CIA giải mật hồ sơ vụ ám sát nhà ngoại giao Chile Orlando Letelier

Thứ Tư, 21/10/2015, 20:25
Ngày 9/10 vừa qua, trong chuyến viếng thăm thủ đô Santiago của Chile, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã trao cho Tổng thống Chile Michelle Bachelet tập hồ sơ mật dày 1.100 trang của CIA. Nội dung tập tài liệu vừa giải mật khẳng định: Tướng Augusto Pinochet là người trực tiếp ra lệnh ám sát nhà ngoại giao dưới thời Tổng thống Chile Salvador Allende trong một vụ đánh bom ôtô ở Washington DC vào ngày 21/9/1976.

Pinochet thậm chí còn có ý định thủ tiêu Manuel Contreas - lãnh đạo Cơ quan Tình báo chính trị DINA - của chính mình dựng lên nhằm che đậy sự dính líu của ông ta trong vụ ám sát Letelier. Ngoại trưởng Chile Heraldo Munoz bình luận về tập hồ sơ này: "Các tài liệu được giải mật là bằng chứng vô cùng quan trọng. Nó giúp chúng ta làm sáng tỏ một giai đoạn lịch sử đau thương của Chile".

Pinochet chủ mưu, CIA là "đồng phạm"?

Orlando Letelier, cựu Bộ trưởng Quốc phòng và từng là Đại sứ Chile ở Mỹ thời Tổng thống Salvador Allende, đã bị cầm tù và tra tấn dã man sau cuộc đảo chính đẫm máu ngày 11/9/1973 do tướng Augusto Pinochet tiến hành (Tổng thống Salvador Allende sau đó bị giết chết). Thoát khỏi nhà tù, Letelier bay sang Mỹ, làm việc tại Viện Nghiên cứu Chính sách (IPS) ở Washinton DC.

Tướng độc tài Augusto Pinochet.

Trong thời gian làm việc tại đây, Letelier công khai vận động hành lang gây sức ép đòi chính quyền Mỹ phải cắt đứt quan hệ ngoại giao và quân sự với chính quyền của tướng độc tài Augusto Pinochet. Letelier bị ám sát vào ngày 21/9/1976 khi quả bom cài bên dưới chỗ ngồi của tài xế lái chiếc ôtô vừa rời khỏi Nhà Trắng và phát nổ trên đại lộ Sheridan Circle gần khu tưởng niệm Đồi Capitol. Ronni Moffitt, nữ đồng nghiệp người Mỹ của Orlando Letelier, cũng bị thiệt mạng trong vụ nổ. Riêng Michael, chồng của Ronni, may mắn thoát chết song cũng bị thương rất nặng.

Thượng nghị sĩ Juan Pablo Letelier, con trai của Letelier, khẳng định khi đọc tập hồ sơ vừa giải mật, ông phát hiện George Schultz, người giữ chức vụ Ngoại trưởng Chile vào năm 1987 đã thông báo đến Tổng thống Ronald Reagan "có chứng cứ thuyết phục từ CIA chứng minh Pinochet ra lệnh giết chết Orlando Letelier". Pablo Letelier cũng tìm thấy bằng chứng về việc nhà độc tài Pinochet còn nuôi ý định thủ tiêu tướng tình báo Manuel Contreas để che giấu tội ác của mình.

Thượng nghị sĩ Letelier tiết lộ chi tiết này trong cuộc phỏng vấn do chương trình Mesa Central của Đài Truyền hình Chile Tele13 Radio thực hiện. Peter Kornbluh, tác giả cuốn sách "Hồ sơ Pinochet: Hồ sơ giải mật về sự tàn bạo và trách nhiệm giải trình", đánh giá hồ sơ giải mật của CIA "giúp cung cấp chi tiết lịch sử về vụ ám sát" đồng thời mô tả đó là "những tài liệu thất lạc" trong các nỗ lực đang tiến hành nhằm vạch trần một trong những hành động khủng bố quốc tế nổi tiếng nhất xảy ra ngay tại thủ đô nước Mỹ năm 1976.

Orlando Letelier bị bắt giữ ngay sau cuộc đảo chính năm 1973.

