Colombia: Phá đường dây mại dâm nam do cảnh sát và nghị sĩ điều hành

Thứ Năm, 24/03/2016, 13:38
Ngay sau khi vụ bê bối được đưa ra ánh sáng đã khiến người dân mất lòng tin vào lực lượng cảnh sát. Một cuộc điều tra trong tháng 2-2016 cho thấy, gần 60% dân chúng quốc gia Nam Mỹ này không chấp nhận những việc làm của cảnh sát, tăng so với 46% trong cuộc điều tra vào tháng 12-2015. WC ngày 14/3 cho hay.


Hoạt động trong các học viện cảnh sát

Truyền thông Colombia đưa tin, người dân nước này đang tỏ ra giận dữ và yêu cầu điều tra vụ bê bối về đường dây mại dâm nam trong lực lượng cảnh sát quốc gia. Theo tiết lộ, mạng lưới mại dâm nam có biệt danh "The Fellowship of the Ring" (tạm dịch: Hội nhẫn) do các quan chức cảnh sát cấp cao điều hành, đã hoạt động trong các học viện cảnh sát từ năm 2004-2008.

Nhiều quan chức, dân biểu đang đối mặt với cáo buộc sử dụng tiền, quà tặng và xe ôtô cho những học viên trong đường dây này để thỏa mãn nhu cầu tình dục. Theo tờ The Guardian, những thông tin đầu tiên về đường dây mại dâm trong lực lượng cảnh sát quốc gia Colombia được tiết lộ vào năm 2014, khi ít nhất 10 học viên đã chấp nhận làm chứng trong cuộc điều tra về cái chết bất thường của một nữ thiếu sinh quân năm 2006.

Lực lượng cảnh sát Colombia.

Nguyên nhân tử vong ban đầu được kết luận là do tự sát. Nhưng theo gia đình nạn nhân, thiếu sinh quân Maritza Zapata có thể đã phát hiện ra sự tồn tại của đường dây mại dâm và bị sát hại sau đó. Mạng lưới được đưa ra ánh sáng một lần nữa vào năm 2015, khi nhà báo Vicky Dávila công bố những bằng chứng cho thấy, các quan chức cấp cao trong lực lượng cảnh sát quốc gia quấy rối tình dục những học viên sĩ quan, trong đó có cả người đứng đầu lực lượng cảnh sát quốc gia, ông Rodolfo Palomino.

Cuốn video khiến nhiều người mất chức

Sau khi phát sóng một số lời khai của các học viên trên radio, nhà báo Davila cho biết, điện thoại của mình thường xuyên bị nghe trộm. Sau đó, bà Davila tiếp tục công bố một đoạn video khác nhằm chứng minh sự tồn tại của đường dây mại dâm.

Video là đoạn băng ghi âm bí mật về cuộc trò chuyện giữa cảnh sát Anyelo Palacios với thượng nghị sĩ Carlos Ferro về các hoạt động tình dục. Đoạn phim do Palacios bí mật quay năm 2008 và khi đó ông Ferro còn đang ngồi ghế thượng nghị sĩ, theo tờ The Guardian.

Trả lời báo chí mới đây, Palacios cho biết, mình là một nạn nhân trong đường dây cưỡng bức bán dâm nam và tìm cách quay phim để làm chứng cứ tố cáo thượng cấp. Trong clip, ông Ferro nói, mình là người lưỡng tính và muốn "vui vẻ" với ông Palacios.

"Tại sao chúng ta không tìm chỗ nào đấy?", viên cảnh sát hỏi. "Chắc chắn rồi, nhưng tôi không biết chỗ nào gần đây cả", Ferro trả lời. Cảnh sát Palacios tiếp tục thả mồi: "Đi nào! Ông thừa biết có đầy chỗ ở Chapinero (khu vực ăn chơi thời thượng ở thủ đô Bogota)". "Đúng rồi, nhưng tôi không cảm thấy thoải mái ở Chapinero bởi vì nhiều người cũng tới đó", ông Ferro trả lời. Đoạn video sau đó được chia sẻ, buộc ông Ferro phải từ chức.

Ngay sau đó, Văn phòng Tổng thanh tra quốc gia lẫn Văn phòng Tổng công tố cùng thông báo mở cuộc điều tra toàn diện về cái chết của cô Zapata, vai trò của tướng Palomino và cáo buộc theo dõi nhà báo Dávila. Giới công tố xem đoạn phim của đại úy Palacios và lời khai của các nhân viên cảnh sát khác là chứng cứ quan trọng của vụ án.

Hiện tướng Palomino đang đối mặt với các cáo buộc môi giới mại dâm, cưỡng ép bán dâm, lạm quyền và bí mật nghe lén mà không được phép của tòa án. Trước áp lực của dư luận, ông này tuyên bố từ chức Giám đốc Cảnh sát quốc gia nhưng cho rằng, mình hoàn toàn vô tội. "Giống như những gì văn phòng thanh tra điều tra, cho đến nay chưa tìm thấy bất cứ bằng chứng nào cho thấy, tôi liên quan đến vụ bê bối. Tôi khẳng định rằng, các thanh tra viên sẽ không phát hiện được điều gì khác".

Bên cạnh đó, tại Colombia cũng nổi lên tranh luận dữ dội về đạo đức nghề nghiệp của nhà báo Dávila với hành động công bố các đoạn băng là bằng chứng của một vụ án đang được điều tra. Mới đây, bà đã nghỉ việc ở Đài La FM và tuyên bố trên tờ Semana rằng, chính Tổng thống Juan Manuel Santos "đã gây áp lực khiến công ty mẹ quản lý Đài La FM ép bà nghỉ việc".

Theo các cáo buộc, giai đoạn "Hội nhẫn" hoạt động mạnh nhất trùng với thời điểm ông Santos giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng (2006 - 2009). Hồi tháng 2/2016, AP dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Colombia Luis Carlos Villegas thừa nhận sự tồn tại của "Hội nhẫn", nhưng cho rằng, các sĩ quan cấp cao "không biết gì".

Thay vì nằm trong Bộ Nội vụ, lực lượng cảnh sát Colombia nằm dưới sự quản lý của Bộ Quốc phòng do thường xuyên hợp tác với quân đội chống lại các nhóm vũ trang ly khai và các băng nhóm ma túy.

Minh Trường (tổng hợp)
.
.
.