Tranh cãi về dự luật chống tham nhũng
- Ukraine "xấu hổ" vì lãnh sự tại Đức phát ngôn bài Do Thái
- Ukraine thừa nhận "dàn dựng" cái chết của nhà báo Nga
- Nhà báo Nga có quan điểm đối lập với Kremlin nghi bị sát hại ở Ukraine
Bởi cùng ngày bỏ phiếu cách chức ông Alexandr Danilyuk, Quốc hội Ukraine còn thông qua dự luật cho phép thành lập tòa án đặc biệt để xét xử các vụ án tham nhũng.
Đây được coi là bước đi quan trọng của chính phủ Ukraine để nhận thêm các khoản viện trợ tài chính của phương Tây. Hơn nữa, Thủ tướng Volodymyr Groysman từng tuyên bố, sẽ từ chức nếu Quốc hội không thông qua dự luật này.
"Với tư cách Thủ tướng, tôi tự đưa ra quyết định cho mình. Nếu tòa án công bằng và độc lập này không được thành lập, tôi sẽ từ chức", ông Volodymyr Groysman tuyên bố hôm 4-6.
Thủ tướng Volodymyr Groysman còn cho rằng, Ukraine sẽ đối mặt với bất ổn nếu không có tòa án này. Hãng Reuters cho rằng, dự luật được thông qua hôm 7-6 là một trong những yêu cầu của IMF, để Ukraine có thể nhận gói hỗ trợ tài chính trị giá 17,5 tỷ USD.
Theo dự luật vừa được thông qua - bảo vệ các quyết định của tòa án khỏi sức ép chính trị hoặc nạn hối lộ ở Ukraine, được dư luận trong và ngoài Ukraine quan tâm.
Trong khi Tổng thống Petro Poroshenko hoan nghênh quyết định của Quốc hội, và gọi đây là một thắng lợi cho Chính phủ, thì giới chuyên gia quốc tế sẽ giúp giám sát việc bổ nhiệm các thẩm phán cho tòa án đặc biệt kể trên.
Bộ trưởng Tài chính Alexandr Danilyuk. |
Nhưng việc Quốc hội bỏ phiếu cách chức Bộ trưởng Tài chính Alexandr Danilyuk (254 trong tổng số 450 nghị sỹ Quốc hội bỏ phiếu thông qua), lại bị coi là động thái có thể làm gia tăng sự lo ngại của các nhà tài trợ nước ngoài đối với Ukraine.
Thủ tướng Volodymyr Groysman cáo buộc Bộ trưởng Tài chính Alexandr Danilyuk đã có những hành động không thích hợp để tiếp tục giữ cương vị thành viên Chính phủ - phát tán thông tin xuyên tạc với các đối tác quốc tế và hành động này có thể gây phương hại tới kết quả đàm phán với Liên minh châu Âu (EU).
Giới truyền thông đưa tin, bất đồng giữa Thủ tướng và Bộ trưởng Tài chính phát sinh sau khi ông Volodymyr Groysman bác bỏ ứng cử viên do ông Alexandr Danylyuk đề cử làm Thứ trưởng phụ trách chính sách thuế.
Bộ trưởng Tài chính Alexandr Danilyuk cho rằng, Thủ tướng Volodymyr Groysman tìm cách bổ nhiệm thân tín của mình giữ chức Thứ trưởng phụ trách chính sách thuế, nên đã gửi thư cho đại sứ các nước G7 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Italy, Nhật Bản và Canada) để báo cáo về việc này.
Ngày 6-6, Thủ tướng Volodymyr Groysman cho biết, ông đã chính thức đề nghị Quốc hội cách chức Bộ trưởng Tài chính Alexandr Danilyuk.
Giới truyền thông cho biết, ông Alexandr Danilyuk nhậm chức Bộ trưởng Tài chính hôm 14-4-2016, ngay sau khi ông Volodymyr Groysman giành được 257 phiếu thuận tại Quốc hội, trở thành người thay thế Thủ tướng Arseny Yatsenyuk.
Thủ tướng Volodymyr Groysman. |
Theo giới truyền thông, 3 tháng trước (12-3), EU tái yêu cầu Ukraine phải thành lập một tòa án chống tham nhũng độc lập để truy tố và xét xử những quan chức nhận hối lộ trong bối cảnh bất đồng giữa Kiev và các nhà tài trợ quốc tế về việc bên nào có quyền tối cao trong việc bổ nhiệm thẩm phán cho tòa án này.
Khi đó, Thủ tướng Volodymyr Groysman và Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU, bà Federica Mogherini đều nhấn mạnh, EU cũng như IMF và người dân Ukraine đều kỳ vọng và muốn chứng kiến những tiến bộ đáng kể hơn nữa trong cuộc chiến chống tham nhũng ở nước này.
Tổng thống Petro Poroshenko từng tuyên bố, thẩm phán của tòa án kể trên phải do người Ukraine bổ nhiệm, không phải các chuyên gia nước ngoài. Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde từng điện đàm với Tổng thống Petro Poroshenko và hối thúc chính quyền Kiev tăng cường các hoạt động chống tham nhũng.
IMF cũng từng yêu cầu Ukraine bắt công chức công khai tài sản cùng các khoản thu nhập và theo hồ sơ công bố, Tổng thống Petro Poroshenko có tổng tài sản gần 950 triệu USD, giàu thứ 4 nước này. Được biết, công khai tài sản là điều kiện bắt buộc của IMF để Ukraine nhận được khoản cứu trợ trị giá 1 tỉ USD.
Dư luận từng bàn tán sau khi Thứ trưởng Quốc phòng, Trung tướng Igor Pavlovsky và Cục trưởng Cục mua sắm công và cung cấp tài sản vật chất của Bộ Quốc phòng bị người của Văn phòng chống tham nhũng quốc gia Ukraine bắt vì liên quan tới cáo buộc tham nhũng trong mua nhiên liệu. Cùng bị bắt với Thứ trưởng Igor Pavlovsky và vị Cục trưởng kể trên, nhiều quan chức khác của Bộ Quốc phòng cũng đã bị bắt và số tiền bị biển thủ lên tới hơn 149 triệu Hryvnia (trên 5,5 triệu USD). Trước đó, ông Nasirov, người đứng đầu ngành thuế và hải quan Ukraine cũng bị bắt, với cáo buộc tiếp tay cho Nghị sĩ Oleksandr Onishchenko, để chiếm đoạt 2 tỷ Hryvnia (khoảng 75 triệu USD) tiền thu thuế liên quan đến một thỏa thuận khí đốt. |