Thượng đỉnh liên Triều 3 Nhiệm vụ khả thi?

Thứ Hai, 24/09/2018, 11:27
Ngày 14-9, sau khi kết thúc cuộc thảo luận kéo dài 17 giờ giữa các quan chức quân sự, 2 miền Triều Tiên đã nhất trí một số biện pháp giảm căng thẳng quân sự. Đây là bước đi trước thềm Hội nghị thượng đỉnh liên Triều thứ 3 trong năm nay, dự kiến diễn ra từ ngày 18 đến 20-9.


Hôm 13-9, 2 miền Triều Tiên bước vào cuộc đàm phán quân sự cấp chuyên viên ở làng đình chiến Panmunjeom. Xác nhận về các nội dung đạt được qua cuộc đàm phán này, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc khẳng định 2 miền Triều Tiên đã đạt được một "thỏa thuận quân sự toàn diện", ràng buộc cả Seoul và Bình Nhưỡng phải tuân thủ lịch trình của các biện pháp giảm căng thẳng quân sự đã được thống nhất.

Mong đợi điều gì?

Các nội dung của cuộc đàm phán này được đưa vào văn kiện tại Hội nghị thượng đỉnh lần 3 và sẽ được Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chính thức ký thông qua, trong đó có kế hoạch giải giáp Khu vực an ninh chung (JSA) và tiếp tục các hoạt động khai quật chung (JRO) hài cốt binh lính tử trận trong Khu phi quân sự (DMZ). 

Về công tác chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh lần 3, người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, Kwun Hyuk-ki cho biết Tổng thống Moon Jae-in cùng phái đoàn Hàn Quốc sẽ đi trên một chuyến bay thẳng tới Bình Nhưỡng. 

Nội dung chi tiết về chuyến bay, phương tiện bay đã được 2 bên thống nhất tại buổi làm việc cấp chuyên viên vào ngày 14-9. 

Ngoài ra, các nội dung khác cũng được thảo luận như lịch trình, các sự kiện và tiệc chiêu đãi... Hai bên đã nhất trí về số lượng thành viên phái đoàn Hàn Quốc tới Bình Nhưỡng lần này dưới 200 người.

Ngoài những nội dung nêu trên, vấn đề tuyên bố kết thúc chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953) sẽ là trọng điểm trong chương trình nghị sự tại Bình Nhưỡng, theo AP. Cuộc chiến này trước đó đã dừng lại với một thỏa thuận ngừng bắn, khiến bán đảo Triều Tiên về cơ bản vẫn ở trong tình trạng chiến tranh. 

Triều Tiên và Hàn Quốc kêu gọi hoàn thành tuyên bố kết thúc chiến tranh cuối năm 2018, dù vậy Mỹ muốn nhìn thấy những hành động cụ thể hơn hướng tới phi hạt nhân hóa trước. Một số nhà phân tích cho rằng một tuyên bố đưa ra có thể gây áp lực lên Mỹ để rút quân đội khỏi Hàn Quốc.

Theo ông Chung Eui-yong, Cố vấn An ninh quốc gia của Tổng thống Moon, người từng gặp ông Kim Jong-un ở Bình Nhưỡng, lãnh đạo Triều Tiên không cho rằng tuyên bố kết thúc chiến tranh sẽ làm suy yếu mối quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn hay khiến Mỹ phải rút quân khỏi Hàn Quốc. 

Bên cạnh đó, ông Kim muốn phi hạt nhân hóa trước khi nhiệm kỳ đầu tiêu của ông Trump kết thúc. 

Ông Chung cho biết lãnh đạo Triều Tiên nói sẽ không giữ lại vũ khí hạt nhân nếu nhận được sự đảm bảo an ninh và hiểu rằng tập trận chung Mỹ - Hàn phải tiếp tục. Bình luận này được cho là thay đổi quan trọng so với chủ trương trước đó của Triều Tiên, tuy nhiên lãnh đạo Kim chưa công khai đưa ra tuyên bố hay văn bản tương tự.

Làm rõ bất đồng phi hạt nhân

Vì vậy, Tổng thống Moon nếu không thể thuyết phục Triều Tiên đưa ra cam kết cụ thể về phi hạt nhân hóa, ít nhất cũng được kỳ vọng sẽ khiến ông Kim đưa những gì ông Chung nói thành thỏa thuận bằng văn bản, chuyên gia Do Hyeogn Cha thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách tại Seoul cho biết. 

Đây sẽ là điểm khởi đầu để thiết lập lịch trình phi hạt nhân hóa, giảm bớt mối lo ngại về ý định thực sự của Triều Tiên và làm rõ hơn trách nhiệm quan trọng của Triều Tiên trong việc giải quyết khủng hoảng hạt nhân, ông Cha nói thêm.

Cho đến nay, Mỹ-Hàn-Triều vẫn còn những bất đồng về chính xác những gì ông Kim cam kết khi nhắc đến ý định từ bỏ chương trình tên lửa và hạt nhân. Trước đó, tại các cuộc gặp với Tổng thống Moon và Tổng thống Trump, lãnh đạo Triều Tiên đã ký các tuyên bố cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo. 

