Tập đoàn Airbus bị điều tra tham nhũng
Sự có mặt của cựu Bộ trưởng Tài chính Đức Theo Waige và cựu Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Noelle Lenoir trong nhóm đánh giá độc lập do Airbus thuê cho thấy họ nghiêm túc và lo lắng trước việc Anh và Pháp quyết định mở cuộc điều tra gian lận và hối lộ liên quan tới các thương vụ mua bán máy bay phản lực do tập đoàn này sản xuất.
Trong thông báo đưa ra hôm 22-5, Airbus nhấn mạnh, những cố vấn cấp cao được thuê sẽ trực tiếp báo cáo với Giám đốc điều hành Tom Enders và Ban lãnh đạo tập đoàn chế tạo máy bay hàng đầu thế giới.
Theo ông Tom Enders, nhóm đánh giá độc lập sẽ thu thập thông tin từ tất cả các đơn vị của Airbus và xem xét kỹ lưỡng hệ thống hoạt động, cũng như những sai phạm của tập đoàn này.
Airbus khẳng định, tự nguyện thuê nhóm điều tra kể trên, bất chấp việc các chuyên gia luật pháp cho rằng việc này chỉ được thực hiện sau khi tham vấn các công tố viên Anh và Pháp.
Airbus là tập đoàn hàng đầu thế giới về lĩnh vực hàng không, vũ trụ và các dịch vụ đi kèm. Nhưng danh tiếng của Airbus đang bị hoen ố sau khi Giám đốc điều hành Tom Enders bị các công tố viên Áo chỉ đích danh là một trong những người bị điều tra tham nhũng.
Một tháng trước (26-4), các công tố viên Áo thông báo, họ quyết định mở cuộc điều tra đối với Giám đốc điều hành Tom Enders.
Airbus thuê nhóm đánh giá độc lập giám sát cuộc điều tra tham nhũng. |
Ông Tom Enders là một trong những nhân vật bị điều tra với cáo buộc tham nhũng và gian lận liên quan đến một hợp đồng máy bay tiêm kích Eurofighter từ năm 2003. Nhưng hãng Airbus cho rằng, cáo buộc đối với ông Tom Enders là "hoàn toàn không có căn cứ".
Trước đó (tháng 2-2017), các công tố viên Áo đã mở cuộc điều tra hình sự đối với Airbus và Tập đoàn Eurofighter (bao gồm BAE Systems, Leonardo của Italia và Airbus) sau khi Bộ Quốc phòng nước này cho rằng, Airbus và Eurofighter đã lừa dối Áo về giá, khả năng phân phối và thiết bị của đơn hàng trị giá 2 tỷ euro được ký kết năm 2003, và đòi mức bồi thường thiệt hại lên tới 1,1 tỷ euro.
Ngày 16-2, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Áo Michael Bauer cho biết, Airbus bị kiện vì gian lận và hối lộ trong hợp đồng trị giá 2 tỉ euro để cung cấp 15 chiến đấu cơ Eurofighter Typhoon.
Trước đó (cuối tháng 1), Airbus chấp nhận phán quyết truy thu thuế của Đức liên quan đến thương vụ năm 2003 tại Áo. Khi đó, ông Tom Enders là người đứng đầu Tập đoàn Hàng không vũ trụ và Quốc phòng châu Âu (EADS, tiền thân của Airbus).
Ông Tom Enders là một trong 16 cá nhân nằm trong danh sách những đối tượng bị điều tra. Theo giới truyền thông, 10 năm trước (2007-2017), cơ quan chức năng Áo đã mở cuộc điều tra tham nhũng và đình chỉ công tác Tư lệnh Không quân Áo bởi công ty của vợ ông đã được một nhà vận động hành lang hối lộ 87.600 euro trong thương vụ kể trên.
Năm 2012, Áo và Đức phối hợp điều tra xung quanh cáo buộc nhằm vào một số quan chức - đã nhận hàng triệu euro để bảo kê cho những hợp đồng với Airbus.
Thượng tuần tháng 8-2016, Văn phòng chống gian lận (SFO) của Anh đã mở cuộc điều tra hình sự đối với Airbus vì những cáo buộc gian lận, tham nhũng và hối lộ để "bôi trơn" các hợp đồng mua bán và sản xuất máy bay.
Giám đốc điều hành Airbus Tom Enders. |
Tới trung tuần tháng 3-2017, giới chức Pháp tuyên bố, sẽ phối hợp với cơ quan điều tra Anh để làm sáng tỏ những cáo buộc gian lận đối với Airbus.
Trước những cáo buộc và điều tra kể trên, Airbus đã cải tổ sâu rộng, thậm chí phải chuyển đổi các hoạt động kinh doanh cũng như các chương trình tương thích.
Tuy nhiên, hoạt động điều tra đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới công việc kinh doanh, cũng như sức cạnh tranh của tập đoàn chế tạo máy bay hàng đầu thế giới.
Theo giới chuyên môn, máy bay tiêm kích Eurofighter Typhoon là sản phẩm uy tín của ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu (bao gồm 4 quốc gia Đức, Tây Ban Nha, Anh và Italia) - 475 chiếc đã được bán cho Đức, Anh, Italia, Tây Ban Nha, Australia và Saudi Arabia.
Hơn 2 năm trước (30-4-2015), Airbus từng tuyên bố sẽ kiện Mỹ và Đức bởi Cơ quan tình báo Đức (BND) đã do thám họ theo đơn đặt hàng của tình báo Mỹ. "Chúng tôi biết rằng những công ty lớn như chúng tôi là mục tiêu bị do thám. Nhưng trong trường hợp này, mối nghi ngờ rất rõ ràng khiến chúng tôi thực sự lo lắng", đại diện Airbus khẳng định. Theo giới truyền thông, BND đã nghe lén điện thoại, trao đổi trên mạng cùng các phương tiện thông tin liên lạc khác của Airbus và Chính phủ Đức đã biết về hoạt động do thám của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) từ năm 2008. Được biết, có ít nhất 2 tài liệu từng được BND chuyển tới Phủ Thủ tướng Đức năm 2008 và 2010 thông báo về việc do thám của NSA. Và trong số các mục tiêu bị do thám có Tập đoàn EADS, công ty mẹ của Airbus và Tập đoàn chế tạo máy bay trực thăng Eurocopter. |