Vượt ngục thoát khỏi Alcatraz
- Tù nhân Brazil vượt ngục vẫn thong thả "selfie"
- Những vụ vượt ngục ngoạn mục nhất
- 7 ngày trong tay bọn vượt ngục
- Vượt ngục đêm cuối năm
Có khá nhiều vụ vượt ngục khỏi Alcatraz, một trong những nhà tù đáng sợ nhất nước Mỹ. Nó được gọi bằng biệt danh “The Rock”: một pháo đài xây trên hòn đảo đá ở Vịnh San Francisco. Nước biển lạnh cắt da là sự bảo đảm không ai có thể vượt ngục thành công, và không ai vượt được… cho đến ngày 11-6-1962.
Đêm ấy, 3 gã tù nhân rời khỏi xà lim và biến mất vào màn tối, trên một chiếc bè tự tạo. Không còn ai trông thấy Frank Morris, John Anglin cùng người em ruột Clarence. Sau này, chính quyền phát hiện những mảnh bè vỡ tan dưới biển. Ba tên tù vượt ngục có bơi được vào bờ và tìm được tự do? Cho đến nay, câu hỏi ấy vẫn còn là một bí ẩn.
Philip Bergen - Trưởng đội quản ngục từ năm 1946 đến 1955 - khẳng định không người nào có thể sống sót, bởi chỉ 30 phút sau tất cả sẽ chết cóng dưới biển lạnh, bị hạ thân nhiệt và chìm. Nhưng Patrick Mahoney, người điều hành chiếc phà nối Alcatraz với đất liền, nói nếu họ chết đuối thì xác phải nổi lên, đằng này lại chẳng tìm ra được xác nào.
“Bố già Alcatraz”
Trong nhiều năm sau đó, không ai gặp lại Morris và anh em Anglin, nên có lẽ họ vẫn sống sót sau khi thoát khỏi Alcatraz. Giáo sư Don DeNevi thuộc Trường đại học Merritt ở Oakland là đồng tác giả của một phác thảo về cuộc đào thoát ấy với cựu tù nhân Clarence Carnes, người đến “The Rock” khi mới 18 tuổi và thụ án gần 20 năm tù ở đó.
Carnes là bạn thân của nhóm vượt ngục, được giới thiệu là tù nhân quan trọng nhất, được các bạn tù tôn trọng vì biết giữ bí mật: “Một cách nào đó, Carnes là “bố già ở Alcatraz”.
Carnes kể âm mưu vượt ngục bắt đầu với tên tù Allen West, kẻ được phân công sơn quét mái của dãy xà lim. Gã phát hiện nếu nỗ lực thì hắn có thể chui qua ổ quạt thông gió để lên mái nhà tù. Ổ quạt có thanh chắn gỗ bắt chéo, không thể cưa hoặc chui qua.
Bên trong nhà tù Alcatraz. |
Nhưng West tin nếu cắt toàn bộ ổ quạt khỏi bệ và xô nó đổ, hắn có thể dễ dàng leo lên mái. West nhờ anh em Anglin (tội cướp ngân hàng và từng vượt khỏi nhiều nhà tù khác) giúp. Giáo sư DeNevi viết: Chúng giỏi làm bè vì lớn lên ở vùng đầm lầy bang Florida, biết xem luồng nước và giỏi bơi. Chúng trộm 50 chiếc áo mưa để kết thành bè.
Cuộc vượt ngục của bộ ba trên được xếp vào dạng táo bạo, phức tạp nhất trong lịch sử trại giam. Kẻ chủ mưu là Morris, kẻ cướp ngân hàng. Carnes kể cho tên này biết một hành lang chạy dọc và dài với dãy nhà tù. Các ống nước và khí đốt trong hành lang tạo thành một cái thang lên đến ổ quạt.
