Ðại gia kiểm toán dính trọng án

Thứ Năm, 01/09/2016, 12:12
Một trong “Big Four” (4 ông lớn) của ngành kiểm toán thế giới là PricewaterhouseCoopers (PwC) đang đối mặt với một loạt trọng án kinh tế, có thể đe dọa hoạt động kinh doanh của công ty. Vụ án không chỉ có số tiền đòi bồi thường cực lớn, mà còn hé lộ nhiều mảng tối trong hoạt động của các công ty từ lâu được xem là hình mẫu của ngành kiểm toán toàn cầu.

Tại Việt Nam, PwC cũng có rất nhiều “fan hâm mộ”. Các công ty niêm yết ở Việt Nam đều mong ước có thể mời PwC hoặc 1 trong Big Four kiểm toán cho báo cáo tài chính của mình, như một cách hiệu quả để tăng cường “số má” trong mắt các nhà đầu tư. Thế nhưng, hiện ông lớn này đang phải đối mặt với không phải 1 hay 2, mà tới 3 trọng án ở Mỹ với cáo buộc kiểm toán cẩu thả. 

Một phán quyết bất lợi trong vụ án đang diễn ra tại tòa án tiểu bang Florida có thể gây ra một “vết thương tiền tệ” đáng kể. Nếu kết hợp với một bản án không thuận lợi trong một vụ án ở bang Alabama vào tháng 2-2017 và một vụ án thứ 3 ở tòa án liên bang Manhattan trong năm tới, có thể dẫn đến “cái chết bất ngờ” cho PwC.

Theo luật sư Tom Rohback của Axinn Veltrop & Harkrider, vụ án đang xét xử ở Florida khá đặc biệt, vì là một trong rất ít vụ án truy cứu trách nhiệm của các hãng kiểm toán trong việc góp phần gây ra đại khủng hoảng tài chính năm 2007-2008. 

"Ngoài việc tìm kiếm tới 5,5 tỷ USD bồi thường, vụ án còn khác thường vì nguyên đơn là những người được ủy thác của chính tổ chức gian lận và đang tiến hành kiện cả công ty kiểm toán cho họ lẫn công ty kiểm toán bị họ lừa đảo", ông Rohback nói. 

"Vụ án có khả năng ảnh hưởng đến nhận thức của công chúng về kiểm toán viên, cũng như các chiến lược được các luật sư nguyên đơn sử dụng để tố cáo họ, chưa cần biết tới phán quyết cuối cùng."

Kẻ cắp kiện bà già

Nguyên đơn là bên nhận ủy thác phá sản của Taylor Bean & Whitaker Mortgage Corp, từng là 1 trong 12 nhà cho vay thế chấp lớn nhất nước Mỹ. Đơn kiện gửi từ năm 2012, đòi PwC bồi thường 5,5 tỷ USD thiệt hại sau khi bị phá sản vào tháng 8-2009. 

Điều đáng nói, trong vụ án này chính Taylor Bean đã có hành vi gian lận khi lập các tài sản thế chấp giả trị giá tới 3 tỷ USD và bán cho Colonial Bank. Đã có 6 nhà điều hành của Taylor Bean đi tù liên quan đến khoản gian lận này, trong đó cựu chủ tịch Lee Farkas bị kết án 30 năm tù giam.

PwC bị Taylor Bean kiện do đã kiểm toán báo cáo tài chính của Colonial Bank nhưng không phát hiện ra các tài sản giả của Taylor Bean. Sai sót này, theo Taylor Bean, đã khiến họ thiệt hại hàng tỷ USD. 

Trước đó, công ty cung cấp dịch vụ kiểm toán cho Taylor Bean là Deloitte đã phải chi một khoản tiền (không được tiết lộ) để hòa giải với Taylor Bean vì không phát hiện hành vi gian lận 3 tỷ USD của ngân hàng này. Nói cách khác, Taylor Bean đã được lợi 3 tỷ USD nhờ gian lận, sau đó lại tiếp tục muốn kiếm thêm tiền từ các bên vì không phát hiện ra gian lận của họ.

Beth Tanis, luật sư đại diện cho PwC trong vụ kiện này, cho rằng đơn kiện là phi lý, vì PwC hoàn toàn không kiểm toán hay thực hiện bất kỳ dịch vụ nào khác cho Taylor Bean. 

