Mưu đồ của Israel trong cuộc đụng độ ở biên giới Lebanon

Thứ Bảy, 07/09/2019, 10:16
Từ đầu tháng 9 đến nay, biên giới Israel-Lebanon liên tục "nóng" với các màn đáp trả quân sự lẫn nhau giữa quân đội Israel và nhóm vũ trang Hồi giáo Hezbollah. Theo nhiều nhà phân tích, dường như mặt trận Syria là chưa đủ đối với Tel Aviv trong cái gọi là "cuộc chiến chống Iran". Tấn công Lebanon, đối đầu với Hezbollah chỉ là một nước cờ nhỏ trong trận chiến lớn ở Trung Đông mà thôi.


"Cú lừa" của Tel Aviv

Trong diễn biến mới nhất, Israel ngày 4-9 đã cáo buộc Hezbollah xây dựng một nhà máy sản xuất tên lửa ở thung lũng Bekaa của Lebanon. Minh chứng cho thông tin của mình, Tel Aviv đã công bố hình ảnh vệ tinh thu được cho thấy Hezbollah với sự trợ giúp của Iran, đã mang thiết bị chuyên dụng đến một nhà máy vũ khí gần làng al-Nabi Shaith, ở thung lũng Bekaa, với ý định thành lập một dây chuyền sản xuất cho tên lửa dẫn đường chính xác.

"Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đang tiết lộ một cơ sở thuộc Hezbollah ... được thiết kế để chuyển đổi và chế tạo tên lửa dẫn đường chính xác. Với loại vũ khí này, Hezbollah có thể sử dụng, khai thác và đánh sập cơ sở hạ tầng quan trọng của Israel", tuyên bố cho biết.

Hãng AP dẫn lời một quan chức khác trong IDF cho hay, cơ sở gần làng al-Nabi Shaith đã được thành lập vài năm trước bởi phong trào Shia của Lebanon và đồng minh Tehran. Gần đây, nhiều hoạt động khác nhau để tạo thuận lợi cho việc sản xuất và chuyển đổi tên lửa dẫn đường chính xác tại cơ sở đã được xác định.

Những hoạt động này bao gồm "thiết lập một dây chuyền lắp ráp chuyên dụng cho vũ khí chính xác và chuyển giao các thiết bị nhạy cảm và chuyên dụng. Cơ sở này đã tổ chức các máy móc được thiết kế để chế tạo động cơ và đầu đạn của tên lửa…

Thông báo này của Israel được đưa ra chỉ vài ngày sau khi nhóm Hezbollah cho biết các máy bay chiến đấu của họ đã bắn tên lửa chống tăng của Israel, phá hủy một phương tiện quân sự và giết chết hoặc làm bị thương những người bên trong. Quân đội Israel đã đáp trả khoảng 100 quả đạn pháo.

Một chiến binh Hezbollah đang vác tên lửa của Iran ở khu vực biên giới Lebanon-Israel. ảnh: AP

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nói trong một cuộc họp nội các rằng ông quyết tâm bảo đảm an ninh của Israel. "Israel phải "ngăn Iran cung cấp cho kẻ thù và các ủy ban của chúng ta, như Hezbollah và những người khác, bằng vũ khí chính xác gây nguy hiểm cho chúng ta", ông Benjamin Netanyahu nói.

Bình luận về những sự kiện gần đây dọc biên giới Israel-Lebanon, hãng Haaretz nhận định, Israel gần như bị kéo vào cuộc chiến với Hezbollah do thất bại trong hoạt động. "Israel ăn mừng thành công trong việc lừa Hezbollah, nhưng đã có xe cứu thương của quân đội bị tấn công trực tiếp bởi một tên lửa của Hezbollah. Phải thừa nhận rằng điểm mấu chốt của vòng đấu gần nhất ở miền Bắc là tích cực.

Israel đã hành động để ngăn chặn một loạt các mối đe dọa từ Iran và Hezbollah. Chính phủ đã hành xử có trách nhiệm, IDF đã chuẩn bị đúng cách để trả đũa Lebanon, và vụ việc kết thúc mà không có thương vong nào của Israel. Quân đội cũng nên điều tra về sự rủi ro và làm thế nào IDF có thể kéo Israel vào một cuộc xung đột", bài báo trên Haaretz có đoạn viết.