Quay lại quá khứ, sau khi nhận được cảnh báo từ giới chức CIA, các nhà điều tra ở Chile và Mỹ cố gắng tìm kiếm bằng chứng thuyết phục song vẫn không ngăn chặn được âm mưu ám sát Orlando Letelier. Các chuyên gia cũng hoài nghi CIA đã biết trước kế hoạch ám sát do Manuel Contreas nhận lệnh tiến hành. Chính quyền Washington từng tìm cách dẫn độ tướng Contreas về Mỹ để xét xử sự liên quan của nhân vật này trong vụ giết người, song Toà án Tối cao Chile không cho phép dẫn độ.

Tuy nhiên, Pinochet buộc phải cách chức Contreas dưới sức ép của người Mỹ đồng thời tổ chức lại cơ quan tình báo DINA. Sau khi Chile trở thành nhà nước dân chủ vào năm 1990, Manuel Contreas bị buộc tội trong vụ án Orlando Letelier và ngồi tù 7 năm.

Về phần mình, Contreas (đã chết hồi tháng 8/2015 lúc 86 tuổi trong một bệnh viện nhà tù quân sự) luôn phủ nhận sự dính dáng của mình và chỉ còn ám chỉ chính CIA mới dính líu đến vụ ám sát. Cuộc điều tra của Mỹ cũng dẫn đến vụ bắt giữ Michael Townley - một chuyên gia ám sát từng làm việc cho CIA. Năm 1978, dưới sức ép từ Washington, chính quyền Chile cho phép dẫn độ Townley về Mỹ.  Townley chỉ lĩnh mức án 62 tháng tù giam do đồng ý hợp tác với các nhà điều tra Mỹ. Townley cho biết, hiện nay ông đang sống dưới sự bảo vệ của Chương trình Bảo vệ nhân chứng của Mỹ.

Orlando Letelier (trái) và Ronni Moffitt bị giết chết trong vụ nổ bom ô tô.

Orlando Letelier (1932 - 1976) gia nhập Học viện Quân sự Chile lúc 16 tuổi. Sau đó, ông còn theo học ngành luật và tốt nghiệp năm 1954. Letelier sống ở Washington DC. trong suốt thập niên 60 và là người ủng hộ mạnh mẽ chiến dịch tranh cử của tổng thống của Allende. Năm 1971, Letelier được Tổng thống Allende chỉ định làm Đại sứ Chile ở Mỹ vì tin tưởng vào kinh nghiệm cũng như mối quan hệ của Letelier với hệ thống ngân hàng quốc tế sẽ giúp hỗ trợ phát triển quan hệ ngoại giao Mỹ - Chile.

Trong suốt năm 1973, Letelier liên tiếp giữ các chức vụ trong Chính phủ Chile - Ngoại trưởng, Bộ trưởng Nội vụ và cuối cùng là Bộ trưởng Quốc phòng. Sau cuộc đảo chính năm 1973 và tướng Pinochet lên nắm quyền, Letelier nằm trong số những người đầu tiên bị bắt giữ và giam tại nhà tù ở Tiera del Fuego. Cuối cùng, dưới sức ép quốc tế - đặc biệt từ Diego Arria, lúc đó là Thống đốc Caracas của Venezuela; và Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger - Letelier bất ngờ được chính quyền Pinochet trả tự do vào tháng 9-1974 với điều kiện phải rời khỏi Chile ngay lập tức.

Khi làm việc tại IPS ở Washington DC., Letelier vùi đầu vào công việc viết sách, diễn thuyết và  vận động hành lang ở Quốc hội Mỹ cũng như vận động các chính quyền châu Âu chống chế độ Augusto Pinochet. Ông được các đồng nghiệp mô tả là "người phát ngôn đáng kính trọng và hiệu quả nhất trong chiến dịch quốc tế kết án và cô lập chế độ độc tài của Pinochet" vì thế ông là cái gai trong mắt chính quyền Pinochet và tướng tình báo DINA Manuel Contreas.

Letelier nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ Ronni Moffit - người gây quỹ tổ chức chương trình "Music Carryout" sản xuất nhạc cụ cho người nghèo cũng như tranh đấu cho nền dân chủ ở Chile. Letelier trở thành mục tiêu giám sát của Chiến dịch Chim kền kền - chiến dịch được đề xướng bởi các chế độ độc tài cánh hữu ở Nam Mỹ với mục đích thu thập thông tin tình báo về các phong trào đối lập và tiến hành ám sát những lãnh đạo của các phong trào này. Ngày 10/9/1976, chính quyền Pinochet chính thức tước quyền công dân của Letelier.

