Những vụ mất tích của các nhà hoạt động xã hội ở Pakistan

Thứ Hai, 28/12/2020, 07:22
Cô Karima Baloch bắt đầu tị nạn chính trị ở Canada từ năm 2016, sau khi chính quyền Pakistan bắt đầu theo dõi và hăm dọa cô vì những hoạt động đấu tranh cho nhân quyền của người dân bang Balochistan. Với tư cách là chủ tịch đầu tiên của Hội Sinh viên Baloch - một tổ chức chính trị dành cho giới trẻ, cô Karima đã nhiệt tình bảo vệ quyền của những người dân sống tại Balochistan - vùng đất đã lâm vào tình trạng bạo loạn suốt nhiều năm ròng và thường xuyên lên án công khai nạn bắt cóc dân chúng tại Pakistan...


Cái chết bí ẩn của nhà hoạt động lưu vong

Một nhà hoạt động nhân quyền người Pakistan tên Karima Baloch, hiện đang sống lưu vong ở Canada đã qua đời ở Toronto ở tuổi 37 sau khi mất tích từ 20-12-2020.

Cô Karima Baloch bắt đầu tị nạn chính trị ở Canada từ năm 2016, sau khi chính quyền Pakistan bắt đầu theo dõi và hăm dọa cô vì những hoạt động đấu tranh cho nhân quyền của người dân bang Balochistan. Với tư cách là chủ tịch đầu tiên của Hội Sinh viên Baloch - một tổ chức chính trị dành cho giới trẻ, cô Karima đã nhiệt tình bảo vệ quyền của những người dân sống tại Balochistan - vùng đất đã lâm vào tình trạng bạo loạn suốt nhiều năm ròng và thường xuyên lên án công khai nạn bắt cóc dân chúng tại Pakistan.

Nhà hoạt động Pakistan Karima Baloch, người vừa qua đời tại Canada.

Chồng của cô Karima, anh Hammal Haider - cũng là một nhà hoạt động Pakistan đang sống lưu vong, kể lại rằng vợ mình rời khỏi nhà vào trưa 19-12 để dạo bộ quanh khu Centre Islands ở Toronto như mọi khi, nhưng cô không bao giờ quay lại. Sau đó, anh đã báo cảnh sát vì quá lo lắng và chỉ 2 ngày sau khi cảnh sát Toronto bắt đầu đăng tải thông tin về vụ việc lên Twitter, thi thể nạn nhân đã được tìm thấy.

Anh Hammal khẳng định không thể có chuyện vợ mình tự sát vì cô Karima vốn là một người rất mạnh mẽ và khi rời khỏi nhà cô vẫn đang rất vui vẻ: "Không thể loại trừ trường hợp đã có gì đó mờ ám xảy ra vì cô ấy đã từng bị đe dọa trước kia. Vợ tôi rời Pakista sau khi nhà cô ấy bị lục soát 2 lần còn chú của cô ấy bị giết hại. Người ta đã hăm dọa và ép buộc cô ấy ngừng đấu tranh nhưng cô ấy đã từ chối và trốn sang Canada".

Vào ngày 22-12, cảnh sát Toronto tuyên bố cái chết của nạn nhân đang được điều tra, nhưng không phải với tư cách một vụ án hình sự và có vẻ như không có điều gì đáng ngờ xảy ra. Trái với tuyên bố này, anh Hammal kể lại rằng khoảng một tháng trước, anh đã nhận được vô số tin nhắn hăm dọa trên mạng xã hội: "Chúng nói rằng các anh em và vợ tôi sẽ trở thành mục tiêu".