Liên quan đến sơ xuất không phát hiện sai sót khi kiểm toán cho Colonial Bank, bà Tanis biện hộ: “Các tiêu chuẩn kiểm toán chuyên nghiệp đã nêu rõ ngay cả một kiểm toán viên nghiêm túc và bài bản cũng có thể không phát hiện gian lận, đặc biệt khi có sự thông đồng hay làm giả tài liệu như trường hợp Colonial Bank. Chúng tôi tin tưởng bồi thẩm đoàn hiểu các quy tắc và tiêu chuẩn trong trường hợp này để có phán quyết đúng đắn”.

Trong phiên tòa khai mạc ngày 9-8, luật sư Tanis cho rằng kết quả kiểm toán của PwC với Colonial Bank trong thực tế không ảnh hưởng đến hoạt độnguaủa của Taylor Bean. 

"Không có tài liệu nào cho thấy các giám đốc hay bất cứ ai khác ở Taylor Bean nhận được các báo cáo kiểm toán của PwC, hay thực sự đọc các báo cáo kiểm toán của PwC và dựa vào chúng để đưa ra các quyết định kinh doanh", bà Tanis nói.

Tuy nhiên, luật sư Steve Thomas của ủy ban phá sản Taylor Bean phản bác rằng sai sót của PwC thực sự có vấn đề, vì nhiều người tin rằng nhà kiểm toán này đã làm tròn trách nhiệm của mình. "PwC đã cung cấp tín nhiệm cho báo cáo tài chính của Colonial. Sai sót của PwC là nghiêm trọng vì Taylor Bean cũng như nhiều nơi khác đều dựa vào đánh giá của PwC để thực thi công việc của mình", ông Thomas nói.

Đồng tiền đi trước, đồng tiền khôn

Tại Mỹ, 4 hãng kiểm toán Big Four hầu như luôn giải quyết các vụ kiện tụng bằng các thỏa thỏa thuận hòa giải, vì sợ một vụ án một khi bị xét xử sẽ làm mất hình ảnh của công ty. 

Ngoài ra, các vụ án cũng phơi bày sự thật là các kiểm toán viên thường không phát hiện ra gian lận. Hòa giải thành công sẽ giúp các công ty che tai bịt mắt được công chúng, một điều không thể làm được nếu vụ án bị đưa ra xét xử. Để bảo đảm điều này, hầu hết các thỏa thuận thường đi kèm điều khoản yêu cầu tòa án giữ bí mật mãi mãi.

PwC và các công ty kế toán Big Four khác đều có các khách hàng lớn bị phá sản, bị mua lại hoặc quốc hữu hóa trong cuộc khủng hoảng 2007-2008, nhưng chưa có vụ nào bị đưa ra xét xử. 

Ernst & Young LLP đã trả 99 triệu USD cho các nhà đầu tư và 10 triệu USD cho văn phòng Tổng Chưởng lý New York vì sai sót trong việc kiểm toán cho Lehman Brothers Holdings Inc. 

KPMG cũng đạt thỏa thuận hòa giải với số tiền không được tiết lộ vào năm 2010 vì vai trò kiểm toán cho New Century, một nhà cho vay thế chấp lớn, và trả 24 triệu USD cho sai sót trong việc kiểm toán Countrywide Bank, định chế bị bán lại cho Bank of America. Deloitte cũng giải quyết bê bối trong việc kiểm toán cho Bear Stearns bằng 19,9 triệu USD. 

Bear Stearns đã bị J.P. Morgan mua lại với giá rẻ mạt trong cuộc khủng hoảng. Deloitte cũng là kiểm toán viên của Washington Mutual và đã phải chi 18,5 triệu USD để hòa giải với các nhà đầu tư vì hành vi kiểm toán cẩu thả của mình.

Vụ án thứ 2 đe dọa PwC đến từ bên nhận ủy thác phá sản của Colonial Bank, một ngân hàng với quy mô tài sản 25 tỷ USD có trụ sở ở Montgomery, Alabama, bị phá sản vào năm 2009. Ngân hàng này chính là nạn nhân vụ gian lận 3 tỷ USD của Taylor Bean. 

Bên nhận ủy thác phá sản của Colonial Bank và Công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) đã khởi kiện PwC vào năm 2012 với cáo buộc kiểm toán cẩu thả khiến ngân hàng bị thiệt hại 1 tỷ USD. 

Vụ án sẽ được đem ra xét xử vào tháng 2 năm tới. Đây là vụ kiện đầu tiên của FDIC chống lại một đơn vị kiểm toán liên quan đến một gian lận/thiếu sót trong thời kỳ khủng hoảng tài chính. Crowe Horwath LLP, công ty kiểm toán nội bộ được Colonial thuê, cũng có tên trong đơn kiện.

