Ukraine và chiến dịch lấy lòng EU
5 thoả thuận được ký kết
Có thể nói, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU)-Ukraine tại Kiev đã tái khẳng định các mối quan hệ chính trị và kinh tế quan trọng cũng như dự kiến một sự thể hiện thống nhất giữa Kiev và khối này trong việc lên án, gây sức ép với Nga.
Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk đã gặp gỡ với Tổng thống mới đắc cử của Ukraine Volodymyr Zelensky cùng với sự góp mặt của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Junker và các đại diện khác của EU- Ukraine.
Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk, Tổng thống mới đắc cử của Ukraine Volodymyr Zelensky và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Junker tại Hội nghị thượng đỉnh ở Kiev. |
Thành công lớn nhất của Hội nghị, theo tờ EUObserver là hai bên đã ký kết 5 văn kiện hợp tác trong đó có một văn bản về hợp tác kỹ thuật như là một phần của việc thực thi Hiệp ước liên kết EU-Ukraine và một số thỏa thuận về phân cấp, hỗ trợ trong cuộc chiến chống tham nhũng.
Bên cạnh đó, EU-Ukraine còn ký một văn bản hỗ trợ cho vùng biển Azov. Đại sứ Ukraine tại Bỉ Mykola Tochytskyi cho biết, trước khi hội nghị diễn ra, một nhóm chuyên gia đã được thành lập tại EU và các thành viên của nhóm này đã đi từ Mariupol đến Zaporizhia để xem xét đề xuất một dự án trị giá 10 triệu Euro nhằm phát triển cơ sở hạ tầng, mở một văn phòng đặc biệt của EU ở Mariupol và thực hiện "đào tạo trong lĩnh vực phân cấp, các dự án kinh doanh".
Trên thực tế, quan hệ đối tác EU-Ukraine được xây dựng dựa trên sự phát triển các mối quan hệ chính trị và hội nhập kinh tế. Tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 21 này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Junker đã nhắc lại điều này, nêu rõ: "Sự hợp tác của EU với Ukraine là một trong những tình đoàn kết và tình hữu nghị. Những thành tựu này đang nở rộ. Chúng tôi đã đạt được nhiều tiến bộ cùng nhau trong 5 năm qua so với hai thập kỷ trước. Ukraine đã đưa ra các cam kết cải cách đầy tham vọng.
Đến lượt mình, EU đã cung cấp cho Ukraine sự hỗ trợ chưa từng có, từ hỗ trợ tài chính và chuyên gia, đến các biện pháp thương mại tự trị và gần 3 triệu chuyến thăm miễn thị thực tới EU cho công dân Ukraine... Điều này, cùng với sự thống nhất liên tục về các lệnh trừng phạt, cho thấy cam kết của EU đối với Ukraine".
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk lại nhấn mạnh với tân Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky: "Ukraine có thể tin tưởng vào EU" và tuyên bố khối này sẽ tăng cường hỗ trợ tài chính cho Kiev bằng thỏa thuận cho các dự án mới trị giá 119 triệu Euro trong đó gồm một chương trình trị giá 40 triệu Euro về phân cấp quyền lực, một chương trình trị giá 15 triệu Euro để chống tham nhũng, một chương trình trị giá 10 triệu Euro để hỗ trợ xã hội dân sự và một chương trình trị giá 44 triệu Euro để cải cách thực hiện Hiệp định Hiệp hội và Khu vực thương mại tự do sâu rộng và toàn diện.
Sự hỗ trợ cho các nỗ lực chống tham nhũng và cải cách phi tập trung là những đóng góp bổ sung cho các chương trình hàng đầu của EU đang diễn ra thành công U-LEAD với Châu Âu và Sáng kiến chống tham nhũng của EU (EUACI).
Còn gói 10 triệu euro để hỗ trợ đa dạng hóa kinh tế địa phương và các doanh nghiệp nhỏ, xã hội dân sự địa phương và sự tham gia của công dân vào việc ra quyết định, cải thiện an ninh cộng đồng và an toàn công cộng ở vùng biển Azov với mục đích giúp giảm thiểu tác động của Nga đối với nền kinh tế và cộng đồng địa phương vùng biển Azov.