Anh Lateef Johar cũng là một nhà hoạt động người Pakistan hiện đang tị nạn tại Canada cho biết, cảnh sát Toronto tìm thấy thi thể cô Karima gần biển và ngoài ra họ không cung cấp cho người nhà nạn nhân bất kì một chi tiết nào khác về nguyên nhân cô Karima qua đời hay bao giờ họ sẽ trao trả lại thi thể người quá cố cho gia đình. Anh Johar cho biết mình đã gặp gỡ nạn nhân tại Trường Đại học Toronto, nơi cả hai cùng theo học và nói chuyện điện thoại với cô chỉ một ngày trước khi Karima biến mất: "Tôi không nghĩ Karima chết vì tai nạn hoặc tự tử. Tất cả chúng tôi đều thấy sợ hãi".

Tổ chức Ân xá Quốc tế cũng đã đưa ra tuyên bố chính thức về cái chết của nhà hoạt động vì nhân quyền ngay sau khi biết tin: "Cái chết của nhà hoạt động Karima Baloch tại thành phố Toronto, Canada là một sự kiện gây sốc và cần phải được điều tra làm rõ ngay tức khắc. Những kẻ thủ ác phải được đưa ra ánh sáng và xét xử nghiêm minh".

Nhà báo lưu vong Sajid Hussain, người thiệt mạng tại Thuỵ Sĩ tháng 4-2020.

Kể từ khi chuyển đến Canada, cô Karima vẫn tiếp tục dự các buổi hội thảo, họp báo, biểu tình và phê phán những hành vi vi phạm quyền con người tại thị trấn quê hương cô và trên khắp đất nước trên các phương tiện truyền thông.

Anh Lateef cũng tiết lộ rằng sau khi một nhóm sinh viên bị bắt cóc tại Balochistan, cô Karima thường xuyên bị đe dọa bởi nhiều số điện thoại lạ trên WhatsApp. Đáng chú ý hơn, tên của anh Lateef cũng bị nhắc đến trong những lời hăm dọa này. Những tin nhắn thường có nội dung dụ dỗ cô Karima quay lại Pakistan để được xóa án và những sinh viên bị bắt cóc sẽ được thả tự do.

Nhà báo Pakistan qua đời đột ngột sau khi mất tích hơn 1 tháng

Cô Baloch là nhà hoạt động lưu vong người Balochistan thứ 2 thiệt mạng một cách bí hiểm ở nước ngoài trong năm nay. Vào tháng 4-2020, thi thể nhà báo Sajid Hussain - người vốn được biết đến qua chuỗi phóng sự về những hành vi vi phạm nhân quyền ở Balochistan, được tìm thấy dưới đáy một con sông ở Thụy Điển, nơi anh tị nạn chính trị sau khi rời bỏ quê nhà năm 2012 vì cảnh sát lục soát nhà của anh và thẩm vấn cả gia đình anh mà không có lệnh của tòa án. Nhà báo đặt chân đến Thụy Điển vào năm 2018, sau nhiều năm lưu lạc từ Ả Rập đến Oman và Uganda. Theo như lời kể của người thân và bạn bè, nạn nhân đang chuẩn bị làm thủ tục đón vợ con sang Thụy Điển cùng sinh sống với mình và học lấy bằng Thạc sĩ ở Đại học Uppsala. Tại Thụy Điển, anh Sajid vẫn đảm trách vai trò tổng biên tập tờ Thời báo Baluschitan - một tờ báo do chính anh thành lập khi đang lưu vong.

Người dân xuống đường biểu tình, gây sức ép cho chính phủ Pakistan phải tìm kiếm nhà hoạt động Raza Khan.

Chính quyền Thụy Điển khẳng định không có gì mờ ám trong cái chết của anh Sajid, nhưng bản báo cáo khám nghiệm tử thi lại không thể đưa ra nguyên nhân tử vong của anh. Một người bạn của gia đình nạn nhân đã có cơ hội xem xét báo cáo khám nghiệm tử thi và cáo trạng đã tiết lộ với báo chí rằng người thân của anh Sajid đang yêu cầu thêm bằng chứng từ chính phủ Thụy Điển vì họ không tin vào kết quả điều tra, nhưng hiện mong muốn của họ chưa được đáp ứng.

