Tại sao chiến dịch giải cứu 52 con tin Mỹ tại Iran cách đây 35 năm thất bại?
- Kết thúc chiến dịch giải cứu con tin ở Burkina Faso
- Vụ bắt cóc 72 con tin tại tòa Đại sứ Nhật Bản tại Peru: Những hệ lụy sau cuộc giải cứu (kỳ cuối)
Còn ông Jimmy Carter, Tổng thống thứ 39 (từ 9-3-1977 đến 20-1-1981), được người kế vị yêu cầu lập tức bay sang Đức đón các con tin về nước. 35 năm đã trôi qua (1981-2016), nhưng vụ phóng thích 52 con tin Mỹ tại Iran lại được dư luận và giới chuyên môn đề cập bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.
Những quyết định bất ngờ
Một trong những nguyên nhân chính khiến vụ phóng thích 52 con tin Mỹ tại Iran lại được nhắc tới bởi họ vừa được chính phủ Mỹ quyết định bồi thường mỗi người 4,4 triệu USD. Theo giới truyền thông, một trong những điểm chú ý nhất của dự luật chi tiêu được thông qua hôm 18-12-2015 chính là các nạn nhân người Mỹ trong vụ bắt cóc con tin tại Iran năm 1979 được bồi thường mỗi người 4,4 triệu USD sau 36 năm kiện, đòi quyền lợi.
Quốc vương Iran Mohammad Reza Pahlavi hội kiến với Tổng thống Mỹ Jimmy Carternăm 1977. |
Dự luật chi tiêu mới cho phép thanh toán 10.000 USD/ngày đối với những người bị giam giữ. Theo đó, 37 con tin còn sống và thân nhân của 16 con tin đã chết trong vụ bị bắt cóc ngày 4-11-1979 ở Iran, sẽ được bồi thường 4,4 triệu USD/người.
Theo lời con tin Rodney Sickmann, họ bị tra tấn trong thời gian bị giam giữ, nhưng khiếu kiện của 52 con tin lên Tòa án tối cao và Quốc hội Mỹ không được chấp nhận. Tờ The New York Times cho biết, Mỹ có thể lấy tiền từ khoản phạt trị giá 9 tỉ USD dành cho Ngân hàng Paribas (Pháp) do vi phạm lệnh trừng phạt đối với Iran, Sudan và Cuba, để bồi thường cho các nạn nhân và người thân bị bắt cóc làm con tin ở Iran.
Giới chuyên môn coi đây là quyết định bất ngờ và việc này diễn ra sau 35 năm kết thúc vụ 52 con tin được trả tự do. Và ít người biết rằng, 52 con tin đã được phóng thích (20-1-1981) chỉ đúng 1 ngày sau khi Mỹ và Iran đặt bút ký thỏa thuận trả tự do cho họ.
Chiến dịch “Móng vuốt đại bàng” không giải cứu được con tin nào mà còn khiến Mỹ tổn thất 1 máy bay vận tải C-130 và 8 trực thăng RH-53. |
Tuy nhiên, để có thể ký thỏa thuận kể trên, Mỹ và Iran đã phải trải qua khá nhiều thăng trầm. Sau khi bắt 66 công dân Mỹ làm con tin hôm 4-11-1979 tại Đại sứ quán Mỹ ở Tehran, và để chứng tỏ thiện chí, ngày 17-11-1979, lãnh tụ Iran Ayatollah Ruhollah Khomeini đã ra lệnh phóng thích con tin nữ và người Mỹ gốc Phi, chỉ để lại 52 con tin.
Giới phân tích cho rằng, quyết định ngày 22-10-1979 của Tổng thống Jimmy Carter - cho phép Quốc vương Iran bị phế truất, ông Shah Mohammed Reza Pahlavi tị nạn chính trị và chữa bệnh tại Mỹ, là giọt nước tràn ly, khiến Đại sứ quán Mỹ ở Tehran bị tấn công hôm 4-11-1979.
Chính phủ mới ở Iran đã đưa ra một số điều kiện để phóng thích con tin, trong đó có yêu cầu Washington phải dẫn độ nhà lãnh đạo Shah Mohammed Reza Pahlavi về nước để xét xử và hoàn trả số tài sản của cựu vương cho Tehran. Bởi sau cuộc đảo chính lật đổ chính phủ của Thủ tướng Mohammed Mossadegh thành công (19-8-1953, cuộc khủng hoảng dầu hỏa mang tên Công ty dầu Anh-Iran được nối lại), Quốc vương Shah Mohammed Reza Pahlavi đã cho phép các công ty dầu hỏa của Anh, Mỹ và Hà Lan cùng khai thác với Iran. Quyết định của Quốc vương Shah Mohammed Reza Pahlavi đã tạo ra những phản đối của phe đối lập.
