Trừng phạt cảnh sát Mỹ làm bậy

Thứ Năm, 18/02/2016, 12:17
Mặc dù phải tới ngày 14-4, tòa mới đưa ra mức án đối với sỹ quan cảnh sát Mỹ gốc Á Peter Liang, nhưng với quyết định của bồi thẩm đoàn tại thành phố New York vừa qua, người ta có thể thấy rõ sự trừng phạt của pháp luật đối với kẻ đã bắn chết Akai Gurley, người đàn ông da màu không vũ trang hôm 20-11-2014. 


Theo đó, Peter Liang sẽ phải đối mặt với mức án 15 năm tù giam. Các công tố viên Mỹ cho biết, sau phiên tòa kéo dài 2 tuần, ngày 11-2, bồi thẩm đoàn tại thành phố New York đã nhất trí tuyên Peter Liang, 28 tuổi, phạm tội ngộ sát cấp độ 2 và có hành vi thực thi công vụ không đúng mức. Được biết, khi sỹ quan cảnh sát Peter Liang cùng cộng sự đang tuần tra tại tầng 8 của khu chung cư Louis Pink, New York hôm 20-11-2014, thì gặp Akai Gurlay đi xuống cầu thang. Khi đó đèn cầu thang không hoạt động khiến Peter Liang lầm tưởng và nổ súng bắn Akai Gurlay.

Theo công tố viên New York, Peter Liang đã nổ súng vô cớ, và đây chỉ là một tai nạn, nhưng sỹ quan cảnh sát này đã hành xử sai khi không thông báo sự việc với cấp trên, hay đưa nạn nhân đi cấp cứu.

Sỹ quan Cảnh sát Mỹ gốc Á Peter Liang.

Phiên tòa xét xử sỹ quan cảnh sát Peter Liang diễn ra trong bối cảnh Bộ trưởng Tư pháp Loretta Lynch vừa quyết định mở một cuộc điều tra đối với lực lượng cảnh sát San Francisco, bang California, 2 tháng sau vụ một thanh niên da đen bị bắn chết gây phẫn nộ tại thành phố này. Trong tuyên bố hôm 1-2, bà Loretta Lynch cho biết, sẽ kiểm tra các chính sách hiện hành, cùng quy trình huấn luyện và hệ thống giải trình trách nhiệm của Sở Cảnh sát San Francisco, đồng thời giúp xác định những lĩnh vực then chốt cần cải tiến trong tương lai.

Theo bà Loretta Lynch, cuộc điều tra nhằm đảm bảo tất cả thành viên ở San Francisco đều được bảo vệ và hưởng dịch vụ mà họ đáng được nhận. Sở Cảnh sát San Francisco là đơn vị mới nhất phải đối mặt với cuộc điều tra cấp quốc gia do các vụ chết người liên quan tới người Mỹ gốc Phi ở đây.

Trong khi đó, 46 quản giáo tại các nhà tù ở bang Georgia đã bị bắt (11-2) vì bị truy tố với nhiều tội danh, từ nhận hối lộ tới mua bán ma túy trái phép. Theo ông John Horn, luật sư đại diện cho quận Northern, bang Georgia, ngoài 46 quản giáo bị bắt, 2 người dân và 1 tù nhân cũng bị truy tố trong chiến dịch chống tham nhũng và buôn bán ma túy tại các nhà tù ở bang Georgia. Và theo ông John Horn, chiến dịch này vẫn chưa kết thúc vì có quá nhiều vấn đề phát sinh.

"Nhiều quản giáo ở bang Georgia sẵn sàng bán rẻ lời tuyên thệ, huy hiệu để trục lợi, bảo vệ đường dây mua bán ma túy trong tù", luật sư John Horn nói thêm. Vẫn theo ông John Horn, cuộc điều tra ban đầu tập trung vào những vụ tuồn điện thoại di động trái phép vào nhà tù; nhưng sau khi phát hiện nhiều sai phạm khác nên đã quyết định mở rộng điều tra.

Và trong ngày 11-2, gần 200 lính đặc nhiệm đã đồng loạt lục soát các nhà tù ở bang Georgia và bắt giữ 46 quản giáo kể trên. Theo thống kê, từ tháng 9-2015, chính quyền bang Georgia đã truy tố 100 người trong chiến dịch chống tham nhũng, buôn bán ma túy và buôn lậu tại các nhà tù.

Trong một diễn biến liên quan, cuối phiên xử hôm 3-2 tại Fort Lauderdale, bồi thẩm đoàn ở Florida đã quyết định bồi thường 23,1 triệu USD cho Dontrell Stephens, người đàn ông da màu của bang này do bị cảnh sát bắn và hành động của người bắn được xác định là trái pháp luật. Tuy việc này đã nhận được sự chấp thuận của Hội đồng lập pháp bang Florida, nhưng Văn phòng Cảnh sát trưởng lại không đồng ý với bản án kể trên và đang kháng cáo.

Vụ việc xảy ra từ tháng 9-2013, khi đó Phó Cảnh sát trưởng hạt Palm Beach Adams Lin đã chặn Dontrell Stephens, đang đi xe đạp trên đường vì vi phạm luật giao thông. Theo lời Adams Lin, khi ông đang lập biên bản xử phạt thì Dontrell Stephens đã móc từ thắt lưng ra một vật nhỏ tối màu, nghi là súng nên viên cảnh sát này lập tức bắn chàng thanh niên ít nhất 4 phát đạn, khiến nạn nhân phải nhập viện khẩn cấp. Toàn bộ vụ việc được ghi lại trên camera của xe cảnh sát, theo đó vật mà Dontrell Stephens cầm trên tay là chiếc điện thoại di động. Luật sư của Dontrell Stephens yêu cầu tòa phải lấy lại công bằng cho thân chủ của mình.

Trước đó (9-9-2015), chính quyền thành phố Baltimore, bang Maryland, từng chấp nhận trả 6,4 triệu USD để bồi thường cho gia đình Freddie Gray, thanh niên da màu tử vong sau khi bị cảnh sát bắt giữ hồi tháng 4-2015. Thị trưởng thành phố Stephanie Rawlings Blake thừa nhận, việc đưa ra khoản bồi thường trước khi các thủ tục pháp lý hoàn tất là bất thường, nhưng đó là cách bảo vệ lợi ích cho gia đình nạn nhân. Đây là một trong những khoản bồi thường lớn nhất tại Mỹ liên quan đến các vụ cảnh sát gây chết người da màu trong những năm gần đây.

Mạnh Phong
.
.
.