Morris tin hắn cùng đồng bọn có thể đào xuyên tường xà lim đến hành lang bí mật ấy vào “giờ nghe nhạc”: một nếp sinh hoạt của Alcatraz lúc xẩm tối, nhạc bật to đến điếc tai những quản ngục đi kiểm tra. Anh em Anglin, West, Morris chọn thời điểm này để dùng muỗng và một thiết bị giống cái khoan (chế từ máy hút bụi) đục tường bêtông quanh lỗ thông khí trong xà lim của mỗi tên. Nhằm che lấp những tiếng động đào bới, những kẻ này cho người ngồi chơi kèn accordion, dùng giấy bìa cứng che các lỗ hổng, dùng xà bông nhét vào các lỗ đinh tán đã bị rút ra. West còn dành thời gian tạo “mặt tiền” ổ quạt để che giấu công trình của chúng.
Búp bê ngụy trang
Khi thời cơ đến, chúng sẽ chui qua lỗ để ra hành lang và lên thẳng nóc nhà tù. Trong khi đó, lính gác luôn đi đến từng xà lim kiểm tra tù nhân theo định kỳ. Mưu kế rất thông minh nên chúng luôn có mặt lúc điểm danh, theo lời kể của Don Eberle, chỉ huy FBI điều tra vụ vượt ngục này: chúng làm những cái đầu búp bê giả gắn tóc thật đặt dưới chăn, quản ngục kiểm tra cứ ngỡ rằng tù nhân đã ngủ.
Leon Thompson là một trong những tù nhân giúp nhóm vượt ngục, kể Morris nhờ anh ta pha màu giống da người để quét lên đầu búp bê vốn làm bằng xà bông, giấy vệ sinh, bột bêtông và sơn ăn cắp. Anglin làm việc ở tổ hớt tóc và lấy được tóc để quết lên đầu búp bê.
Morris cùng anh em Anglin đào tường suốt 8 tháng, lần đến ổ quạt và tìm phương tiện cần thiết cho vụ vượt ngục. Carnes nói rằng: “Suốt 18 năm tôi đã gặp nhiều tên âm mưu vượt ngục, nhưng kế hoạch không kỹ lưỡng nên thất bại. Nhóm Morris thì không như thế”.
3 tù nhân vượt ngục: Clarence, John Anglin và Morris (từ trái qua phải) |
Mùa xuân 1962, các tù nhân lặng lẽ giúp nhóm Morris chuẩn bị vụ vượt ngục. Một trong những việc quan trọng nhất là tuồn áo mưa cho cả bọn làm áo phao và giấu trong đường hầm. Các áo mưa được ráp lại làm bè. Đến ngày vượt ngục, chúng rời xà lim lần cuối và gặp ngay trục trặc đầu tiên: West không chui qua được tường xà lim. Và 3 tên kia đành bỏ West lại.
Morris và anh em Anglin tới được hành lang, leo lên ống dẫn khí lên trần, tháo ống quạt và leo lên mái, rồi vượt qua ánh đèn pha rọi liên tục, chúng tiếp cận các hàng rào dây thép gai cao ngất. Lợi dụng một điểm mù trước tầm mắt của lính gác, chúng dùng ống thổi tự chế và làm phồng chiếc bè nổi làm từ 50 chiếc áo mưa. Sau đó, chúng leo ra khỏi nhà tù, chạy về hướng biển. Một trong những thử thách là chúng phải thổi phồng chiếc bè lớn. Morris nảy ra ý tưởng lớn: nhận được một chiếc đàn phong cầm để sử dụng vào “giờ âm nhạc”. Điều tra viên FBI Eberle mô tả: chúng tháo các khóa để bơm hơi vào bè, đẩy xuống mặt nước và thoát ngục.
Cá xơi hay “đi câu”?
Trong nhà tù, đầu búp bê đã đánh lừa được các quản ngục. Khi phát hiện, cuộc truy lùng lớn nhất được mở trên toàn vùng vịnh và hòn đảo. Sau 24 giờ, nhóm truy nã trở về tay không, và chỉ tìm được các mảnh bè. Hai ngày sau vụ vượt ngục, nhóm truy đuổi còn tìm được một túi nhựa trong đó có cuốn sổ ghi địa chỉ, 80 ảnh gia đình, một tem phiếu của một trong 3 tên vượt ngục. Từ đó, Ederle tin rằng nhóm vượt ngục đã chết:
Cuối năm 2014, một nhóm nghiên cứu của Hà Lan cho biết 3 tên cướp ngân hàng Clarence, John và Morris có thể thoát khỏi làn nước lạnh, vào được đất liền trên chiếc bè tự tạo, nhưng với điều kiện chúng phải nhằm đúng hướng.
