Tại sao Cảnh sát Pháp biểu tình?

Thứ Hai, 07/11/2016, 14:28
Ðược coi là lực lượng chủ chốt để chống lại các cuộc biểu tình, nhưng giờ đây Cảnh sát Pháp lại trở thành lực lượng biểu tình phi pháp. Vì sao có chuyện ngược đời này?

Làn sóng biểu tình của Cảnh sát Pháp bắt nguồn từ vụ các cảnh sát bị thương sau khi bị tấn công bằng bom xăng ở Viry-Châtillon (vùng Essonne) hôm 8-10. Hàng trăm cảnh sát đã tụ họp đi cùng các biểu ngữ trước quảng trường Nhà thờ Đức Bà ở thủ đô Paris. Hiện làn sóng này đã lan ra nhiều thành phố khác khắp nước Pháp và tính đến tối 22-10, họ đã có 6 đêm biểu tình liên tiếp.

Theo “bộc bạch” của những người canh giữ an ninh cho nhân dân, họ phải “xin lỗi chịu không nỗi” vì tình trạng thiếu phương tiện tác nghiệp như: xe công vụ rách nát, thiếu nhân lực triền miên, áo giáp chống đạn quá hạn sử dụng... Họ cho biết "đã quá sức chịu đựng" với những lời hứa hão của cấp trên, khiến họ giờ đây cũng trở thành nạn nhân của các vụ tấn công bạo lực khi thi hành công vụ.

Thời gian gần đây, Cảnh sát Pháp thường xuyên phải đối mặt với bạo lực, các vụ tấn công chống lại cảnh sát đã tăng 40% kể từ năm 2008, theo ông Nicolas Comte, một lãnh đạo Công đoàn Cảnh sát Unite SGP FO. "Hệ thống tư pháp đã không thể nắm bắt được hiện tượng này. Án phạt tù không phù hợp với hành vi phạm tội", ông Nicolas Comte phát biểu trên đài truyền hình BFM.

Lực lượng Cảnh sát Pháp cũng được cho đã bị quá tải vì các chiến dịch an ninh chống khủng bố kéo dài trong hơn 1 năm qua, cùng với sự kiện lớn Euro 2016 khiến thời gian làm việc tăng lên và mức độ căng thẳng ngày càng cao. Kể từ khi xảy ra những vụ tấn công khủng bố ở Paris trong tháng 1, Chính phủ Pháp đã thực hiện một kế hoạch an ninh (Vigipirate) triển khai cảnh sát bảo vệ 24/24 giờ ở những khu vực nhạy cảm, chẳng hạn thánh đường Hồi giáo, nhà thờ Công giáo và trường học Do Thái.

"Người ta cần hiểu cảnh sát đang không muốn làm việc. Kể từ khi các vụ tấn công khủng bố xảy ra vào tháng 1 và triển khai kế hoạch Vigipirate, những đồng nghiệp của chúng tôi phải làm thêm giờ không có ngày nghỉ. Họ luôn trong trạng thái mệt mỏi và làm việc dưới áp lực liên tục. Và lực lượng cảnh sát phải đối mặt với nhiều thử thách trong những tháng tới", ông Comte nói.

Chính quyền Paris đã bắt đầu lên tiếng để làm dịu tình hình vì ít khi cảnh sát ở Pháp xuống đường biểu tình bởi tuân thủ theo quy định của ngành và tránh làm mất mặt quốc gia. Sáng 21-10, đích thân Tổng thống François Hollande đã tuyên bố sẽ tổ chức buổi đối thoại với đại diện các tổ chức công đoàn của Cảnh sát Pháp vào đầu tuần sau.

"Tôi hiểu được sự chịu đựng đã quá lâu ở cảnh sát và hiến binh của chúng ta, vốn cũng là những công chức của chính quyền", nhà lãnh đạo nước Pháp đồng thời cũng nhìn nhận "các điều kiện làm việc quá thiếu thốn và khó khăn trong khi tình hình bạo lực thì đầy rẫy ".

Để xoa dịu sự giận dữ và chán nản của các nhân viên cấp dưới, người đứng đầu ngành cảnh sát Pháp Jean-Marc Falcone hôm 22-10 đã tuyên bố sẽ thực hiện một số thay đổi theo yêu cầu của cảnh sát, bao gồm nâng cấp trang thiết bị và cải thiện điều kiện làm việc. “Với tư cách là người đứng đầu ngành cảnh sát, tôi hiểu những quan ngại sâu sắc của họ. Tôi cũng chia sẽ hầu hết những yêu cầu của họ”, Falcone nói trên tờ Le Journal du Dimanche.

Anh Khoa
.
.
.