Nga – Thổ Nhĩ Kỳ chưa gặp nhau trong vấn đề Syria

Thứ Tư, 12/10/2016, 08:02
Trong cuộc hội đàm đầu tiên, kể từ sau cuộc khủng hoảng giữa hai nước bùng phát hồi cuối tháng 11 năm ngoái, tại vila Ottoman ở thành phố Istanbul hôm 10-10, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayip Erdogan tuyên bố sẽ khôi phục quan hệ hợp tác trong tất cả các lĩnh vực.

Tổng thống Putin thông báo Moskva đã quyết định dỡ bỏ từng phần các biện pháp trừng phạt kinh tế và hạn chế đối với những công ty của Thổ Nhĩ Kỳ, “hồi sinh” dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” và Nhà máy Điện hạt nhân Akkuyu.

Năm 2013, tập đoàn năng lượng hạt nhân Rosatom của Nga đã giành được hợp đồng trị giá 20 tỷ USD để xây dựng 4 lò phản ứng trong nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng quá trình xây dựng bị gián đoạn sau vụ việc máy bay chiến đấu Nga bị bắn rơi.

Về dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”, với tổng chi phí ước tính khoảng 11,4 tỉ euro từng được công bố hồi tháng 12-2014 trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kì của Tổng thống Putin, hai nhà lãnh đạo ngay sau đó đã chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận liên chính phủ về dự án này, do Bộ trưởng Năng lượng Nga Aleksandr Novak và Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên Thổ Nhĩ Kỳ Berat Albayrak ký.

Cái bắt tay phá băng quan hệ. Ảnh: Reuters

Việc xây dựng dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” được đánh giá là tin tốt cho nền kinh tế của các nước trực tiếp liên quan đến dự án với hàng tỷ USD được đầu tư, sản sinh ra hàng ngàn công ăn việc làm mới ở Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều nước châu Âu khác. 

Tuy nhiên, sau vụ không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiến đấu cơ của Nga, Moskva đã quyết định tạm dừng dự án.Đến tháng 8 vừa qua, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ công khai xin lỗi về sự cố bắn rơi máy bay, Nga mới cân nhắc việc hồi sinh dự án này.

Bên cạnh đó, Tổng thống Putin cũng cho biết Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) sẵn sàng tham gia chế tạo và giúp Thổ Nhĩ Kỳ phóng các vệ tinh liên lạc. Ngoài ra, hai nước cũng sẽ khôi phục các chuyến bay và giải quyết vấn đề thị thực giữa hai nước.

Cùng chung quan điểm với người đồng cấp Nga, Tổng thống Erdogan khẳng định: “Chúng tôi vừa ký thỏa thuận về dự án đường ống khí đốt “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”, và chúng tôi cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án này. Tôi tin rằng, quá trình khôi phục quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga sẽ nhanh chóng tiếp tục” trong rất nhiều lĩnh vực khác liên quan đến quan hệ song phương như kinh tế - thương mại.

Bên cạnh đó, mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng Tổng thống Erdogan tuyên bố Ankara vẫn sẵn sàng hợp tác với Moskva trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.

Cũng trong khuôn khổ cuộc hội đàm, Tổng thống Nga và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ đã dành rất nhiều thời gian để thảo luận về tình hình Syria, trong đó hai nhà lãnh đạo đều thống nhất rằng, việc khẩn cấp hiện nay là chấm dứt bạo lực tại khu vực này cũng như tăng cường tiếp xúc quân sự và tình báo và phát triển hơn nữa hợp tác quân sự - kỹ thuật.

Tổng thống Erdogan nói: “Chúng tôi đã trao đổi rất nhiều về tình hình Syria, về chiến dịch Lá chắn Euphrates của Thổ Nhĩ Kỳ và đánh giá cách chúng tôi có thể hợp tác với nhau theo hướng này”.

Đáp lại, ông chủ Điện Kremlin nêu rõ: “Cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều sớm ủng hộ việc chấm dứt đổ máu ở Syria. Chúng tôi tin rằng, những người yêu chuộng hòa bình đều ủng hộ đề xuất này”.

Cũng theo Tổng thống Putin, hai bên đã nhất trí rằng, Moskva và Ankara sẽ làm tất cả để ủng hộ sáng kiến của Đặc phái viên Liên Hợp Quốc phụ trách vấn đề Syria, ông Staffan de Mistura, về việc rút các nhóm vũ trang không muốn hạ vũ khí ra khỏi thành phố Aleppo để chấm dứt đổ máu.

Trước đó, ông Mistura đã kêu gọi các tay súng thuộc nhóm Mặt trận Al-Nusra, vốn được coi là nhánh của tổ chức khủng bố Al-Qaeda ở Syria, rời khỏi khu vực phía Đông thành phố Aleppo để dân thường có thể tiếp nhận cứu trợ nhân đạo, đồng thời tuyên bố ông sẵn sàng hộ tống khoảng 1.000 tay súng Hồi giáo ra khỏi thành phố này.

Theo ước tính của LHQ, có 275.000 dân thường, trong đó có 100.000 trẻ em, vẫn đang mắc kẹt tại khu vực phía Đông thành phố Aleppo.

Trong cuộc hội đàm này, chỉ có một vấn đề duy nhất mà 2 bên chưa thống nhất được với nhau là việc Nga ủng hộ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad với chiến dịch không kích kéo dài 1 năm nhằm vào phe nổi dậy, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ phe nổi dậy và muốn ông Assad từ bỏ quyền lực.

Tổng thống Erdogan cho biết Moskva và Ankara sẽ có thêm các cuộc đàm phán về xung đột ở Syria. Nhưng đường như 2 bên rất khó tìm được tiếng nói chung khi mà quan điểm vẫn còn một khoảng cách quá lớn.

Khổng Hà
.
.
.