Uy tín của cảnh sát Mỹ bị giảm mạnh

Thứ Bảy, 27/06/2015, 14:00
52% số người được hỏi bày tỏ niềm tin vào lực lượng cảnh sát, là chỉ số lòng tin thấp nhất của người dân Mỹ đối với họ sau 22 năm (1993-2015) diễn ra vụ xét xử những cảnh sát da trắng thành phố Los Angeles, bang California, đánh đập dã man người lái xe taxi da đen Rodney King.
Và theo kết quả thăm dò của tổ chức Gallup (công bố hôm 19/6), trong số hơn 1.500 người Mỹ được phỏng vấn ngẫu nhiên qua điện thoại có 57% người da trắng tin tưởng, nhưng chỉ có 30% người da đen tin tưởng vào lực lượng cảnh sát. Và đây là kết quả tất yếu sau hàng loạt vụ bắn chết người vô tội, không có vũ trang, cùng những hành xử mang tính phân biệt đối xử của lực lượng cảnh sát thời gian qua. Trong đó điển hình nhất là vụ cảnh sát da trắng cố tình bắn chết một thanh niên da đen không có vũ trang ở thành phố Ferguson, bang Missouri, dẫn tới làn sóng biểu tình phản đối tại nhiều thành phố trên khắp nước Mỹ.

Theo tờ Washington Post, tính đến thời điểm hiện nay, trung bình mỗi ngày cảnh sát Mỹ bắn chết hơn 2 người. Và trong 5 tháng đầu năm 2015, đã có 385 người bị thiệt mạng do cảnh sát, và với tốc độ này, đến cuối năm 2015 sẽ có gần 1.000 người dân Mỹ có thể bị chết bởi cảnh sát. Cũng theo tờ Washington Post, kể từ năm 2005 đến nay, chỉ có 54 cảnh sát da trắng bị truy cứu trách nhiệm trong số hàng nghìn vụ cảnh sát bắn chết người.

Sỹ quan cảnh sát Michael Slager đã bắn chết ông Walter Scott.

Hơn 10 ngày trước (9/6), biểu tình đã diễn ra tại thành phố McKinney, bang Texas để phản đối cảnh sát sử dụng vũ lực thái quá. Và nhân viên cảnh sát Eric Casebolt đã bị đình chỉ công tác. Cảnh sát trưởng thành phố McKinney Greg Conley coi đây là biện pháp cần thiết để điều tra vụ việc được toàn diện. Đồng thời nhấn mạnh, hành vi của Eric Casebolt là "không thể bào chữa được" và Sở Cảnh sát McKinney không thể chấp nhận hành động này.

Theo một đoạn băng video phát trên YouTube cho thấy, cảnh sát đã sử dụng vũ lực và súng ống với các thiếu niên da màu tay không tấc sắt. Và Eric Casebolt đã gào thét, chửi rủa các thiếu niên da đen, bắt họ nằm xuống đất, và vật một em gái 14 tuổi mặc áo tắm úp mặt xuống đất rồi dùng đầu gối đè lên lưng khống chế, sau đó chĩa súng vào các em khác muốn đến gần để can thiệp. Cha của nạn nhân nữ đã kêu gọi sa thải ngay Eric Casebolt. Thị trưởng thành phố McKinney Brian Loughmiler cho biết, đã xem đoạn video này trên YouTube và rất lo ngại vì biến cố này, đồng thời kêu gọi mọi nhân viên cảnh sát phải có cách hành xử biết kềm chế và đúng mực.

Cũng trong ngày 9/6, bồi thẩm đoàn ở South Carolina đã truy tố cựu sỹ quan cảnh sát Michael Slager vì bắn chết Walter Scott, người đàn ông da màu trong tình trạng không có vũ trang - bỏ chạy khi bị Michael Slager chặn lại để kiểm tra hôm 4/4.

Theo công tố viên Scarlett Wilson, ở South Carolina, tội giết người sẽ bị phạt tù chung thân hoặc 30 năm tù. Và nếu bị kết án, Michael Slager sẽ phải thi hành hết bản án và không được ân xá. Vụ việc xảy ra hôm 4/4 tại thành phố Charleston Bắc và gây chấn động dư luận sau khi một đoạn video được công bố ngày 7/4. Bởi theo đoạn băng do một nhân chứng ghi lại bằng điện thoại di động cho thấy, Michael Slager đã bắn 8 phát đạn vào Walter Scott. Người này đã bị bắt, bị đuổi việc ngay sau khi đoạn video được giao nộp cho chính quyền thành phố.

Gần 1 tháng trước (26/5), Chính quyền thành phố Cleveland, bang Ohio đã cam kết chỉnh đốn lại lực lượng cảnh sát. Cam kết này được đưa ra trong một sắc lệnh  (dài 105 trang) với Bộ Tư pháp được công bố cùng ngày 26/5.

Theo đó, Sở Cảnh sát Cleveland phải tổ chức huấn luyện kỹ càng về cách hành xử, cũng như kỹ năng của cảnh sát, đồng thời đưa ra các hướng dẫn mới về việc sử dụng vũ lực "phù hợp và hợp pháp" khi làm nhiệm vụ. Lực lượng cảnh sát cũng phải lập tức hỗ trợ y tế cho nạn nhân bị thương do bạo lực. Cam kết chỉnh đốn lực lượng cảnh sát được chính quyền Cleveland đưa ra 3 ngày sau khi tòa tuyên trắng án đối với cảnh sát da trắng Michael Brelo trong vụ 13 cảnh sát bắn chết 2 người da màu không có vũ trang 3 năm trước (2012-2015).

Ngày 23/5, Thẩm phán John O'Donnell tuyên bố, sĩ quan cảnh sát Michael Brelo vô tội trong cái chết của Timothy Russell và Malissa Williams sau vụ rượt đuổi năm 2012 tại Cleveland. Bởi theo Thẩm phán John O'Donnell, sĩ quan Michael Brelo đã hành động hợp lý khi đứng trên mui xe và bắn nhiều phát (15 viên đạn cuối trong tổng số 137 phát đạn của cảnh sát) vào xe qua kính chắn gió. Và phán quyết kể trên đã khiến nhiều người giận dữ, xuống đường biểu tình phản đối. Cảnh sát chống bạo động đã bắt 71 người biểu tình quá khích ngay trong đêm 23/5.

Lưu Tuấn Nghĩa
.
.
.