Mục tiêu Iran

Theo ghi nhận của báo chí phương Tây, nguy cơ bùng nổ xung đột vũ trang trực tiếp giữa Israel và Hezbollah ngày càng rõ ràng sau khi nhóm này phóng tên lửa chống tăng từ miền Nam Lebanon vào căn cứ quân sự Avivim của Israel tại khu vực Thượng Galilee, gần biên giới giữa hai nước.

Quân đội Israel sau đó đáp trả bằng đợt pháo kích vào cứ điểm của Hezbollah ở Lebanon. Những màn trả đũa lẫn nhau khiến Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố đặt quân đội nước này trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu để đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra. Trong khi đó, thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah cảnh báo Israel đã chạm vào "lằn ranh đỏ".

Người phát ngôn của Hezbollah nói rằng, tên lửa Hezbollah đã gây ra thiệt hại trên căn cứ quân sự của Israel, bắn trúng xe  cứu thương quân sự và trở thành "mối đe doạ chiến lược" đối với IDF…

Phóng viên Zeina Khodr của hãng Al Jazeera, báo cáo từ thủ đô Beirut của Lebanon: "Đây là lần đầu tiên Hezbollah tuyên bố một cuộc tấn công vào Israel kể từ cuộc chiến năm 2006 giữa Hezbollah-Israel và xung đột bùng phát này là hệ quả từ chuỗi tranh cãi dai dẳng".

Trên thực tế, quan hệ Israel-Lebanon chưa bao giờ tồn tại dưới hình thức trao đổi kinh tế và ngoại giao bình thường mặc dù hai nước này là láng giếng. Nhưng Lebanon lại là quốc gia Arab đầu tiên mong muốn có hiệp định đình chiến với Israel vào năm 1949. Lebanon cũng không tham gia chiến tranh 6 ngày năm 1967 và cuộc chiến Yom Kippur năm 1973 với Israel.

Cho đến đầu những năm 1970, đường biên giới giữa Israel -Lebanon là đường biên giới yên tĩnh nhất giữa Israel với bất kỳ quốc gia Arab nào. Về mặt lịch sử, Israel-Lebanon đều là những nước kế tục đế quốc Ottoman và là thành viên đầy đủ của Liên minh Địa Trung Hải nhưng về mặt pháp luật, hai quốc gia lại coi nhau là "thù địch". Công dân Israel hoặc bất kỳ người nào khác có hộ chiếu, thị thực, con dấu do Israel cấp đều bị nghiêm cấm nhập cảnh vào Lebanon và có thể bị bắt giam nếu vi phạm.

Một điểm đáng chú ý nữa là, xung đột biên giới Lebanon-Israel luôn liên quan đến một loạt các cuộc đụng độ quân sự giữa Israel, Lebanon và Syria, tổ chức Hezbollah, cũng như các tổ chức dân quân phi quốc gia khác hoạt động bên trong Lebanon. Năm 1978, Israel đã tiến hành xâm lược Lebanon, đẩy lùi hoạt động của một số tổ chức vũ trang về phía Bắc sông Litani.

Năm 1982 Israel xâm chiếm Lebanon một lần nữa và chỉ rút hết quân vào năm 1985, nhưng vẫn kiểm soát vùng đệm an ninh 12 dặm, được tổ chức với sự trợ giúp của các chiến binh ủy nhiệm trong Quân đội Nam Lebanon (SLA). Năm 1985, Hezbollah, một phong trào cực đoan Hồi giáo dòng Shiite kêu gọi đấu tranh vũ trang để chấm dứt sự chiếm đóng của Israel đối với lãnh thổ Lebanon.

Khi cuộc nội chiến ở Lebanon kết thúc và các phe phái chiến tranh khác đồng ý giải giáp vũ khí, Hezbollah và SLA đã từ chối tham gia. Chiến đấu với Hezbollah đã làm suy yếu quyết tâm của Israel và dẫn đến sự sụp đổ của SLA và một cuộc rút quân của Israel năm 2000 về phía biên giới do Liên Hợp Quốc (LHQ) chỉ định.

