Toan tính của Thổ Nhĩ Kỳ trong quan hệ với 2 cường quốc

Thứ Ba, 06/08/2019, 12:52
Với quyết định loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình chế tạo máy bay tiêm kích tàng hình F-35, dường như Mỹ đang đẩy Thổ Nhĩ Kỳ ngả hẳn về phía Nga, bởi ngay sau đó, Nga đã tuyên bố sẵn sàng bán máy bay chiến đấu Su-57 cho Thổ Nhĩ Kỳ.


Giới phân tích cho rằng, quyết định này của Mỹ có thể là cách răn đe nhằm ngăn các thành viên NATO khác mua vũ khí từ Nga, nhưng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Nga. Trong khi đó Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẵn sàng có phương án trả đũa nếu bị Mỹ trừng phạt.

Ông Trump có "lấy đá ghè chân mình"?

Với phần lớn diện tích nằm tại Tây Á và một phần nằm tại Đông Nam Âu, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia xuyên lục địa, có biên giới với 8 quốc gia: Bulgaria ở phía Tây Bắc; Hy Lạp ở phía Tây; Gruzia ở phía Đông Bắc; Armenia, Iran và vùng tách rời Nakhchivan của Azerbaijan ở phía Đông; Iraq và Syria ở phía Đông Nam.

Quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Thổ ngày càng nồng ấm.

Địa Trung Hải ở phía Nam; biển Aegea ở phía Tây; và biển Đen ở phía Bắc. Biển Marmara, các eo biển Bosphorus và Dardanelles phân ranh giới giữa Thrace và Anatolia, và cũng phân chia châu Âu và châu Á.

Vị trí nằm tại nơi giao cắt giữa châu Âu và châu Á khiến Thổ Nhĩ Kỳ có tầm quan trọng địa chiến lược đáng kể. Với vị trí địa- chính trị quan trọng, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành tâm điểm trong các cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ và Nga trong suốt nhiều năm qua.

Năm 1952, Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập NATO và là thành viên Hồi giáo duy nhất của khối quân sự có lực lượng quân đội lên tới gần 1,1 triệu binh sĩ. Với tiềm lực quân sự mạnh và vị trí đặc biệt nằm ở cả châu Á và châu Âu đã tạo điều kiện cho Thổ Nhĩ Kỳ có tiếng nói quan trọng trong khu vực có nhiều biến động như Trung Đông, Nam Caucasus, Trung Á, biển Đen, Địa Trung Hải và vùng Balkan.

Thổ Nhĩ Kỳ có vị trí rất quan trọng trong việc thực hiện chính sách quốc phòng và an ninh chung của EU, đó là việc tạo các vùng đệm an ninh cho EU và cho các hoạt động quốc tế tại nhiều khu vực, từ Congo đến các nước Tây Balkan, từ Afghanistan đến Sudan.

Thổ Nhĩ Kỳ có những đóng góp đáng kể vào việc giải quyết các cuộc xung đột của các nước láng giềng và các khu vực có tranh chấp như Trung Đông. Thổ Nhĩ Kỳ cũng có vai trò rất quan trọng trong các cuộc đàm phán giữa các bên liên quan của các cuộc tranh chấp như Aghanistan và Pakistan, Nga và Georgia, Bosnia Herzegovina và Serbia. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã giúp đỡ Mỹ trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế, nhập cư bất hợp pháp, buôn bán người, ma túy, vũ khí và các hoạt động tội phạm khác. Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ được đánh giá là một trong những nước có quân đội mạnh nhất tại khu vực Trung Cận Đông.

Đề cập tới vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ với NATO, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nói rằng “Thổ Nhĩ Kỳ, với tư cách là thành viên NATO, còn quan trọng hơn S-400".

Việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S- 400 đã khiến Tổng thống Mỹ Donal Trump nổi giận. Tuy nhiên, ngày 18-7, Tổng thống Trump tuyên bố vào thời điểm hiện tại, Washington không xem xét trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ.

Việc ông Trump tỏ ra thận trọng như vậy có thể lo “già néo đứt dây”, bởi trước đó Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã tuyên bố: “Nếu Mỹ áp lệnh trừng phạt, chúng tôi sẽ đáp trả. Một động thái (trả đũa) có thể được thực hiện liên quan tới căn cứ Incirlik. Đây là phản ứng tự nhiên trong trường hợp này, không phải là mối đe dọa hay tống tiền”.

