Thực hư vụ giải cứu bất thành của nhà sáng lập Wikileaks

Thứ Sáu, 05/10/2018, 15:31
Danh tính của nhà sáng lập Wikileaks lại được nhắc tới và tạo ra một cuộc tranh luận mới sau khi tờ The Guardian tiết lộ, các nhà ngoại giao Nga từng muốn giải cứu ông Julian Assange ra khỏi Đại sứ quán Ecuador ở London, Anh để thoát khỏi yêu cầu dẫn độ của Mỹ.

Theo đó ông Julian Assange có thể được giải cứu bằng tàu thủy để đưa đến Ecuador, hoặc sử dụng xe ngoại giao đưa ra khỏi Đại sứ quán Ecuador ở London nhân dịp Noel hôm 24-12-2017, rồi đưa tới Nga sinh sống. 

Nếu kế hoạch sử dụng xe ngoại giao được thực hiện, ông Rommy Vallejo, cựu Giám đốc cơ quan tình báo Ecuador sẽ tới Anh ngày 15-12-2017 để giám sát chiến dịch giải cứu ông Julian Assange, nhưng việc này phải hủy vào phút cuối vì quá mạo hiểm. 

Một trong những nguyên nhân khiến kế hoạch kể trên bị hủy vào phút cuối bởi Anh từ chối cấp quyền miễn trừ ngoại giao đối với ông Julian Assange, sau khi Ecuador đồng ý bổ nhiệm nhà sáng lập Wikileaks là nhân viên ngoại giao của nước này.

Cuối năm 2017, một doanh nhân Nga đã tổ chức cuộc gặp giữa quan chức Nga với cựu Đại sứ Ecuador Fidel Narvez, thân cận với ông Julian Assange, về khả năng giúp nhà sáng lập Wikileaks an toàn rời khỏi Anh. 

Nhưng ông Fidel Narvez khẳng định với báo chí Anh rằng, không liên quan tới vụ giải cứu ông Julian Assange. Được biết, ông Fidel Narvez từng đóng vai trò quan trọng trong việc lập hành lang an toàn cho cựu nhân viên CIA Edward Snowden đào tẩu sau khi người này tiết lộ bí mật của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) lén do thám công dân xứ sở cờ hoa. 

Và cựu Tổng thống Ecuador Rafael Correa từng tuyên bố, ông Fidel Narvez quyết định việc lập hành lang an toàn cho cựu nhân viên CIA Edward Snowden, nhưng không báo cáo với chính phủ Ecuador. Trong khi Chính phủ Ecuador và Bộ Ngoại giao Nga từ chối bình luận thông tin của tờ The Guardian, Đại sứ quán Nga ở London khẳng định, họ không làm những việc như báo chí đã đưa.

Nhà sáng lập Wikileaks họp báo trong Sứ quán Ecuador.

Trong khi đó, hãng Reuters cho biết, ông Julian Assange từng được cử làm nhân viên ngoại giao ở Nga, nhưng quyết định này đã được Chính phủ Ecuador thu hồi sau khi Anh từ chối cấp quyền miễn trừ ngoại giao cho nhà sáng lập Wikileaks. 

Việc này được tiết lộ trong bức thư của Bộ Ngoại giao Ecuador gửi nữ nghị sĩ Paola Vintimilla của phe đối lập, người yêu cầu phải cung cấp thông tin về việc chính quyền cấp quốc tịch cho ông Julian Assange. 

Trong bức thư đề ngày 19-12-2017, Bộ Ngoại giao Ecuador cho biết, đã phê duyệt một chỉ định đặc biệt dành cho ông Julian Assange, để nhà sáng lập Wikileaks có thể làm nhiệm vụ tại Đại sứ quán Ecuador ở Nga. Theo tờ El Universo, chính quyền của cựu Tổng thống Rafael Correa đã cấp thẻ căn cước cho ông Julian Assange hôm 21-12-2017, và còn chuẩn bị cấp hộ chiếu, quốc tịch cho nhà sáng lập WikiLeaks.

Gần 10 tháng trước (4-12-2017), ông Julian Assange đã viết thư yêu cầu Ecuador cho phép tị nạn chính trị bằng cách trở thành nhân viên ngoại giao của nước này. Và đây là một trong những cơ sở để triển khai kế hoạch kể trên. 

Theo hãng Reuters, Tổng thống Ecuador Lenin Moreno muốn thông qua việc này để kết hợp với Nga giải thoát ông Julian Assange khỏi Anh - muốn nhà sáng lập Wikileaks rời khỏi Đại sứ quán Ecuador ở London vì việc tị nạn không thể kéo dài mãi, nhưng lại không muốn hủy quyền này vì lo ngại nguy hiểm có thể xảy ra đối với ông Julian Assange. 

Hơn 2 tháng trước (27-7), Tổng thống Lenin Moreno tuyên bố, ông Julian Assange sẽ phải rời khỏi Đại sứ quán Ecuador ở London, từng gọi nhà sáng lập WikiLeaks là tin tặc. Đồng thời coi đây là "vấn đề lịch sử" từ chính phủ của cựu Tổng thống Rafael Correa. Tuyên bố kể trên được Tổng thống Lenin Moreno đưa ra sau chuyến thăm Anh hôm 23-7.

Những thông tin kể trên xuất hiện sau khi luật sư của ông Julian Assange là Jennifer Robinson thông báo (9-8), WikiLeaks đang xem xét nghiêm túc lời đề nghị của Mỹ, nhưng cần chắc chắn về sự an toàn của nhà sáng lập WikiLeaks. 

Bởi trước đó Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ đã yêu cầu ông Julian Assange ra làm chứng trong cuộc điều tra liên quan đến cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. 

Gần 2 tháng trước (8-8), WikiLeaks cho biết, trong lá thư đề nghị được chuyển cho ông Julian Assange thông qua Đại sứ quán Mỹ ở London, Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ đã yêu cầu nhà sáng lập WikiLeaks ra làm chứng và tham gia vào cuộc phỏng vấn kín. 

Bộ phận phụ trách pháp lý của Wikileaks cho rằng, buổi điều trần phải tuân thủ tiêu chuẩn "đạo đức cao", nhất là đảm bảo an toàn cho ông Julian Assange. Ông Mark Summers, một trong những luật sư của nhà sáng lập WikiLeaks từng tuyên bố, việc ông Julian Assange phải sống trong Đại sứ quán Ecuador ở London đã bào mòn sức khỏe của con người này tới mức nguy kịch. 

Thiện Lân
.
.
.