Thổ Nhĩ Kỳ bị "tố" tấn công, đe dọa các nhà báo mạng

Thứ Năm, 17/11/2016, 18:26
Tính đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng cửa hơn 160 phương tiện truyền thông và bắt giữ khoảng 100 phóng viên bị cáo buộc có liên quan đến cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7-2016. 


2.000 trường hợp bị đe dọa trên mạng

Nhiều trang báo lớn nhận định rằng, đó mới chỉ là "một nửa câu chuyện" vì thực tế, nhiều nhà báo ở Thổ Nhĩ Kỳ đang phải sống, làm việc trong mối đe dọa bị tấn công, bao gồm cả hình thức đe dọa trên mạng internet.
Sau khi xảy ra vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7 vừa qua, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã có hành động "mạnh tay" với giới truyền thông. Gần đây nhất, 10 tờ báo, hai cơ quan thông tấn và ba tạp chí đã bị đóng cửa.

Kể từ tháng Giêng năm nay, Viện Báo chí quốc tế (IPI) đã ghi nhận hơn 2.000 trường hợp lạm dụng trực tuyến, bao gồm đe dọa giết người, đe dọa sử dụng bạo lực, lạm dụng tình dục, chiến dịch bôi nhọ, hack tài khoản chống lại các nhà báo tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo nhận định của nhiều nhà báo thì hành động này nằm trong "chiến dịch tăng cường" nhằm "bịt miệng những lời chỉ trích" chống Chính phủ. Dường như các nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã cảm thấy quen với việc bị tấn công, đe dọa trên mạng từ chiến dịch được gọi là "AKtrolls".

"Nhà báo nữ đang phải chịu nhiều lời chỉ trích rất "khó nghe". Thậm chí họ còn bị tấn công bằng những từ ngữ rất "đường phố" như "chó cái" hay "gái điếm".

Những cuộc tấn công trực tuyến muốn chuyển tải một thông điệp rằng, nhà báo phải thường xuyên tỏ lòng tôn kính với Chính phủ. Báo chí không được chỉ trích bất kỳ một người nào của Chính phủ", Gülsin Harman, một chuyên gia của IPI ở Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.

Gülsin Harman nói thêm, các nhà báo ủng hộ người Kurd hoặc người dân Thổ Nhĩ Kỳ làm việc cho các cơ quan truyền thông quốc tế cũng thường xuyên bị đe dọa.

Các nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ biểu tình, ủng hộ các đồng nghiệp bị giam giữ tại Ankara hồi  tháng 1-2016.

Nhà báo Emre Kýzýlkaya cho biết, trong các cuộc biểu tình chống chính phủ hồi tháng 6-2013, những nhà báo nữ cũng nhận được lời đe dọa giết hại hoặc tấn công tình dục.

Tấn công trực tuyến ở Thổ Nhĩ Kỳ được thực hiện qua nhiều hình thức, trong đó có việc xác lập hàng trăm tài khoản giả mạo để hoạt động.

Nhà báo Hurriyet Kýzýlkaya, người thường công khai chỉ trích các chính sách của nhà nước cho biết, có thời điểm, ông đã nhận được khoảng 800 -  900 lời đe dọa trên twitter.

Efe Kerem Szeri, một nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang sống lưu vong ở The Hague, Hà Lan nói rằng, các nhà báo còn bị tấn công, tác động từ những người có ảnh hưởng trong Chính phủ. IPI cũng đã tìm thấy bằng chứng rằng, ít nhất 20 trường hợp nhà báo bị hack tài khoản.

Nhà báo Bülent Mumay nói rằng, các nhà báo đang phải đối mặt với đe dọa bị bắt giữ và bị mất việc bất cứ lúc nào.

"Một ngày đến văn phòng, bạn thấy cánh cửa đóng kín, trên đó có một mảnh giấy: Cơ quan báo chí này đã bị Chính phủ đóng cửa. Tuy nhiên, nỗi lo sợ đó  không thể thay đổi tâm trí mà chỉ có thể ảnh hưởng đến tâm lý của tôi mà thôi", nhà báo Bülent Mumay nói.

Nhân viên của kênh truyền hình IMC TV khóc khi Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào trụ sở tòa soạn hôm 4-10 vừa qua.

Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ những cáo buộc

Nhà báo Kýzýlkaya nói rằng, chiến dịch tấn công các nhà báo trên mạng bắt đầu từ hoạt động của một nhóm thanh niên trẻ ủng hộ Chính phủ.

Sau đó, Chính phủ nhanh chóng nhận ra, việc làm này rất hiệu quả nên mở rộng việc chiêu mộ, thu hút sự tham gia của những người trung thành với Chính phủ đương nhiệm. Tuy nhiên, những thanh niên tham gia hoạt động này không phải là chuyên gia trực tuyến.

Vào tháng 9-2013, hoạt động được "chuyên nghiệp hóa" khi 6.000 người được tuyển dụng tham gia vào tổ chức mang tên "Văn phòng kỹ thuật số Thổ Nhĩ Kỳ".

Tuy nhiên, Gkhan Yucel, người điều hành Văn phòng kỹ thuật số Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng, văn phòng đã dừng hoạt động sau khi "hoàn thành sứ mệnh của mình" và khẳng định, văn phòng chưa bao giờ tham gia vào các hoạt động tấn công trực tuyến.

"Chúng tôi là những người có uy tín trong lĩnh vực truyền thông chính trị, kỹ thuật số và xây dựng thương hiệu. Chúng tôi không bao giờ thực hiện tấn công, đe dọa các nhà báo trực tuyến", ông Gkhan Yucel nói.

Yucel cho rằng, nếu một số người đang cố tình gây chia rẽ đất nước thì những nhà chức trách phải có hành động để bảo đảm an ninh quốc gia, cả trên internet và những nơi khác.

Mạnh Tường (Tổng hợp)
.
.
.