Căn cứ không quân Incirlik nằm ở phía Nam của Thổ Nhĩ Kỳ, cách biên giới Syria 110km xây dựng từ năm 1955 với sự hỗ trợ của Mỹ, là một trong những căn cứ quan trọng nhất của Mỹ trong khu vực kể từ thời Chiến tranh Lạnh.

Căn cứ này cũng là bệ phóng cho các chiến dịch ở Trung Đông, bao gồm trong Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất; chiến dịch ở Afghanistan và cuộc tấn công của liên minh do Mỹ lãnh đạo chống lại khủng bố IS ở Syria. Mặc dù Síp, Kuwait và Belarus đã được coi là lựa chọn thay thế cho Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng nếu so về vị trí chiến lược và cơ sở hạ tầng thì căn cứ Incirlik đã được chứng minh là không thể thay thế.

Ngày 26-7, Tổng thống Erdogan nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể xem xét lại hợp đồng mua máy bay Boeing của Mỹ với số tiền 10 tỷ USD cho Hãng Turkish Airlines, mà Chính phủ sở hữu 49% cổ phần.

“Chúng tôi là những khách hàng mua tốt. Nhưng nếu tình hình căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cứ tiếp tục như vậy, chúng tôi sẽ phải xét lại vấn đề này”, ông Erdogan nói. Chưa hết, theo hợp đồng mua 100 máy bay F-35 với Hãng Lockheed Martin, Thổ Nhĩ Kỳ phải trả khoảng 11 tỷ USD. Nếu Mỹ không bàn giao F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ, Lockheed Martin sẽ mất mối hàng khủng này vì số tiền đó Thổ Nhĩ Kỳ có thể chuyển sang mua máy bay chiến đấu Su-57 của Nga, bởi giá Su-57 rẻ hơn máy bay của Mỹ ít nhất là 30%.

Thổ Nhĩ Kỳ được gì khi mua S-400?

Thương vụ mua S-400 trị giá 2,5 tỷ USD của Thổ Nhĩ Kỳ là việc chưa từng có tiền lệ, bởi lâu nay Nga vẫn bị coi là đối thủ chính của NATO trong khi Thổ Nhĩ Kỳ lại là thành viên NATO.

Mỹ cho rằng S-400 của Nga không tương thích với công nghệ của tiêm kích tàng hình F-35, và sẽ làm tổn hại đến an ninh của NATO. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar khẳng định việc nước này mua S-400 "không phải là một lựa chọn mà là một điều cần thiết" vì những lo ngại về an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ.

Có chung biên giới với các quốc gia đang có nhiều bất ổn là Syria, Iraq và Iran, Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã tìm cách giải quyết những thiếu sót liên quan đến phòng thủ trên không. Nhưng theo giới phân tích, việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 không chỉ là sở hữu một hệ thống phòng thủ mà còn liên quan đến chiến lược xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng của nước này.

Từ những năm 1990, Thổ Nhĩ Kỳ đã đầu tư xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng bằng việc mua vũ khí của Mỹ và các quốc gia thành viên NATO nhưng kèm theo yêu cầu chuyển giao công nghệ. Năm 2010, Thổ Nhĩ Kỳ đã xuất khẩu các mặt hàng quốc phòng đạt trị giá 1 tỷ USD.

Tổng thống Erdogan từng khẳng định đến năm 2023, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước, Thổ Nhĩ Kỳ cần loại bỏ hoàn toàn sự phụ thuộc vào nhập khẩu các sản phẩm quốc phòng. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đặt mục tiêu công nghiệp quốc phòng đạt kim ngạch xuất khẩu 25 tỉ USD/năm vào năm 2023.

Ngày 13-6, Công ty Hàng không Thổ Nhĩ Kỳ cho biết sẽ sản xuất máy bay chiến đấu nội địa “Turkish Fighter” để đáp ứng nhu cầu của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Việc sản xuất và phát triển dự án máy bay tiêm kích Turkish Fighter là giải pháp thay thế cho việc không được tham gia chương trình F-35 đồng thời là bước tiến lớn của ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố họ đã buộc phải đàm phán với Nga để mua S-400 sau khi Mỹ từ chối cung cấp hệ thống Patriot. Vào các năm 2013 và 2017, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đề xuất bán cho Thổ Nhĩ Kỳ hệ thống phòng không Patriot. Nhưng các cuộc đàm phán đều thất bại do Thổ Nhĩ Kỳ đòi quyền chuyển giao công nghệ trong khi Mỹ không đồng ý với lý do ảnh hưởng tới lợi ích của nhà sản xuất Mỹ và những mối lo ngại về an ninh quốc gia.

