Tương lai nào cho Hồng Kông?

Chủ Nhật, 25/08/2019, 16:26
Hồng Kông là một thành phố nổi tiếng thế giới với các hoạt động kinh doanh. Vì vậy, khi hoạt động kinh doanh của thành phố bị đình trệ, vấn đề sẽ phát sinh.


Nền kinh tế bị tổn hại

Sau 2 tháng tràn ngập những cuộc biểu tình và bạo lực dẫn đến việc đóng cửa các doanh nghiệp và xã hội dân sự, các nhà đầu tư đang bày tỏ sự "bất bình với phản ứng nặng tay của cảnh sát, sự chống đối dữ dội của công chúng và chính phủ dường như không thể giải quyết những lo ngại của người dân có thể gây làm tổn hại lâu dài đến niềm tin kinh doanh”, các nhà phân tích tại công ty xếp hạn tín dụng Fitch Ratings cho biết.

Những thông điệp từ các quan chức Trung Quốc cũng không thể xoa dịu, nhà bình luận Zhang Xiaoming đã so sánh các cuộc biểu tình với "các cuộc cách mạng sắc màu" đã càn quét Đông Âu và Trung Đông, đưa ra gợi ý về mức độ của mối đe dọa đối với Bắc Kinh.

Nếu cả người biểu tình lẫn Chính phủ Trung Quốc, thông qua chính quyền Hồng Kông, không sớm tìm được cách giải quyết mâu thuẫn, thành phố cảng thơm có thể thấy danh tiếng thân thiện kinh doanh của họ bị tổn hại vĩnh viễn. Đã có những ảnh hưởng kinh tế từ cuộc biểu tình, có thể đẩy thành phố vào suy thoái, theo Bộ trưởng Tài chính Paul Chan. 

Nó có thể được nhìn thấy khi hàng trăm chuyến bay bị hủy, tàu điện ngầm bị gián đoạn, trung tâm mua sắm trống rỗng và các kỳ nghỉ đến "Thành phố Thế giới của châu Á" bị hủy bỏ. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Hồng Kông bị nhuốm trong sắc đỏ. Chỉ số Hang Seng đã giảm hơn 9% kể từ đầu tháng 7.

Nhưng thay vì giảm dần, những cuộc nổi dậy ở Hồng Kông ngày càng có dấu hiệu tăng cường. Bắt đầu vào tối ngày 2-8, hàng ngàn công chức lần đầu tiên xuống đường trong các cuộc biểu tình này. Vào ngày 5-8, họ đã bất chấp lệnh của chính phủ về giữ trung lập chính trị, tham gia cùng tất cả mọi người từ luật sư đến nhà hoạt động sinh viên, đến cư dân làm việc trong ngành hàng không, xây dựng, giáo dục, tài chính, chăm sóc sức khỏe, bán lẻ và thậm chí là công viên giải trí Disneyland của Hồng Kông.

Điều này có nghĩa là bộ máy những con người tạo ra sức mạnh cho Hồng Kông đang bị đình trệ theo nghĩa đen. Khi hệ thống tàu điện ngầm MTR bị tê liệt, đó là một thách thức đối với Trưởng Đặc khu Carrie Lam. Nhưng xã hội Hồng Kông bị tê liệt, đó thực sự là một vấn đề nền tảng. Tình trạng bất ổn hiện nay mang đến những thách thức lớn hơn nhiều so với cuộc "Cách mạng Dù". Nó thách thức không chỉ khả năng ứng phó của chính quyền Hồng Kông, mà cả chính quyền trung ương ở Bắc Kinh.

Bài toán khó

Chủ tịch Tập Cận Bình đang rơi vào thế khó. Nếu ông chọn cách tiếp cận mềm mại đối với các nhà hoạt động làm tắc nghẽn đường phố, điều đó có thể truyền cảm hứng cho những người kích động dân chủ tại đại lục. Tuy nhiên, nếu dùng biện pháp mạnh tay sẽ gây ra phản ứng quốc tế dữ dội và hủy hoại vị thế trung tâm tài chính của Hồng Kông.