Năm 1962, Quốc vương Shah Mohammed Reza Pahlavi từng ra lệnh bắt ông Ayatollah Ruhollah Khomeini vì lập trường chống chính quyền thân phương Tây ở Tehran. Năm 1964, ông Ayatollah Ruhollah Khomeini phải sống lưu vong tại Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và Pháp.
Nên sau khi trở lại nắm quyền, ông Ayatollah Ruhollah Khomeini không những tuyên bố lập nhà nước Cộng hòa Hồi giáo, mà còn từ chối ảnh hưởng của Mỹ tại Iran, cũng như khu vực này. Giới phân tích cho biết, cái chết của cựu vương Shah Mohammed Reza Pahlavi ở Ai Cập và bị Iraq xâm chiếm là một trong những nguyên nhân chính khiến Iran chấp nhận đàm phán với Mỹ để giải quyết việc phóng thích 52 con tin.
Và khi đó Algieri là nhà trung gian hòa giải để Mỹ-Iran ký thỏa thuận Algiers (Algiers Accords). Ngay sau khi 52 con tin được phóng thích, Mỹ đã giải ngân gần 8 tỷ USD tài sản bị đóng băng cho Iran. Tuy cử người tiền nhiệm Jimmy Carter sang Đức đón con tin, nhưng tân Tổng thống Ronald Reagan không những áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế, mà còn kiện Iran ra Tòa án Công lý quốc tế xung quanh cuộc khủng hoảng con tin-ngoại giao kể trên.
Chiến dịch “Móng vuốt đại bàng”
Theo giới truyền thông, việc Tổng thống Jimmy Carter chỉ giành được 41% phiếu bầu trong cuộc bầu cử tháng 11-1980 là do thất bại trong cuộc giải cứu con tin ở Iran. Sau khi tuyên bố cắt đứt quan hệ với Iran, Tổng thống Jimmy Carter đã ra lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng Harold Brown lên kế hoạch giải cứu 52 con tin.
Chiếc trực thăng bị cháy khi thực hiện chiến dịch “Móng vuốt đại bàng”. |
Và chiến dịch giải cứu con tin với tên gọi Eagle Claw (Móng vuốt đại bàng) đã ra đời. Khi đó, chiến dịch này được chia làm 2 giai đoạn. Theo đó, giai đoạn chuẩn bị có tên gọi Operation Rice Bowl. Và công tác chuẩn bị kéo dài mấy tháng, tới thượng tuần tháng 4-1980, lính đặc nhiệm Mỹ mới được điều tới châu Á.
Khi đó Washington đã quyết định điều 12 máy bay, trong đó có 4 chiếc MC-130E Combat Talon, 3 chiếc EC-130E Commando Solo, 3 chiếc AC-130 Spectre và 2 chiếc vận tải quân sự C-141 Starlifter. Lầu Năm góc còn huy động 8 trực thăng RH-53D cùng 120 lính thuộc đơn vị đặc biệt tinh nhuệ Delta Force. Ngoài ra, 2 tàu sân bay chở tiêm kích và cường kích cũng được lệnh sẵn sàng hành động chi viện khi cần thiết. Giai đoạn hành động có tên gọi Operation Eagle Claw.
Giới truyền thông cho biết, đêm đầu tiên của chiến dịch “móng vuốt đại bàng”, 3 chiếc C-130 Combat Talon được lệnh chở 120 lính đặc nhiệm Delta Force tới Iran. Và nhiều hành động khác cũng diễn ra xung quanh khu vực ngoại ô thủ đô Tehran.
Theo kế hoạch, đến đêm thứ hai, các máy bay hạ cánh tại sân bay Manzariyeh, sau khi được 100 lính đặc nhiệm đánh chiếm và chốt giữ dưới sự yểm trợ của không quân. Trong lúc đó, lực lượng Delta Force đi trên các xe tải được chuẩn bị sẽ tiến đến Đại sứ quán Mỹ, đột kích đánh chiếm, cứu con tin và chở họ bằng trực thăng đến sân bay Manzariyeh. Số trực thăng sau khi kết thúc chiến dịch sẽ bị hủy.