6 năm sau đó, Hezbollah vẫn tiếp tục các cuộc tấn công xuyên biên giới không liên tục; tìm cách thả công dân Lebanon bị giam giữ trong các nhà tù của Israel và sử dụng thành công chiến thuật bắt lính Israel làm đòn bẩy cho một cuộc trao đổi tù nhân năm 2004. Nhưng việc bắt giữ hai binh sĩ Israel của Hezbollah đã kích hoạt Chiến tranh Lebanon năm 2006.

Lệnh ngừng bắn sau đó kêu gọi giải giáp Hezbollah và Israel tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Lebanon. Kể từ năm 2015 đến nay, tình hình nói chung vẫn không mấy yên ắng vì cả hai bên đã nhiều lần vi phạm các thỏa thuận ngừng bắn…

Các nhà phân tích nhận định, bên cạnh hận thù từ nhiều thập kỷ qua, sự ủng hộ của Iran đối với Hezbollah và đặc biệt là chiến lược mở rộng quan hệ với Lebanon của Tehran khiến Israel lo ngại.

Từ tháng 3, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đưa ra lời kêu gọi mang tính khiêu khích và theo chủ nghĩa cực đoan tới Beirrut về việc lựa chọn bên quan hệ. Israel từ đó cũng bắt đầu xây dựng một kế hoạch đối phó riêng của mình trong khu vực.

Đối với Hezbollah, phong trào này là một tổ chức chính trị - vũ trang của người Lebanon theo dòng Hồi giáo Shia. Sau hơn 3 thập kỷ phát triển, phong trào này đã không ngừng lớn mạnh, củng cố được địa vị quân sự và chính trị vững chắc tại quốc gia Trung Đông.

Hiện Hezbollah là lực lượng vũ trang mạnh nhất Lebanon và cũng là lực lượng vũ trang phi chính phủ chính quy nhất và có sức mạnh nhất tại khu vực. Ở bên ngoài lãnh thổ Lebanon, các hoạt động của phong trào này ít bị hạn chế hơn, gia tăng được sự ủng hộ đối với Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria và hỗ trợ các nhóm khác được Iran hậu thuẫn trong khu vực.

Và chính dự án chế tạo tên lửa ngay tại Lebanon với sự hỗ trợ của chuyên gia Iran mà phong trào vũ trang Hezbollah theo đuổi đã khiến Tel Aviv cảm thấy bất an hơn bao giờ hết. Bởi lẽ, độ chính xác cao của các tên lửa có thể vượt qua hệ thống phòng thủ tối tân của Israel và trở thành thách thức thực sự.

Quân đội Israel được triển khai ở gần biên giới với Lebanon. ảnh: CNN

Từ đây, không chỉ "bó hẹp" ở Syria, Israel quyết tâm mở rộng cuộc chiến chống lại các lực lượng thân với Iran trong khu vực sang cả Lebanon và Iraq. Điều này được cảnh báo là có thể châm ngòi cho những bất ổn mới tại khu vực vốn đã quá nhiều căng thẳng.

Hiện, Thủ tướng Lebanon Saad Hariri đang liên tục gọi cho Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và nhà ngoại giao hàng đầu của Pháp để thảo luận về các sự kiện và ngăn chặn tình hình leo thang thành một cuộc chiến toàn diện. Ông Saad Hariri cũng yêu cầu Mỹ, Pháp và cộng đồng quốc tế can thiệp vào các vấn đề giữa hai nước ở biên giới phía Nam.

Người đứng đầu lực lượng gìn giữ hoà bình của LHQ (UNIFIL) ở Lebanon, Thiếu tướng Stefano Del Col cũng đã hối thúc các bên kiềm chế tối đa và khẳng định "UNIFIL đang theo dõi vụ nổ sung qua Ranh giới Xanh giữa Lebanon và Israel". Còn người phát ngôn của UNIFIL Andrea Tenenti nhấn mạnh: "Các bên cần phải kiềm chế hành động vì hoà bình và an ninh trong khu vực".

Khánh Chi (tổng hợp)
.
.
.