Cuộc điều tra của FBI kết luận: 3 tên xuống biển từ phía bắc đảo Alcatraz từ 20 giờ đến 2 giờ sáng. Nhưng nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Delft và Viện nghiên cứu Deltare (Hà Lan) đã sử dụng một chương trình điện toán để tái tạo dòng chảy của đêm vượt ngục táo bạo ấy, phát hiện 3 tên vượt ngục lên được đất liền, nếu chúng rời đảo từ 23 giờ đến nửa đêm, bằng cách dùng chèo (các thanh nhạc cụ) hướng về phía bắc thì trôi đến gần Cầu Vàng và lên được đất liền, tìm chỗ trú ẩn.
Kỹ sư thủy văn Fedor Baart nói: “Chúng tôi không biết chính xác khi nào chúng xuống bè, hoặc thời điểm xuất phát của chúng, nên chúng tôi quyết định tạo ra “50 chuyến bè” cứ mỗi 30 phút từ 20 giờ đến 4 giờ sáng, từ nhiều điểm có thể vượt ngục để xem họ có thể chèo đến đâu. Chúng tôi đưa cả kết quả chèo vào bè ảo, vì cho rằng họ sẽ chèo thật nhanh khi vào gần bờ”.
Phục dựng hiện trường một phòng giam đào tường, trên giường có búp bê đội tóc thật. |
Baart và các cộng sự nói rằng nếu 3 tên vượt ngục rời Alcatraz sớm hơn 23 giờ 30 phút, họ sẽ bị dòng chảy mạnh kéo ra biển. Mô hình điện toán cũng cho thấy bất kỳ mảnh vỡ nào sau khi tiếp đất đều trôi ra đảo Angel (bắc Alcatraz) là nơi FBI tìm thấy một thanh chèo và vài vật dụng cá nhân được cho là của 3 tên vượt ngục.
Một tháng sau vụ vượt ngục, một tàu chở hàng Na Uy phát hiện một thi thể mặc áo tù nổi gần cầu Cổng Vàng. Dù không vớt được xác nhưng theo mô tả thì đó là Morris.
Tuy nhiên, cũng có bằng chứng cho thấy ít nhất một tên sống sót: Một ngày sau vụ vượt ngục, một gã đàn ông tự xưng là John Anglin, gọi đến một công ty luật và nói muốn liên lạc với văn phòng cảnh sát, sau đó cúp máy. Vài tuần sau, Carnes kể có nhận được một bưu thiếp của bọn vượt ngục, dùng mật mã để xác định vụ vượt ngục thành công: “Đi câu”.
Carnes tin nhóm Morris sau sự dàn xếp của một tù nhân đã được bên ngoài giúp đỡ, cụ thể là “vua thế giới ngầm” Ellsworth “Bumpy” Johnson ở Harlem đã thuê một chiếc thuyền để đón 3 tên. Nhưng cựu quản ngục Bergen ở Alcatraz nói Carnes chỉ “dựng chuyện”.
Cuộc điều tra vẫn tiếp tục
West liên tục bị lấy lời khai về Bumpy Johnson và những đầu mối khác giúp nhóm vượt ngục, nhưng West chối tất tật. Nhưng các lời khai của những tù nhân vẫn không làm những điều tra viên FBI như Bergen tin: ông tin 3 tên vượt ngục đã chết cóng ngay vài phút sau xuống biển.
Dù vậy, chúng vẫn bị xếp vào danh sách “mất tích” chứ không nằm trong danh sách tù nhân chết.
