Bóng đá Đức vĩnh viễn đi vào ''viện bảo tàng'', nhưng vẫn còn rất nhiều những câu chuyện lịch sử, những dấu mốc, những con người tạo ra một nền bóng đá có thể nói là độc nhất vô nhị trên thế giới. Mặc dù còn những hạn chế về tài chính, cơ cấu, cách tổ chức, nhưng ĐTQG Đông Đức cũng đã từng đạt những thành công vang dội, ví dụ như chiến thắng 1-0 trước chính ĐT Tây Đức với Franz Beckenbauer ở World Cup 1974, những chiến thắng trước Hà Lan với Cruyff Pháp với Platini… Và chính những nền bóng đá đã mất ấy, đã tạo ra một quá khứ có giá trị cho đến hiện tại. Thậm chí, ngay cả bóng đá Đức lúc này cũng còn lại rất nhiều dấu ấn của nền bóng đá Đông Đức ngày xưa.

Matthias Sammer, người Đông Đức uy tín và quyền năng nhất hiện nay.

2.Quyền lực số 1 của bóng đá Đức ngày nay là Bayern Munich, CLB đã vô địch Champions League năm 2013. Đây là đội bóng truyền thống và giàu có nhất nước Đức. Tưởng như họ chẳng liên quan gì đến Đông Đức cả, nhưng thực tế Bayern lúc này đang được tồn tại, phát triển ở mức độ tuyệt đỉnh với những người là "sản phẩm" của bóng đá Đông Đức. Người đầu tiên phải nhắc tới là Matthias Sammer, Giám đốc điều hành của Bayern, người thành danh với Borussia Dortmund, là HLV trẻ nhất lịch sử đoạt chức vô địch Bundesliga (37 tuổi), và cũng là lứa cầu thủ Đông Đức thi đấu trận cuối cùng cho ĐTQG này vào ngày 15/11/1989 (thua Áo 0-3). Sammer không chỉ là nhân tố quan trọng nhất mang về chức vô địch EURO 1996 cho Đức mà còn được coi là người kế vị duy nhất vai trò libero huyền thoại mà Hoàng đế Beckenbauer để lại. Đến nay, Sammer vẫn là libero đích thực cuối cùng mà bóng đá thế giới sản sinh ra. Sau khi làm việc trong vai trò Giám đốc kĩ thuật của ĐTQG Đức, Sammer đã có mặt ở Bayern để làm thay đổi hình ảnh CLB hùng mạnh này, với đỉnh cao là cú ăn năm vĩ đại năm 2013 (vô địch Champions League, Bundesliga, cúp QG Đức, vô địch thế giới các CLB và siêu cúp châu Âu). Khi đến Bayern, Sammer đã mang theo một người được coi là bộ não của mình, đó là tiến sĩ khoa học thể thao, ông Karten Schumann. Người đàn ông 52 tuổi này cũng là một người Đông Đức, từng nổi tiếng với luận án nghiên cứu về "cách phát triển xác định điều kiện cạnh tranh của thể thao Đông Đức" cách đây 21 năm. Schumann giúp Sammer nắm được mọi chỉ số cầu thủ, đưa ra những tư vấn dựa trên cơ sở dữ liệu khoa học và tư duy cấu trúc để xây dựng một hệ thống kiểm soát với Bayern, về cả con người, logic chiến thuật, điều hành…

Sammer và Schaumann chính là 2 người mang lại sự khác biệt rất lớn cho Bayern và góp phần lớn mang lại bước tiến vượt bậc cho CLB này trong vòng 2 năm qua. Và như thế, Bayern đã thay đổi nhờ hai người Đông Đức. Trong thành công của Bayern năm 2013, còn có sự đóng góp của một người Đông Đức nữa, đó chính là tiền vệ Toni Kroos, sinh ra tại Greifswald (Đông Đức), được phát hiện ở lò đào tạo của CLB Đông Đức là Hansa Rostock. Mùa giải 2012/2013, Kroos chính là một trong những ngôi sao sáng và thực sự trở thành một cầu thủ đẳng cấp thế giới, là bước đi đầu tiên đưa Kroos đến Real Madrid (hè 2014).

Bức tường Berlin ngày nay.

Trong đội hình của ĐTQG Đông Đức thi đấu trận cuối cùng ngày 15/11/1989, ngoài Sammer còn có Thomas Doll, người sau này trở thành HLV nổi tiếng, từng dẫn dắt Hamburg, Dortmund. Họ còn có Andreas Thom, một trong những người góp công lớn cho ĐT Đức ở EURO 1992 với ngôi Á quân. Và đặc biệt là Ulf Kirsten, huyền thoại CLB Leverkusen, là chân sút số 1 trong một thời gian dài của ĐTQG Đức thống nhất từ 1992 đến 2000. Trong giai đoạn chuyển mình dưới thời HLV Klinsmann đoạt ngôi thứ 3 tại World Cup 2006, đội hình của ĐT Đức nổi bật vai trò của đội trưởng Michael Ballack, người sinh tại Goerlitz (Đông Đức), trưởng thành từ CLB Đông Đức là Chemnitzer.