Contreas và Pinochet tố cáo lẫn nhau

Sau khi Pinochet nắm quyền lãnh đạo Chile, Manuel Contreas thành lập và chỉ huy Cơ quan mật vụ DINA, trở thành nhân vật quyền lực số 2 chỉ đứng sau Pinochet. Contreas là nhân vật chính giúp tổ chức Chiến dịch Chim Kền kền vào giữa thập niên 70, hợp tác với các thế lực độc tài khác ở Nam Mỹ. Contreas nằm trong số những thuộc cấp thân cận nhất của Pinochet nhưng vào những năm cuối đời họ quay sang chỉ trích nhau thậm tệ. Contreas buộc tội ông chủ cũ của mình thu vén được khối tài sản khổng lồ nhờ sử dụng một nhà máy hóa chất để sản xuất cocaine buôn lậu đến châu Âu, trong khi Pinochet buộc tội cựu tướng tình báo hành động bừa bãi mà không cần đến sự đồng ý của ông ta .

Manuel Contreas (giữa).

Theo cáo buộc của Contreas, ma túy và buôn lậu vũ khí là nguồn thu nhập chính trong số 27 triệu USD của Pinochet được gửi trong các tài khoản ngân hàng bí mật. Theo một báo cáo chính thức, 40.018 người bị cầm tù, tra tấn hay thủ tiêu dưới chế độ Pinochet và Contreas kéo dài từ năm 1973-1990. Theo chính quyền Chile hiện nay, Contreas là kẻ chịu trách nhiệm giám sát những vụ bắt cóc hàng ngàn người cánh tả. Khoảng 150 xác chết - nhiều người trong số đó bị cột chặt với thanh sắt đường ray xe lửa - bị ném từ máy bay trực thăng xuống biển và hồ nước. Đa số những vụ mất tích xảy ra vào những năm đầu tiên khi Contreas lãnh đạo DINA.

Nơi tưởng niệm Letelier và Moffitt tại Sheridan Circle.

Không chỉ dính líu đến vụ ám sát Orlando Letelier, Contreas còn bị buộc tội trong vụ nổ bom năm 1974 giết chết tướng Carlos Prats, Tổng tham mưu trưởng quân đội Chile dưới thời chính quyền Allende, sống lưu vong tại thủ đô Buenos Aires của Argentina. Ngoài ra, còn hàng trăm vụ án khác chống lại Contreas vẫn chưa được xét xử. Năm 2004, hàng trăm người Chile biểu tình chống đối Contreas khiến cảnh sát phải lập rào chắn để bảo vệ cựu lãnh đạo DINA khi ông ta rời tòa án để chấp hành 12 năm tù vì tội giết chết nhà hoạt động Miguel Ange Sandoval.

Từ năm 2005, Contreas bị giam giữ trong nhà tù dành riêng cho giới quan chức chế độ Pinochet phạm các tội ác chống nhân loại. Trong nhiều năm, chính quyền Chile chịu sức ép đòi đóng cửa nhà tù - nơi có sân chơi tennis, những bữa tiệc ngoài trời và cả hồ bơi dành cho tù nhân. Năm 2013 dưới thời Tổng thống Sebastian Pinera nhà tù trên bị đóng cửa và Contreas được chuyển đến một nơi tạm giam khác cho đến khi tình trạng sức khỏe của ông trở nên tồi tệ phải chuyển đến bệnh viện nhà tù quân sự.

Paul Schaeffer, người Đức, điều hành một khu phức hợp bí mật ở miền Nam Chile, được cho là hợp tác với Manuel Contreas cho phép DINA sử dụng các tòa nhà này làm nơi giam cầm và tra tấn tù nhân chính trị. Về sau, Schaeffer bị bắt giữ và buộc tội xâm hại tình dục trẻ em trong khu phức hợp do ông ta cai quản. Schaeffer chết trong bệnh viện nhà tù năm 2010. Về phần Pinochet, do sức khỏe kém cũng như chứng mất trí mà ông ta được tuyên không đủ năng lực trước tòa án và tránh được xét xử. Pinochet chết năm 2006.

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.
.