Từ đó đến nay, hàng ngàn đầu mối được điều tra nhưng không có kết quả. Trát truy nã 3 tên vượt ngục vẫn còn hiệu lực, khi cảnh sát cương quyết không từ bỏ vụ án, vì thậm chí năm 2012 còn có lời đồn, rằng chúng đã quay lại nơi giam cầm dưới lốt du khách để kỷ niệm 50 năm ngày vượt ngục khỏi “The Rock”.
Địa thế hiểm trở của nhà tù Alcatraz, bao quanh là làn nước biển lạnh cắt da. |
Chẳng rõ nguồn gốc của tin đồn này, nhưng Cảnh sát Mỹ cũng đã cử người đến Alcatraz đúng ngày 11-6-2012, với hy vọng có thể chộp được những kẻ gây bẽ mặt giới Cảnh sát Mỹ và FBI từ những năm 60 thế kỷ trước. Họ chẳng được như ý, ngoài việc chứng kiến người thân của 3 kẻ vượt ngục lần đầu đến thăm hiện trường vụ vượt ngục táo bạo nhất nước Mỹ: 2 người chị và 2 cháu trai của anh em Anglin. Nếu còn sống, Morris đã 87 tuổi, John Anglin 84 và Clarence Anglin 83.
Năm 2010, cảnh sát đã cho đào một ngôi mộ vô danh được cho là của một trong 3 tên vượt ngục. Cảnh sát điều tra Michael Dyke, theo vụ án từ năm 2003, nói: “Tôi nghĩ rằng có thể họ đã sống sót”.
Cuộc tìm kiếm vẫn được tiếp tục, và giới hữu trách đã lần theo hàng ngàn đầu mối xuất hiện hầu hết ở 50 tiểu bang Mỹ.
+ Alfred Ray Anglin là đồng bị cáo và em trai của anh em Anglin, cũng bị đưa đến Alcatraz sau khi chúng cướp ngân hàng bị bắt. Alfred chết năm 1964 vì bị điện giật, trong lúc chạy trốn khỏi một nhà tù ở bang Alabama. + Theo một số liệu, trong 29 năm Alcatraz hoạt động (từ 1933 đến 1963), đã có 36 tù nhân dính líu 14 âm mưu vượt ngục không thành gồm 2 tên toan vượt ngục 2 lần. 23 tên bị bắt lại, 6 tên bị bắn chết khi vượt ngục, 5 tên (gồm 3 tên vượt ngục) được cho là mất tích. Hai trong số tên bị bắt lại sau này bị xử tử hình trong phòng hơi ngạt của nhà tù San Quentin, do dính líu vụ giết một quản ngục trong vụ vượt ngục nổi tiếng “Cuộc chiến ở Alcatraz” từ ngày 2 đến 4-5-1946. + Alcatraz cách San Francisco 2,4 km, từng giam nhốt nhiều tù nhân nổi tiếng như Al Capone. Ban đầu đây vốn là một căn cứ quân sự, từ năm 1861 chuyển thành nhà tù quân sự trong cuộc nội chiến Mỹ. Ðến năm 1933, nó trở thành một nhà tù liên bang. Ðến năm 1963 thì bị đóng cửa với lý do chi phí tốn kém và cần sửa chữa nặng. + Từ năm 1972, nó trở thành một khu giải trí và năm 1986, được chọn là Ðiểm di sản lịch sử quốc gia Mỹ. Hiện các cơ sở trên đảo do Công ty Dịch vụ Công viên quốc gia điều hành, mở cửa cho khách du lịch tham quan. + Alcatraz xuất hiện trong nhiều phim, chương trình TV, phim hoạt họa, sách, trò chơi điện tử. Phim nổi tiếng nhất là “The Rock” quay năm 1996, với nam tài tử lão thành Sean Connery vào vai tù nhân duy nhất thoát khỏi Alcatraz rồi bị bắt, đưa trở lại để giúp đặc vụ FBI (Nicolas Cage đóng) chống âm mưu khủng bố của nhóm sĩ quan nổi loạn. + Phim “Thoát khỏi Alcatraz” do nam diễn viên nổi tiếng Clint Eastwood thủ vai Morris vào năm 1979, hoặc loạt phim truyền hình ăn khách “Prison Break”. |