Cảnh sát Mỹ sẽ bị rút bớt quyền?

Chủ Nhật, 31/05/2015, 08:00
Dư luận đã có phản ứng khác nhau ngay sau khi Tổng thống Barack Obama ban hành sắc lệnh cấm các cơ quan liên bang cung cấp cho cảnh sát địa phương những trang thiết bị quân sự như xe bọc thép bánh xích, đồ ngụy trang, lưỡi lê, các loại súng và đạn cỡ 12,7mm trở lên, súng phóng lựu và máy bay được trang bị vũ khí. Bởi theo ông chủ Nhà Trắng, hình ảnh cảnh sát được quân sự hóa đôi khi khiến người dân có cảm giác đó là lực lượng chiếm đóng, không phải là lực lượng bảo vệ và phục vụ công chúng. 

Đây được coi là động thái nhằm xoa dịu căng thẳng đang gia tăng giữa cảnh sát với cộng đồng người Mỹ gốc Phi sau khi xảy ra một loạt vụ cảnh sát da trắng bắn chết người da đen, dẫn đến làn sóng biểu tình phản đối lực lượng hành pháp trên khắp nước Mỹ. Bởi trước đó xuất hiện hàng loạt cáo buộc cho rằng, lực lượng thực thi pháp luật của Mỹ quá lạm quyền trong việc sử dụng các thiết bị, cùng khí tài quân sự khi đối phó với các cuộc biểu tình.

Trong khi đó, phán quyết của Thẩm phán John O'Donnell đã khiến nhiều người giận dữ, xuống đường phản đối và cảnh sát chống bạo động phải bắt hơn 70 người biểu tình quá khích trong đêm 23/5.

Cảnh sát Mỹ tại Colorado đeo máy quay trước ngực.

Ngày 23/5, Thẩm phán John O'Donnell tuyên bố, sĩ quan cảnh sát Michael Brelo vô tội về cái chết của Timothy Russell và Melissa Williams, 2 người da đen ở Cleveland, bang Ohio, Mỹ, hồi tháng 11/2012. Bởi theo Thẩm phán John O'Donnell, Michael Brelo là sĩ quan duy nhất trong số 13 cảnh sát liên quan đến vụ việc, đã bắn nhiều phát (15 viên đạn trong tổng số 137 viên đạn mà 13 cảnh sát nhắm bắn vào các nghi can trong một cuộc rượt đuổi xe tốc độ cao) vào xe qua kính chắn gió vào ban đêm trong khi xung quanh toàn là tiếng súng, tiếng còi báo động và đèn nhấp nháy.

Các công tố viên nói, Michael Brelo bắn 15 phát vào kính trước của xe khi đứng trên đầu xe sau khi xe ngưng lại. Điều đáng nói là chính quyền Cleveland đã trả cho thân nhân của 2 nạn nhân Timothy Russell và Melissa Williams, mỗi gia đình 1,5 triệu USD để dàn xếp vụ kiện này. Tuy vụ án kể trên diễn ra gần 3 năm, nhưng vẫn là một trong những vụ việc đang thu hút sự quan tâm của dư luận nước Mỹ bởi thời gian qua, nước này liên tiếp xảy ra những cuộc biểu tình phản đối hành động của cảnh sát da trắng liên quan đến những vụ nổ súng vào người da đen.

Trước đó (21/5), công tố viên công bố bản luận tội của bồi thẩm đoàn Baltimore đối với 6 cảnh sát (Garrett Miller, Alicia White, Edward Nero, Caesar Goodson Jr., Brian Rice và William Porter) có liên quan tới vụ giết hại thanh niên da đen Freddie Gray.

Theo luật sư Marilyn Mosby, bồi thẩm đoàn đã có những chứng cứ xác đáng để chính thức buộc tội những cảnh sát này và họ sẽ phải trình diện trước tòa dự kiến vào ngày 2/7. Bộ trưởng Tư pháp Loretta Lynch đã quyết định mở cuộc điều tra với cáo buộc cảnh sát thành phố Baltimore thường xuyên phân biệt đối xử người da đen địa phương. Bà Loretta Lynch cũng cho biết, các vụ việc gần đây, bao gồm cái chết của Freddie Gray, đã khiến người dân mất niềm tin vào cơ quan thực thi pháp luật.

Cảnh sát bang Colorado - Mỹ cầm một chiếc camera gắn trên cơ thể.

Trước đó (2/5), gần 10.000 người đã đổ ra đường phố Baltimore biểu tình sau khi công tố viên trưởng loan báo, cái chết của Freddie Gray là một vụ giết người và truy tố hình sự đối với 6 cảnh sát dính líu tới vụ việc này. Ông Richard Shipley, cha dượng của Freddie Gray cho biết, gia đình hài lòng với việc truy tố những cảnh sát có liên quan.

Ngày 1/5, Bộ Tư pháp Mỹ đã quyết định triển khai chương trình thí điểm trang bị camera đeo trên người cho cảnh sát với tổng chi phí 20 triệu USD. Bộ trưởng Tư pháp Loretta Lynch cho rằng, máy quay sẽ giúp cảnh sát cải thiện quan hệ với người dân, đồng thời đảm bảo sự minh bạch, nâng cao khả năng giải trình. Trong khi đó, Hiệp hội Quyền tự do dân sự Mỹ (ACLU) cảnh báo, việc sử dụng camera trang bị cho cảnh sát phải đảm bảo quyền riêng tư đối với những người được ghi hình.

Tờ Chicago Tribune cho biết, chính quyền thành phố Chicago đã quyết định chi 5,5 triệu USD để bồi thường cho gần 100 người từng bị cảnh sát dùng nhục hình lấy lời khai trong giai đoạn 1972-1991. Tại thời điểm đó Cảnh sát trưởng là ông Jon Burge và hầu hết nạn nhân là người da đen.

Ngày 6/5, Thị trưởng Rahm Emanuel tuyên bố, Chicago cũng phải đương đầu với quá khứ, chấp nhận và thừa nhận những điều đã làm. Cùng ngày, tờ New York Times cho biết, Văn phòng Công tố San Francisco tuyên bố, sẽ điều tra lại 3.000 vụ bắt giữ do 14 sĩ quan thuộc Sở Cảnh sát San Francisco thực hiện trong 10 năm qua.

Nhiệm Bình
.
.
.