Đường dây buôn người làm gái mại dâm ở Mỹ
- Colombia: Phá đường dây mại dâm nam do cảnh sát và nghị sĩ điều hành
- Choáng với mại dâm kiểu... đa cấp!
- 'Tú ông' thuê nhà nghỉ, nuôi miễn phí gái mại dâm1
Mới đây, sau những sóng gió trong cuộc đời, Shandra Woworuntu đã kể lại cuộc hành trình của đời mình và những thủ đoạn buôn người làm gái mại dâm ở Mỹ.
Nát tan giấc mơ Mỹ
"Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành tài chính, tôi làm việc cho một ngân hàng quốc tế tại Indonesia. Vào năm 1998, tôi mất việc do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Để có tiền nuôi cô con gái mới lên ba tuổi, tôi tìm việc làm ở nước ngoài. Tôi muốn một công việc trong lĩnh vực khách sạn ở Mỹ, Nhật Bản, Hồng Kông hay Singapore. Cuối cùng tôi chọn Mỹ", Shandra Woworuntu kể lại.
Với vốn tiếng Anh khá, cùng khoản phí 30 triệu rupiah Indonesia (khoảng 2.700 USD vào năm năm 2001), trải qua nhiều cuộc phỏng vấn, Shandra Woworuntu đã được lựa chọn. Cô sẽ nhận được 5.000 USD/tháng cho công việc mới ở Mỹ.
"Tôi đến Mỹ vào tuần đầu tiên của tháng 6/2001 cùng với bốn người phụ nữ và một người đàn ông khác. Người đàn ông tên là Johnny đón chúng tôi tại sân bay. Johnny cầm tất cả giấy tờ của tôi, trong đó có hộ chiếu. Trải qua ba lần đổi xe với ba người tài xế khác nhau, chúng tôi được đưa đến một ngôi nhà ở Brooklyn. "Mama-san" - thuật ngữ dùng để gọi chủ chứa mại dâm mở cửa cho chúng tôi vào.
Khi cánh cửa mở, tôi thấy một cô gái mới 12, 13 tuổi gào thét khi bị một nhóm đàn ông thay phiên nhau đấm, đá vào cơ thể. Một trong những người đàn ông mỉm cười, giơ cây gậy bóng chày trước mặt tôi như lời cảnh báo. Chỉ vài giờ sau khi đến Mỹ, tôi đã buộc phải quan hệ tình dục", Shandra Woworuntu kể lại.
Shandra và ba nạn nhân khác chụp ảnh gần một nhà thổ ở Connecticut. |
Ngày hôm sau, Johnny xuất hiện và nói rằng, sẽ đưa Shandra Woworuntu đi mua đồng phục và đưa đến khách sạn ở Chicago làm việc. Tuy nhiên, Johnny đưa Shandra Woworuntu đến một cửa hàng đồ lót để mua những bộ quần áo "mát mẻ hết sức có thể".
Shandra Woworuntu biết mình bị lừa và tìm cách để bỏ trốn nhưng không dám khi phát hiện Johnny giấu một khẩu súng trong túi quần phía sau. Sau đó, Shandra Woworuntu bị đưa đến Chicago, bắt đầu chuỗi ngày hoạt động của một nô lệ tình dục.
Mỗi lần bán dâm được trừ nợ 100 USD
Theo Shandra Woworuntu, những kẻ buôn người là người Indonesia, Đài Loan, Malaysia, Trung Quốc và Mỹ. Chỉ có hai trong số họ nói tiếng Anh, còn lại chủ yếu sử dụng ngôn ngữ cơ thể để giao tiếp. "Điều khiến tôi cảm thấy lo sợ là một trong những người đàn ông có mang theo huy hiệu cảnh sát. Cho đến bây giờ, tôi cũng không biết, anh ta có phải là nhân viên cảnh sát thực sự hay không", Shandra Woworuntu chia sẻ.
Để ép buộc Shandra Woworuntu bán dâm, chủ chứa nói rằng, cô nợ họ 30.000 USD tiền đi lại từ Indonesia đến Mỹ và khi quan hệ tình dục với một người đàn ông, cô sẽ được trừ nợ 100 USD. Khoảng thời gian tiếp sau đó, Shandra Woworuntu đã bị đưa đến nhiều địa điểm khác nhau để bán dâm, từ nhà thổ đến chung cư, khách sạn, sòng bạc...
"Họ đặt cho tôi biệt danh là "Candy". Hiếm khi tôi đến vị trí nào đó trong hai ngày liên tiếp và cũng không bao giờ biết đang ở đâu hoặc sẽ đi đâu. Những kẻ buôn người đã cho tôi dùng ma túy để tăng sức chịu đựng. Cả ngày, tôi chỉ uống bia và rượu whisky, hiếm khi được uống nước. 24 giờ mỗi ngày, chúng tôi gần như không mặc gì trên người để chờ khách. Nếu không có ai đến thì chúng tôi có thể chợp mắt nhưng đây là khoảng thời gian mà những kẻ buôn người có thể sẽ hãm hiếp chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi phải luôn đề cao cảnh giác. Không biết điều gì sẽ xảy ra", Shandra Woworuntu kể tiếp.