"Đây là cơ hội để Tổng thống Zelensky thể hiện khía cạnh nghiêm túc hơn của mình", Peter Dickinson, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Eurasia của Hội đồng Đại Tây Dương khẳng định với tờ Euronews: "Trong cuộc bầu cử hồi đầu năm, ông Zelensky đã xuất hiện với tư cách là ứng cử viên hàng đầu, nhưng lại là một ứng cử viên bất thường cho chức Tổng thống nếu xét đến sự thiếu kinh nghiệm của ông trên chính trường. Trước đây, ông được biết đến nhiều nhất với sự nghiệp hài kịch và diễn xuất với vai nhà lãnh đạo Ukraine trong một chương trình truyền hình. Có những câu hỏi về khả năng của ông ấy như một chính khách".
Cũng theo nhà nghiên cứu Peter Dickinson, cuộc gặp giữa tân Tổng thống Ukraine với hai nhà lãnh đạo cao nhất của EU là Donald Tusk và Jean-Claude Juncker cũng là cách để ông trấn an người dân rằng, EU đang đứng bên cạnh Ukraine. Sự trấn an này là cần thiết đối với Ukraine, sau quyết định của Hội đồng châu Âu hồi đầu tháng 7 nhằm xem xét lại mối quan hệ với Nga.
Trong khi đó John Lough, một thành viên liên kết với Diễn đàn Ukraine tại Chatham House ở London, nói với tờ Thời báo Brussels rằng, EU vẫn cam kết hỗ trợ Ukraine và hy vọng rằng Tổng thống Zelensky có thể thúc đẩy chương trình cải cách, đặc biệt là trong lĩnh vực chống tham nhũng.
Cuộc bầu cử Quốc hội ở Ukraine sẽ diễn ra vào ngày 21-7. "Cho đến khi cuộc bầu cử diễn ra và một chính phủ mới được thành lập, thật khó để biết liệu ông Zelensky có thể biến lời hùng biện ấn tượng của mình thành hiện thực hay không", ông Lough nói.
Bài toán đối phó với Nga
Trả lời phỏng vấn báo giới về kết quả Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 21 EU-Ukraine, Alexey Perevezentsev -Bộ trưởng Ngoại giao, Phát triển Kinh tế và Thương mại Ukraine nhấn mạnh: "Ukraine đã tìm thấy ngôi nhà trong gia đình các quốc gia châu Âu và hệ thống dựa trên các quy tắc củng cố mối quan hệ thương mại cùng có lợi của chúng tôi. Khi Tổng thống Zelensky và ông Juncker gặp nhau vào 8-7, nó đánh dấu một chương mới trong quan hệ EU-Ukraine. Họ có thể trông đợi với sự tự tin, biết rằng sự hợp tác này là có cơ sở và tốt cho cả hai bên".
Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trước báo giới sau hội nghị. |
Trong khi đó, Tổng thống Zelensky thì bày tỏ: "Tôi cảm thấy "hài lòng" khi nghe được từ những người bạn EU rằng lập trường của họ về cách hành xử của Nga rất rõ ràng và vẫn không thay đổi. Các lệnh trừng phạt của EU với Nga trên một số lĩnh vực và trong vấn đề Crimea sẽ được mở rộng lần lượt thêm 12 tháng và 6 tháng nữa. Tôi không thích từ "trừng phạt". Từ yêu thích của tôi là hòa bình. Chính sách trừng phạt sẽ là công cụ cuối cùng được sử dụng đến".
Hãng tin Europa thì dẫn lời các nhà lãnh đạo EU cho hay, cam kết bảo vệ Ukraine của khối này không hề thay đổi: "Chúng tôi nhắc lại sự lên án mạnh mẽ về sự vi phạm rõ ràng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine bằng các hành động của các lực lượng vũ trang Nga kể từ tháng 2-2014", EU và Ukraine tuyên bố trong một tuyên bố chung sau hội nghị.
"Hãy để tôi một lần nữa khẳng định sự ủng hộ không ngừng của EU đối với toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và độc lập của Ukraine", Chủ tịch Hội đồng EU Donald Tusk nói: "Chỉ vài ngày trước, EU đã nhất trí gia hạn các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga thêm sáu tháng nữa. Các lệnh trừng phạt sẽ được áp dụng cho đến khi các thỏa thuận Minsk được thực thi đầy đủ. Chúng tôi không và sẽ không công nhận việc sáp nhập Crimea và Sevastopol của Nga".
