Vòi bạch tuộc mafia Italia bám rễ châu Âu

Thứ Tư, 17/04/2019, 21:18
Theo điều tra của Cơ quan chống tội phạm liên bang Đức (BKA), mafia Italia kiểm soát ít nhất 300 cửa hiệu bánh pizza ở Đức và sử dụng loại hình kinh doanh này để thâm nhập khu vực kinh tế hợp pháp.

Ngoài việc thuận lợi trong các chiến dịch rửa tiền, các nhà hàng pizza cũng giúp mafia tạo các mối quan hệ khắng khít với giới chức lập pháp Đức. 

Dieter Schneider, giám đốc Cơ quan điều tra tội phạm bang North Rhine-Westphalia (LKA), nhận định: "Nước Đức là nơi bọn tội phạm chọn để lẩn trốn chính quyền nước ngoài và cũng là nơi để phạm pháp. Mối quan hệ sâu đậm với giới chính khách đã giúp mafia Italia dễ dàng thoát khỏi sự trừng trị của luật pháp". 

Những doanh nghiệp ở Đức câu kết với mafia Italia đều kinh doanh rất phát đạt. Các báo cáo của BKA tiết lộ các băng nhóm mafia kiếm được bộn tiền chỉ từ doanh nghiệp hoạt động bất hợp pháp. Trong khi đó, nhà nước tịch thu tài sản phạm pháp của bọn chúng chưa đến 8 triệu euro! 

Cửa hàng bánh pizza Domino's ở Đức.

Giới chức BKA nhận định thực tế này thể hiện hoạt động không hiệu quả của các cơ quan thực thi pháp luật đồng thời ngăn cản những nỗ lực nhằm phá vỡ các cơ cấu của mafia. Các chuyên gia cho rằng chính sự bất lực của chính quyền Đức đã dẫn đến việc mafia Italia luôn cảm thấy "dễ chịu" khi tìm đến làm ăn ở nước này! 

Số liệu thống kê của BKA cho thấy ít nhất 460 thành viên mafia đang sống hết sức thoải mái ở Đức, phần lớn trong số đó hiện diện tại bang Baden-Wurttemberg và kế đến là các bang North Rhine-Westphalia, Bavaria và Hesse. 

Trong khi Cosa Nostra từ đảo Sicily miền nam Italia dính líu sâu vào ngành xây dựng ở Đức, thì các thành viên băng đảng Camorrah lại thích khai thác thế mạnh trong kinh doanh sản phẩm giả các thương hiệu toàn cầu. 

Theo phân tích của BKA, các sản phẩm làm giả được "sản xuất" tại chuỗi các nhà máy bí mật ở thành phố Naples của Italia rồi sau đó được chuyển đến Đức để cất giữ trước khi tung ra thị trường. Sản phẩm làm giả của mafia rất đa dạng - từ túi xách, áo khoác da cho đến mặt hàng kim khí - và thường không được bảo hành. 

Còn giới chức Liên minh châu Âu (EU) kết luận rằng các tổ chức mafia Italia đã vươn vòi bạch tuộc đến mọi lĩnh vực kinh tế - khách sạn, hộp đêm, bất động sản, casino, xây dựng, bán lẻ xăng dầu, kinh doanh quần áo và kim hoàn, chế biến thực phẩm, y tế, năng lượng tái tạo v.v… 

Michele Riccardi, nhà nghiên cứu ở Transcrime ở Milan - viện nghiên cứu tội phạm thực hiện các báo cáo cho EU, nhận định: "Bọn tội phạm đặc biệt hoạt động mạnh ở một số lĩnh vực kinh tế. Đó là những khu vực dễ xâm nhập do có nhiều sự lỏng lẻo hơn trong các quy định".  

Các chuyên gia cho biết việc đánh giá lượng tiền mặt mà các tổ chức mafia Italia thu được từ các hoạt động phi pháp là cực kỳ khó khăn - có thể từ khoảng 10 tỷ euro cho đến 220 tỷ euro. Confesercenti - một trong những hiệp hội doanh nghiệp lớn nhất Italia - đánh giá thu nhập chỉ trong 1 năm của tội phạm có tổ chức ở mức chừng 130 tỷ euro - tức khoảng 7% GDP của Italia! 

Confesercenti cũng đánh giá các nhóm tội phạm có tổ chức sở hữu chừng 65 tỷ euro dự trữ tiền mặt! Một sự thật khủng khiếp khiến cho David Ellero - chuyên gia về mafia Italia của Cơ quan Cảnh sát châu Âu EUROPOL - phải thốt lên: "Bọn tội phạm có lượng tiền khổng lồ đến mức khó tin. Trong một số cuộc điều tra, lượng tiền mặt của mafia được tịch thu nhiều đến mức đếm không xuể mà phải đưa lên bàn cân!" 

'Ndrangheta - băng nhóm tội phạm ở khu vực Calabria - được tin là tổ chức mafia Italia giàu có nhất hiện đang kiểm soát nhiều thương vụ ma túy ở châu Âu. Theo các nhà phân tích, 'Ndrangheta hoạt động mạnh ở Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ. 

Hai tổ chức mafia Italia khác cũng hùng mạnh không kém là Camorra xuất phát từ khu vực Naples chủ yếu hoạt động ở miền nam Tây Ban Nha và Cosa Nostra, băng nhóm tội phạm ở Sicily được mô tả trong bộ phim "The Godfather", rất có thế lực ở khắp châu Âu.  

Trước thực tế đáng sợ như thế, EU đã cho thành lập một ủy ban đặc biệt chống mafia Italia trong khi Europol đã nhận thức được một "lỗ hỗng tình báo" về các hoạt động của mafia Italia ở châu Âu. Nghị viện châu Ân (EP) cũng đã thông qua một quy định mới tạo điều kiện dễ dàng cho chính quyền các nước thành viên tịch thu các khối tài sản bất minh - phản ứng được cho là nhằm đáp lại bằng chứng cho thấy các gia đình mafia Italia đã nuốt trọn nhiều bất động sản và công ty ở khắp châu Âu. 

Một số chuyên gia cho rằng một số luật chống khủng bố của châu Âu có thể được vận dụng để đối phó với các nhóm tội phạm có tổ chức. Nếu như trước đây người châu Âu cho rằng các gia đình mafia là vấn đề của Italia - cũng như nhiều người Italia coi mafia là vấn đề của miền nam nước này - thì hiện nay khối tài sản khổng lồ của bọn tội phạm của tổ chức nằm rải rác khắp lục địa đã buộc mọi người phải đánh giá vấn đề lại.

Diên San
.
.
.