Dù vậy, theo AP, Triều Tiên trong hàng chục năm đã đi theo một ý tưởng phi hạt nhân hóa không giống với ý tưởng của Mỹ, họ muốn người Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc, loại bỏ chiếc ô hạt nhân bảo vệ Nhật Bản trước khi ngừng theo đuổi chương trình hạt nhân. 

Đây có thể là nguyên nhân khiến ông Trump hủy bỏ kế hoạch đến Bình Nhưỡng của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kèm theo tuyên bố rằng ông cảm thấy chưa đạt được đủ kết quả tích cực từ những lần đàm phán trước.

Trong khi đó, Triều Tiên cáo buộc Mỹ đưa ra những yêu cầu đơn phương và hành xử không thiện chí về phi hạt nhân hóa, tức giận khi cho rằng họ phải từ bỏ chương trình hạt nhân trước khi hiệp ước hòa bình được ký kết hoặc lệnh trừng phạt quốc tế được dỡ bỏ.

Ông Moon, con trai trong gia đình của những người tị nạn chiến tranh Triều Tiên, nóng lòng muốn giữ cho quá trình ngoại giao hạt nhân được tiếp tục, không chỉ để hạn chế căng thẳng mà còn để thúc đẩy kế hoạch tham vọng với người hàng xóm miền Bắc, bao gồm các dự án hợp tác kinh tế và kết nối lại đường bộ và đường sắt liên Triều. Những dự án này đang bị các lệnh trừng phạt chống Triều Tiên cản trở. 

“Điều mà miền Nam và miền Bắc cần không chỉ là tuyên bố chung mà còn là những giải pháp để phát triển quan hệ một cách đáng kể” - Tổng thống Hàn Quốc nói trong cuộc họp nội các ngày 11-9. “Chúng ta không thể ngừng nỗ lực hòa giải và tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán giữa Triều Tiên và Mỹ được diễn ra thuận lợi.”

Ông Moon bị giảm tín nhiệm

Ánh sáng đang bắt đầu mờ dần trong chiến lược của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in với miền Bắc. Sự tín nhiệm của người dân đối với ông Moon đã rơi xuống 49% trong cuộc khảo sát gần đây của Gallup Hàn Quốc, lần đầu tiên giảm xuống dưới 50% kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 5-2017. Đây là mức sụt giảm nghiêm trọng nếu so với mức tín nhiệm 83% người dân dành cho ông sau hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của ông với ông Kim vào tháng 4.

Kim Taewoo, cựu Chủ tịch của Viện Thống nhất Quốc gia do Chính phủ tài trợ tại Seoul cho biết: "Người dân của chúng tôi đang bắt đầu biết rằng Triều Tiên sẽ không dễ dàng từ bỏ vũ khí hạt nhân, điều mà các chuyên gia đã dự đoán nhiều lần". 

Ông Moon có thể phải đối mặt với những khó khăn ngày càng tăng nếu hội nghị thượng đỉnh của ông với ông Kim ở Bình Nhưỡng không thực hiện tiến bộ rõ ràng về những nỗ lực để khiến Triều Tiên loại bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình.

Các vấn đề kinh tế như tăng trưởng thị trường việc làm mờ nhạt và giá bất động sản tăng cao cũng đang làm tăng thêm các vấn đề của ông Moon, thêm vào sự chống đối chính sách Triều Tiên của ông. "Nếu nền kinh tế trở nên tồi tệ hơn, nhiều người sẽ yêu cầu ông Moon ngừng tìm đến Triều Tiên và bắt đầu giải quyết các vấn đề kinh tế của chính chúng ta", Nam Sung-wook, giáo sư tại Đại học Hàn Quốc cho biết.

Chính trị Hàn Quốc được đặc trưng bởi sự phân chia giữa phái tự do và bảo thủ về quan điểm với Triều Tiên. Những người tự do muốn hòa giải với miền Bắc, trong khi những người bảo thủ coi Bình Nhưỡng như một nhà nước đối phương gây ra một mối đe dọa an ninh đáng kể. Những người tiền nhiệm bảo thủ của ông Moon, Park Geun-hye và Lee Myung-bak, phải đối mặt với những lời chỉ trích gay gắt từ những người tự do rằng lập trường cứng rắn của họ chỉ khiến Triều Tiên tiến hành nhiều thử nghiệm vũ khí hơn.

Trong một cuộc họp nội các tuần trước, ông Moon nói rằng ông không chỉ cần hỗ trợ quốc tế mạnh mẽ mà còn cần sự "ủng hộ phi đảng phái tại nhà" để giúp hội nghị thượng đỉnh tạo ra một bước tiến lớn hướng tới việc khử hạt nhân. 

"Xin vui lòng, đặt sang một bên chính trị đảng phái để đối mặt với những điều quan trọng đối với Hàn Quốc", ông Moon nói. Thậm chí ông còn yêu cầu các nhà lãnh đạo đối lập bảo thủ đi cùng ông đến Bình Nhưỡng trong hội nghị thượng đỉnh lần này, nhưng họ từ chối lời đề nghị của ông ngay lập tức.

Bàng Cương
.
.
.