Trung Quốc:

Vợ cựu Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ nói gì về việc chồng bị cáo buộc nhận hối lộ?

Thứ Tư, 03/04/2019, 21:35
Bà Grace Mạnh không những bác bỏ những cáo buộc của nhà chức trách Trung Quốc đối với chồng về tội nhận hối lộ, mà còn coi vụ bắt giữ cựu Chủ tịch Interpol mang động cơ chính trị.


"Thông báo của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc chỉ công khai tiết lộ bản chất chính trị vụ án của ông Mạnh Hoành Vĩ, không giải quyết các vấn đề liên quan tới nhân quyền cơ bản của gia đình chúng tôi", bà Grace Mạnh, vợ cựu Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ tuyên bố sau khi biết tin trong một thông cáo do các luật sư của bà đưa ra hôm 28-3. 

Bà Grace Mạnh không những bác bỏ những cáo buộc của nhà chức trách Trung Quốc đối với chồng về tội nhận hối lộ, mà còn coi vụ bắt giữ cựu Chủ tịch Interpol mang động cơ chính trị. 

"Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương chỉ đưa ra một thông báo mơ hồ, chung chung, không được chứng thực. Nhà chức trách Trung Quốc không đưa ra các cáo buộc thực tế hay bằng chứng hỗ trợ cáo buộc", bà Grace Mạnh nhấn mạnh. 

Đây không phải phản ứng đầu tiên của vợ cựu Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ, kể từ khi chồng bà bị bắt đến nay. Được biết, bà Grace Mạnh đang sống ở Lyon, Pháp cùng 2 con tuyên bố, Trung Quốc không cung cấp bất kỳ thông tin nào về nơi ở cũng như tình trạng của chồng mình.

Trong thông báo hôm 27-3, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc cho biết, ông Mạnh Hoành Vĩ bị nghi "nhận hối lộ, gây tổn hại nghiêm trọng hình ảnh của đảng, lợi ích của nhà nước và cần bị xử lý nghiêm khắc". 

Ngoài ra, cựu Chủ tịch Interpol còn bị cáo buộc "chống đối quyết định của Trung ương đảng, lạm dụng quyền lực để trục lợi, sử dụng ngân sách bừa bãi, phung phí để thỏa mãn lối sống xa hoa của gia đình". 

Ông Mạnh Hoành Vĩ bị cáo buộc "lợi dụng địa vị" để tạo việc làm cho vợ, nhận hối lộ với "khối tài sản khổng lồ" từ người khác để nâng đỡ họ trong kinh doanh và thăng tiến. Sau khi ông Mạnh Hoành Vĩ bị khai trừ khỏi đảng, hồ sơ của cựu Chủ tịch Interpol đã được chuyển tới các cơ quan tư pháp để truy tố. 

Thông báo của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương được đưa ra sau khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trở về từ chuyến thăm Pháp và gặp Tổng thống Emmanuel Macron.

Cựu Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ.

Bà Grace Mạnh đã xin tị nạn ở Pháp hồi tháng 1-2019 và đã viết thư cho Tổng thống Emmanuel Macron trước chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình để mong chính phủ Pháp giúp đỡ chồng mình. Thông tin này được bà Grace Mạnh nói với truyền hình Pháp hôm 24-3 và luật sư của vợ cựu Chủ tịch Interpol đang liên hệ với cơ quan chức năng để làm rõ vụ án của ông Mạnh Hoành Vĩ. 

Được biết, ông Mạnh Hoành Vĩ từ Pháp về Trung Quốc hôm 25-9-2018 và 10 ngày sau, vợ cựu Chủ tịch Interpol báo với cảnh sát Pháp về sự mất tích của chồng. Tờ Le Parisien từng đưa tin, ông Mạnh Hoành Vĩ bị nghi giúp 1 công ty để giành hợp đồng bảo mật không gian mạng. 

Trước khi được bầu làm Chủ tịch Interpol năm 2016, ông Mạnh Hoành Vĩ là Thứ trưởng Bộ Công an và là người Trung Quốc đầu tiên lãnh đạo Interpol trong lịch sử 95 năm của tổ chức này. Được biết, bà Grace Mạnh đã mời 2 công ty luật tại Anh và Pháp (Marsigny Avocats và Lindeborg Counsellors) để tìm ông Mạnh Hoành Vĩ sau khi chồng bị bắt với cáo buộc nhận hối lộ.

Hãng AFP đưa tin, hôm 18-1, bà Grace Mạnh đã nộp đơn xin tị nạn ở Pháp. "Tôi cần chính phủ Pháp hỗ trợ, bảo vệ tôi và các con. Tôi sợ bị bắt cóc", bà Grace Mạnh nói với giới truyền thông Pháp, cho dù gia đình cựu Chủ tịch Interpol đang được đặt dưới sự bảo vệ của cảnh sát Pháp. 

Trong cuộc trả lời phỏng vấn hôm 10-1, bà Grace Mạnh cho biết, từ cuối tháng 9-2018 không nhận được tin tức gì về chồng hay gia đình ở Trung Quốc. Điện thoại và tài khoản Internet của bà ở Trung Quốc đã bị chặn, đồng thời nhận được "các cuộc gọi lạ". Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng về việc vợ ông Mạnh Hoành Vĩ nhận được những lời đe dọa sau khi chồng bà bị bắt và điều tra vì cáo buộc nhận hối lộ. 

"Những người có liên quan tới vụ việc không nên nghĩ ra những cái cớ để che đậy cho các hành vi tham nhũng và phạm tội bằng cách bôi nhọ chính quyền của Chủ tịch nước Tập Cận Bình - người đã phát động cuộc chiến chống tham nhũng tại Trung Quốc. Nếu vợ ông Mạnh Hoành Vĩ là công dân Trung Quốc, lẽ đương nhiên các phái đoàn ngoại giao Trung Quốc có thể liên lạc với bà. Chính quyền nào cũng hành động như vậy", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ. 

Giới truyền thông cho biết, cảnh sát Pháp đã mở cuộc điều tra về việc liệu Trung Quốc có cử các đặc vụ tới nước này để gây khó dễ với bà Grace Mạnh sau khi cựu Chủ tịch Interpol bị bắt với cáo buộc tham nhũng. "Pháp lo ngại về tình hình của ông Mạnh Hoành Vĩ và những đe dọa vợ ông nhận được", đại diện Bộ Nội vụ Pháp cho biết tại cuộc họp báo.

Phạm Huy Anh
.
.
.