USMCA “Cứu tinh” của NAFTA

Thứ Ba, 09/10/2018, 09:55
Ngay trước hạn chót nửa đêm ngày 30-9, Canada đã đạt thỏa thuận với Mỹ và Mexico để thay đổi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), sau nhiều tuần lễ thương thảo gay go.


Thỏa thuận này sẽ được gọi là United States-Mexico-Canada Agreement (USMCA - Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada). NAFTA đã có từ 24 năm nay nhưng bị Tổng thống Donald Trump chỉ trích là khiến người dân Mỹ mất việc làm. Thỏa thuận mới USMCA sẽ thay thế NAFTA. 

Trong bản thông cáo chung, đại diện Thương mại Mỹ, ông Robert Lighthizer và Ngoại trưởng Canada, bà Chrystia Freeland, nói rằng thỏa thuận này sẽ “giúp phát triển đời sống của giới trung lưu, tạo công ăn việc làm tốt, trả lương cao, cũng như có thêm cơ hội mới cho khoảng nửa tỉ người sống ở vùng Bắc Mỹ”.

Thủ tướng Canada, ông Justin Trudeau, loan báo việc đạt được thỏa thuận mậu dịch với Mỹ.

Tổng thống Trump vào sáng sớm ngày 1-10 đã đăng Twitter gọi USMCA là một “thỏa thuận quan trọng, giải quyết được nhiều lỗi lầm của NAFTA, mở cửa nhiều thị trường cho nông dân và các nhà sản xuất Mỹ, giảm rào cản mậu dịch và giúp cả 3 quốc gia cùng nhau cạnh tranh với thế giới”. 

Thủ tướng Canada, ông Justin Trudeau, nói rằng đây là một thành quả tốt đẹp cho Canada. Trong khi đó, phía Mexico cho hay thỏa thuận giúp tạo sự đồng nhất trong mậu dịch cho cả khu vực Bắc Mỹ.

Trong thời gian qua, những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất giữa Mỹ và Canada là quan điểm bảo hộ của Canada đối với lĩnh vực văn hóa giải trí cũng như việc Ottawa mong muốn duy trì cơ chế giải quyết tranh chấp trong Chương 19. Thủ tướng Canada Trudeau đã khẳng định quan điểm rõ ràng rằng, Canada sẽ không đàm phán nếu Chương 19 bị loại bỏ. 

“Chúng tôi cần giữ Chương 19 bởi nó đảm bảo các quy tắc được thực sự tuân thủ", ông Trudeau nhấn mạnh. 

Canada cũng mong muốn nhôm, thép và ô tô xuất khẩu của nước này không nằm trong danh sách bị Mỹ áp thuế cao. Trong những tháng gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã sử dụng chiến lược áp thuế cao như một vũ khí để đối phó với các đối tác thương mại mà ông cho là đang “ngược đãi” nước Mỹ.

Trong khi đó, mong muốn tiếp cận thị trường sữa Canada của Mỹ đã trở thành một trong những mối quan tâm lớn nhất của Washington trong các cuộc đàm phán NAFTA và đây là lý do tại sao Tổng thống Trump cho rằng NAFTA là sai lầm nghiêm trọng gây thiệt hại cho những nông dân chăn nuôi bò sữa của Mỹ. 

Sau khi lượng xuất khẩu sản phẩm sữa của Mỹ vào thị trường Canada bị sụt giảm hồi năm 2017, các nông dân nuôi bò sữa của Mỹ đã lên tiếng báo động. 

Chính sách mới được gọi là hệ thống quản lý nguồn cung cấp đối với sữa, trứng và gia cầm của Canada khiến ông Trump tức giận và cho rằng đang xảy ra một số điều bất công ở Canada mà ảnh hưởng tới những nông dân nuôi bò sữa ở Mỹ. 

Theo ông Sarah Goldfeder, người đứng đầu Nhóm Chiến lược Earnscliffe và là thành viên của Viện Toàn cầu Canada, việc bảo vệ ngành sữa cũng là một vấn đề thời sự ở Quebec, nơi mà đảng Tự do của Thủ tướng Canada Justin Trudeau đang mất vị thế so với đảng Bảo thủ trong các cuộc bầu cử ở cấp tỉnh.

Với thỏa thuận mới, Canada đã nhất trí áp dụng trần xuất khẩu ôtô sang Mỹ trong trường hợp chính quyền ông Trump áp thuế quan lên xe hơi nhập khẩu từ mọi quốc gia. Tuy nhiên, ôtô của Canada xuất khẩu sang Mỹ khi đó sẽ không bị áp thuế bổ sung. Thị trường sữa với mức độ bảo hộ cao của Canada sẽ mở rộng cánh cửa hơn cho các công ty xuất khẩu sữa của Mỹ, tương tự như những gì mà Canada đã ký kết trong thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Đàm phán cải tổ NAFTA bắt đầu từ tháng 8-2017, với hàng loạt thời hạn chót đã được đặt ra mà các bên không đạt thỏa thuận. Ngay sau khi thông tin Mỹ và Canada đã chính thức đạt được thỏa thuận về sửa đổi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) được công bố, đồng dollar Canada (CAD) và đồng Peso của Mexico đã tăng giá, trong khi chứng khoán châu Á mở phiên lại giảm điểm trong bối cảnh xuất hiện thêm những tín hiệu không mấy khả quan về nền kinh tế Trung Quốc.

Anh Kiệt

.
.
.