Ngay từ World Cup 1974, khi mà Đông Đức đánh bại Tây Đức ở vòng bảng, Hoàng đế Franz Beckenbauer đã từng thừa nhận rằng, nếu ĐT Tây Đức mà có những cầu thủ Đông Đức, đó sẽ là một đội bóng bất khả chiến bại. Như vậy, trong suốt một thời gian dài, kể từ khi bức tường Berlin được dỡ bỏ, những cầu thủ lớn lên trong môi trường bóng đá Đông Đức luôn có tầm quan trọng và đóng góp rất lớn vào sự phát triển của bóng đá Đức thống nhất. Và thực tế, từ khi nước Đức thống nhất đến nay, ĐTQG Đức luôn dành những vị trí quan trọng cho các cầu thủ thuộc nền bóng đá Đông Đức, và bây giờ là những  người sinh ra ở Đông Đức. Thậm chí như ở Bayern Munich, những người Đông Đức chính là những người có tiếng nói, quyền lực và uy tín mang tính quyết định.

3.Suốt 1 tuần qua, báo chí Đức đã đồng loạt đăng tải hàng trăm bài viết về bóng đá Đông Đức, như một sự hồi tưởng về quá khứ, về một giai đoạn lịch sử của bóng đá Đức. Ở đó, vai trò và tầm quan trọng của bóng đá Đông Đức được khẳng định, thừa nhận và có cả sự kì vọng. Bất chấp bóng đá phía Đông bức tường Berlin nay đã không còn, đã hòa chung vào dòng chảy của nền bóng đá nước Đức thống nhất, nhưng quá khứ vẫn được nhắc đến, các đội bóng, những nhân vật đã tạo ra một thời kì hoàng kim ngày xưa vẫn là một phần mà xã hội Đức, cũng như thể thao nước Đức ngày nay không bao giờ phủ nhận.

Ngày 9/11 cách đây 25 năm chính là thời điểm đánh dấu cho sự "diệt vong" của bóng đá Đông Đức. Thế nhưng, cũng chính ngày đó là lúc bóng đá Đông Đức bắt đầu một sứ mạng mới: hỗ trợ, bổ sung, góp phần làm hùng mạnh thêm một nền bóng đá vốn đã quá kiêu hãnh, vĩ đại. Và sau 25 năm, lời nói của Beckenbauer ngày nào nay đã trở thành sự thật. Bóng đá Đức với những người Đông Đức đã trở thành kẻ thống trị thế giới ở cả cấp độ ĐTQG (với chức vô địch World Cup 2014) và cả cấp độ CLB.

Các CLB Đông Đức biến mất như thế nào?

Khi còn thi đấu ở giải VĐQG Đông Đức, các CLB ở đây thường xuyên là những đối thủ nguy hiểm ở đấu trường châu Âu. Thế nhưng, ngay sau khi bức tường Berlin sụp đổ, các CLB Đông Đức đã sáp nhập vào giải VĐQG Tây Đức (Bundesliga). Mùa giải đầu tiên các CLB Đông Đức tham gia Bundesliga là mùa 1991/1992, với sự có mặt của 2 CLB mạnh nhất Đông Đức là Dynamo Dresden và Hansa Rostock. Đó là mùa giải đầu tiên và cũng là duy nhất Bundesliga tăng số đội từ 18 lên 20, được coi là mùa giải "chuyển tiếp" cho nền bóng đá Đức thống nhất. Ngay mùa giải đó, Hansa Rostock đã phải xuống hạng và từ đó trở đi các CLB Đông Đức gần như không có tiếng nói nào ở Bundesliga. Chưa có mùa giải nào xuất hiện hơn 2 đại diện Đông Đức (5 mùa) và suốt 5 năm qua, các CLB phía Đông hoàn toàn vắng bóng ở giải đấu cao nhất nước Đức.

Trong số 14 CLB Đông Đức tham gia giải VĐQG Đông Đức cuối cùng, nay chỉ còn 1 CLB thi đấu chuyên nghiệp (RB Leipzig ở hạng Hai), còn lại tất cả đều đã trở thành các CLB… nghiệp dư (tại Đức chỉ có 2 hạng đấu cao nhất là giải đấu chuyên nghiệp). Thậm chí, trong số 50 CLB hàng đầu Đông Đức trước đây đã có tới 19 CLB biến mất hoặc do phá sản, hoặc do giải thể vì nhiều lí do.

Lê Giang
.
.
.