Vì sao Mỹ khôi phục thi hành án tử hình?

Thứ Bảy, 27/06/2020, 15:33
Bộ Tư pháp Mỹ đang lên kế hoạch khôi phục thi hành án tử hình vào tháng 7 tới, sau hơn 17 năm đình chỉ việc thi hành án phạt này.


Đáp lại lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc áp dụng trừng phạt mạnh tay hơn đối với tội phạm bạo lực, Bộ trưởng Tư pháp William Barr chỉ đạo Cục Nhà tù liên bang Mỹ áp dụng hình thức tiêm thuốc độc đối với bốn phạm nhân đang bị giam giữ tại các nhà tù liên bang với tội danh giết người và hiếp dâm trẻ em.

Áp dụng trở lại án tử hình sau 17 năm

Dự kiến, án tử hình đối với 4 tử tù nói trên sẽ được thi hành vào tháng 7 và tháng 8 tới. Mỹ hiện có khoảng 60 tử tù trong các nhà tù liên bang. Tuy nhiên, sự tranh luận về phương pháp thi hành án tử hình và các loại thuốc độc được sử dụng từ thời cựu Tổng thống Barack Obama khiến không có tù nhân nào bị tử hình kể từ năm 2003.

"Bốn tên giết người đã bị kết án tử hình sau khi điều tra kỹ lưỡng. Bộ Tư pháp đề cao sự thượng tôn pháp luật và chúng tôi nợ các nạn nhân và gia đình họ trong việc thực hiện bản án được quy định trong hệ thống tư pháp", Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ William Barr thông báo.

Mỹ sẽ áp dụng trở lại bản án tử hình với các tội danh nghiêm trọng.

Đáng ra các bản án phải được thi hành vào mùa đông, nhưng các luật sư đã kháng cáo xin giảm hình. Chính quyền địa phương cũng do dự, lưỡng lự. Các thống đốc của tiểu bang Arkansas, Missouri, Iowa không đưa ra quyết định trong một thời gian dài. Ở nhiều tiểu bang, lệnh cấm về án tử hình có hiệu lực kể từ giữa những năm 1950 và chính quyền địa phương không có ý định bãi bỏ nó. Tuy nhiên, trường hợp này là một ngoại lệ: tội phạm đặc biệt nghiêm trọng đã được xác nhận. Bốn tử tù sẽ bị đưa đi thi hành án sắp tới gồm:

Daniel Lewis Lee bị kết án tử hình vì giết một gia đình ba người, trong đó có một bé gái tám tuổi và bỏ các xác chết xuống vịnh Illinois.

Wesley Ira Purkey hãm hiếp và giết một cô gái 16 tuổi, bỏ xác chết bị cắt ra nhiều khúc vào một cái ao. Tên này cũng đã dùng búa nhổ đinh sát hại một phụ nữ 80 tuổi.

Dustin Lee Honken đã bắn chết 5 người - một bà mẹ với hai cô con gái nhỏ và hai nhân chứng sắp làm chứng chống lại hắn.

Tử hình bằng tiêm thuốc độc.

Keith Dwayne Nelson đã hãm hiếp và giết chết một bé gái 10 tuổi: hắn đã bắt cóc cô bé khi nó đang trượt patin gần nhà.

Vì các tội ác này là đặc biệt nghiêm trọng, cuộc điều tra đã được thực hiện bởi các nhà chức trách ở cấp liên bang. Những kẻ giết người sẽ bị tử hình bằng cách tiêm pentobarbital, Pentobarbital, còn được gọi là pentobarbitone, là một barbiturat tác dụng ngắn. Ở liều cao, pentobarbital gây tử vong do ngừng thở.

Trong vòng pháp luật ở cấp tiểu bang

Điều 8 của Hiến pháp Mỹ quy định hình phạt tử hình chỉ dành cho tội giết người đặc biệt nghiêm trọng.

Vào năm 1972, Tòa án Tối cao đã bãi bỏ quy định này. Bốn năm sau, một số tiểu bang được phép sử dụng quy định này. Vào cuối những năm 1980, tất cả các tiểu bang đều được phép kết án tử hình, nhưng, kể từ năm 2003, không có vụ xử tử nào ở cấp liên bang.

Phòng tiêm thuốc của nhà tù San Quentin, bang California.

Tại 20 tiểu bang ở Mỹ có lệnh cấm không chính thức về án tử hình liên bang, các tử tù đang thụ án chung thân. Còn 30 tiểu bang khác không quá nhân đạo. Năm 2019, 22 tên tội phạm đã bị xử tử tại Alabama, Georgia, Tennessee và Nam Dakota. Texas luôn dẫn đầu. Dưới thời George W.Bush làm Thống đốc bang Texas, 140 tên tội phạm đã bị kết án tử hình. Thống đốc bang chỉ quyết định đặc xá đối với một người.

Tổng thống Donald Trump là người ủng hộ việc khôi phục thi hành án tử hình ở tất cả các bang. Nhưng, các thống đốc không tán thành đề xuất này. Năm 2019, Thống đốc bang California Gavin Newsom đã trở thành người lãnh đạo phong trào phản đối.

"Thống đốc bang California muốn ân xá tội chết cho toàn bộ 737 tử tù. Bạn bè và người thân của các nạn nhân, mà người ta có vẻ đã lãng quên về họ, không phấn khởi với điều đó. Tôi cũng vậy", ôngTrump tuyên bố.

