Tình báo Mỹ thực sự biết gì về virus Corona?

Thứ Tư, 29/04/2020, 12:05
Đối diện với những tổn thất to lớn do đại dịch COVID-19 gây ra, chính quyền Mỹ đang tìm cách trút mọi tội lỗi lên đầu Trung Quốc - một chiến thuật nghi binh nhằm đổi hướng những lời chỉ trích về tình trạng thiếu sự chuẩn bị cần thiết để ứng phó với bệnh dịch?

Những hồ sơ kiện tụng đòi bồi thường hàng tỷ USD

Một loạt vụ kiện tụng sắp diễn ra, chẳng hạn như trường hợp Quận Nam Florida do công ty Luật Berman (liên kết với đảng Dân chủ) và Lucas-Compton (liên kết với đảng Cộng hòa) đứng ra làm người đại diện đệ đơn kiện.

Nói ngắn gọn là Trung Quốc sẽ phải bồi thường rất nhiều tiền. Ít nhất cũng là 1,2 tỷ USD, trùng với lượng tín phiếu kho bạc của Mỹ mà Trung Quốc đang nắm giữ, nhiều thì có thể lên tới 20 tỷ USD như yêu cầu được nêu ra trong một lá đơn kiện đã nộp tại Tòa án bang Texas.

Trung Quốc thiếu minh bạch, không công bố kịp thời cho thế giới phương Tây về sự xuất hiện của một loại virus khủng khiếp ở trên đất nước họ. Nếu Trung Quốc công bố sớm, phương Tây đã có đủ thời gian để chuẩn bị- Tổng thống Donald Trump và một số nhà lãnh đạo Mỹ đã liên tục tung ra những lời kết tội.

Tất cả những lời kết tội ồn ào và giận dữ này buộc chúng ta phải quay trở lại khoảng thời gian cuối năm 2019 để tìm hiểu xem vào lúc đó, tình báo Mỹ thực sự biết gì về con virus mà sau này đã được đặt tên chính thức là SARS-Cov-2.

Thông tin duy nhất có thể tham khảo, đấy là một bài viết của hãng ABC New, theo đó,  dựa trên những thông tin quan trọng nhận được vào tháng 11/2019, Trung tâm Tình báo Y tế Quốc gia (NCMI), một đơn vị thuộc Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA) của Bộ Quốc phòng Mỹ đã đưa ra những cảnh báo về một căn bệnh truyền nhiễm mới rất nguy hiểm tại Vũ Hán, những cảnh báo dựa trên việc "phân tích chi tiết những thông tin bị ngăn chặn phát tán cũng như những hình ảnh thu được từ vệ tinh".

Tổng thống Donald Trump thăm một phòng nghiên cứu virus ở Mỹ.

Một nguồn cung cấp tin ẩn danh đã nói với ABC New rằng "đây có thể là một sự kiện thảm khốc", người này cũng cho biết thêm rằng những lời cảnh báo này đã được "truyền đạt nhiều lần" tới DIA, tới những người đứng đầu ở Bộ Quốc phòng, thậm chí cũng đã được gửi đến Nhà Trắng.

Không có gì phải ngạc nhiên khi Bộ Quốc phòng buộc phải lên tiếng cải chính. Col R. Shane, Giám đốc Trung tâm Tình báo Y tế Quốc gia (NCMI) thuộc Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA) đã tuyên bố: "Vì những lợi ích của việc minh bạch thông tin trong cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng hiện nay, chúng tôi khẳng định rằng thông tin mà một vài hãng truyền thông đưa ra về sự tồn tại một bản phân tích, đánh giá nguy cơ của Coronavirus được thực hiện tại Trung tâm Tình báo Y tế Quốc gia vào tháng 11/2019 là hoàn toàn không đúng. Không hề có một "sản phẩm" nào thuộc loại này ở NCMI".

Điểm lại một vài sự kiện trong quá khứ

Ngày 12/11, một cặp vợ chồng đến từ Nội Mông đã được đưa vào Bệnh viện Bắc Kinh để điều trị bệnh dịch viêm phổi. CDC Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố trên Weibo (trang mạng xã hội phổ biến tại nước này) rằng xác xuất để hai ca bệnh này liên quan đến một bệnh dịch mới là "cực kỳ thấp", tuy nhiên đôi vợ chồng này vẫn được cách ly.

Bốn ngày sau, một trường hợp bị bệnh dịch viêm phổi nữa được phát hiện: một người đàn ông cũng đến từ Nội Mông, nhưng không liên quan gì đến cặp vợ chồng bệnh nhân trước đó. 

28 người tiếp xúc gần với người đàn ông này đã bị cách ly. Họ không hề có triệu chứng bệnh dịch. Bệnh dịch viêm phổi này có những triệu chứng suy hô hấp tương tự như viêm phổi thông thường.

Ngay từ ngày 12/11, CDC Trung Quốc đã công bố công khai ca bệnh của cặp vợ chồng đến từ Nội Mông này và nhấn mạnh rằng: "Không có lý do để lo lắng về một nguy cơ truyền nhiễm", nhưng thực tế vẫn có những ý kiến hoài nghi với nhận định này. 

Li Jifeng, bác sĩ tại Bệnh viện Triều Dương, nơi bộ ba bệnh nhân đến từ Nội Mông được điều trị, đã đưa ra những ý kiến riêng về ba ca bệnh này tại một diễn đàn trên Wechat (ý kiến này sau đó đã bị xóa bỏ bởi lý do kiểm duyệt).

Điểm mấu chốt là ba trường hợp bệnh nhân người Nội Mông mắc một căn bệnh gây ra bởi một loại vi khuẩn trong khi bệnh dịch COVID-19 là do virus SARS-Cov-2 gây ra chứ không phải do vi khuẩn. Trường hợp đầu tiên của SARS-Cov-2 chỉ được phát hiện ở Vũ Hán từ giữa đến cuối tháng 12. 

