Toan tính đằng sau quyết định rút quân Mỹ khỏi Đức
- Mỹ bị chỉ trích vì kế hoạch rút 10.000 quân khỏi Đức
- Mỹ rút 12 ngàn quân khỏi Đức, tái bố trí trên khắp châu Âu
Bộ chỉ huy quân sự Mỹ tại châu Âu hiện đóng tại Stuttgart (Đức) sẽ di dời sang Mons tại Bỉ và Bộ chỉ huy quân sự cho châu Phi (Africom) cũng tại Stuttgart rất có thể cũng sẽ bị di dời. Ngoài ra, số 2.500 quân nhân Mỹ thuộc lực lượng US Air Force đồn trú tại Mildenhall, vương quốc Anh, và lẽ ra sẽ phải được tái triển khai ở Đức, vẫn sẽ tiếp tục ở lại nước Anh.
Trong số 34.500 lính Mỹ đang đồn trú tại Đức, khoảng 6.400 binh sĩ sẽ được hồi hương, số 5.600 quân còn lại sẽ được tái bố trí tại nhiều quốc gia thành viên khác như Bỉ, Ý và Ba Lan (1.000 quân). Giới quan sát cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đang dùng NATO như là một công cụ đối ngoại để gây áp lực thương mại với Đức.
Gần 70 năm đối tác quân sự
Vì sao có đến ngần ấy lính Mỹ đồn trú tại Đức, trong khi mà NATO có đến 30 nước thành viên? Sự hiện diện của lính Mỹ ở Đức đã có từ gần 70 năm qua, vì sao lại thông báo rút quân vào lúc này?
Trang mạng Deutsche Welle của Đức nhắc lại tuy gia nhập khối NATO muộn (1955), sáu năm sau khi NATO thành lập (1949), Đức là nơi tập trung đông đảo và hầu hết các cơ sở quân sự của Mỹ nhiều nhất tại châu Âu. Trong những năm 1960, thời kỳ Chiến tranh Lạnh, số lính Mỹ trú đóng tại Đức có khi lên đến 275.000 người.
Chiến tranh Lạnh kết thúc, Liên Xô tan rã, nước Đức hợp nhất, nhưng NATO vẫn còn. Một kế hoạch phòng thủ chung giữa các nước có ký kết hiệp ước, trong đó có Mỹ và Đức đã được dự kiến. Chính trong khuôn khổ này mà lính Mỹ vẫn được lưu giữ lại trên lãnh thổ Đức cho đến ngày hôm nay.
Binh sĩ Mỹ tại một khu huấn luyện quân sự ở miền Nam nước Đức. |
Từ 21 căn cứ quân sự tại Đức, chủ yếu đóng tại các vùng Tây Nam, bang Bayern hay Hessen, Mỹ có thể tiến hành các chiến dịch quân sự ngoài lãnh thổ Mỹ như cuộc chiến tại Iraq. Nhiều loại vũ khí chiến lược như bom nguyên tử hay các loại drone cũng được cất trữ và điều khiển từ Đức. Bệnh viện quân đội ngoài lãnh thổ lớn nhất của Mỹ cũng nằm tại nước này…
Với Mỹ và Đức, trong mối quan hệ đối tác này đôi bên cùng có lợi: Mỹ bảo đảm an ninh cho nước Đức, đổi lại, nước Mỹ được quyền sử dụng các cơ sở hạ tầng tại Đức để có thể lập các căn cứ quân sự ngoài lãnh thổ.
Thâm hụt thương mại: Nỗi bất bình của ông Donald Trump
Thế nhưng, mối quan hệ hữu hảo này đang dần bị sứt mẻ. Những năm gần đây, nước Mỹ thời Tổng thống Donald Trump không ngừng chỉ trích nước Đức của Thủ tướng Angela Merkel là chậm trễ trong việc đóng góp ngân sách cho NATO. Ông chủ Nhà Trắng không ngần ngại dùng những lời lẽ đao to búa lớn để phê phán một cách công khai đồng minh thân cận, điều chưa từng thấy trong ngành ngoại giao.
Theo giới quan sát, việc thông báo tái triển khai chiến thuật chỉ là đòn tung hỏa mù, nhằm cảnh cáo nước Đức về việc đóng góp ngân sách cho NATO và những chính sách kinh tế hiện nay của Thủ tướng Angela Merkel, vốn dĩ không làm cho Tổng thống Mỹ Donald Trump cảm thấy hài lòng.
Mỹ dự kiến điều chuyển một số binh sĩ đồn trú tại Đức sang Ba Lan. |
Phân tích vấn đề này, ông Gerard Olivier, chuyên gia về Mỹ tại Viện Triển vọng và An ninh châu Âu – IPSE, cho rằng có 4 vấn đề trong chuyện này.
Thứ nhất, nằm ở việc Đức chậm trễ trong việc đóng góp vào ngân sách của khối NATO. 30 nước thành viên NATO đã thống nhất là dành 2% GDP cho đóng góp quân sự. Mỹ đóng đến 4%, Đức thì chỉ từ 1,1- 1,2%. Như vậy là Đức chậm trễ trong việc thực hiện các cam kết của mình. Ông Donald Trump lại là một doanh nhân, thế nên, ông không ngừng nhấn mạnh đến sự chậm trễ này.
Thứ hai là việc Đức có thặng dư mậu dịch với Mỹ. Trong trao đổi mậu dịch với Đức, Mỹ bị thâm hụt đến 50 tỷ đô la. Ông Trump không thích nền ngoại thương của Mỹ bị thâm hụt bất kể là với quốc gia nào. ông Trump muốn là Đức mua hàng Mỹ nhiều hơn. Do đó nếu có thể gây áp lực bằng cách này hay cách khác thì ông sẽ làm.