Lập tức thống đốc Gavin Newsom đáp trả: "Trong 15 năm qua, California tạm ngừng thi hành án tử hình. Sắc lệnh hành pháp để chấm dứt xử tử sẽ không thay đổi bất cứ điều gì, mà chỉ hợp pháp hóa trạng thái của sự việc. Và Trump buộc phải chấp nhận điều đó".

Ghế điện dùng để thi hành án tử hình.

Các hình thức của hình phạt tử hình như treo cổ và xử bắn chưa trở thành quá khứ, nhưng phương thức tử hình bằng ghế điện hay tiêm thuốc độc được áp dùng nhiều hơn. Ở đây mọi thứ phụ thuộc vào chính quyền địa phương. Nếu có một vài phương thức, thì người bị kết án tử hình có quyền lựa chọn.

Trước đây, hình thức phổ biến nhất là ghế điện. Sự xuất hiện của ghế điện được cho rằng sẽ có thể thay thế cho hình thức treo cổ. Người ta cho rằng thi hành án bằng ghế điện, tử tù sẽ có cái chết dễ dàng hơn. Nhưng thực tế, tử tù đầu tiên bị thi hành án trên ghế điện (William Kemmler) lại có một cái chết vô cùng đáng sợ. Tính nhân đạo của việc tử hình bằng ghế điện vẫn bị tranh cãi rất nhiều. Nó thực sự rất đáng sợ.

Hiện nay, tiêm thuốc độc là hình thức được ưu tiên hàng đầu vì nó cho tử tù có một cái chết nhẹ nhàng và nhanh chóng. Chất độc được tiêm vào mạch máu giết chết con người trong vài phút. So với xử bắn hay phòng hơi ngạt, tiêm thuốc độc được cho là biện pháp tử hình nhân đạo nhất.

Khi thi hành án, tử tù bị buộc vào băng ca; hai ống thông tĩnh mạch được chọc vào hai cánh tay. Chỉ có một trong hai ống "làm nhiệm vụ" tử hình, ống còn lại có tính chất dự trữ để hỗ trợ khi ống chính thức xảy ra sự cố. Dĩ nhiên, người ta dùng dây cột chặt ống thông để chúng không bị sứt ra trong quá trình tiêm thuốc. Tay của tù nhân được bôi cồn bằng gạc trước khi ống thông được cắm vào tĩnh mạch.

Kim và các dụng cụ khác cũng được khử trùng. Sau đó, người ta truyền mấy giọt huyết thanh vào cả hai tay. Đây cũng là một thủ tục có tính tiêu chuẩn của ngành y nhằm xác định chắc chắn rằng hóa chất không lẫn trong tĩnh mạch và bít lỗ kim, ngăn cản đường chảy của thuốc. Người ta cũng gắn thiết bị đo tim để kiểm tra cái chết của tử tội. Tiếp đó là quá trình tiêm thuốc…

Nhưng, phương pháp này có thể gặp trục trặc khi vào mùa hè năm 2018, một sự cố ở Nevada cho thấy việc tiêm chất độc không đảm bảo cái chết nhanh chóng. Các nhân viên y tế tại nhà tù địa phương đã chuẩn bị thuốc độc. Tuy nhiên, công ty dược phẩm sản xuất đã phát hiện thiếu sót trong sản phẩm của mình và cấm dùng nó để tử hình. Chất độc này có thể gây co giật, nhưng tù nhân vẫn sống sót. Các nhân viên tại nhà tù đã được cảnh báo và vụ xử tử đã bị hoãn lại.

Năm năm trước, tại Oklahoma, tù nhân bị kết án tử hình đã bị tiêm ba loại thuốc độc gây tử vong ngay lập tức. Anh ta bất tỉnh, và các nhân viên bắt đầu chuẩn bị báo cáo về cái chết. Nhưng, tử tù đã… tỉnh dậy và nói lên vài lời. Song, anh ta vẫn chết vì cơn đau tim trên đường đến bệnh viện.

Đôi khi, những tử tù xin thi hành án tử sớm, nhưng, họ bị từ chối. Hai năm trước, câu chuyện về kẻ buôn ma túy Scott Dozier đã gây tiếng vang trong cả nước. Anh ta đã nhận án tử hình với cáo buộc giết chết 2 người. Tuy nhiên, anh ta đã không nhận tội. Trong tù, Dozier đã cố tự tử. Anh ta đã sử dụng quá liều thuốc chống trầm cảm và rơi vào trạng thái hôn mê, nhưng không chết.

Anh ta phải quay trở lại phòng giam. Tuy nhiên, vụ cố gắng tự tử đã gây ra hậu quả nặng nề khi kẻ phạm tội đã nằm liệt giường trong một thời gian dài. Và việc thi hành án tử hình phải tạm hoãn."Tôi phải thanh toán xong những món nợ của mình. Tôi không muốn chết, nhưng cái chết còn hơn tù chung thân", anh ta giải thích.

Dozer vẫn còn sống và đang trong tù. Việc thi hành án tử hình đã bị hoãn vô thời hạn. Tử tù tập thể dục, vẽ tranh, nghe nhạc. Và xin thi hành án tử sớm. Đối với anh ta, cái chết nhanh chóng là phương pháp thoát khỏi thực trạng khổ đau này.

Minh Trang (tổng hợp)
.
.
.