Những món tiền hòa giải chẳng thấm vào đâu so với con số 6,5 tỷ USD do ủy ban ủy thác phá sản của Taylor Bean và Colonial Bank muốn PwC phải bồi thường. 

Ngày 5-8, Thẩm phán Victor Marrero ở Manhattan từ chối yêu cầu của PwC về việc hủy bỏ vụ kiện của MF Global, cáo buộc hãng kiểm toán này làm ăn tắc trách góp phần khiến nhà môi giới này bị phá sản vào tháng 10-2011. 

Đơn kiện này yêu cầu PwC phải bồi thường 1 tỷ USD thiệt hại, nâng tổng số khiếu nại tiềm năng PwC phải đối mặt trong một thời gian rất ngắn lên đến 7,5 tỷ USD.

Đe dọa Big Four?

Jim Peterson, trước đây là luật sư của Arthur Andersen, đã xuất bản cuốn sách "Đếm ngược: Quá khứ, hiện tại và tương lai không chắc chắn của các hãng kiểm toán Big Four". Trong cuốn sach, Peterson đặt vấn đề: “Các vụ kiện tụng sẽ ảnh hưởng thế nào đến sự tồn tại của Big Four?". Phân tích của Peterson kết luận rằng khi thất bại trong một vụ kiện, các Big Four sẽ chứng kiến sự sụp đổ niềm tin của khách hàng và đối tác. 

“Một lượng lớn các đối tác sẽ rút lui và khiến công ty rơi vào vòng xoáy chết chóc nếu họ phải đối mặt với việc giảm thu nhập phân phối từ 15-20%, kéo dài hơn 3 hoặc 4 năm” - Peterson cho biết. 

Theo tính toán của Peterson, nếu việc giảm thu nhập phân phối toàn cầu chạm mức 900 triệu USD, có thể kích hoạt một sự sụp đổ của các Big Four. Peterson nói trên tờ MarketWatch rằng các doanh nghiệp thành viên không ở Mỹ của PwC sẽ phải chi trả cho một hoặc một loạt bản án ở Mỹ. Sự mất mát của 1 công ty Big Four sẽ khiến toàn bộ hệ thống rơi vào hỗn loạn. 

"Không có kế hoạch dự phòng cho 3 đại côn ty sống sót để ở lại trong một ngành kinh doanh nhiều rủi ro hơn”, ông nói.

Nhưng PwC không chỉ bị kiện tại Mỹ. Một vụ án lớn đã nêu tên công ty thành viên ở Brazil của PwC với cáo buộc kiểm toán cẩu thả, không phát hiện một khoản hối lộ và tham nhũng hàng tỷ USD tại công ty dầu khí Petrobras. Những nguyên đơn, trong đó có quỹ Bill Gates Foundation, có thể nêu đích danh PwC Mỹ là bị đơn hoặc thậm chí đòi công ty ở Mỹ phải bồi thường hoặc khiến công ty ở Brazil, một mắt xích quan trọng trong mạng lưới dịch vụ đa quốc gia của PwC, bị hạ nốc ao.

Nhưng tại sao PwC không chọn cách thỏa thuận hòa giải như các Big Four trước nay vẫn làm? Luật sư Rohback cho biết: “Có thể họ muốn hòa giải, nhưng đơn giản là con số bồi thường để hòa giải quá lớn khiến họ nuốt không nổi”. 

Theo Rohback, PwC có vài lựa chọn vào thời điểm này: “Họ vẫn còn thời giờ để đạt hòa giải, họ cũng có thể giành chiến thắng. Nếu họ thua, họ có thể yêu cầu các thẩm phán hoãn thi hành bản án cho đến khi có đơn kháng cáo”. 

Một khả năng nữa: Luật Florida cấm bản án khiến một bị đơn bị phá sản. Ở nước cuối cùng, PwC có thể sẽ mang hết sổ sách đến cho bồi thẩm đoàn xem để chứng minh họ có thể phá sản nếu phải thực thi án phạt.

Nhóm Big Four gồm có PwC cùng với Deloitte, Ernst & Young và KPMG. PwC chuyên cung cấp dịch vụ bảo hiểm (chiếm 45%), tư vấn tài chính (chiếm 29%) và thuế (chiếm 26%). Tài sản ước tính vào năm 2014 của PwC là 34 tỷ USD. Công ty có hệ thống trải dài trên 157 quốc gia, trong đó có Việt Nam, với hơn 195.400 nhân viên.
Vĩnh Ðông
.
.
.