Triệt đường dây làm khẩu trang tái chế
Khẩu trang tái chế
Cảnh sát quận Wihandaeng đã đột kích một nhà máy tái chế ở tiểu khu Nongsuong, tỉnh Saraburi miền Trung Thái Lan và phát hiện cơ sở này tái chế trái phép khẩu trang đã qua sử dụng. "Tôi đã liên lạc với Văn phòng Y tế Công cộng Wihandaeng để buộc tội nhà máy, vì hoạt động của nó có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của những người mua khẩu trang đã sử dụng cũng như những người trong cộng đồng gần nhà máy", ông Somsak Kaewsena, Cảnh sát trưởng quận Wihandaeng, cho biết.
Hiện trường vụ bắt giữ. |
Một công nhân khai báo với cảnh sát rằng họ nhận được khẩu trang đã qua sử dụng từ một đại lý và do đó không biết nguồn gốc thực sự. "Công nhân cho biết họ được trả 1 baht mỗi chiếc, mỗi người tái chế khoảng 300-400 khẩu trang mỗi ngày", ông Somsak nói.
Theo Straitstimes, cảnh sát tìm thấy 6 công nhân phân loại khẩu trang đã qua sử dụng và là lại chúng trước khi xếp vào hộp để trông giống như những cái mới, chưa sử dụng. Các sĩ quan đã thu giữ tất cả khẩu trang tại nhà máy và gửi một số mẫu cho Bộ Thương mại để điều tra nguồn gốc.
Kiểm soát khẩu trang và nước rửa tay
Trước đó, nhà chức trách Thái Lan đã siết chặt quản lý khẩu trang y tế xuất khẩu nhằm đảm bảo đủ nguồn cung trong nước trong bối cảnh chính phủ nước này đang chuẩn bị cho tình huống dịch bệnh COVID-19 bước vào giai đoạn 3, cấp độ đòi hỏi thực hiện những biện pháp nghiêm ngặt để đối phó với dịch bệnh.
Vụ trưởng Vụ Nội Thương thuộc Bộ Thương mại Thái Lan Whichai Phochanakij cho biết, những người đi ra khỏi lãnh thổ nước này sẽ chỉ được phép mang theo số lượng hạn chế khẩu trang nhằm bịt lỗ hổng bị lợi dụng.
Theo quy định mới có hiệu lực ngay lập tức, mỗi cá nhân khi ra khỏi Thái Lan chỉ được phép mang theo 30 khẩu trang hoặc tối đa 50 chiếc nếu có giấy chứng nhận y tế. Trước đó, Vụ Nội Thương yêu cầu phải xin giấy phép nếu xuất khẩu từ 500 chiếc khẩu trang trở lên, nhưng một số bên đã chia nhỏ số lượng trong từng đợt vận chuyển.
Thái Lan đã đưa khẩu trang và nước rửa tay có cồn vào danh sách kiểm soát giá nhằm đối phó với COVID-19. Nhà chức trách Thái Lan cho rằng việc đưa hai loại sản phẩm nói trên vào danh sách kiểm soát giá là cần thiết vì nhu cầu đối với khẩu trang đã tăng từ 30 triệu chiếc lên khoảng từ 40 đến 50 triệu chiếc mỗi tháng sau khi bùng phát dịch. Thái Lan sản xuất khoảng 30 triệu chiếc khẩu trang mỗi tháng.
Ông Whichai Phochanakij cho biết Chính phủ Thái Lan có thể hạn chế số lượng khẩu trang bán cho mỗi người là 10 chiếc một lần mua, trên cơ sở tính toán số lượng đủ dùng cho 15 ngày. Ông Whichai nói rằng theo Luật Giá hàng hóa và dịch vụ năm 1999, khi một mặt hàng được đưa vào danh sách kiểm soát giá, những ai được phát hiện tích trữ hoặc tăng giá có thể sẽ bị phạt tù giam không quá 7 năm hoặc bị phạt tới 140.000 baht (khoảng 4.500 USD), hoặc cả hai. Những ai không tuân thủ sẽ phải đối mặt với hình phạt 5 năm tù giam hoặc bị phạt không quá 100.000 baht, hoặc cả hai.
Thái Lan đẩy mạnh kiểm soát khẩu trang. |
Những biện pháp tương tự cũng được áp dụng đối với dung dịch rửa tay, ngoại trừ hạn chế đối với khối lượng xuất khẩu vì loại sản phẩm này vẫn còn đủ số lượng cho nhu cầu trong nước.
Giới chức cho biết những biện pháp nói trên chỉ là tạm thời và sẽ có hiệu lực cho đến khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 qua đi. Trước đó, Thủ tướng Prayut Chan-ocha viết trên Facebook khuyến cáo mọi người đeo khẩu trang khi ra ngoài và kêu gọi các xí nghiệp, công trình xây dựng tìm cách giảm lượng khói bụi, khí thải. Khí thải từ sản xuất công nghiệp, xây dựng, đốt đồng và phương tiện giao thông được cho là nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí ở Thái Lan trong những năm gần đây ngoài COVID-19.
Ông Prayut nhận định tình hình hiện nay vẫn nằm trong tầm kiểm soát, nhưng để đối phó với những kịch bản tồi tệ nhất, chính phủ Thái Lan đang làm việc để đảm bảo có đủ nguồn cung khẩu trang và hỗ trợ khu vực du lịch.