Ngày 24-4-1980, Tổng thống Jimmy Carter phát lệnh thực thi chiến dịch “Móng vuốt đại bàng” từ hàng không mẫu hạm USS Nimitz. Theo giới truyền thông, chiến dịch “Móng vuốt đại bàng” bắt đầu từ tối 24-4-1980, nhưng mọi việc diễn ra không đúng như kế hoạch. Bởi khi đó 8 trực thăng bay ở độ cao thấp nhằm tránh radar phát hiện đã bị bão cát làm mất phương hướng. Do trục trặc kỹ thuật, nên chỉ có 6/8 trực thăng đến được điểm hẹn với các máy bay tiếp dầu, nhưng chậm hơn một tiếng đồng hồ theo kế hoạch.
Sau đó, người ta còn phát hiện trong số 6 trực thăng đến được điểm hẹn có 1 chiếc bị hỏng. Đúng lúc đó xuất hiện một xe buýt chở 43 người Iran và một xe chở dầu. Chiếc xe chở dầu bị lính đặc nhiệm bắn và tiếng nổ dữ dội đã khiến tính bí mật của chiến dịch bị mất. Mặc dù đã phát lệnh thu quân, quay về căn cứ, nhưng do hoảng loạn và thay đổi vị trí bất ngờ, nên một trực thăng đã va mạnh vào một chiếc EC-130E Commando Solo khiến cả 2 tổ lái đều thiệt mạng.
Vừa rơi vào tình trạng hoảng loạn, vừa phải khẩn trương đưa những người bị thương lên các máy bay còn lại, nên khi lính đặc nhiệm Mỹ rời khỏi Iran, họ đã bỏ lại hiện trường nhiều tài liệu, chứng cứ (5 trực thăng RH-53D còn nguyên vẹn bị bỏ lại) vạch trần số gián điệp Mỹ ở Tehran, cũng như kế hoạch giải cứu 52 con tin.
Điều quan trọng nhất là các chỉ huy không thống nhất được với nhau về kế hoạch tiếp theo. Mâu thuẫn giữa Trung tá Edward Seiffert, chỉ huy đội trực thăng với Đại tá Charlie Beckwith, chỉ huy đội Delta Force và Đại tá James Kyle, chỉ huy đội máy bay vận tải đã khiến cho mọi việc càng trở nên rối bời.
Theo tiết lộ của tờ Global Security, sau khi được Tổng thống Jimmy Carter giao nhiệm vụ, Lầu Năm góc đã lên kế hoạch giải cứu con tin. Ngoài lực lượng đột kích chính là 120 thành viên của Delta Force, còn có sự hỗ trợ của đội đặc nhiệm Ranger và người của CIA. Và theo kế hoạch, chiến dịch “Móng vuốt đại bàng” sẽ diễn ra trong 2 đêm 24 và 25-4-1980.
Theo đó, sau khi máy bay xâm nhập không phận Iran, các lực lượng liên quan lập tức thiết lập một trạm trung chuyển mang mật danh Sa mạc 1. Sau đó, 8 trực thăng RH-53D chở 120 thành viên của Delta Force cất cánh từ tàu sân bay USS Nimitz sẽ tiếp nhiên liệu tại Sa mạc 1 để bay đến điểm trung chuyển thứ 2 mang mật danh Sa mạc 2, cách thủ đô Tehran 83,6km. Và khi đó họ sẽ ngụy trang số máy bay, và chờ đến đêm 25-4-1980 tiếp tục hành động.
Trong khi đó, người của CIA bên trong Iran sẽ đưa xe tải đến Sa mạc 2 chở lực lượng đột kích tiến vào Đại sứ quán Mỹ ở Tehran. Trong khi 120 thành viên của Delta Force tấn công vào Đại sứ quán Mỹ, lính đặc nhiệm Ranger sẽ chiếm sân bay Manzariyeh, để dọn đường cho 2 chiếc vận tải quân sự C-141 Starlifter hạ cánh.
Và mấy phút trước khi diễn ra cuộc tấn công, một nhóm biệt kích sẽ cắt điện của toàn bộ khu vực để khiến cho phản ứng của quân đội Iran bị gián đoạn. Trong suốt quá trình diễn ra chiến dịch “Móng vuốt đại bàng”, phi đoàn CVW-8 của tàu sân bay USS Nimitz và CVW-14 thuộc USS Coral Sea làm nhiệm vụ yểm trợ trên không.
Sau thất bại của chiến dịch “Móng vuốt đại bàng” - vừa không cứu được con tin, vừa mất máy bay, cùng 8 binh sỹ thiệt mạng và 12 người bị thương, Thiếu tướng James Vaught, chỉ huy sứ mệnh kể trên lập tức trở thành “dê tế thần”. Và sau một thời gian điều tra, Ủy ban điều tra của Quốc hội Mỹ kết luận: Chiến dịch “Móng vuốt đại bàng” đã thất bại ngay từ khi lập kế hoạch và chuẩn bị lực lượng.