Quyết định mua S-400, Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định đó là một trong những hệ thống phòng không tốt nhất hiện có, không những thế họ còn thỏa thuận với Nga bao gồm cả việc hợp tác sản xuất và chuyển giao công nghệ nhằm đáp ứng các mục tiêu dài hạn của Thổ Nhĩ Kỳ là độc lập quốc phòng.

"Các tổ hợp S-400 không chỉ giúp củng cố mạng lưới phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ mà còn góp phần thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước", Tổng giám đốc Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport Alexander Mikheev tuyên bố sau khi hoàn tất việc bàn giao tổ hợp S-400 đầu tiên.

Ông Mikheev cho biết Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu thảo luận về việc tổ chức sản xuất các chi tiết của hệ thống tên lửa phòng không S-400 ở Thổ Nhĩ Kỳ và đang đào tạo các chuyên gia.

"Hoàn toàn không có nghi ngờ gì về việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Hai bên cũng sẽ hợp tác sản xuất tổ hợp S-500", Tổng thống Erdogan phát biểu hôm 18-5 sau khi Nga đề xuất bán máy bay chiến đấu tàng hình Su-57 cho Thổ Nhĩ Kỳ nếu Mỹ loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi dự án siêu tiêm kích F-35.

Chỉ có lợi ích là vĩnh viễn

“Trên thế giới này, không có bạn bè vĩnh viễn hay kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia mới là vĩnh viễn”, câu nói của Thủ tướng Anh Churchill  cách đây mấy chục năm giờ đây đã trở thành nguyên tắc trong quan hệ đối ngoại của nhiều quốc gia.

Quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ từng lâm vào khủng hoảng trầm trọng khi ngày 24-11-2015, một chiếc tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn rơi máy bay Su-24 Nga ở khu vực gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria, phi công Nga bị bắt và sát hại. Tổng thống Putin đã gọi hành động này là "một nhát đâm sau lưng do những kẻ đồng lõa với khủng bố thực hiện".

Vụ việc khiến Nga quyết định áp đặt trừng phạt, như ra lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm từ Thổ Nhĩ Kỳ, ngừng chế độ miễn thị thực thăm viếng đối với công dân nước này, đồng thời cấm các hãng lữ hành Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp tour cho du khách Nga. Nhiều tháng sau, Moscow liên tục yêu cầu ông Erdogan xin lỗi và phải truy tố kẻ bắn chết phi công Nga.  

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu thảo luận hợp tác sản xuất các chi tiết của S-400.

Tháng 6-2016, trước sức ép kinh tế và quân sự của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ phải chính thức xin lỗi Nga về vụ bắn rơi Su-24. Tháng 5-2017, Nga quyết định xóa một phần lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ. Chỉ 5 tháng sau, tháng 12- 2017, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ký thỏa thuận mua tên lửa S-400 trị giá 2,5 tỷ USD. Mới đây nhất, ngày 25-7, Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh hủy bỏ một số biện pháp kinh tế đặc biệt đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Theo đó, công dân Thổ Nhĩ Kỳ mang hộ chiếu công vụ hoặc hộ chiếu đặc biệt được phép tới Nga công tác ngắn hạn mà không cần xin thị thực.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ tái lập quan hệ hữu nghị với Nga và quyết định mua S-400 diễn ra vào lúc Ankara ngày càng nghi ngờ chính sách của Washington khi Mỹ vẫn hỗ trợ cho một nhóm người Kurd ở Syria có liên kết với các phiến quân người Kurd chống lại Thổ Nhĩ Kỳ. Đặc biệt là những bất đồng với Mỹ về việc dẫn độ giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, người bị Ankara cáo buộc đã sắp đặt cuộc đảo chính bất thành hồi năm 2016, hiện đang sống tự do tại Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ càng mất niềm tin và cảnh giác với Washington.

Lời đe dọa trừng phạt của Mỹ không ngăn cản được Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 và tăng cường hợp tác quốc phòng Nga. Rõ ràng, khi quyết định mua S-400, Thổ Nhĩ Kỳ đã có những toan tính rất kỹ về những được - mất trong quan hệ với Mỹ và Nga. Và khi lợi ích quốc gia được đặt lên trên hết thì họ sẽ chọn phương án đạt được lợi ích lớn nhất.

Minh Khuê (tổng hợp)
.
.
.