Và chỉ đến tháng 3 vừa rồi, các nhà khoa học Trung Quốc mới có thể truy tìm ngược trở lại cột mốc ngày 17/11 (vài ngày sau bộ ba bênh nhân Nội Mông đổ bệnh) để tìm ra trường hợp đầu tiên có sự xuất hiện của SARS-Cov-2.

Phòng thí nghiệm P4, "tâm chấn" của các tin đồn về nguồn gốc của Coronavirus.

Biết chính xác nơi để tìm

Không thể tin được rằng các nhân viên tình báo Mỹ, trong trường hợp này là NCMI, đã không biết gì về những sự kiện này ở Trung Quốc. Kết luận này dựa vào cách thức hoạt động của CIA và thực tế là các cuộc thảo luận về vấn đề này đã được mở ra khá công khai trên Weibo và WeChat. 

Vì vậy, nếu "sản phẩm" của NCMI được ABC News nhắc đến thực sự tồn tại, vào thời điểm tháng 11 nó chỉ có thể là những thông tin cảnh báo liên quan đến một số trường hợp mơ hồ về bệnh dịch viêm phổi liên quan đến ba bệnh nhân người Nội Mông được điều trị tại Bắc Kinh. 

Cảnh báo vào tháng 11 của NCMI gửi tới DIA, Bộ Quốc phòng, Hội đồng An ninh Quốc gia và thậm chí Nhà Trắng nếu có, thì chỉ có thể liên quan những ca bệnh dịch viêm phổi này.  Nó không thể là Coronavirus.

Câu hỏi hóc búa không thể tránh né là làm thế nào vào tháng 11 mà NCMI đã có thể biết về đại dịch COVID-19 khi mà các bác sĩ Trung Quốc chỉ thực sự xác định được các trường hợp đầu tiên của một "chủng viêm phổi mới" sớm nhất là vào ngày 26/12. 

Thêm vào đó là câu hỏi không kém phần thú vị là tại sao, ngay từ rất sớm, vào tháng 11 NCMI đã có mối quan tâm đặc biệt đến một vài ca viêm phổi dạng "cúm mùa", từ ba ca dịch viêm phổi ở Bắc Kinh đến những ca đầu tiên với sự xuất hiện những dấu hiệu của một "bệnh dịch viêm phổi bí ẩn" ở Vũ Hán.

Đúng là vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12 đã xuất hiện một vài dấu hiệu về sự gia tăng số bệnh nhân đến khám tại các phòng khám ở Vũ Hán, nhưng ở vào thời điểm đó, không một ai - các bác sĩ Trung Quốc, Chính phủ và tất nhiên là kể cả các nhân viên tình báo Mỹ - có thể hiểu được cái gì đang thực sự xảy ra.

Việc giờ đây Mỹ tuyên bố rằng Trung Quốc đã cố tình "che giấu" bệnh dịch COVID-19 là chưa đủ căn cứ, bởi chính người Trung Quốc cũng chỉ dám khẳng định chắc chắn rằng đây là một căn bệnh mới vào ngày 30/12 và họ đã báo ngay cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Bên trong phòng thí nghiệm P4 tại Vũ Hán, nơi chuyên nghiên cứu về virus.

Ngày 3/1/2020, người đứng đầu CDC Mỹ đã liên lạc với người đồng cấp Trung Quốc. Thời điểm đó các bác sĩ Trung Quốc đang tiến hành giải mã con virus bí hiểm này và mãi đến ngày 8/1 thủ phạm mới hiện nguyên hình, đó là một chủng virus mới: SARS-Cov-2, nguyên nhân gây ra dịch COVID-19.

Tiếp sau bài báo "gây chấn động" của ABC New thì đến lượt Israel vào cuộc. Tình báo Israel xác nhận rằng tháng 11 tình báo Mỹ đã "cảnh báo có hiệu quả" về một đại dịch "thảm khốc" có khả năng xảy ra ở Vũ Hán, Israel cũng khẳng định thêm rằng các đồng minh NATO cũng đã nhận được những lời cảnh báo tương tự.

Với những thông tin được nêu ra trong bài báo của ABC New và được tình báo Israel củng cố thêm, kết luận hiển nhiên sẽ là: chính quyền Trump và CDC Mỹ đã có không ít hơn 4 tháng ( từ tháng 11/2019 đến tháng 3/2020) để chuẩn bị đối phó với nguy cơ tàn phá khi bị dịch COVID-19 tấn công. Đến đây toàn bộ ghi vấn về việc "Trung Quốc che giấu bệnh dịch COVID-19" đã được giải mã.

Hơn thế nữa, những điều tình báo Israel bộc lộ sẽ dẫn đến một khả năng "thần kỳ" của tình báo Mỹ: Họ đã biết đến sự tồn tại của SARS-Cov-2 một tháng trước khi ca đầu tiên nhiễm bệnh dịch này được các bác sĩ tại một bệnh viện ở Vũ Hán xác nhận. 

Điều này chỉ có thể xảy ra nếu tình báo Mỹ hiểu biết một cách tường tận một chuỗi những sự kiện diễn ra trước đó, những sự kiện bắt buộc phải dẫn tới sẽ một "căn bệnh bí ẩn". 

Hơn thế nữa ngay lập tức họ phải biết tìm kiếm ở đâu: Không phải ở Nội Mông, không phải ở Bắc Kinh cũng không phải ở Quảng Châu, căn bệnh này phải nổ ra ở Vũ Hán.

Dương Đăng Hưng (tổng hợp)
.
.
.