Một lựa chọn khôn ngoan hơn, theo giới quan sát, là ông Tập sẽ giảm bớt những nỗ lực "Trung Quốc hóa" vốn là một dấu ấn trong triều đại 7 năm của ông. Kể từ tháng 7-2017, chính quyền của bà Lam đã liên tục thực hiện ý chí của Bắc Kinh để hạn chế phong trào ủng hộ quyền bầu cử. Bà Lam đã đẩy nhanh tiến trình này vào tháng 4 bằng cách thúc đẩy các sửa đổi về luật dẫn độ của Hồng Kông, theo đó sẽ cho phép dẫn độ bất cứ ai ở Hồng Kông về đại lục.

Bước đi quá mức của bà Lam, thay mặt cho Bắc Kinh, như thêm dầu vào lửa cùng với những bất mãn kinh tế đang gia tăng trong một thành phố có rất nhiều triệu phú. Hệ số Gini của Hồng Kông, thước đo bất bình đẳng, đã kết thúc năm 2018 ở mức cao nhất trong 45 năm. Và sự bùng nổ kinh tế của Trung Quốc là một yếu tố quan trọng đằng sau việc điểm số Gini của Hồng Kông vượt xa của Singapore và Mỹ.

Điểm dừng đầu tiên cho hầu hết những người đại lục giàu có muốn trú ẩn hàng triệu hoặc hàng USD của họ là bất động sản ở Hồng Kông. Chi phí nhà ở hiện nay nằm ngoài phạm vi của người Hồng Kông thuộc tầng lớp trung lưu, đặc biệt là thế hệ trẻ. Andrew Fennell, nhà phân tích của Fitch Ratings, cho rằng đó là "nhiên liệu" thúc đẩy hàng chục ngàn sinh viên xuống đường vào năm 2014 và đó là một yếu tố góp phần ngày hôm nay.

Các nhà đầu tư cũng vậy. Những công ty liên quan đến chung cư, văn phòng và trung tâm mua sắm đang nhìn thấy cổ phiếu của họ nhuốm màu đỏ. Cổ phiếu của Swire Properties, công ty sở hữu cổ phần trong các văn phòng, khách sạn và trung tâm thương mại sang trọng, giảm gần 18% kể từ giữa tháng 6. Công ty đầu tư bất động sản Wharf, công ty sở hữu khu phức hợp mua sắm khổng lồ Harbor City, giảm 1/5 kể từ đỉnh điểm tháng 6.

"Thí mã giữ tướng"?

Một lối thoát cho ông Tập có thể là hy sinh bà Lam. Kể từ khi bà gác lại dự luật dẫn độ vào tháng 6, những lời kêu gọi bà từ chức ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn là Bắc Kinh phải thay đổi chiến lược ở Hồng Kông. Vào năm 1997, khi thành phố trở lại sự cai trị của Bắc Kinh, câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc sẽ học hỏi từ thành công của thị trường tự do Hồng Kông hay làm vấy bẩn tinh thần tự do của nó. Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, ông Tập dường như chọn vế thứ hai, nhưng đã cố che giấu điều đó.

Kịch bản tốt nhất là ông Tập sẽ tìm được cách để giữ được thể diện, cho Hồng Kông một số quyền độc lập từ cơ chế "một quốc gia, hai chế độ". Điều đó sẽ cho phép ông có thể dành tâm sức cho những cải cách rất cần thiết trên đại lục, nơi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang làm tổn hại các ngành sản xuất.

Trong khi đó, sự bế tắc này sẽ làm tổn hại thêm danh tiếng của Hồng Kông về sự ổn định và tính thân thiện kinh doanh. Các chi phí đang tăng lên cho một nền kinh tế chỉ tăng 0,6% trong quý II. Điều này sẽ dẫn đến một cuộc di cư tiềm năng của các doanh nghiệp, theo nhà tư vấn rủi ro chính trị Steve Vickers. Ông cảnh báo một số nhà đầu tư "có thể dần dần sẽ tránh Hồng Kông, có lẽ thích Singapore hơn. Hay Tokyo có thể là điểm đến cho một số doanh nghiệp đó"?

Vĩnh Đông
.
.
.