Thứ ba, chính là việc Đức mua khí đốt của Nga. Cả hai phía ký kết hợp đồng Nordstream từ gần 20 năm qua. Giờ đây, 2/3 khí ga nhập khẩu tại Đức là do Nga cung cấp. Ông Donald Trump cảm thấy khó hiểu làm sao một nước có nhu cầu được bảo vệ để chống Nga lại có thể thông qua một hợp đồng cực kỳ quan trọng với Nga về năng lượng. Hợp đồng Nordstream gần đây trị giá đến hơn 10 tỷ đô la, đó là những khoản tiền cực kỳ lớn.
Trong khi từ năm 2018, thời điểm ông Trump đã bước vào Nhà Trắng, Mỹ đã trở thành quốc gia xuất khẩu khí đốt hàng đầu, do vậy ông Trump rất muốn Đức mua khí ga tự nhiên của Mỹ chứ không phải của Nga nữa. Do vậy, nếu ông ấy có thể gây áp lực bằng cách đe dọa rút quân đương nhiên ông sẽ làm.
Thứ tư, ông Donald Trump và bà Angela Merkel chưa bao giờ thấu hiểu nhau cả. Đây cũng là một điểm căng thẳng trong cuộc đọ sức mà hai bên đưa ra từ nhiều năm qua.
Tổng thống Mỹ Trump và Thủ tướng Đức Merkel có quan điểm trái chiều trong nhiều vấn đề. |
Đức: Đồng minh hay đối thủ?
Theo giới quan sát, Trung Quốc không là đối thủ công nghệ duy nhất của Mỹ, mà giờ đây còn có cả nước Đức.
Theo ông Xavier Moreau, Giám đốc Trung tâm Phân tích chính trị - chiến lược (Stratpol), thực tế nằm ở điểm kể từ giờ đối với Washington, Berlin còn là một đối phương, một đối thủ cạnh tranh hơn là một đồng minh. Nước Đức là một hình ảnh đối lập của nước Mỹ.
Là một quốc gia được quản lý tốt, Đức đã duy trì thành công cỗ máy công nghiệp rất hiệu quả khi sử dụng đến công nghệ cao để nâng cao chất lượng sản xuất, trái với nền sản xuất công nghiệp Mỹ, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, vốn dĩ có tầm quan trọng khá lớn.
“Tôi lưu ý là các nòng pháo xe tăng Mỹ đều do một hãng luyện kim của Đức chế tạo. Tổ hợp công nghiệp quân sự Đức là cần thiết cho nước Mỹ. Giờ đây, Mỹ xem Đức như là một đối thủ cạnh tranh, nhất là trong ngành công nghiệp. Chính trong vòng xoáy các đòn trừng phạt và dọa dẫm mà Mỹ đưa ra để gây áp lực, giờ không chỉ nhắm vào kẻ thù mà còn dành cho cả các đồng minh, đã làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Đức”, ông Moreau nói.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong lần thăm căn cứ Mxy tại Grafenwoehr, Đức. |
Với thông báo chuyển quân sang những nước khác, đâu là hệ quả cho mối quan hệ giữa Washington và Berlin? Liệu Hoa Kỳ có thực sự biến đe dọa thành hiện thực hay không? Theo các nhà phân tích, ông Donald Trump lúc nào cũng trong trạng thái thương lượng. Mỗi một cử chỉ, một dòng tweet hay một lời tuyên bố trên thực tế là một hình thức thương thảo.
Mối quan hệ vốn dĩ đã căng thẳng đến một lúc nào đó cũng cần phải xác định lại. Nhưng ở đây chúng ta nên thoát ra khỏi khuôn khổ mối quan hệ song phương Mỹ và Đức, và nên đi vào khuôn khổ tái xác định lại nhiệm vụ thật sự của NATO. Ông J. Stoltenberg – Tổng thư ký NATO hiện nay –rất hài lòng về cách quản lý của ông Donald Trump, bởi vì chính nhờ sự đe dọa của Donald Trump, rất nhiều nước bắt đầu chịu đóng góp thêm.
Giờ thì mối quan hệ giữa Washington và Berlin có xấu đi thật, nhưng Đức hiện đang chạy đua với thời gian. Họ đang chờ xem liệu đến tháng 11 này có sự thay đổi nào không ở Nhà Trắng. Nếu có, thì càng tốt, bằng không, họ buộc phải thích ứng với một nhiệm kỳ thứ hai của Donald Trump.
Một điều chắc chắn là căng thẳng giữa Mỹ và Đức đang đẩy khối NATO lâm vào một cuộc khủng hoảng chưa từng có. Sự việc lại làm dấy lên một câu hỏi muôn thuở kể từ ngày Liên Xô sụp đổ: NATO để làm gì?
Nhất là trong bối cảnh giữa các thành viên của khối ngày càng có nhiều bất đồng trong các hồ sơ lớn. Căng thẳng quan hệ giữa Mỹ và Đức không là trường hợp duy nhất. Tranh chấp lãnh hải giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp cùng với những phản ứng của Pháp đang làm cho nội bộ của khối thêm bị chia rẽ.
Hình ảnh lá cờ mầu xanh biển có in hình biểu đồ gió được bao bọc bằng vòng tròn mầu trắng biểu tượng cho tình đoàn kết của khối ít nhiều đang bị hoen ố. Câu nói NATO “lỗi thời” của Donald Trump hay NATO trong trạng thái “chết não” từ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron giờ vẫn còn mang tính thời sự!