Anh Sajid Hussain mất tích từ 2-3 và được nhìn thấy lần cuối trên cuyến tàu hỏa đi Uppsala, cách thủ đô Stockholm 56km về phía Bắc, còn thi thể của anh được tìm thấy vào 23-4 trên dòng sông Fyris, ngoại ô Uppsala.

Trước khi mất tích, anh Sajid đang sống chung nhà với bạn là anh Abdul Malik. Trả lời phỏng vấn của báo chí, anh Abdul kể rằng nạn nhân vẫn đang rất vui vẻ khi rời nhà để đến Uppsala vào ngày 2-3. Vợ của nạn nhân là cô Shahnaz Baloch cũng khẳng định rằng lúc nói chuyện điện thoại với vợ, nạn nhân vẫn rất lạc quan và còn đang dự tính chuyển đến một căn hộ mới ở Uppsala. Chính những điểm bất thường này đã khiến cho người thân và bạn bè nạn nhân không thể tin được rằng anh Sajid tự sát và họ cho rằng cảnh sát cần điều tra kĩ lưỡng hơn về vụ án để mọi người có thể biết điều gì đã xảy ra.

Cảnh sát Thụy Điển tin rằng cho dù cái chết của nạn nhân có thể là một vụ giết người, nhưng cũng rất có khả năng Sajid đã tự sát hoặc chẳng may qua đời vì tai nạn. Trái với tuyên bố của cảnh sát Thụy Điển, ông Erik Halkjaer - người đứng đầu tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) - đánh giá rằng rất có thể chính những bài báo anh Sajid viết đã gây ra cái chết thương tâm của anh.

Khi các nhà hoạt động bỗng dưng "biến mất"

Không chỉ những người đã rời bỏ đất nước, những nhà hoạt động chọn ở lại Pakistan cũng không tránh khỏi nguy hiểm.

Vào đầu năm 2017, 5 nhà hoạt động kiêm bloggers thường xuyên công khai chỉ trích quân đội và chính phủ trên mạng xã hội ở Pakistan đã biến mất, bao gồm giáo sư kiêm nhà thơ nổi tiếng Salman Haider, hai anh em họ Waqas Goraya và Asim Saeed cùng blogger bại liệt Ahmed Raza Naseer và Samar Abas.

Cuộc biểu tình phản đối nạn mất tích tại Pakistan.

Cũng giống như cô Karima Baloch, ông Salman Haider đấu tranh vì quyền của người dân bang Balochistan, nhưng may mắn hơn người bạn đồng nghiệp, ông đã trở về nhà sau 20 ngày không rõ tung tích.

Theo thống kê của Ủy ban Điều tra về Mất tích Cưỡng chế (COIED), hiện có 2.178 vụ biến mất chưa có lời giải ở Pakistan và chỉ trong tháng 1-2019, đã có 46 người mất tích, trong đó 29 người trở về nhà, 10 người bị đưa vào trại cải tạo, 5 người bị giam và 2 người thiệt mạng. Các nạn nhân thường là những người dân tộc thiểu số Baloch, Pashtun, Shia; những nhà hoạt động chính trị, xã hội nhân quyền; thành viên và những người ủng hộ phong trào ái quốc, những đối tượng bị nghi tham gia các nhóm vũ trang, những cá nhân tham gia vào các tổ chức tôn giáo và chính trị…

Việc truy tố thủ phạm bắt cóc là gần như không thể vì các nạn nhân không bao giờ chịu hé miệng khai bất cứ điều gì do lo sợ bị trả thù, nhưng các tổ chức vì nhân quyền quốc tế vẫn theo đuổi việc tìm kiếm những người hiện đang mất tích, đưa thủ phạm ra ánh sáng và ngăn chặn nạn bắt cóc ở Pakistan.

Song Thi
.
.
.