Theo tin từ The Guaridan, tuyên bố của ông Donald Tusk được đưa ra sau khi ông đến thăm khu vực phía Đông Ukraine. Ông Donald Tusk cho biết, để hỗ trợ Ukraine trong Chiến tranh Donbass, EU đã đồng ý cung cấp 17,7 triệu Euro viện trợ nhân đạo bao gồm chăm sóc sức khỏe, nhà tạm trú, sửa chữa, nước và giáo dục…
Cho đến nay, cả EU và Ukraine vẫn cáo buộc Nga triển khai quân đội ở phía Đông Ukraine. Giới chức Ukraine nói rằng, 11.000 trong số 32.000 máy bay chiến đấu ở các khu vực do Nga quản lý là những chiến binh thường xuyên và bất thường của Nga. Tuy nhiên, phía Nga vẫn bác bỏ mọi cáo buộc trên.
Hồi đầu tháng 7, Tổng thống Nga Vladimir Putin còn nhận định với tờ Corriere Della Sera của Italy rằng Tổng thống Zelensky nên tổ chức đối thoại trực tiếp với các lực lượng vũ trang ở khu vực Donbas, miền đông Ukraine và chấm dứt việc gọi họ là "phe ly khai, đồng thời kêu gọi Chính phủ Ukraine nên "tôn trọng thỏa thuận Minsk thay vì phớt lờ nó".
Đích ngắm còn xa
Ngay sau hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Zelensky đã tuyên bố qua trên phương tiện truyền thông xã hội rằng ông muốn gặp Tổng thống Putin ở Thủ đô Minsk của Belarus và đề nghị cuộc đàm phán có sự góp mặt của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Anh Theresa May, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Các cuộc thảo luận được đề xuất sẽ tập trung vào việc chấm dứt cuộc chiến năm năm cũng như tương lai của các vùng lãnh thổ bị thôn tính. Tuy nhiên, Điện Kremlin đã không chấp nhận đề xuất này, lặp lại quan điểm rằng Tổng thống Nga từ chối coi ông Zelensky là người bình đẳng.
Rõ ràng, Tổng thống Ukraine đã không giấu diếm việc dành ưu tiên chính sách hàng đầu cho việc chấm dứt cuộc nội chiến và ly khai ở miền Đông cũng như giành về Crimea chứ không phải việc thúc đẩy quan hệ với EU, NATO hay với Mỹ. Thêm vào đó, dù 5 thoả thuận đã được ký kết nhưng xem ra, những thoả thuận giữa EU-Ukraine vẫn chỉ là nước cờ nhằm gây sức ép lên Nga. Việc Tổng thống Putin không chấp nhận lời mời gặp gỡ là một cú đánh mạnh vào ông Zelensky.
Về phía EU, dù luôn dành cho Ukraine một sự quan tâm tương đối đặc biệt nhưng quy mô của nền kinh tế Ukraine chưa hoàn toàn có đủ sức nặng để được coi là một đối tác ngang hàng với EU. Thêm vào đó, bất đồng trong EU về việc kết nạp Ukraine là một thành viên đầy đủ vẫn chưa được giải quyết.
Sự bất đồng này lên đến đỉnh điểm hồi cuối năm 2016, khi Hà Lan bác bỏ hiệp ước liên kết giữa EU và Ukraine. Trong nội bộ EU vẫn có những nước cho rằng, nếu EU vội vàng mở rộng quá nhanh sang phía Đông và kết nạp Ukraine thành một thành viên đầy đủ thì đó sẽ là sự khiêu khích công khai với Nga và khiến căng thẳng với Nga càng thêm trầm trọng.
Vì thế, tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh cũng cho biết rất ít về triển vọng gia nhập EU của Ukraine tại thời điểm này, khi mà Pháp và Hà Lan vẫn tiếp tục gây áp lực với các quốc gia thành viên khác. Điều này thể hiện rõ trong câu: "Chúng tôi thừa nhận nguyện vọng châu Âu của Ukraine và hoan nghênh sự lựa chọn châu Âu của họ" nhưng chỉ kết thúc ở "cam kết tăng cường liên kết chính trị và hội nhập kinh tế của Ukraine với EU".
Với EU, Ukraine nên vẫn là "một quốc gia vận chuyển khí đốt chiến lược" từ Nga sang EU mặc dù Đức và Bulgaria đang lên kế hoạch xây dựng các đường ống mới để giúp Nga vượt qua Ukraine sau năm 2019.