Tranh chấp Kashmir lại khiến quan hệ Ấn Độ - Pakistan gia tăng căng thẳng

Thứ Hai, 21/10/2019, 21:10
Bất chấp thỏa thuận đạt được năm 2003 về tuân thủ lệnh ngừng bắn, giao tranh vẫn xảy ra giữa binh sĩ Ấn Độ và Pakistan tại ranh giới phân chia Kashmir...


Ngày 20-10 trở thành ngày đẫm máu nhất tại Kashmir kể từ khi Chính phú Ấn Độ thu hồi trạng thái tự trị đặc biệt của vùng đất này khi các cuộc đụng độ quân sự giữa Ấn Độ và Pakistan dọc đường ranh giới phân chia ở Kashmir (LoC) đã khiến 9 người thiệt mạng. Đây là một trong những vụ việc gây chết người nhiều nhất trong năm nay diễn ra tại LoC, nơi 2 bên thường có các cuộc đụng độ với vũ khí hạng nhẹ và hỏa lực.

Đại tá Rajesh Kalia, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Ấn Độ, cho biết phía Pakistan đã vi phạm lệnh ngừng bắn mà không có nguyên nhân. "Binh sĩ của chúng tôi đã đáp trả mạnh mẽ, gây thiệt hại nặng nề và thương vong cho kẻ thù", ông Kalia nói thêm.

Trong khi đó, Pakistan cũng tuyên bố rằng Ấn Độ tấn công trước mà không có nguyên nhân, và cố tình nhắm vào thường dân. Thiếu tướng Asif Ghafoor, phát ngôn viên lực lượng vũ trang Pakistan, cho biết họ đã đáp trả "hiệu quả", tiêu diệt 9 binh sĩ Ấn Độ, làm bị thương nhiều người khác và phá hủy 2 boongke. "Quân đội Ấn Độ sẽ luôn nhận được sự đáp trả thích hợp", ông Ghafoor tuyên bố.

Binh sĩ Ấn Độ tại khu vực Kashmir.

Quan hệ giữa 2 nước xấu đi trong thời gian gần đây khi ngày 5- 8,  Chính phủ Ấn Độ đã công bố sắc lệnh bãi bỏ Điều 370 trong Hiến pháp quy định quy chế đặc biệt đối với bang Jammu và Kashmir, đồng thời trình dự luật tách bang này thành 2 vùng lãnh thổ liên bang gồm Ladakh cùng Jammu & Kashmir, viện dẫn các hoạt động khủng bố xuyên biên giới trong bang Jammu & Kashmir.

Kashmir là vùng lãnh thổ có đa số người theo đạo Hồi sinh sống. Hiện Kashmir được chia thành hai phần do Ấn Độ và Pakistan quản lý, song hai nước đều nhận chủ quyền đối với toàn bộ vùng lãnh thổ này. Bất chấp thỏa thuận đạt được năm 2003 về tuân thủ lệnh ngừng bắn, giao tranh vẫn xảy ra giữa binh sĩ hai bên tại ranh giới phân chia Kashmir. 

Sau khi được Quốc hội thông qua, Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind đã ký ban hành Đạo luật chia tách bang Jammu và Kashmir 2019. Theo đạo luật trên, hai vùng lãnh thổ liên bang là Ladakh - không có cơ quan lập pháp - cùng Jammu và Kashmir - có cơ quan lập pháp - sẽ chính thức được thành lập từ ngày 31-10 tới.  

Đối với Ấn Độ, bước đi này được cho là những tính toán chiến lược của Thủ tướng Modi nhằm giải quyết vấn đề quy chế pháp lý của Kashmir, tranh thủ lấy lòng các đảng phái Hindu theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa và quan trọng hơn là việc ngăn chặn các tác động cực đoan từ các nhân tố bên ngoài (ám chỉ Pakistan). Chính phủ Ấn Độ nhấn mạnh việc chấm dứt quy chế đặc biệt tại Kashmir là vấn đề nội bộ, để chính phủ có thể kiểm soát tốt hơn tình hình tại đây. 

Trong các động thái đáp trả, Pakistan tuyên bố hạ cấp quan hệ ngoại giao, đình chỉ hoạt động thương mại song phương với Ấn Độ và đưa vấn đề này ra Liên hợp quốc. Islamabad đồng thời đình chỉ dịch vụ xe buýt hữu nghị tuyến Lahore - Delhi, cũng như tất cả các tuyến đường sắt kết nối với nước láng giềng này và cấm chiếu phim hay biểu diễn các loại hình nghệ thuật của Ấn Độ.

 Ngày 10-8, Pakistan tuyên bố, với sự hỗ trợ của Trung Quốc, nước này sẽ trình lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) một bản kiến nghị việc Ấn Độ bãi bỏ quy chế đặc biệt của vùng lãnh thổ Kashmir do New Delhi kiểm soát. Mặc dù vậy, Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi khẳng định Islamabad không tìm giải pháp quân sự cho vấn đề Kashmir.

Binh lính Ấn Độ tuần tra gần ranh giới LoC.

Ngày 16-8, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã tổ chức một cuộc họp kín để thảo luận về căng thẳng gia tăng giữa Ấn Độ và Pakistan liên quan đến vấn đề Kashmir. Tuy nhiên, cuộc họp đã kết thúc mà không đạt được sự đồng thuận rõ ràng nào. Ba Lan, quốc gia đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của HĐBA LHQ trong tháng 8, đã từ chối đưa ra thông báo do quan điểm bất đồng giữa các quốc gia thành viên. 

Hãng tin Kyodo dẫn lời ông Dmitry Polyanskiy - Phó Đại diện thường trực Nga tại LHQ cho biết, tại cuộc họp, Trung Quốc cho rằng căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan liên quan đến tranh chấp lãnh thổ ở vùng Kashmir là một vấn đề quốc tế, trong khi đó, các nước thành viên khác của HĐBA LHQ coi đây là vấn đề song phương.

Trong khi đó, phát biểu sau cuộc họp, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Zhang Jun cho biết các thành viên của HĐBA LHQ đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình tại Jammu và Kashmir. Theo quan chức này, quan điểm chung của các nước thành viên là kêu gọi những bên liên quan kiềm chế, không đưa ra các hành động đơn phương có thể làm gia tăng căng thẳng khu vực. 

Phản ứng quyết liệt của Pakistan và cả Ấn Độ hiện nay cho thấy vấn đề Kashmir như một "mồi lửa" có thể thổi bùng mọi mâu thuẫn giữa 2 cường quốc Nam Á. Và điều đáng lo ngại hơn là mồi lửa ấy có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột mang tính khu vực, khi đang xuất hiện các nhân tố mới tác động vào vụ việc. 

Quý Đức
.
.
.