Shandra Woworuntu cho biết, tất cả phụ nữ bị buôn bán là người châu Á, ngoài Indonesia, còn có những cô gái đến từ Thái Lan, Trung Quốc và Malaysia. Vào khoảng nửa đêm, một trong những kẻ buôn người sẽ lái xe đưa các cô gái đến sòng bạc. Chúng sẽ mặc bộ đồ màu đen giống như vệ sĩ đi bên cạnh nhưng thực chất đang gí khẩu súng vào lưng các cô gái.
"Có lần tôi đã phải tiếp rất nhiều con bạc trong cùng một lúc. Họ thuộc nhiều thành phần khác nhau trong xã hội. Một số trông giống như thành viên của băng đảng mafia châu Á, có người da trắng, người da đen, người già và cả sinh viên đại học... Tôi luôn giữ bên mình một cuốn nhật ký viết bằng tiếng Indonesia, Anh, Nhật Bản và các biểu tượng. Tôi cố gắng ghi lại những ǵ tôi đã làm, nơi tôi đã đi qua và bao nhiêu người tôi đã quan hệ tình dục. Tôi luôn nghĩ cách trốn thoát nhưng cơ hội rất hiếm hoi", Shandra Woworuntu nói.
Trốn chạy và nỗi ám ảnh
Lần đầu tiên Shandra Woworuntu tìm cách trốn chạy là khi bị đưa đến nhà thổ ở Connecticut. Cô đã dùng ga trải giường, quần áo kết thành dây, buộc vào cửa sổ để tụt xuống đất. Tuy nhiên, vì dây quá ngắn nên Shandra Woworuntu không thể thực hiện được ý định bỏ trốn.
Lần thứ hai, khi đến tiếp khách trong nhà thổ ở Brooklyn, Shandra Woworuntu cùng Nina, 15 tuổi cũng đến từ Indonesia đã trốn thoát ra ngoài. Sau đó, hai người gặp một người đàn ông Indonesia trên đường phố. Người đàn ông này hứa sẽ giúp đỡ hai cô gái tìm công ăn việc làm. "Vị cứu tinh" thường xuyên đòi quan hệ tình dục với Shandra Woworuntu và Nina trong khách sạn. Khi bị từ chối, người đàn ông đã gọi điện cho Johnny đến đón hai cô gái. Chúng đều là những kẻ buôn người.
Một lần, lợi dụng những tên buôn người sơ hở, Shandra Woworuntu đã trốn thoát. Cô tìm đến đồn cảnh sát và khai báo toàn bộ sự việc nhưng không ai tin và đuổi cô đi. Shandra Woworuntu cũng đã tiếp cận hai sĩ quan cảnh sát trên đường phố nhưng cũng nhận được phản ứng tương tự. Shandra Woworuntu đến lãnh sự quán Indonesia tìm kiếm sự giúp đỡ nhưng cũng không nhận được sự trợ giúp nào.
"Tôi vô cùng giận dữ và buồn bã. Tôi không biết phải làm gì. Tôi đã phải ngủ ngoài trời, ga tàu điện ngầm ở New York và ở Times Square. Tôi xin đồ ăn từ người lạ và kể chuyện với bất cứ ai. May mắn khi tôi gặp được ông Eddy, một thủy thủ đang trong kỳ nghỉ. Ông đã giúp tôi liên lạc với FBI và FBI đã cử nhân viên điều tra về vụ việc. Johnny và những đồng phạm trong đường dây buôn người đã bị bắt giữ", Shandra Woworuntu cho biết.
Shandra Woworuntu. |
FBI đã giúp Shandra Woworuntu kết nối với "Safe Horizon" - một tổ chức từ thiện có trụ sở ở New York, chuyên giúp đỡ các nạn nhân bị lạm dụng tình dục. "Safe Horizon" đã giúp Shandra Woworuntu hoàn tất các thủ tục pháp lý để ở lại Mỹ cũng như hỗ trợ về chỗ ở, tìm việc làm.
Shandra Woworuntu cho biết, tại Indonesia, những kẻ buôn người đã tìm đến nhà mẹ cô đe dọa buộc mọi người phải bỏ trốn. Những kẻ buôn người đã tìm kiếm mẹ Shandra Woworuntu trong thời gian dài. Cuối cùng, với sự giúp đỡ của Mỹ và "Safe Horizon", gia đình Shandra Woworuntu đã được đoàn tụ ở Mỹ vào năm 2004.
Hiện nay, Shandra Woworuntu đã trở thành một nhà hoạt động xã hội tích cực ở Mỹ. "Tôi đã quyết định làm tất cả mọi thứ có thể để giúp đỡ các nạn nhân của tội phạm buôn người. Tổ chức từ thiện Mentari của chúng tôi giúp những người sống sót tái hòa nhập cộng đồng và giúp họ tìm kiếm việc làm. Đồng thời, chúng tôi đang cố gắng để nâng cao nhận thức cho mọi người về những nguy cơ tiềm ẩn từ "giấc mơ Mỹ". Mỗi năm, có từ 17.000 đến 19.000 người bị buôn bán đến Mỹ. Năm ngoái, chúng tôi đã xuất bản một cuốn truyện tranh giáo dục về vấn đề này tại Indonesia", Shandra Woworuntu nói.
Shandra Woworuntu cho biết thêm, 15 năm đã trôi qua nhưng cô vẫn luôn bị ám ảnh về những tháng ngày bị ép buộc bán dâm. "Tôi vẫn phải đến gặp bác sĩ tâm thần và uống thuốc chống trầm cảm thường xuyên. Mùi của rượu whisky, mùi thuốc lá... vẫn khiến tôi nôn nao trong người".